Bề ngoài của ông cụ Thìn ít nhiều kỳ dị: dáng người bé nhỏ, đôi tai dài Phật tướng, bàn tay có nhiều ngón co quắp, đôi mắt mờ đục thường hấp háy khi nhìn. Chỉ quan sát diện mạo ấy, ít ai tin rằng ông Thìn từng nhận danh hiệu Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, là người có sáng kiến phát động phong trào “Nghìn việc tốt”… đặc biệt ông từng là một trong những đội viên nhỏ tuổi của Đội thiếu niên du kích Đình Bảng một thời lừng lẫy đã được nhà văn Xuân Sách viết thành tiểu thuyết.
|
Thầy Nguyễn Đức Thìn với TBT Nông Đức Mạnh trong một lần TBT về thăm Đền Đô (Bác Ninh).
|
Giọng nói ấm áp, sôi nổi – ông say sưa kể lại chuyện đời mình. Câu chuyện bắt đầu từ một sự kiện: đám tang tiễn đưa cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lật những trang báo đưa tin, tường thuật lễ truy điệu cựu thủ tướng, ông Thìn kể lại: “Tôi vinh dự được gặp thủ tướng Võ Văn Kiệt vào mùa hè năm 1976 tại Đại hội thanh niên tiên tiến TP HCM. Tại buổi lễ, ông Chủ tịch UBND TP HCM bắt nhịp cho Đại hội hát bài “Tự nguyện”, tôi đã xin đọc mấy câu thư ứng tác:
“Đã một thời ta hát
Là người ta sẽ chết cho quê hương
Giờ yêu dân yêu nước
Hát từ trái tim mình
Là người ta sẽ sống cho quê hương”
Sống cho quê hương
Ông Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940 tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mười một ngày sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Người về dự lễ tưởng niệm các vị vua nhà Lý (ngày 13.9.1945), cậu bé Thìn theo cha lên Đền Đô đón Bác. Dường như từ buổi lễ thiêng hôm đó, số phận cậu bé đã gắn bó với những thăng trầm của quê hương và trở thành chứng nhân của nhiều biến cố lịch sử.
Năm 1946, khi Pháp phản bội Hiệp định sơ bộ ký với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, làng Đình Bảng thành khu vực giặc chiếm đóng. Ông Thìn nhớ lại rành rõ từng ngày tháng: “Ngày 7.11.1949 Đội du kích Thiếu niên Đình Bảng thành lập thì đến quãng đầu năm 1951 tôi được kết nạp vào đội. Hồi ấy tôi học lớp nhì (tương đương lớp bốn bây giờ) nhưng tôi đã cảm thấy mình rất trưởng thành. Lễ gia nhập tổ chức bí mật, tôi không được đeo khăn quàng đỏ, không được hát quốc ca nhưng tôi ngầm thề với Tổ quốc, với nhân dân là tuyệt đối trung thành với Cách Mạng, và hứa với các anh sẽ đem hết sức mình hoàn thành bất cứ việc gì mà Đội giao cho”.
Cậu bé Thìn còn nhỏ tuổi nên được giao nhiệm vụ chơi quanh khu đình làng và ao trường để theo dõi hoạt động của quân Pháp: bao nhiêu xe đi về hàng ngày, giặc vừa đi càn quét ở đâu, những câu chuyện trao đổi của lính Pháp… Những thông tin này được cậu ghi lại bằng ký hiệu mật vào một mảnh giấy nhỏ, sau đó gửi vào hòm thư bí mật.
Năm 1952 thực dân Pháp phá tan tành Đền Đô. Không khí khủng bố ở khu làng tạm chiếm ngày càng căng thẳng. Cậu bé Thìn dành giụm được chút tiền “tậu” một chiếc máy ảnh nhỏ hiệu ROC làm phương tiện hoạt động mật báo. Thìn lân la làm thân với lính Pháp, cậu chụp được nhiều bức ảnh về khu vực đóng quân của địch. Những bức ảnh do Thìn chụp được và tự tay mày mò tráng rọi trở thành tư liệu quý giá phục vụ hoạt động của du kích hồi bấy giờ.
|
Thầy Nguyễn Đức Thìn đang trao đổi với CTV baobinhdinh điện tử.
|
Sáng kiến “Nghìn việc tốt” và quyết tâm chiến thắng bệnh tật
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, quê hương Đình Bảng bắt đầu những ngày hòa bình đầu tiên. Cậu bé Thìn được trở lại học lớp năm khi đã 15 tuổi. 18 tuổi, học xong cấp hai, Thìn trở về Đình Bảng làm công tác thiếu nhi và bắt đầu nghề giáo. Từ dạy lớp mầm non đến dạy bình dân học vụ, anh thanh niên Nguyễn Đức Thìn không nề hà. Mày mò vừa dạy vừa đi học, anh Thìn được bổ nhiệm làm giáo viên dạy cấp một rồi dạy cấp hai của xã. Năm 1963, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đang là giáo viên của trường cấp hai Tam Sơn đã có sáng kiến phát động phong trào “Nghìn việc tốt”, động viên được các em thiếu nhi cả nước hăng hái tham gia. Sáng kiến của thầy Thìn bắt đầu từ tâm nguyện: “Làm nghìn việc tối. Cùng trừ việc xấu. Cộng nhân yêu thương. Chia niềm thông cảm”.
Từng lên đến chức Bí thư huyện Đoàn rồi Ủy viên thường vụ Trung ương Đoàn, là đại diện Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham dự nhiều hội nghị của thanh niên quốc tế…không ít cơ hội thăng tiến đã đến với thầy Thìn. Nhưng thầy coi mọi công tác khác chỉ là kiêm nhiệm và một lòng gắn bó với nghề giáo, với quê hương Đình Bảng mà từ nay đã có thêm tên gọi “quê hương Nghìn việc tốt”.
Giữa những năm tháng rạng rỡ nhất của cuộc đời, thầy Thìn bất ngờ nghe tin sét đánh: mình mắc bệnh phong. Thầy Thìn nhớ lại: “Năm 1979 những thành kiến với bệnh phong còn nặng nề lắm. Tôi điều trị ở Trại phong Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chứng kiến cảnh những bệnh nhân vừa đau đớn vì bệnh tật, vừa khổ cực vì bị kỳ thị, lại thiếu thốn về vật chất, có người phải đứt bữa…Bệnh nhân phong có người nói với tôi rằng: “Anh giỏi đến mấy, anh vẫn là thằng hủi”. Sau này khi tôi khỏi bệnh về làng đi dạy tiếp, có em học trò còn nghịch ngợm viết lên bảng “Thìn hủi”… Sau biết bao đóng góp cho quê hương, cách mạng như thế, hỏi có cay đắng không? – câu hỏi chúng tôi vừa đặt ra được ông trả lời rất gọn, chắc nụi – Không.
Người cựu du kích thiếu niên Đình Bảng đã kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Là bệnh nhận điều trị tập trung ở Bệnh viện phong Quỳ Hợp nhưng thầy đã lên tận UBND tỉnh Nghệ An để yêu cầu lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn đến đời sống bệnh nhân. Thầy Thìn còn thành lập trường học tình thương Lê Văn Tám để dạy học cho con em bệnh nhân phong và tham gia dạy xóa mù chữ cho bệnh nhân phong. Khi được hỏi sức mạnh nào giúp thầy đủ sức vượt qua những nghịch cảnh như vậy, thầy trả lời giản dị: “Nguyên tắc sống của tôi là biến rủi thành may. Ngay khi giặc giã hoành hành trên quê hương, ngay cả trong những ngày gia đình tôi bị quy sai thành phần địa chủ, chú ruột tôi – một cán bộ cách mạng bị xử tử oan sai, dù bão táp mưa giông, nhưng tôi là con người, tôi vẫn tin vào cách mạng, vào Đảng và thề phải đứng vững trên mảnh đất cội nguồn của mình”. Và thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã khỏe mạnh để trở lại với nghề.
Nghìn trang sử làng
Sau khi chiến thắng bệnh phong trở về quê hương, thầy Thìn lại miệt mài với nhiệm vụ giảng dạy gần 10 năm nữa. Năm 1985 ông vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động ngành giáo dục, năm 1988: Danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
|
Thầy Thìn và chiếc máy ảnh từng giúp ông hoàn thành nhiệm vụ do Đội thiếu niên du kích Đình Bảng giao. |
Về hưu nhưng ông không nghỉ ngơi mà cặm cụi viết sách về lịch sử vùng đất quê hương tám vua nhà Lý, làm “hướng dẫn viên” du lịch tự nguyện khi có các đoàn khách đến thăm đền Đô. Ông làm chủ biên cuốn sách “Di tích lịch sử Đền Đô”, tham gia viết “Lịch sử xã Đình Bảng” và nhiều trang trong cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” của ông phản ánh những lịch sử đau thương và hào hùng của vùng quê nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử. Gần một nghìn trang sách ghi lịch sử quê hương được ông tự đánh máy ghi lại chỉ bằng hai ngón tay lành lặn còn lại của bàn tay co quắp.
Ông cũng chính là người đã tự tổ chức một cuộc triển lãm về di tích lịch sử Đền Đô trước chiến tranh. Mày mò nhiều ngày tại Bảo tàng lịch sử, Thư viện Khoa học xã hội, ông đã sao chép lại nhiều tư liệu quý giá về Đền Đô. Chính từ nhiệt tâm chứng tỏ giá trị của di tích lịch sử Đền Đô của ông Thìn đã truyền cho lãnh đạo địa phương và những người dân nơi đây, người dân địa phương đã góp sức phục dựng Đền Đô. Nhiều hạng mục kiến trúc giá trị của Đền Đô được xây dựng như: thủy đình (đã từng được in trên tờ giấy bạc năm đồng Đông Dương), Văn Chỉ, Võ Chỉ (nơi thờ quan văn, quan võ), cửa Ngũ Long...
Quá trình gắn bó với khu di tích đã giúp ông Thìn chộp được những bức ảnh “long giáng” kỳ thú. Ông Thìn kể lại kỷ niệm chụp bức ảnh “Cổ pháp tường vân”: “Tám giờ sáng ngày giỗ vua Lý Anh Tông năm Mậu Dần 1998, tôi ngước lên bầu trời thấy có tám vầng mây hình rồng ngay trên đỉnh Thọ lăng thiên đức. Tôi cho đó là sự hiển linh của Bát vị tiên vương về với con cháu nên bấm máy liên tục để ghi lại”. Sau đó còn một lần nữa ông Thìn “gặp rồng” và chớp được bức ảnh xuất thần. Cùng năm 1998, khi Hà Nội tổ chức ngày hội rước linh bài Thái Tổ Lý Công Uẩn ra thủ đô nhân chuẩn bị chào đón sự kiện 1000 năm Thăng Long, ông chụp được bức ảnh dải mây rồng vàng bay từ phía thủ đô về và đặt tên “Hoàng Long vân giáng”. Có lẽ ông là người duy nhất sở hữu những bức ảnh có một không hai như vậy.
Kết thúc cuốn tự truyện của mình, ông Nguyễn Đức Thiện bày tỏ chiêm nghiệm từ cả cuộc đời sóng gió của mình: “Sống để yêu thương, làm một người tử tế - giản dị thế cần giàu nghị lực”.
|