Ân Hữu - mảnh đất anh hùng
8:44', 15/9/ 2008 (GMT+7)

Dựa lưng vào dãy núi Tổng Zênh, mảnh đất Ân Hữu hiền hòa như một dải lụa đào uốn lượn theo dòng nước sông Lương. Chiến công hiển hách từ trận đánh Xuân Sơn được ví như một bản hùng ca, góp phần đưa Hoài Ân trở thành huyện được giải phóng sớm nhất tỉnh. Để lại đằng sau những đau thương, mất mát, Ân Hữu hôm nay đang vươn mình dựng xây cuộc sống mới.

 

Một góc Ân Hữu hôm nay.

 

* Sống mãi bản anh hùng ca

Về Ân Hữu, ở đâu, chúng tôi cũng nhìn thấy đồi núi trập trùng. Đường đi ở đây khó khăn do phải vượt qua nhiều khe suối, dốc đèo vì 2/3 diện tích Ân Hữu là núi rừng. Song, chính sự hiểm trở của các địa danh như núi Tổng Zênh, đồi Xuân Sơn, Hòa Công, dông Bộ đội, Gò Đá, Gò Đình… đã biến Ân Hữu trở thành vị trí chiến lược quân sự, tạo địa thế phòng ngự ở các điểm cao để quân và dân đánh địch.

Vượt qua dòng sông Kim Sơn, chúng tôi về thôn Xuân Sơn để tìm hiểu về trận đánh lịch sử Xuân Sơn. Tình cờ, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Ngọt, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ân Hữu, từng là du kích địa phương. Ông Ngọt vẫn còn nhớ như in thời khắc lịch sử năm ấy: “Những ngày diễn ra trận đánh Xuân Sơn, trời mưa như trút nước, nước lũ tràn về làm ngập các vị trí phục kích, các điểm đặt hỏa lực. Vào đêm 26, rạng ngày 27.12.1966, đứng trước điều kiện bất lợi của thiên nhiên, bộ đội chủ lực Trung đoàn 22 và 12 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn cùng bộ đội, du kích địa phương đồng loạt tấn công tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn pháo binh của Mỹ gồm 600 tên lính, phá hỏng 12 khẩu pháo 105 ly và 115 ly”.

Trận đánh được sự đồng lòng, chung sức của nhân dân địa phương đã diễn ra ác liệt và kết thúc nhanh, gọn. Sau trận thua nhục nhã ấy, lính Mỹ ở Xuân Sơn đã tăng cường thêm Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 phối hợp với Sư đoàn “Kỵ binh bay” số 1 tiến hành bủa vây mọi ngả đường của quân ta. Lần nữa, người dân Ân Hữu không quản hiểm nguy, gian khó, che chở, tiếp tế cho bộ đội vừa cắt rừng lấy lối đi, vừa tiếp tục đánh chặn địch, tiếp tục hành quân vào Nam chiến đấu.

 

Các cựu chiến binh thăm lại nơi diễn ra trận đánh lịch sử Xuân Sơn.

 

Trận đánh Xuân Sơn đã khẳng định về thế và lực của lực lượng ta từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công địch trên mọi phương diện. Trận đánh được xem là điển hình của bộ đội Quân khu 5, giáng một đòn mạnh vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” của địch, tạo nên bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng dũng cảm, đức hy sinh của quân và dân ta. Nơi diễn ra chiến thắng lịch sử vẻ vang ấy vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử của tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua.

Về thôn Phú Văn, nơi tiếp giáp với xã miền núi Đak Mang, chúng tôi còn được nghe câu chuyện hành quân mạo hiểm của tổ thiếu nhi du kích mật của xã lấy súng địch. Để có được những khẩu súng đánh địch, 4 người trong tổ thiếu nhi du kích mật đã dũng cảm vào đồi Phú Văn lấy súng địch. Song để có được những khẩu súng chuyển giao cho các du kích ở Ân Hữu sử dụng đánh địch và tiêu diệt hơn 20 quân địch đóng chốt ở địa phương, tổ thiếu niên đã phải hy sinh hết 3/4 quân số!

* Lưu giữ ký ức

Dấu ấn sâu đậm về đất và người Ân Hữu trong lòng chúng tôi không chỉ là trận đánh Xuân Sơn oanh liệt mà còn là những câu chuyện cảm động trong việc gìn giữ, lưu trữ kỷ vật của thế hệ cha anh hy sinh xương máu đổ xuống vì hòa bình. Ân Hữu là một trong những xã hiếm hoi có tủ trưng bày hơn 70 kỷ vật trong chiến tranh như: tờ báo Tây Sơn, những quyển nhật ký, bức thư tình, lưỡi gươm, gùi gạo, súng, vỏ súng… Những kỷ vật ấy được tổ sưu tầm cất công đi tìm kiếm và những người con xa quê gởi về trao tặng cho UBND xã.

Ấn tượng đối với tôi là tấm áo thủng ngực do vết đạn của chiến sĩ Trần Ngọc Ẩn. Đằng sau tấm áo ấy là câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của người con Ân Hữu anh hùng. Vì anh Ẩn không còn người thân thích nên đơn vị đã gởi tấm áo anh mặc lúc hy sinh cho UBND xã vào năm 1975. Chiếc áo từng bao bọc trái tim anh dũng của anh Ẩn đã được cán bộ xã qua các thời kỳ gìn giữ mãi đến năm 2000 mới đưa vào trong tủ trưng bày kỷ vật truyền thống của xã. Tủ trưng bày còn có chiếc gùi từng là vật không thể thiếu bên mình của chiến sĩ Lê Trung, đội trưởng đội công tác thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ, đựng tài liệu mật, và đóng giả đồng bào hoạt động cách mạng trong vùng của địch…

 

Ông Ngọt (bìa trái) cùng cán bộ trẻ của xã ôn lại chuyện cũ qua các kỷ vật.

 

Tổ sưu tầm kỷ vật lịch sử bao gồm 7 người đều là cán bộ xã kiêm nhiệm. Trong quá trình đi công tác, vận động, tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, nhà nước, các anh đều nán lại, để thăm hỏi, vận động các cụ già, cán bộ hưu trí, những người có công cách mạng gởi tặng kỷ vật lịch sử cho UBND xã. Công tác tuyên truyền cho nhân dân cùng lưu giữ kỷ vật truyền thống ở địa phương “phủ” khắp địa bàn, đi vào lòng từng người dân nên các hiện vật nhanh chóng được đưa về xã. Nhiều người dân tìm được những kỷ vật quý báu như lưỡi gươm, vỏ súng, quyển nhật ký… của các liệt sĩ vô danh được chôn cất ở trong rừng đem gởi lại cho chính quyền xã cất giữ.

Tủ trưng bày hiện vật lịch sử này được đặt ở đại sảnh của UBND xã, và được bảo vệ cẩn thận. Đến những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Đảng ủy xã tổ chức ôn lại lịch sử, truyền thống đều lật lại những cuốn hồi ký, nhật ký… là kỷ vật này cho thế hệ trẻ, học sinh ở địa phương cùng chiêm bái.

* Ân Hữu hôm nay

Hình ảnh những đồng ruộng hoang tàn; đồi núi xác xơ ngày nào đã được thay bằng những cánh đồng lúa, vườn điều, rừng keo… tít tắp, màu xanh được phủ ngày một nhiều thêm. Những con đường đất đỏ quanh co, nhỏ hẹp đã được thay bằng những con đường rộng rãi, trải nhựa, trải bê tông phẳng lỳ, chắc chắn. Ân Hữu cũng không còn nữa những xóm nhà thưa thớt với những mái tranh bạc xám, thay vào đó là những xóm làng đông đúc, trù mật… Hai con sông Nước Lương và Kim Sơn vẫn vun đắp phù sa cho đất đai vùng quê nghèo này. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực của chính mình để xây dựng lại quê hương, nhân dân Ân Hữu đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt kinh tế, xã hội. Xã vinh dự được Chủ tịch nước công nhận đơn vị anh hùng LLVT nhân dân và được Bộ GTVT tặng bằng khen trong phong trào làm giao thông nông thôn.

 

Thế hệ trẻ của Ân Hữu hôm nay.

 

Điểm nổi bật trong sự phát triển của Ân Hữu là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh được tập trung đầu tư khá mạnh mẽ. Hệ thống đường giao thông cũng được mở mang mạnh bằng các nguồn vốn từ Chương trình 135 và đóng góp của dân, Ân Hữu đã đầu tư trên 15 tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, Ân Hữu đã có 21,5 km đường giao thông nông thôn được đúc bê tông. Mạng lưới điện, trường học, trạm y tế và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cũng được xã quan tâm đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Nhờ thế các mô hình kinh tế VAC, vườn rừng, trang trại, gia trại chăn nuôi… xuất hiện ngày càng nhiều. Trên địa bàn xã Ân Hữu đã có nhiều gia trại trồng trọt, chăn nuôi với mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 50 triệu đồng và con số này đang tiếp tục được nhân rộng. Vụ Đông - Xuân vừa qua, xã có hơn 51 ha diện tích trồng lúa 2 vụ đạt năng suất 72 tạ/ha, năng suất cao nhất từ trước đến nay!

Mảnh đất và con người Ân Hữu vẫn giữ truyền thống, tinh thần yêu quê hương nồng nàn. Có người dù xa quê vẫn luôn hướng về chung tay giúp đỡ hộ nghèo, xây dựng quê hương như anh Nguyễn Văn Trọng. Mỗi khi có dịp thăm quê, anh lại đóng góp hàng chục triệu đồng cho xã, thôn để tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, tặng quà cho hôï nghèo… Anh Trọng đang ấp ủ dự án với tổng số vốn trên 200 triệu đồng để Chi hội Người cao tuổi của thôn đào ao nuôi cá gây quỹ hoạt động, giúp đỡ các hộ làm kinh tế.

Dẫu vậy, khó khăn của một xã miền núi trung du như Ân Hữu còn rất nhiều. Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch UBND xã trầm ngâm: Là một xã thuần nông, lúa vẫn là cây trồng chính nhưng trồng lúa thì bao giờ mới giàu được. Người làm ăn khá giả hơn dựa vào các gia trại nhỏ. Trong khi dịch bệnh, thiên tai liên tục đe dọa nên chăn nuôi, trồng cây ăn trái còn nhiều rủi ro… Sau 10 năm nỗ lực, xã mới có 4/6 thôn thoát khỏi chương trình 135. Hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động ở xã đều đi làm ăn xa…

Làm sao để đời sống của đại bộ phận nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ những thế mạnh của địa phương vẫn đang là trăn trở của Đảng bộ và chính quyền xã…

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ góc nhìn của một “người trong cuộc”  (13/09/2008)
Hy vọng mới ở xóm lặn hàu  (08/09/2008)
Lộ Diêu hôm nay  (01/09/2008)
Gặp hai nhân chứng sống trong vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình  (30/08/2008)
Nơi sự sống bắt đầu  (25/08/2008)
Theo dấu mỏ đá cảnh Cát Sơn  (23/08/2008)
Hồn hậu Quy Hòa  (18/08/2008)
Người giữ gen gà chọi dòng Tây Sơn  (16/08/2008)
Về Hoài Sơn  (11/08/2008)
Vì những mùa vàng bội thu  (09/08/2008)
Nỗi lòng “bông huệ trắng”   (02/08/2008)
Mặn hơn là muối  (28/07/2008)
Người đàn bà “mê” làm rượu  (26/07/2008)
Chuyện về một chiến sĩ biệt động  (23/07/2008)
Hoài cổ với nhà cổ  (21/07/2008)