TRUNG TÁ TRƯƠNG MINH NGỌC- CATP QUY NHƠN:
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi
9:28', 4/1/ 2009 (GMT+7)

Năm 2008, trên địa bàn TP Quy Nhơn, một trăm phần trăm số vụ trọng án được khám phá; tỉ lệ thường án được làm rõ vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đó được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ của tập thể lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an Quy Nhơn, trong đó có đóng góp đáng kể của Trung tá Trương Minh Ngọc, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra (CSĐT) về TTXH. 

 

Trao đổi nghiệp vụ với đồng đội. Ảnh: M.L.G

 

* Trên từng cây số

Với Công an (CA) thường không có ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và lễ, tết. Theo lịch trực, một tuần mỗi người phải ở lại đơn vị vài ba đêm nhưng trước yêu cầu của công việc, bất cứ lúc nào cần các anh phải có mặt, nhất là lãnh đạo từ cấp Đội trở lên. Công tác bảo vệ hiện trường, xác minh nắm tình hình ban đầu cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều tra truy xét. Chính vì vậy, với vai trò Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về TTXH, có nhiệm vụ điều tra kết luận và đề nghị truy tố xét xử tất cả những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền và là lực lượng tham gia điều tra giai đoạn ban đầu đối với những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố xét xử cấp tỉnh, Trung tá Trương Minh Ngọc - Đội trưởng Đội CSĐT về TTXH luôn có mặt sớm nhất ở hầu hết các vụ án. 

- Năm 2008, TP Quy Nhơn xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, trong đó, án giết người vì nguyên nhân xã hội, giết cướp tăng so với trước; rồi nạn đánh nhau giữa các băng nhóm côn đồ cũng diễn biến hết sức phức tạp. Đội CSĐT về TTXH đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng làm rõ kẻ phạm tội. Anh có thể cho biết vụ phá án nào khiến anh ấn tượng nhất?

- Đó là vụ cướp tại BVĐK tỉnh xảy ra cách đây tròn một năm mà đội chúng tôi đã làm rõ chỉ sau 2 giờ đồng hồ. Hôm đó, ngày 2.2.2008 (nhằm ngày 26 tháng Chạp âm lịch), anh Nguyễn Thế Anh, từ  thị trấn Đập Đá (An Nhơn) xuống  thăm con đang điều trị tại BVĐK tỉnh và ra về khoảng 20 giờ. Vừa đến khu vực vườn hoa của bệnh viện thì từ trong bóng tối 4 thanh niên đồng loạt xông ra, dùng dao Thái Lan khống chế để cướp tài sản. Nghĩ rằng trong khuôn viên bệnh viện, bọn xấu chỉ đe dọa chứ không dám liều lĩnh nên Thế Anh đã phản ứng thì bị đâm hai nhát và bị lục ví lấy 650.000đ.

Ngay sau khi nhận tin báo từ Công an phường Trần Phú, chúng tôi đã triển khai nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, kiên quyết. Tại hiện trường, từ vết máu đọng trên nền xi măng; những dép, mũ đối tượng để rơi  và từ những lời khai ban đầu của nạn nhân về nhân dạng, đặc điểm và diễn biến vụ án, chúng tôi nhận định, bọn cướp là người ở địa phương, đã ăn nhậu trước khi gây án nên công tác điều tra được tiến hành theo hướng xác minh truy xét những đối tượng nổi lên ở địa phương.

Theo đó, cảnh sát khu vực (CSKV) và điều tra viên (ĐTV) đã phát hiện Nguyễn Kinh Thế (SN 1987, ở tổ 21, KV3) và em là Nguyễn Chế Ngự (SN 1992) đã cùng hai thanh niên lạ mặt tổ chức uống rượu tại nhà vào buổi chiều. Đến khoảng 20 giờ, 4 thanh niên này cùng đi về hướng BVĐK tỉnh. Sau khi vụ án xảy ra, anh em Thế, Ngự và hai thanh niên lạ đi đâu gia đình không rõ. Đối chiếu lời khai của nạn nhân thì anh em Thế, Ngự có nhân dạng, đặc điểm giống đối tượng gây ra vụ cướp. Chúng tôi đã triển khai các biện pháp bao vây, truy lùng anh em Thế. Đến 22 giờ, chúng tôi tìm được Nguyễn Kinh Thế đang lang thang trên đường Trần Độc và nhanh chóng đưa về trụ sở CA phường Trần Phú.

Tại đây, chúng tôi phát hiện đôi dép nhựa Thế đang mang có những vết máu còn mới. Công tác đấu tranh với Nguyễn Kinh Thế được tiến hành ngay tại CA phường, buộc Nguyễn Kinh Thế khai nhận đã cùng đồng bọn gây ra vụ cướp trên. Đến sáng ngày 3.2, chúng tôi đã cho 4 tên cướp hội ngộ trong trại tạm giam. Trắng đêm với vụ án, nhưng chúng tôi ai cũng vui với kết quả đạt được. Niềm vui không chỉ đẩy lùi mọi sự vất vả, mệt nhọc mà còn làm tăng thêm sức mạnh, ý chí để chúng tôi tiếp tục giành nhiều thắng lợi trong những ngày đầu năm mới, bảo vệ nhân dân đón tết yên bình, hạnh phúc.

* Không bỏ qua bất cứ nghi ngờ nào

Ở Đội CSĐT về TTXH của TP Quy Nhơn có 29 người, trong đó 28 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành, tất cả luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau, chiến công trong đấu tranh chống tội phạm là thành tích chung. Không một ai trong Đội tự mãn, họ luôn tìm tòi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh cam go phức tạp nhằm phục vụ nhiệm vụ bảo vệ ANTT ngày càng tốt hơn. Và cũng như bao đồng đội khác, Trương Minh Ngọc đã không ngừng trưởng thành ở “trường đại học thứ hai” này.

 

Trương Minh Ngọc bổ sung ảnh tội phạm vào tàng thư tội phạm. Ảnh: M.L.G
 

- Từ khi còn là “lính trơn” cũng như khi đã làm đội trưởng anh đã tham gia cũng như trực tiếp thụ lý điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng. Anh học được gì từ các vụ án?

- Trong hơn 20 năm làm nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, qua mỗi vụ án, thành công hay thất bại tôi đều ghi lại đầy đủ, từ diễn biến ban đầu đến hiện trường, các hướng nhận định, phương pháp và biện pháp nghiệp vụ được triển khai. Khi kết thúc điều tra, tôi đối chiếu rút ra những đặc điểm riêng của từng đối tượng, từng vụ việc và xếp thành từng nhóm hiện tượng, từng nhóm tội phạm với những đặc điểm và có cùng bản chất. Đồng thời tôi cũng ghi lại những biện pháp điều tra áp dụng có hiệu quả đối với từng loại tội phạm, từng vụ việc.

Chẳng hạn, một buổi tối cách nay không lâu, có người phát hiện một người đàn ông nằm rên rỉ dưới chân núi Quy Hòa (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), trên người có một số vết thương. Người đàn ông khai, hai thanh niên đi xe môtô đã dùng dao khống chế cướp tài sản và ông ta kháng cự nên bị chúng gây thương tích. Số tiền bị cướp 20 triệu đồng. Sau khi ghi lời khai, tôi nghi ngờ nạn nhân dựng chuyện, bởi lẽ lời khai của ông ta có nhiều điểm giống với những kẻ dựng chuyện mà tôi đã từng gặp, quá rành rọt, cụ thể, trơn tru, cho thấy nội dung đó đã được chuẩn bị trước.

Với suy nghĩ đó, trong lúc đồng đội mở rộng điều tra theo lời khai của nạn nhân thì tôi một mình trở lại hiện trường. Tại đây, mở rộng phạm vi xem xét, tôi phát hiện một con dao Thái Lan. Truy nguyên nguồn gốc con dao này thì được biết nó xuất xứ tại nhà nạn nhân. Từ đó tôi vừa đấu tranh vừa động viên người đàn ông này khai nhận việc mình dựng chuyện bị cướp. Trong vụ này, tôi rút ra kết luận “không bỏ qua bất cứ nghi ngờ nào”.

 

Trương Minh Ngọc xem dấu vết tại hiện trường.  Ảnh: M.L.G

 

Tôi cũng đã tập hợp được rất nhiều tấm ảnh đối tượng dán vào những quyển sổ, bên dưới lược ghi căn cước cá nhân tội phạm, những mối quan hệ đồng bọn, đặc điểm tâm lý, sở thích và phương thức, thủ đoạn gây án. Hiện tại tôi có rất nhiều ảnh đối tượng hình sự, như trộm cắp đến lừa đảo, cờ bạc, cướp, cướp giật tài sản, cả đối tượng hoạt động riêng lẻ đến băng nhóm chuyên nghiệp, từ đâm thuê chém mướn đến bọn côn đồ chuyên xách mã tấu đi đánh nhau. Khi có vụ án xảy ra, tôi cho nạn nhân, nhân chứng xem ảnh đối tượng để nhận dạng đối tượng. Nhiều người khi xem đã không ngần ngại chỉ vào tấm ảnh nói “nó đây rồi” và nhờ đó tôi đã làm rõ được nhiều vụ án quan trọng, như vụ Nguyễn H. chuyên lừa đảo, vụ Nguyễn Thị N. chuyên vào nhà người khác giữa ban ngày trộm cắp, khi bị phát hiện giả vờ hỏi thăm nhà, khi chủ trả lời không phải thì xuýt xoa xin lỗi vì “nhầm nhà”, để rút lui an toàn…

- Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm khó khăn, vất vả, nguy hiểm bội phần thì ai cũng biết nhưng hẳn là cũng có những niềm vui...

- Cố Bộ trưởng của chúng tôi, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã từng căn dặn toàn lực lượng CA: Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui hạnh phúc cho riêng mình. Là cán bộ chiến sĩ CA, chúng tôi không có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui được nhìn thấy mọi người sống bình yên hạnh phúc. Chính vì vậy, để gìn giữ cuộc sống bình yên, CBCS CA có không ít đồng chí đã không ngần ngại hy sinh, sẵn sàng lấy máu mình để bảo vệ mạng sống cho nhân dân.

Mỗi lần đưa ra ánh sáng công lý một tên tội phạm thì bên cạnh niềm vui chiến thắng, chúng tôi cũng không sao tránh khỏi xót xa vì xung quanh mình còn những kẻ đi gieo rắc bất hạnh cho người khác. Giá như xã hội không còn tội phạm! Tuy điều đó khó hiện hữu, nhưng nếu mỗi người biết tự rèn luyện, giữ gìn, biết đấu tranh với cái ác, cái xấu, các bậc cha mẹ thật sự lo cho con cái, xã hội quan tâm lẫn nhau, có lẽ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Và đó chính là điều mà những người làm công tác đấu tranh chống tội phạm chúng tôi muốn gửi đến mọi người.

- Xin cảm ơn Trung tá.

  • Mai Linh Giang (thực hiện)

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)
Kỳ 12: Vang danh những làng võ ven sông  (24/11/2008)
Lao đao làng rau mùa lũ  (24/11/2008)