Ươm những vườn lan
8:14', 12/1/ 2009 (GMT+7)

Lan vốn là loài hoa“nắng không ưa, mưa không chịu”. Chẳng thế mà chơi lan xưa vốn chỉ dành cho giới quý tộc. Vậy mà nay, phong trào chơi lan ở Bình Định khá phát triển. Những ngày này, lang thang qua những vườn lan, đã thấy rộ lên những màu sắc mùa xuân…

 

Ông Cao Bá Hạnh bên chậu lan Nghinh Xuân lấy nguồn từ núi rừng An Lão. Loại lan này đặc biệt nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

 

* Những vườn lan “Nghinh xuân”

Tại một công viên nhỏ ở đầu đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), những ngày giữa tháng Chạp, đã có không ít khách đến đặt lan kịp chơi Tết. Một vị khách tạt ngang, dặn dò: “Nhớ để cho tôi bảy giò lan đẹp, hoa kịp chơi Tết. Giá cả không thành vấn đề”. Anh chủ trẻ bán lan tên là Cao Bá Hoài giải thích: “Người ta đặt từ đầu tháng 10 âm lịch kia. Muốn có hoa đẹp thì phải đặt sớm vậy”.

“Vườn lan di động” ấy chỉ là một phần nhỏ trong “đại bản doanh lan” của gia đình ông Cao Bá Hạnh, cha anh Hoài, ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Ông Hạnh chơi lan từ trước ngày giải phóng. Từng có thời gian đi bộ đội, rồi làm hợp tác xã, năm 1995, thấy nhu cầu chơi lan phát triển, ông bắt đầu vào nghề trồng lan. “Lúc đầu, tôi bán lan rừng, ngoại tỉnh thì Bờ Y (Kon Tum), Sông Hinh (Phú Yên), Đức Cơ (Gia Lai); trong tỉnh thì An Lão, Vĩnh Thạnh… đặt cho người đi rừng. Khi nào có, người ta điện thì lại lên chở về”- ông Hạnh cho biết. Nói về lan rừng, ông Hạnh đã biết đủ các giống, quý nhất là các giống như Ngọc Điểm, Vân Hài, Dã Hoa, Thủy Tiên, Hoàng Thảo Ngũ Sắc, Long Tu… Trong đó, riêng Vân Hài, một loài lan đặc biệt quý hiếm, ông Hạnh có tới sáu loại. Thị trường tiêu thụ lan rừng của ông Hạnh trải đều khắp đất nước, nhưng mạnh hơn cả vẫn là ở các tỉnh phía Bắc. “Nói về lan rừng, tôi là loại có “thương hiệu mạnh” của miền Trung đấy!”- ông Hạnh cười sảng khoái. Ngoài cơ sở lan ở Tuy Phước, ông Hạnh còn một cơ sở khác, rộng 700m2 tại TP. Hồ Chí Minh, ông giao cho hai người con trai coi sóc. Cơ sở này chuyên thực hiện cấy mô, nhân giống lan; nhập lan ngoại từ Thái Lan, Đài Loan và cung cấp cho thị trường phía Nam.

“Đận lũ vừa rồi, một giàn lan bị đổ, ngâm trong nước bạc cả đêm, tôi mất tới gần trăm triệu. Tiếc nhất là mấy chậu Nghinh Xuân rất đẹp. Cũng do vậy nên mùa lan Tết năm nay, vườn lan của tôi chỉ chuẩn bị được khoảng 3.000 chậu, so với năm ngoái giảm cỡ 1.000 chậu, nhưng giá cả thì không chênh lệch bao nhiêu. Còn lan rừng thì rất nhiều, nhưng phải sau 20 tháng Giêng mới nở”- ông Hạnh cho biết.

Bà Trần Thị Ngọc Oanh, chủ vườn lan Song Thảo (số 102 Đô Đốc Bảo, Quy Nhơn) cũng vừa mới “đánh” hàng từ TP. Hồ Chí Minh về chuẩn bị bán Tết. “Từ nay đến Tết tôi còn nhập vài ba đợt nữa” - bà Oanh nói. Từ trong nhà đến ngoài sân, bà Oanh treo rất nhiều loại: Hồ Điệp, Vanda, Catlayda, Vũ Nữ, Ngọc Điểm… kịp chơi Tết, giá từ 50.000 đến 250.000 đồng/cây tùy loại.

Xuất thân từ giáo viên, mê lan và rồi kinh doanh luôn loài hoa quý tộc này, đến nay, bà Oanh có hơn chục năm kinh nghiệm về trồng lan, chơi lan. Bà Oanh là một trong những địa điểm cung cấp lan giống có tiếng ở Quy Nhơn. Có loại bà lấy giống từ TP. Hồ Chí Minh hoặc nhập thẳng từ Thái Lan, Đài Loan, trong đó Ngọc Điểm ngoại có đến 8 màu. Cơ sở chính của bà đặt ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh; ở Quy Nhơn, bà nhờ một người chị quản lý kinh doanh và chăm sóc lan, vài tháng bà mới về quê một lần.

 

Anh Huỳnh Xuân Trường bên những chậu Hồ Điệp chuẩn bị cho mùa hoa tết tại vườn thực nghiệm xã Phước An (Tuy Phước).

 

* Đi tìm “thương hiệu” lan Bình Định

Trước đây, giá lan cao, nên dù thích, nhiều người cũng “chùn tay” trước loài hoa quý tộc này. Vài năm gần đây, phong lan nhập từ Thái Lan, Đài Loan tràn ngập thị trường Việt Nam. Nhiều giống được di thực, thuần dưỡng phù hợp với khí hậu Việt Nam. Thông tin kỹ thuật về trồng lan trên sách báo, trao đổi trên Internet ngày càng phong phú. Giá lan cũng không còn quá cao như trước. Nhờ vậy, phong trào chơi lan ở Bình Định có điều kiện phát triển. Được biết, ngoài một số địa điểm cung cấp lan kể trên, gần đây, đã xuất hiện những vườn lan ở Diêu Trì (Tuy Phước), Tây Sơn, Phù Cát mua cả ngàn cây giống về trồng, kinh doanh hoa lan, cắt cành bán cho các shop hoa tươi ở Quy Nhơn và các huyện phụ cận.

Trước nhu cầu tiêu thụ phong lan ngày càng lớn, năm 2006, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất hoa phong lan công nghệ cao để xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình” do Thạc sĩ Lê Thị Kim Đào làm Chủ nhiệm, với kinh phí đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Sau gần hai năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được mô hình sản xuất hoa với hai loại Dendro và Hồ Điệp theo quy mô hộ gia đình phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu vào tháng 5.2008.

Thạc sĩ Lê Thị Kim Đào cho biết: “Trung tâm đã nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm thành công khoảng 20 dòng hoa thuộc hai loại Dendro và Hồ Điệp. Đây là các giống phong lan tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu Bình Định và được người tiêu dùng chấp nhận. Đã có một số khách hàng trong và ngoài tỉnh đến lấy giống cây con đem về trồng. Song, tất cả chỉ mới ở giai đoạn bước đầu mà thôi”. Hiện mỗi tháng, Trung tâm cung cấp khoảng 2.000 đến 3.000 cành hoa cho các shop hoa tươi trong tỉnh, vài ngàn giống cây cho khách hàng.

Tuy nhiên, một số khách hàng cho biết, họ vẫn chưa thực sự “hít” phong lan của Trung tâm vì một số “mô” phát triển chậm, cây lan không “mướt” như giống nhập từ TP. Hồ Chí Minh hoặc từ Thái Lan, Đài Loan. Anh Huỳnh Xuân Trường, Trưởng phòng Công nghệ Sinh học của Trung tâm, giải thích: “Đúng là chất lượng của giống Dendro của Trung tâm không bằng TP. Hồ Chí Minh, sinh trưởng chậm, trụi lá vì giống này không chịu được lạnh. Còn Hồ Điệp tuy vẻ ngoài không mướt mát bằng nhưng chịu được khí hậu khắc nghiệt miền Trung. Hiện chúng tôi vẫn đang hoàn chỉnh dần quy trình trồng lan thương phẩm bằng cách sử dụng nhiều loại phân sinh học khác nhau, để sau khi ra mô, cây sinh trưởng nhanh, hệ rễ và lá tốt hơn bây giờ”.

 

Bà Trần Thị Ngọc Oanh bên những giò lan Vanda đủ màu đang khoe sắc đợi xuân.

 

* Và chuyện về những người “ươm lan”

Người chơi lan ở Quy Nhơn không ai không biết ông Nguyễn Giỏi, chủ vườn lan số 96 Nguyễn Thái Học. Cách đây sáu tháng, ông Giỏi mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Không ít người tiếc cho vườn lan mà ông đã dày công chăm sóc nay có thể sẽ phải tàn lụi. Vậy nhưng, mới đây tạt ngang qua nhà ông, tôi ngạc nhiên khi thấy vườn lan trên giàn vẫn trổ bông, dưới đất vô số những cây lan con đang vào chậu. Anh Nguyễn Mạnh Quân, con trai của ông Giỏi, cho biết những tháng mưa vừa qua, vườn lan không người chăm sóc đã chết mất hơn một phần ba. Không nỡ để “tâm huyết một đời của ông già” tan theo mây khói, anh Quân tạm bỏ công việc làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh để về Quy Nhơn “tiếp quản” vườn lan của cha. “Hồi cha tôi còn sống, ông vẫn nói chuyện với tôi về lan, không ngờ giờ lại rất hữu dụng cho tôi. Rồi những người bạn chơi lan của ông cũng lui tới chỉ bảo thêm. Tôi không rành về lan lắm  nên mỗi khi hoa nở, lại chụp ảnh gởi lên mạng, nhờ bạn bè chỉ giúp xem là loại lan gì”- anh Quân tâm sự. Và sau những tháng ngày “đánh vật” với lan, anh Quân đã biết cách làm cho lan “sống” được.

Còn ông Hạnh, thì tỏ ra tâm đắc bởi mình nay đã có những người kế nghiệp, không chỉ yêu lan, mà còn có cả cái “vốn chữ”. Trong đó, anh Cao Lâm Hùng, vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, hiện là “kỹ thuật viên chính”, chuyên đảm nhận việc cấy mô các giống lan. “Chuyện cấy mô gì đó nó còn rành hơn tôi nhiều…”- ông Hạnh nói, không giấu vẻ tự hào.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, công tác tại Sở Y tế tỉnh, là người đã trót yêu vẻ đẹp “cao sang, tinh khiết” của lan từ thời trẻ và có nhiều kinh nghiệm trong việc “thuần dưỡng” loại hoa khó tính này, tâm sự: “Người chơi lan, ngoài hội tụ các điều kiện để “nuôi” nổi nó, còn phải cực kỳ kiên nhẫn, biết chấp nhận chơi-chết- trồng lại, rồi từ đó mới rút tỉa cho mình những kinh nghiệm quý báu”. “Có chân” trong Hội Sinh vật cảnh TP. Quy Nhơn, phụ trách về mảng hoa lan, bà Tuyết hy vọng sắp tới sẽ vận động thành lập được một sân chơi chung cho những người yêu lan, làm sao để ngày càng có nhiều không gian chung và nhiều ngôi nhà đều hiện diện vẻ đẹp của lan. Còn bà Oanh lại ấp ủ dự định nếu có điều kiện sẽ mở một hội thi lan định kỳ giữa những người chơi lan với nhau như ở TP. Hồ Chí Minh, vừa tạo thêm phong trào vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tạo hứng thú cho người chơi lan.

Người chơi lan vẫn có câu: “Kiến giả thị bảo, bất kiến giả thị thảo” (Biết thì là bảo vật, không biết thì chỉ là cỏ). Có tín tâm và quyết tâm, ta sẽ gặp bảo vật của mùa xuân. Chuyện của anh Quân, ông Hạnh hay tâm sự của bà Tuyết, bà Oanh cũng như của bao người ươm lan khác ở Bình Định đều là vậy…

  • Viết Thọ - Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)
Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông  (28/11/2008)