Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) là địa danh gắn liền với những chiến tích hào hùng của quân và dân Hoài Nhơn trong hai cuộc kháng chiến. Sau hòa bình, người dân trên mảnh đất anh dũng này đang từng ngày xây dựng một cuộc sống ấm no, giàu đẹp...
|
Một góc thôn Lộ Diêu từ trên đèo nhìn xuống.
|
* Thôn giữa 2 đèo
Giờ đây con đường ven biển ĐT 639 chạy ngang qua thôn đã hoàn thành, nhưng Lộ Diêu vẫn nằm lọt thỏm giữa 2 con đèo, đó là đèo Lộ Diêu Trong giáp với xã Mỹ Đức (Phù Mỹ) và đèo Lộ Diêu Ngoài giáp với trung tâm xã Hoài Mỹ. Từ trên cao nhìn xuống, Lộ Diêu giống như một cánh cung khổng lồ, lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển, chính giữa là cánh đồng. Trước đây, khi chưa có con đường ĐT 639, việc lưu thông của người dân rất khó khăn. Muốn lên trung tâm xã người dân ở đây phải đi bộ mất 1 giờ; còn muốn qua Mỹ Đức phải mất thời gian gấp đôi. Giờ đây, dân Lộ Diêu muốn vượt đèo chỉ mất chừng 15 đến 30 phút. Cũng do địa thế hiểm trở, Lộ Diêu đã trở thành cái nôi của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
|
Ông Lê Văn Nốt bên chiếc tàu không số do ông đắp bằng xi măng để tưởng nhớ đến chiến tích năm xưa.
|
* Chiến tích năm xưa
Hơn 30 năm về trước, ở Lộ Diêu đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt mà chiến tích hào hùng nhất là sự kiện con tàu không số chở 36 tấn vũ khí, đạn dược cùng chất nổ từ hậu phương lớn miền Bắc vượt qua hàng ngàn hải lý với bao lớp phòng thủ của địch, cập bến Lộ Diêu an toàn vào đêm 30.10.1964. Số vũ khí đó đã được cấp phát kịp thời cho bộ đội ta, góp phần quan trọng vào chiến thắng An Lão (12.1964), chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu (2.1965), Đồi 10 Hoài Châu (1964)...
Về Lộ Diêu lần này, chúng tôi may mắn gặp được một thành viên của chuyến tàu không số năm xưa, đó là ông Lê Văn Nốt, nay đã 74 tuổi. Ông Nốt sinh ra và lớn lên ở Lộ Diêu, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi nên ông đã gắn bó với mảnh đất này như hình với bóng. Khi nghe chúng tôi nhắc lại chiến tích con tàu không số, ông xúc động và nuối tiếc: “Không biết các anh em trên tàu không số ai còn, ai mất. Cách đây 3 năm, đơn vị có tổ chức gặp mặt ở Đà Nẵng, tôi bị bệnh không ra dự được nên không có thông tin”.
Rồi ông Nốt bắt đầu kể lại hành trình của con tàu không số: Tháng 7.1963, tôi cùng anh Khương, anh Kiệm (ở Phú Thứ, xã Mỹ Đức, Phù Mỹ) và anh Trần Phi Khanh (xã Ân Hữu, Hoài Ân) lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào Bình Định. Mất 4 tháng vượt đường Trường Sơn đầy gian khổ, chúng tôi mới có mặt ở Hà Nội. Ngày 9.10.1964, tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập và nhận nhiệm vụ vận chuyển chuyến vũ khí vào Bình Định. Sau 2 tuần xuất phát ra khơi, gặp phải gió mùa, chiếc tàu vỏ gỗ nhỏ chở 36 tấn vũ khí không chịu đựng được phải quay trở về. Đến ngày 26.10.1964, biển bớt động, tàu không số được ngụy trang thành tàu đánh cá lại tiếp tục ra khơi. Sau một tuần chạy lòng vòng trên biển để đánh lạc hướng địch, khoảng 5 giờ sáng ngày 31.10.1964 thì tàu cập bờ Lộ Diêu. 36 tấn vũ khí đã được người dân Lộ Diêu và lân cận nhanh chóng vận chuyển, cất giấu vào những nơi bí mật, sau đó cấp phát cho các đơn vị bộ đội, góp phần làm nên những chiến thắng to lớn...
Sau đợt vận chuyển vũ khí đó, ông Nốt tiếp tục làm công tác vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam, góp phần vào chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.
Để tưởng nhớ lại con tàu không số, tưởng nhớ đồng đội năm xưa, ông Nốt đã miệt mài tự mình đắp một con tàu bằng gạch và xi măng ngay trước sân nhà. Ông tâm sự: “Hình dáng con tàu bằng xi măng này giống y hệt như con tàu không số năm xưa. Mỗi khi nhớ đến con tàu không số, nhớ đến đồng đội, tôi lại ngồi ngắm nó”.
Về Lộ Diêu, chúng tôi cũng đã tìm gặp con người từng bắn rơi máy bay Mỹ vào năm 1966, khi chúng ồ ạt ném bom xuống mảnh đất này, đó là ông Trần Kim Long, hiện là Phó trưởng thôn Lộ Diêu. Nhưng khi nghe chúng tôi nhắc lại chiến công đó, ông Long lại cho là một việc bình thường, và bảo đó là chiến công của cả người dân Lộ Diêu này...
|
Thế hệ mới ở Lộ Diêu.
|
* Lộ Diêu hôm nay
So với 2-3 năm về trước, Lộ Diêu đã thay đổi khá nhiều, điện-đường-trường-trạm được xây dựng đầy đủ, nhiều ngôi nhà mới đồ sộ đã mọc lên. Khi trao đổi với chúng tôi về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Lộ Diêu, ông Võ Xuân Kinh, Trưởng thôn Lộ Diêu đã đọc vanh vách từng con số, từng điểm nổi bật của thôn mà không cần phải lật sổ, bởi tính đến nay, ông đã có 24 năm làm trưởng thôn. Ông Kinh cho biết: “Diện tích tự nhiên của Lộ Diêu gần 1.200 hecta, có 484 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống. Đời sống kinh tế chủ yếu của thôn là đánh bắt thủy sản, nông nghiệp và lâm nghiệp. Cả thôn chỉ có 57 hộ nghèo, chủ yếu là những hộ già yếu, neo đơn. Trên 85% hộ dân có xe máy, 95% hộ có ti vi, tỉ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm, đã có trên 20 em đang theo học đại học, cao đẳng...”.
Điều may mắn là ở Lộ Diêu, trong nhiều năm qua, không xảy ra dịch bệnh tôm, nhờ môi trường nước ở đây không bị ô nhiễm. Do đó các hộ nuôi tôm trên cát hầu như mùa nào cũng trúng. Nhiều hộ biết cách làm ăn, mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu thuyền, đi đánh bắt xa bờ hoặc đầu tư nuôi tôm trên cát, mỗi năm thu lãi từ 50-70 triệu đồng, như hộ Trần An, Đỗ Văn Điện, Nguyễn Phương... Không những nghề đánh bắt thủy sản giúp cho người dân trong thôn giàu có lên mà nghề trồng rừng cũng đã, đang và sẽ giúp Lộ Diêu có thêm nhiều hộ giàu. Hiện nay, 60% người dân trong thôn có rừng trồng. Hộ ít vài hecta, hộ nhiều cả trăm hecta rừng. Điển hình như hộ ông Trần Minh Đức, trồng 50 hecta rừng bạch đàn, keo lá tràm, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ bán rừng.
Trong niềm vui về sự đổi thay nhanh chóng của Lộ Diêu, ông Trần Xuân Kinh vẫn thoáng nỗi buồn. Bởi Lộ Diêu vẫn còn đó một số khó khăn. Hơn 50 hecta đất nông nghiệp trong thôn phải trông chờ vào thiên nhiên, vì chưa có hồ thủy lợi. Từ khi con đường ĐT 639 hoàn thành, 10,5 hecta đất nông nghiệp của 80 hộ dân trong thôn bị sa bồi chưa có hướng khắc phục nên thiếu đất canh tác.
|
Nghề nuôi tôm trên cát giúp nhiều hộ dân ở Lộ Diêu giàu lên.
|
Ông Trần Minh Vương, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, cho biết: “Tuy vẫn còn một số khó khăn nhưng so với các thôn khác trong xã, Lộ Diêu có nhiều tiềm năng để phát triển. Bởi Lộ Diêu có thế mạnh nông-lâm-ngư nghiệp, thương mại-dịch vụ và du lịch mà không phải địa phương nào cũng có. Bên cạnh đó, xã Hoài Mỹ nằm trong quy hoạch đô thị loại IV của Hoài Nhơn nên tương lai không xa, Lộ Diêu sẽ trở thành một tuyến du lịch biển nổi tiếng, vì biển Lộ Diêu có bãi cát rất đẹp, sạch sẽ và các ghềnh đá rất ấn tượng”.
Doanh nghiệp tư nhân Thanh Linh (TP.Quy Nhơn) đã sớm phát hiện ra điều này và đã nhanh chân xin đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái tại đây. Đầu năm 2008, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý về chủ trương cho doanh nghiệp này tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Lộ Diêu. Theo đó, doanh nghiệp Thanh Linh xin thuê tổng cộng 180 hecta đất, trong đó khu đất dành để xây dựng biệt thự là 40 hecta, khu dịch vụ du lịch 60 hecta, khu sân golf 18 lỗ 80 hecta, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 280 tỉ đồng.
Với những tiềm năng sẵn có, hy vọng rằng một tương lai không xa, Lộ Diêu sẽ trở thành một làng biển giàu đẹp.
-
Bài: Nguyễn Phúc
-
Ảnh: Văn Lưu |