Gặp hai nhân chứng sống trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình
14:54', 30/8/ 2008 (GMT+7)

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vụ thảm sát 10 chiến sĩ cách mạng tại Ngã Ba Đình (Hoài Sơn - Hoài Nhơn) vào đêm 25.9.1961 vẫn rung lên trong lòng mỗi người dân Hoài Sơn một khúc bi tráng. Có hai chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Trình và Nguyễn Ánh đã thoát chết trong vụ thảm sát man rợ ấy.

 

Hai chứng nhân của vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình ngày ấy.

 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Nguyễn Văn Trình, tức Nguyễn Văn Báo đã trở về quê hương và được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, sau đó nghỉ hưu, ông trở về nhà, sống tại thôn An Hội (Hoài Sơn). Năm nay, bước vào tuổi 76 nhưng “trông ông già hơn tuổi rất nhiều”. Nhận xét về ông như vậy, ông cười và cho rằng: “Những trận đòn thù đã để lại cho tôi khá nhiều bệnh tật. Bây giờ, tôi ốm đau luôn…”. Còn ông Nguyễn Ánh (bí danh Nguyễn Hồng Sáng) sống ở thôn Túy Thạnh, đã 81 tuổi nhưng “đô con” và khỏe mạnh hơn.

* Bác Ánh à! Vào lúc đó, có đến 27 tên ngụy quân, ngụy quyền súng ống lăm lăm trong tay, dẫn giải 12 chiến sĩ của ta đã bị trói dính chùm với nhau. Làm sao mà bác thoát được?

- Sau khi cách mạng tiêu diệt 5 tên ác ôn, linh tính đã mách bảo tôi- lúc đó, tôi là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng, đã từng bị địch bắt ở tù nhiều năm rồi tha về - rằng, mình sẽ bị bắt, bị trả thù. Chiều hôm ấy, tôi bảo vợ nấu cơm sớm. Đang ăn thì 3 thằng dân vệ đẩy xe “hàng cá” xuống, chúng la lớn: “Anh Ánh, ăn cơm xong xuống đại diện có việc cần!”. Nói thế, nhưng chúng lôi tôi đi ngay, chẳng kịp ăn cơm. Xuống đến ấp chiến lược Quán bà Sính, tôi đã gặp 11 người của ta bị trói dính chùm thành 2 hàng. Hàng dưới đã có 6 người, hàng trên mới có 5. Thế là chúng trói luôn tôi vào đấy rồi dẫn tất cả ra Ngã Ba Đình.

Ông Nguyễn Ánh

Trên đường đi từ cầu Rộc, nhận thấy mấu dây trói có phần lơi lỏng, tôi bắt đầu bí mật lần thoát từng chút một, đến Ngã Ba Đình thì dây trói đã tuột được ra. Tôi vùng chạy… mặc cho chúng xả súng bắn theo… Tôi đã xác định, chạy cũng chết mà ở lại cũng chết. Nhưng chết trong khi chạy trốn còn hơn bị chúng xả súng bắn chết. Tôi cứ chạy. Chạy thật nhanh… chúng vừa la, vừa hô “đứng lại”, vừa rượt và bắn theo từng loạt đạn. Lạ thay, đạn chỉ bay trên đầu, bên hông, sượt ngoài da chân… Tôi chạy mãi và cuối cùng thì cũng đến được chòi Tùng (căn cứ cách mạng) và bắt đầu cuộc sống thoát ly, hoạt động trên núi.

* Thế còn bác Trình?

- Tôi cũng đã bị bắt trong những ngày đen tối đó. Bọn địch lùng sục, khủng bố gắt gao. Tôi vừa về An Đỗ để xem xét, nắm tình hình thì bị bắt. Chúng trói tôi, đẩy lên xe chở đến nhà tên xã trưởng Lê Văn Luận. Vừa thấy tôi, tên Luận đã rít lên đầy tức tối: “Mày giết anh tao, tao sẽ giết hết… không chỉ mình mày”… Lúc đó, 2 người cậu và ông anh họ tôi cũng đã bị bắt. Chúng nhốt chúng tôi lại rồi dùng cây gai quăn mà đánh, đá, đạp… suốt cả một ngày đêm. Đến chiều hôm sau, chúng tôi bị trói lại thành từng xâu một, hai tay bị trói quặt ra phía sau, rất chặt.

Sau khi anh Ánh vùng chạy thoát, chúng tức tối quay lại xả súng vào chúng tôi bằng rất nhiều loạt đạn điên cuồng. Các đồng chí lần lượt ngã xuống, máu chảy xối xả, thân thể nát nhừ. Anh Nguyễn Đi bị bắn nát đôi chân ngã xuống, đè lên tôi. May sao, tôi chỉ bị đạn sượt trên đầu, bóc đi một mảng da tóc... Tôi nghe tiếng anh Đi thì thào: “-Ai còn cựa đó?”. “-Trình đây! Tôi bị trên đầu, còn anh sao?”. “Tôi bị gãy chân!”… Chúng tôi thì thào trao đổi với nhau. Rồi anh Đi nói: “Chú đi được không thì gượng đi đi, tôi không đi được…”. Anh Đi bảo tôi nghiêng người để anh cởi giúp dây trói… Tôi thì thầm: “Tui đi không biết có đến nơi hay không? Sống thì lên núi, còn chết theo các anh luôn…”.

Nói rồi, tôi vùng chạy. Máu của mình, máu của đồng đội vẫn còn tưới khắp người... Tôi men theo những bụi dứa dại, những bụi tre rồi cứ thế, theo sát núi chạy miết về nhà. Trăng rằm tháng 8 đêm ấy sao mà sáng quá! Ánh trăng soi rõ từng vết máu trên người, trên quần áo đã rách tơi tả của tôi…

Vợ tôi mới sinh con nhỏ được một tuần. Nhìn thấy tôi bà ấy bật khóc… rồi lau rửa vết thương cho tôi… Tôi được đưa lên nằm trên chái nhà, một đêm, ngày. Vợ tôi bố trí mấy đứa nhỏ đi bắt cua để làm nhiệm vụ cảnh giới. Mặt trời vừa lặn, thằng em rể về đưa tôi lên núi (chòi Tùng). Sau đó, các đồng chí tiếp tục dẫn tôi lên chòi Niệm, vào nằm ở trạm xá hơn một tháng để chữa trị vết thương. Rồi tôi bắt đầu những ngày hoạt động trên núi và được tổ chức đưa đi học lớp quân báo, được bổ sung vào đường dây liên lạc của ta…

* Nghe nói, vợ con bác ngày ấy đã bị địch đàn áp, nhà cửa bị đốt phá… tâm trạng của bác lúc đó thế nào?

Ông Nguyễn Văn Trình

- Thời gian ở trên núi, tôi có được nghe mấy người dân đi rẫy báo: nhà cửa, ruộng vườn của tôi đã bị địch cày ủi, đốt rụi. Vợ và mẹ tôi bị chúng bắt nhốt trên bót tra tấn dã man. Tôi thương vợ quá. Bà ấy mới vừa sinh con lại phải chịu tù đày đến 3-4 năm. Sau ngày ra tù, bà ấy chỉ sống được ít năm rồi mất. Các con tôi ra tù cũng phải sống trốn chui, trốn nhủi. Hàng ngày lên núi kiếm củi đổi gạo ăn… Đi hoạt động mà lòng tôi cứ như lửa đốt… Năm 1967, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ dân vận quyên góp gạo, tiền cho kháng chiến. Được xuống dân, tôi cũng đã cố hỏi thăm tung tích vợ con nhưng vẫn không gặp được. Mãi đến năm 1972, nhân dân Hoài Sơn đồng khởi, tôi mới được gặp lại gia đình...

Sau khi Hoài Sơn được giải phóng, ông Nguyễn Văn Trình được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn cho đến năm 1984 thì nghỉ hưu. Ông là thương binh, tỉ lệ thương tật 21%; đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quyết thắng Hạng I, Huân chương kháng chiến Hạng I, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… Còn ông Nguyễn Ánh thì tham gia Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Hoài Sơn đến năm 1987 thì nghỉ hưu. Ông cũng là thương binh, hạng 3/4; được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng I…

* Hai bác nghĩ gì về sự sống sót diệu kỳ của mình trong sự kiện đau thương đêm 25.9.1961 ấy?

Biểu tượng “Ngọn lửa căm thù” tại di tích Ngã Ba Đình do tác giả Nguyễn Hồng Hải thiết kế và thực hiện. Bố cục là hình tượng ngọn lửa bốc cao lên thành cột lửa trên nền mặt trống đồng cách điệu, khắc họa những hình hoa văn chim Lạc nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Các mảng phù điêu khắc trên trống đồng và hình ảnh ngọn lửa đã tố cáo tội ác kẻ thù, ca ngợi sự hy sinh anh dũng và ý chí kiên cường của những người đã ngã xuống làm nên chiến thắng hôm nay.

- Chúng tôi thật là may mắn. Thật không thể ngờ được, sự sống vẫn cứ tồn tại trong những làn đạn dày đặc, điên cuồng và man rợ ấy. Những năm sau này, tiếp tục thoát ly hoạt động cách mạng, có những lúc cán bộ của ta bị địch bắt, bị tra tấn, bị giết và hy sinh rất nhiều… Nhưng chúng tôi vẫn kiên định, bền gan với cuộc kháng chiến đầy gian khổ, cam go vì nghĩ rằng: mình đã từng bị mấy chục họng súng xả bắn trực diện mà còn chưa chết được thì lẽ nào, bom đạn có thể làm hại được mình. Cách mạng sẽ mãi mãi trường tồn cho dù có những lúc khó khăn…

Hơn 20 năm đóng góp cho cuộc kháng chiến, chúng tôi thấy mình được sống như ngày hôm nay thật là vô cùng quý báu. So với bao nhiêu anh em, đồng đội đã hy sinh cho đất nước được độc lập, tự do… công lao của mình cũng chỉ là hạt cát, hạt bụi. Những năm cuối đời, chúng tôi cũng thường cùng nhau ra Ngã Ba Đình tưởng nhớ về quá khứ và hẹn với nhau tiếp tục sống tốt trong hiện tại. Bởi chúng tôi bây giờ đã là những chứng nhân của tội ác trong chiến tranh. Chứng nhân của một giai đoạn cách mạng hào hùng. Chúng tôi mong muốn lớp con cháu sau này, tiếp tục sống xứng đáng như cha anh, xây dựng quê hương đất nước được mãi mãi yên bình, thịnh vượng…

  • Hoa Oanh

Vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình diễn ra vào đêm 25.9.1961. Thời kỳ này, cách mạng đang gặp khó khăn vì Ngô Đình Diệm ban hành luật 10-59, thẳng tay đàn áp những người yêu nước đứng lên chống lại giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Nhưng không vì thế mà chúng khuất phục được tinh thần đấu tranh của quân và dân ta. Các cơ sở cách mạng vẫn dựa vào dân hoạt động, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Điển hình là việc các chiến sĩ đặc công đã cùng với nhân dân trong vùng bí mật tiêu diệt 5 tên ấp trưởng, ấp phó ác ôn ở xã Hoài Sơn, trong đó có tên Lê Công là anh ruột của tên xã trưởng Lê Văn Luận, khét tiếng tàn ác. Một ngày sau khi tên Lê Công đền tội, tên Luận đã lùng sục và bắt 12 chiến sĩ của ta đưa ra Ngã Ba Đình tra tấn dã man rồi xả súng sát hại họ.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi sự sống bắt đầu  (25/08/2008)
Theo dấu mỏ đá cảnh Cát Sơn  (23/08/2008)
Hồn hậu Quy Hòa  (18/08/2008)
Người giữ gen gà chọi dòng Tây Sơn  (16/08/2008)
Về Hoài Sơn  (11/08/2008)
Vì những mùa vàng bội thu  (09/08/2008)
Nỗi lòng “bông huệ trắng”   (02/08/2008)
Mặn hơn là muối  (28/07/2008)
Người đàn bà “mê” làm rượu  (26/07/2008)
Chuyện về một chiến sĩ biệt động  (23/07/2008)
Hoài cổ với nhà cổ  (21/07/2008)
Gặp một người “thừa tự”  (19/07/2008)
Ngọt ngào kem, bánh  (14/07/2008)
Thoáng Bình Định trong một nhà vườn Huế  (07/07/2008)
Gửi hồn vào chất liệu đồng quê  (05/07/2008)