PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH:
Từ góc nhìn của một “người trong cuộc”
14:21', 13/9/ 2008 (GMT+7)

Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung

Công ty Du lịch (DL) Miền Trung (214A Nguyễn Thị Minh Khai - TP Quy Nhơn) được thành lập từ năm 1990, cũng là doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tiên hoạt động kinh doanh DL ở Bình Định. Gần 20 năm hoạt động, công ty đã từng bước khẳng định thương hiệu, góp phần vào sự phát triển của ngành DL tỉnh nhà. PV Báo Bình Định đã trò chuyện với ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty TNHH DL Miền Trung, một số vấn đề về phát triển DL Bình Định.

* Cho đến bây giờ, khi DN của ông đã có phần “ăn nên làm ra”, ông có còn nhớ đến “cái thuở ban đầu...”?

- Tôi còn nhớ rất rõ là vào cuối năm 1989, Chính phủ đã chọn năm 1990 là “Năm DL Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển ngành DL nước ta. Thời điểm đó, tình hình kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn tuy đã bước vào công cuộc đổi mới, đại đa số người dân vẫn còn phải vật lộn với cái ăn, cái mặc chứ chưa nghĩ đến chuyện “đi chơi”. Song, điều đáng mừng là theo cùng với công cuộc đổi mới, vào năm 1990 Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến Việt Nam thông qua việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh…

Trong bối cảnh chung như vậy, lượng khách nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư và kiều bào về thăm quê hương Bình Định đã gia tăng nhanh chóng. Nhu cầu DL tại Bình Định đã hình thành, dịch vụ DL của chúng tôi cũng được phép hoạt động để góp phần đáp ứng cho những nhu cầu đó. Cũng xin thú thật là lúc ấy bản thân tôi chưa được trang bị nhiều về nghiệp vụ DL, nhưng vì tình yêu đối với DL, vì những cảm nhận về tiềm năng DL Bình Định nên tôi mạnh dạn thực hiện cái mơ ước hoạt động DL của mình và vừa làm, vừa học...

Vào năm 1990, lúc đó chưa có Luật DN nên chúng tôi hoạt động dịch vụ DL theo hình thức hộ kinh doanh cá thể (theo NĐ 66/CP). Mấy năm sau, khi Luật DN được thực hiện, đơn vị mới chính thức chuyển đổi thành DN. Với sự khởi nghiệp rất khó khăn: không vốn, không trụ sở, không bộ máy tổ chức; đồng thời sự kỳ thị đối với công ty tư nhân lúc bấy giờ vẫn còn nặng nề nên chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc kinh doanh DL.

Điều đáng mừng là khi Luật DN ra đời thì những khó khăn này đã giảm dần; và nhờ đáp ứng được các nhu cầu của thị trường lúc bấy giờ nên dịch vụ của chúng tôi đã được khách hàng đánh giá cao; giai đoạn khó khăn ban đầu cũng nhanh chóng qua đi. Đến năm 1992, DL Miền Trung đã trở thành nơi cung cấp dịch vụ DL và vận chuyển có uy tín tại thị trường Bình Định. Trong đó, đặc biệt có những khách hàng là những tập đoàn nổi tiếng như: Nissho Iwai, New Oji, Marubeni, Mitsui… luôn chọn DL Miền Trung khi họ đến Bình Định.

Trải qua một thời gian dài với không ít thăng trầm, chúng tôi đã nghiệm ra được một phương cách để tồn tại, đó là phải thực hiện tốt nhất những yêu cầu của du khách, sự hài lòng của du khách chính là sự tồn tại lâu dài của DN; uy tín thương hiệu là tài sản và là nguồn vốn lớn nhất của DN.

 

Khách đi tour Đà Lạt của DL Miền Trung.'

 

* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng DL của tỉnh Bình Định?

- Nói về tiềm năng DL của tỉnh Bình Định, có thể nhận xét một cách ngắn gọn là: hấp dẫn, phong phú và đa dạng vào loại bậc nhất miền Trung. Hầu hết các du khách đến Bình Định mà chúng tôi đã phục vụ đều có chung một nhận xét rằng Bình Định rất xinh đẹp, thú vị và rất ấn tượng. Bình Định từng là đất kinh đô, có nhiều công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng cách đây gần 1.000 năm vẫn tồn tại tương đối nguyên vẹn. Bình Định là đất phát tích của nhà Tây Sơn gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là vùng đất mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo... Bình Định có nhiều bãi biển đẹp hoang sơ, có núi, có rừng, có nhiều sông suối và hồ đẹp… Cảnh quan thiên nhiên của Bình Định xứng đáng để du khách có những khám phá thú vị.

Bình Định từng là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc nên có nhiều làng nghề với các sản vật phong phú, đồng thời cũng là trung tâm ẩm thực lớn bậc nhất miền Trung. Đến Bình Định để thưởng thức ẩm thực là lựa chọn hoàn toàn đúng của du khách. Có thể nói không ngoa rằng Bình Định như một Việt Nam thu nhỏ…

Chỉ với những điểm cơ bản trên, chúng tôi đã hoàn toàn tự tin khi giới thiệu với du khách về các chương trình DL Bình Định. Và trên thực tế, các chương trình DL Bình Định của chúng tôi hoàn toàn có thể làm hài lòng du khách. Đặc biệt, sự kiện Festival Tây Sơn-Bình Định 2008 đã được tỉnh ta tổ chức rất tốt, rất hoành tráng. Sự kiện này đã tạo ra một động lực rất đáng kể để đưa DL Bình Định lên một tầm cao mới. Festival Tây Sơn-Bình Định đã tạo cho cả nước có một cách nhìn, cách đánh giá hoàn toàn khác về Bình Định theo hướng tích cực. Tương lai của DL Bình Định là rất rõ ràng: Bình Định là điểm đến mới và hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam...

 

Khách đi tour của DL Miền Trung tham gia trò chơi đẩy gậy.

 

* Còn những hạn chế của DL Bình Định hiện nay?

- DL Bình Định vẫn tồn tại một thực trạng là tiềm năng thì nhiều nhưng ngành DL lại phát triểm chậm hoặc không tương xứng với tiềm năng vốn có. Theo tôi, có một số nguyên nhân sau: Chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng DL sẵn có. Cần phân biệt giữa tiềm năng DL và sản phẩm DL là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tiềm năng DL là nguyên liệu thô để tạo thành sản phẩm DL tinh tế. Sản phẩm DL tốt hay không còn phụ thuộc vào người làm ra nó. Khi đã có sản phẩm tốt rồi còn phải biết bán nó cho ai hay bán cho thị trường nào, thời điểm nào...

Một vấn đề nữa là lực lượng hướng dẫn viên (HDV) DL của tỉnh ta hiện tại vừa thiếu lại vừa yếu. HDV là người trực tiếp quảng bá, tiếp thị hình ảnh DL của một địa phương. Nếu HDV thiếu kiến thức, kỹ năng hướng dẫn và đặc biệt là thiếu cái tâm thì làm sao du khách có thể hiểu và yêu mến Bình Định được. Và vì vậy, đào tạo đội ngũ HDV giỏi về chuyên môn có cái tâm trong quá trình phục vụ là vấn đề hết sức cấp bách và rất quan trọng.

Mặt khác, hiện nay chưa có sự gắn kết thật sự giữa Nhà nước - cộng đồng - DN trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển DL Bình Định. Trong thời gian qua đã tồn tại một thực trạng là mạnh ai nấy làm, cho nên đã không tạo được một động lực rõ ràng cho công cuộc phát triển DL Bình Định. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng phục vụ DL ở tỉnh ta chưa đồng bộ và hiệu quả. Ví dụ: tại các điểm tham quan thiếu nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là thiếu vắng các gian hàng lưu niệm và các sản phẩm địa phương… Như vậy, chúng ta chỉ đưa khách đến điểm nào đó nhìn thấy… rồi về, chứ không tạo cho du khách cơ hội chi tiêu, mua sắm. Có nghĩa rằng chúng ta đã loại bỏ cơ hội thu lợi kinh tế từ khách DL nhằm tạo thu nhập, việc làm cho người dân, đồng thời cũng loại bỏ sự gắn kết của cộng đồng dân cư tại nơi có điểm DL cùng góp sức phát triển DL. Điều này sẽ làm cho người dân thờ ơ với việc tạo sản phẩm DL độc đáo...

* Vậy ông mong muốn điều gì để DL Bình Định có thể “cất cánh” trong thời gian tới?

- Với gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ DL, nên hoạt động DL đã ăn sâu ở trong tôi. Tôi luôn nghĩ rằng tôi sinh ra để phục vụ và mang niềm vui, sự thi vị của cuộc sống đến cho mọi người, cùng mọi người khám phá vẻ đẹp của mọi miền đất nước. Tôi không biết sẽ sống như thế nào nếu như tôi rời bỏ lĩnh vực DL.

Theo tôi, nên có sự gắn kết và đối thoại mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước - DN và cộng đồng để cụ thể hóa việc biến những tiềm năng DL thành những sản phẩm DL độc đáo và đặc trưng của Bình Định. Cần chú trọng đầu tư những hạ tầng tối thiểu cho các điểm đến. Đề nghị Vietnam Airlines bố trí lịch bay hợp lý để có thể kích thích hỗ trợ cho DL và rất nên có đường bay thẳng Hà Nội- Quy Nhơn. Trường Đại học Quy Nhơn nên có khoa đào tạo nghiệp vụ DL để cung cấp nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho chiến lược phát triển DL Bình Định...

 

Khách đi tour Hạ Long của DL Miền Trung.

 

* Riêng Công ty DL Miền Trung có hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

- Trong thời gian tới, DL Miền Trung sẽ tập trung đầu tư chủ yếu vào những mục tiêu ưu tiên như: Xây dựng các chương trình và sản phẩm DL; góp phần quảng bá về DL Bình Định nhằm thu hút khách, đưa khách DL về Bình Định ngày càng nhiều hơn; tuyển dụng và đào tạo HDV phục vụ cho sự phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường,…

Với đặc thù là đơn vị chuyên tổ chức các chương trình DL nên sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm kiếm và phát triển đội ngũ HDV DL ở mức độ chuyên sâu nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của du khách đến Bình Định cũng như từ Bình Định đi các nơi. Hiện nay, công ty đã có 5 HDV đã qua đào tạo nghiệp vụ HDV, trong đó có 3 HDV được cấp thẻ HDV quốc tế. Chúng tôi luôn ý thức rằng HDV giỏi là sức mạnh cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi với các DN. Họ là những người quyết định sự thành công của DN nói riêng và đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển DL Bình Định nói chung.

Một điều đáng mừng là trong suốt 10 năm qua hầu hết các đoàn khách đều khen ngợi và đánh giá cao chất lượng phục vụ của đội ngũ HDV thuộc DL Miền Trung. Điều đó càng cho thấy rằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực của công ty là đúng đắn và cần phải tiếp tục duy trì. Đây cũng chính là sức mạnh trong cạnh tranh của DL Miền Trung; bởi vì du khách luôn có quyền được phục vụ tốt nhất.

* Xin cảm ơn ông!

  • Thúy Vi (Thực hiện)
  • Ảnh trong bài do Công ty DL Miền Trung cung cấp.
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hy vọng mới ở xóm lặn hàu  (08/09/2008)
Lộ Diêu hôm nay  (01/09/2008)
Gặp hai nhân chứng sống trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình  (30/08/2008)
Nơi sự sống bắt đầu  (25/08/2008)
Theo dấu mỏ đá cảnh Cát Sơn  (23/08/2008)
Hồn hậu Quy Hòa  (18/08/2008)
Người giữ gen gà chọi dòng Tây Sơn  (16/08/2008)
Về Hoài Sơn  (11/08/2008)
Vì những mùa vàng bội thu  (09/08/2008)
Nỗi lòng “bông huệ trắng”   (02/08/2008)
Mặn hơn là muối  (28/07/2008)
Người đàn bà “mê” làm rượu  (26/07/2008)
Chuyện về một chiến sĩ biệt động  (23/07/2008)
Hoài cổ với nhà cổ  (21/07/2008)
Gặp một người “thừa tự”  (19/07/2008)