Làng nghề thảm xơ dừa Cửu Lợi (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) đã được biết đến từ rất lâu. Sản phẩm thảm xơ dừa từ đây đã từng đi khắp trong và ngoài nước, nuôi sống biết bao người dân xứ dừa. Nhưng giờ đây khung dệt thảm ở làng nghề đã ngày càng im vắng…
|
Gian hàng của cơ sở Ngọc Chung tại Hội làng nghề truyền thống 2008 thu hút đông đảo người xem.
|
* Hoàng kim một thuở
Tam Quan Nam là một xã có diện tích trồng dừa lớn. Sau nhiều đợt bị sâu bọ phá hoại, đến nay diện tích trồng dừa vẫn còn hơn 208 ha, với hơn 60.000 cây, trong đó có khoảng 55.000 cây đang cho quả. Đây chính là vùng nguyên liệu lý tưởng để phát triển nghề dệt thảm xơ dừa.
Nghề dệt thảm xơ dừa ở Cửu Lợi bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Thời điểm cực thịnh của làng nghề là những năm sau giải phóng, khi HTX thảm xơ dừa Tam Quan Nam còn hoạt động mạnh mẽ. Trụ sở HTX đặt ở thôn Cửu Lợi Tây. Hồi ấy, thảm sản xuất chủ yếu xuất sang thị trường Liên Xô. Bà Ngô Thị Minh Mai, nguyên kế toán của HTX, nhớ lại: “Hồi ấy, trước sân HTX, xã viên chở thảm đến giao rồi nhận nguyên liệu về sản xuất rất nhộn nhịp.”.
Trong giai đoạn từ 1993-1998, sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, làng nghề thảm xơ dừa lại nhộn nhịp trở lại. Riêng các khung dệt bán sản phẩm thô cho cơ sở Ngọc Chung đã sản xuất được 15.000 tấm/năm, tính cả làng nghề con số này không dưới 20.000 tấm/năm (chủ yếu là loại thảm kích thước 35x60cm). Thu nhập bình quân của người lao động từ 80.000-100.000 đồng (khá cao vào thời điểm ấy). Thị trường thảm rải đều ở các địa phương trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên… ngoài ra, còn xuất khẩu sang các nước Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý… trong đó thị trường Ba Lan chiếm đến 80% lượng thảm xuất khẩu. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều khung mới, đặc biệt là sự cải tiến từ khung đứng sang khung ngồi, tăng năng suất lao động. Không chỉ ban ngày, vào ban đêm các khung dệt vẫn hoạt động hết công suất.
Nhưng chỉ 5 năm sau đó, hoạt động của làng nghề có dấu hiệu chững lại, các khung dệt chỉ hoạt động cầm chừng bởi những biến động của thị trường. Đến giai đoạn 2003-2005, nghề dệt thảm xơ dừa lại bùng lên mạnh mẽ. Mặt hàng ưa chuộng là thảm có kích thước nhỏ (35x55cm) và thảm hình bán nguyệt. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Indonesia và Đức. Ở giai đoạn này, tuy làm nhiều nhưng người lao động lại thu nhập thấp (khoảng 30.000-40.000 đồng/ngày), nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các mặt hàng cùng loại của Srilanca.
|
Những khung dệt “xếp xó” - một hình ảnh buồn ở làng nghề dệt thảm Cửu Lợi.
|
* Đìu hiu làng nghề
Về Cửu Lợi những ngày này, đã không còn gặp cảnh dập dìu xe đưa sản phẩm đến và chở nguyên liệu đi như trước. Giữa làng nghề cũng không còn nghe rộn ràng những âm thanh quen thuộc từ khung dệt. Chị Nguyễn Thị Bi (thôn Cửu Lợi Tây) nhà có 2 khung dệt cho biết: “Nhờ tấm thảm mà gia đình tôi có nhà cửa, cơ ngơi đàng hoàng nhưng giờ đây càng ngày làm ăn càng khó”. Đã hai năm qua, chỉ còn mình chị gắn bó với khung dệt. Anh Lê Văn Ngọc, chồng chị, đã chuyển sang làm nghề khác.
Hiện giờ, lao động thu nhập từ dệt thảm rất thấp, chỉ vào khoảng 15.000-20.000 đồng/người/ngày. Số khung của cả làng nghề đang hoạt động không quá 65/165 khung hiện có, với chưa được 100 lao động tham gia sản xuất. Không ít người đã bán tháo khung dệt. Số khung cũ, hư hỏng nhẹ cũng bị “thanh lý” thành… củi.
Nguyên nhân chính khiến nghề dệt thảm không còn thịnh vượng là do chất lượng sản phẩm của làng nghề thua kém chất lượng sản phẩm cùng loại của các nước như Ấn Độ, Srilanca… So sánh hai sản phẩm cùng loại giữa Việt Nam và Srilanca, có thể thấy 4 điểm yếu cơ bản của sản phẩm Việt Nam: nhiều bụi cám, các sợi dệt không đều, độ bền kém, và cuối cùng là màu sắc trang trí không bắt mắt.
Ông Huỳnh Minh Ngọc, chủ cơ sở Ngọc Chung chỉ cho tôi xem một tấm thảm là hàng mẫu của Srilanca được một đối tác gửi sang cho ông. Đã hơn 4 năm, tấm thảm vẫn giữ nguyên màu sắc, các sợi dệt nhỏ, đều tăm tắp. Ông ngậm ngùi: “Vừa rồi, một công ty gỗ ở Quy Nhơn đặt hàng mẫu của chúng tôi. Nhưng khi gửi hàng vào, họ không nhận mà phải đi mua hàng từ Ấn Độ về. Chứng kiến cảnh người Việt mình phải mua thảm ngoại với giá cao lại chịu chi phí vận chuyển, tôi vừa đau, vừa tức. Nhưng phải thừa nhận, sản phẩm của họ tốt hơn mình”.
Có những nghịch lý tồn tại từ lâu trong suốt quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thảm xơ dừa. Đó là việc sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chất lượng thấp, không tiêu thụ được; khi có những đơn hàng lớn thì không đủ vốn để làm; khi có hợp đồng của đối tác thì các chủ cơ sở cùng nhảy vào cuộc tranh giành, làm giá trị đơn hàng giảm xuống, giá nguyên liệu lên cao. Cả hai chiều hướng trên đều ảnh hưởng bất lợi đến thu nhập của người lao động. Thế nhưng, rất khó để hình thành một liên minh vững chắc, hiệu quả giữa các cơ sở này, đó cũng là nguyên nhân khiến làng nghề lâm vào cảnh... đìu hiu! Từ đó, đặt ra vấn đề hợp tác, liên minh giữa các cơ sở thu mua nhỏ lẻ.
|
|
Một số sản phẩm cải tiến của cơ sở Ngọc Chung. | |
* Loay hoay tìm hướng đi
Ngày 24.8.2007, UBND tỉnh đã ký quyết định số 521/QĐ-UBND công nhận một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có làng nghề truyền thống Dệt thảm Cửu Lợi - Tam Quan Nam. Từ sau khi có quyết định này, làng nghề đã có nhiều động thái tích cực để góp phần khôi phục, phát triển nghề dệt thảm. Xã Tam Quan Nam đã xây dựng 1.250m đường bê tông ở hai thôn Cửu Lợi Tây và Cửu Lợi Bắc. Tổng kinh phí xây dựng 450 triệu đồng, trong đó Sở Công Thương hỗ trợ 125 triệu đồng, huyện Hoài Nhơn 200 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách của xã và nhân dân địa phương đóng góp.
Ngân hàng phát triển Châu Á, Viện Nghiên cứu dầu thực vật TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ cơ sở sản xuất thảm Ngọc Chung 80 triệu đồng. Sở Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công tỉnh đầu tư cho HTX 142 triệu đồng, hỗ trợ đào tạo nghề trong 2 đợt với tổng kinh phí là 145 triệu đồng. Huyện Hoài Nhơn hỗ trợ 2 lớp học nghề 32,5 triệu đồng. Hội Nông dân tỉnh chi 72 triệu đồng cho hộ nông dân làng nghề mượn vốn đầu tư sản xuất. Hơn bao giờ hết, những chính sách quan tâm khôi phục phát triển làng nghề, những con số đầu tư trên dấy lên trong lòng người dân Tam Quan Nam niềm hy vọng khấp khởi. Nhưng đến nay, sự quan tâm đầu tư ấy vẫn chưa cứu được làng nghề thoát cảnh đìu hiu.
Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết: “Trong lúc thảm xơ dừa có chiều hướng chững lại, đã có những hướng đi mới là sản xuất các mặt hàng từ nguyên liệu dừa như cước, sợi, thảm đan bằng tay, hàng thủ công mỹ nghệ từ thân, miểng dừa, với thu nhập bình quân 20-30.000 đồng/người/ngày”. Nhưng xét cho cùng, đây chỉ là những giải pháp tình thế, bởi đã gọi là làng nghề truyền thống dệt thảm xơ dừa, thì sản phẩm chủ yếu phải là những tấm thảm bền, đẹp được làm ra từ bàn tay khéo léo của người dệt; có vậy mới đúng ý nghĩa truyền thống của làng nghề.
Cuối tháng 7.2008, nhân dịp diễn ra Hội làng nghề truyền thống (trong khuôn khổ chương trình Festival Tây Sơn - Bình Định 2008), tôi đã gặp anh Huỳnh Minh Tình, con trai thứ hai của ông Huỳnh Minh Ngọc trong gian hàng của gia đình. Tình là sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đang ấp ủ nhiều dự định, trong đó có việc mở trang web để giới thiệu sản phẩm thảm xơ dừa. Thế nhưng, mới đây, khi trò chuyện với tôi, anh cho biết: “Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi. Nhưng không thể làm được, vì thiếu… tiền”.
Hiện giờ, ngoài giờ lên lớp, Tình vẫn tìm kiếm con đường cho thảm xơ dừa. Anh giới thiệu, tiếp thị sản phẩm trên các trang web xúc tiến thương mại trực tuyến như gophatdat.com, vietgo.vn… Qua giao dịch trên mạng, đã có nhiều đối tác trong và ngoài nước chú ý đến sản phẩm thảm xơ dừa, đề nghị được xem mẫu mã, tiến hành các thủ tục để tìm hiểu hàng hóa. Tuy nhiên, đến khâu cuối cùng là ký kết hợp đồng thì lại bị chững lại. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có hai nguyên nhân chính là chưa có cơ sở pháp lý và thiếu vốn.
Trong các cơ sở thu mua, cung cấp thảm xơ dừa ở làng nghề Cửu Lợi, chỉ có cơ sở của ông Ngọc là có biển hiệu, giao dịch thường xuyên, được nhiều người biết đến. Những đơn đặt hàng của đối tác thường có giá trị rất lớn (cả ngàn, triệu USD), trong khi đó, các cơ sở ở Tam Quan Nam vẫn chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không thể đáp ứng yêu cầu vốn cũng như rủi ro nếu có. Tình nói: “Vốn, chỉ có vốn thôi. Có vốn sẽ có công nghệ, có thể chủ động tìm kiếm đầu ra, mạnh dạn tự cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng quy mô để đáp ứng những đơn đặt hàng lớn. Nếu không kịp thời cải tiến, chấn chỉnh trong mọi khâu từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, giới thiệu quảng bá và tiêu thụ, e rằng không bao lâu, làng nghề thảm xơ dừa Tam Quan Nam chỉ còn trong ký ức”.
|