Vì những tuyến đường sạch đẹp
11:11', 11/1/ 2009 (GMT+7)

Gần 10 năm nay, người dân sống dọc các con đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… (TP Quy Nhơn) đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ hàng đêm bên chiếc xe cải tiến, cặm cụi quét và thu gom rác. Chị đã để lại trong lòng người dân sống nơi đây một ấn tượng tốt về sự cần mẫn, không ngại khó, làm việc với trách nhiệm cao vì những tuyến đường sạch đẹp.

 

Sau khi xong công việc, hàng ngày chị Liên luôn theo dõi và nhắc nhở con cái học hành.

 

* Lao động giỏi

Tìm hiểu về chị, chúng tôi càng thán phục hơn, bởi ngoài sự nhiệt tình trong công việc, chị còn làm tròn vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình với những đứa con ngoan, học giỏi… Đó là chị Phạm Thị Liên, sinh năm 1972, hiện đang là công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn.

Năm 1991, sau khi thi rớt đại học, chị xin vào làm công nhân Công ty May Bình Định. Đến năm 1999, chị chuyển qua làm công nhân vệ sinh môi trường. Hỏi nguyên nhân vì sao chị quyết định trở thành một công nhân vệ sinh, một nghề đầy vất vả, chị Liên cho biết: “Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp: … Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác/ Sáng mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường/ Rực nở/ Hương bay xa/ Thơm mát/ Đường ta/ Nhớ nghe hoa/ Người quét rác/ Đêm qua… Và rồi, hàng ngày trên đường đi làm về, tôi thường gặp những người làm công việc quét đường, thu gom rác cần mẫn với công việc của mình vì những tuyến đường sạch đẹp. Từ đó, tôi càng thấy yêu thích hơn với cái nghề này và quyết định chuyển từ công nhân may sang làm công nhân quét rác”.

* Chị có bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định của mình?

- Khi biết tôi có ý định nghỉ làm công nhân may để chuyển qua làm công nhân quét rác, nhiều người thân trong gia đình, bạn bè đã ngăn cản, có người còn cho rằng, nghề quét rác là cái nghề mạt hạng, cái nghề thứ... 99 giữa 100 nghề trong xã hội. Và tôi cũng không trách gì họ, mà cứ làm theo sự lựa chọn của mình. Ngay cả Ban lãnh đạo của công ty lúc bấây giờ, khi nhận hồ sơ xin chuyển công tác của tôi cũng ái ngại, cho rằng tôi khó theo được cái nghề khá cực khổ và vất vả này.

Thú thật, những ngày đầu tiên mới vào nghề, do chưa quen với công việc nên tôi cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản. Tưởng công việc quét rác là giản đơn, nhưng khi bắt tay vào mới thấy chẳng dễ chút nào. Cái cán chổi cao gần 1 mét rưỡi cứ làm cho tôi thấy vướng. Đụn rác do tôi quét tấp lại thì lam nham. Quét chưa tới 50 mét đường thì 2 cánh tay mỏi nhừ, đôi chân cứ như cứng lại. Còn chiếc xe cải tiến chất rác thì nặng trình trịch... Nhưng rồi, bằng sự nỗ lực, những khó khăn, vất vả của ngày mới vào nghề giờ đã không còn nữa.

 

Chị Liên ra đường, bắt đầu công việc hàng ngày của mình.

 

* Gần 10 năm trong nghề, những niềm vui và nỗi buồn nào đã đeo đuổi chị?

- Gần 10 năm trong nghề, hầu như chưa có năm nào tôi được ăn một cái Tết trọn vẹn. Người ta không có vợ thì còn chồng ở nhà lo cho con cái, đằng này ông xã tôi lại làm việc ở xa, thành ra cả hai vợ chồng đều đi suốt. Vào những đêm Giao thừa chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, khi mọi người được sum họp gia đình trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới, thì chúng tôi lại phải vẫn âm thầm quét dọn từng ngõ nhỏ, từng đường phố; rồi âm thầm trở về lúc 4 - 5 giờ sáng mùng 1 Tết, trở thành người “xông đất” đầu tiên cho nhà mình.

Tuy nhiên, là công nhân vệ sinh môi trường, trách nhiệm của chúng tôi là làm cho những con đường, khu phố sạch đẹp. Chỉ buồn vẫn có người nhận thức chưa đúng, hay vứt rác bừa bãi, khi nhắc nhở thì người ta nói “Đã đóng tiền lệ phí thì có quyền đổ rác ở bất cứ chỗ nào”. Nhưng đa số bà con ta ý thức rất tốt, đổ rác đúng giờ, đúng điểm quy định, khi chúng tôi đẩy xe rác qua những chỗ đường dốc, họ liền giúp đỡ. Những hành động đó khiến chị em chúng tôi rất cảm động. Và niềm vui lớn nhất của chúng tôi đó là mỗi sáng ra, nhìn mọi người cười vui trên con đường sạch sẽ, cảm thấy tự hào vì có sự đóng góp công sức của mình.

* Là một công nhân vệ sinh môi trường, điều chị mong muốn nhất hiện nay là gì ?

- Là người công nhân quét rác, điều tôi mong muốn là người dân ngày càng ý thức hơn, đổ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi để chúng tôi đỡ vất vả hơn trong công việc và góp phần làm cho thành phố thân yêu của chúng ta ngày càng sạch đẹp hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong sao hình ảnh, nghề nghiệp của mình thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người để chúng tôi cảm thấy yên tâm và yêu nghề hơn. Và điều chúng tôi mong muốn nhất là không gặp phải những kẻ sàm sỡ, những “yêng hùng xa lộ”, hay những kẻ say rượu gây sự... Hầu như năm nào, công nhân vệ sinh chúng tôi cũng có người gặp phải những bất trắc này. Chỉ mới cách đây chừng 2 tháng, một chị trong đội của tôi, trong lúc đang quét rác thì bị 2 người đi xe máy tông vào gây chấn thương sọ não phải nằm viện cho đến nay vẫn chưa khỏi…

 

Cặm cụi với công việc thường ngày.

 

* Dạy con ngoan

Mặc dù công việc vất vả, nặng nhọc như vậy, nhưng trong suốt quá trình công tác, chị Phạm Thị Liên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ vậy, chị còn là một phụ nữ đảm đang trong công việc gia đình. Do điều kiện công tác, chồng chị  - anh Trần Văn Lương, công nhân thông tin tín hiệu đường sắt ga Bồng Sơn (Hoài Nhơn) - phải liên tục vắng nhà, một tay chị phải chăm lo, dạy dỗ 2 con nhỏ. Được cái, những đứa con của chị đã hiểu được hoàn cảnh gia đình nên rất ngon ngoãn, chăm học và biết vâng lời mẹ. Liên tục các năm học, cả hai con chị đều là học sinh giỏi. Năm 2007, con trai lớn của chị - Trần Chí Trung, hiện đang học lớp 6A1 Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong - đã đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh.

Bản thân chị, trong suốt nhiều năm liền được Liên đoàn Lao động tỉnh phong tặng danh hiệu Phụ nữ hai giỏi: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị tâm sự: “Mặc dù công việc cực khổ, vất vả, nhưng khi về nhà gặp 2 đứa con ngoan hiền, biết vâng lời mẹ, tôi cảm thấy rất vui. Con cái là niềm động viên rất lớn để tôi hoàn thành tốt công việc của mình”.

* Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này. Chúc chị có thêm nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt công việc của mình.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)
Còn không làng giá ven sông?  (27/11/2008)