Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi
16:19', 14/1/ 2009 (GMT+7)

Quê tôi có nghề truyền thống rất thú vị mà hễ khách lạ nào về thăm cũng reo lên thích thú khi thấy câu thành ngữ về tình đoàn kết của người Việt “lá lành đùm lá rách” được tường minh một cách vô cùng sống động dưới bàn tay điệu nghệ của người làm nghề.

 

Ở làng lá chuối được trồng ở mọi chỗ mọi nơi. (Ảnh: VN)

 

Đó là “nghề” của vùng đất chuyên canh chuối lấy lá. Gọi là “làng” cho… xôm chứ thực chất những hộ trồng chuối lấy lá ở đây chỉ gói gọn trong một xóm nhỏ chừng hai chục nóc nhà nằm Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Xóm có cái tên hành chính rất đẹp là Hanh Thiện nhưng bà con vẫn quen gọi là “xóm Soi” theo tên gọi cũ từ thời mới lập xóm.

1.

Xóm cũ, nhà cũ và dường như chẳng có gì thay đổi kể từ khi đường lớn mở từ Quốc lộ đâm thẳng ra bãi cát từ dạo những năm 90 của thế kỷ trước. Khác chăng là “lối cũ ta về, dường như nhỏ lại” vì đường làng, đường ngõ ít người đi lại nên không có người phát quang, cây cối hai bên đường cứ tự nhiên chĩa cành, chìa lá ra ngoài. Những vườn lá chuối từ hồi nào đến giờ vẫn vậy, vẫn lào xào bao quanh mỗi nhà.

Từ nhỏ tôi đã quen với “không khí” làng nghề: những vườn lá chuối xanh mướt bao quanh nhà, những ngày đến phiên chợ nhà nhà rộn ràng rọc lá và những trò chơi thuở nhỏ cùng bạn bè thời niên thiếu cũng gắn chặt với vườn chuối. Ấy là khi người lớn thu hoạch lá, bọn trẻ con thường được cho những tàu chuối rách để quàng vào người rồi cũng múa hát say sưa như đang xúng xính trong áo kim tuyến các đào, kép trên ti vi. Xưa Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, làng lá chuối có tập trận bằng bẹ chuối cũng chẳng kém tưng bừng bởi thêm tiếng kèn được quấn từ những mảnh lá vụn. Rồi những chiếc răng sữa rụng hay những lọn tóc được cắt bởi “thợ nhà” đều được người lớn dạy phải “giấu” trong bẹ chuối để răng mau mọc, tóc mau dài…

Khác với những loại chuối lấy quả chỉ thu hoạch một lần khi chín, chuối lấy lá túc tắc cho thu hoạch quanh năm từ việc tỉa lá để bán mỗi ngày. Chuối lấy lá phải là loại chuối chát (có nơi gọi là chuối hột), loại chuối này cho lá to bản, mướt, có độ dẻo cần thiết và đặc biệt khi luộc lên không bị chát xít hoặc ra màu làm xấu bánh. Loại chuối này sống rất khoẻ, bà con gần như không phải chăm bón gì ngoài việc gánh đất ruộng vào vun gốc chuối.

Cũng như tất cả mọi đứa trẻ trong làng, từ nhỏ tôi đã được học cách rọc, thu gom và xếp lá, những công đoạn chuẩn bị trước khi mang lá ra chợ bán. Lá chuối đạt yêu cầu phải lành lặn, khổ lớn, không quá tươi sinh giòn hay quá héo làm mất nếp và mất màu xanh nên lá thường được rọc vào buổi sáng, khi sương đêm vừa tan hết và nắng chưa kịp gay gắt hoặc lúc chiều tà. Người làng dùng những con dao cán dài độ 3, 4 m tuỳ độ cao của từng vườn chuối để tách lá ra khỏi tàu chuối ngay trên cây. Đó là công việc không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà cả sự “quen tay” bởi chỉ cần lơ là một chút lá sẽ rách ngay, không dùng được. Trẻ con sẽ được “tập sự” trên nhưng cây chuối thấp và những tàu lá xấu cho đến khi nào thuần thục mới được phép đụng đến những cây chuối tốt.

Đất miền Trung vốn lắm gió nhiều bão đến nỗi lá dừa còn bị tướt nên chuyện lá chuối mảnh mai bị xé rách trên cây là điều hiển nhiên. Chỉ có rất ít tàu lá lành lặn nhờ ở nơi khuất gió. Vì vậy mới nảy ra câu chuyện “lá lành đùm lá rách” theo nghĩa đen thực thụ. Lá chuối ở đây không được cuộn tròn và cân ký bán như các nơi mà được xếp theo từng xấp một, mỗi xấp gói được 2 cây bánh tét (mỗi cây 2 lon gạo). Trong mỗi xấp lá đều có đủ loại: lá to, lá bé, lá rách, lá lành để người gói bánh có thể liệu mà kết hợp mà dùng sao cho thật vừa vặn. Những tấm lá đẹp nhất bao giờ cũng được chọn để khoe bên ngoài, những lá xấu hơn sẽ được lót bên trong, không những thế, người làng nghề còn kê lá lên làm hai tầng để tạo cảm giác lá to bản hơn và xếp lá chắc chắn chứ không mảnh mai dễ rách như khi chúng ở riêng rẽ nhau. Nói thì dễ nhưng tất cả những công việc này chỉ có dân trong làng mới làm được, người bên ngoài chỉ biết đứng... ngó bởi không khéo hành động phụ giúp sẽ trở thành phá hoại. Khi lá ra chợ cũng được dặn dò nhẹ tay, cẩn thận kẻo rách, cứ như thế, từng tấm lá được nâng niu từ lúc còn ở trên cây cho đến khi đến tay người dùng.

Và các vườn chuối, tuy không nhiều lắm nhưng cũng đủ túc tắc cho bà con tiền chợ mỗi phiên.

 

Lá chuối được phơi sơ trước khi gói bánh. (Ảnh: VN)

 

2.

Nhưng đó là chuyện của mấy năm về trước, khi lá chuối còn là mặt hàng thiết yếu dùng để gói từ quà bánh đến thịt cá, rau quả… Còn bây giờ, khi túi ni-lông thế chỗ, lá chuối chỉ còn được dùng ít ỏi vào việc gói một số loại bánh. Có lúc người ta còn dùng giấy báo, bọc bao ni-lông bên ngoài để gói chả hàng chợ nên những vùng chuyên canh chuối lấy lá cứ co hẹp dần. Ngày thường, lá chuối rẻ nên người ta không cần phải “nhẹ tay” như trước nữa vì họ cứ mua dôi dư ra, thừa thì vứt. Người thợ làm bánh cũng không phải so đo tính toán để dùng lá sao cho tiết kiệm nữa. Ít bán được nên vườn lá cuối cứ rậm rạp thêm, nhiều tàu già cứ tự động khô héo. Tuy vậy, người làng vẫn giữ vườn, không chặt bỏ bởi tiếc khoảng xanh và mấy món rau đặc sản từ chuối chát (bắp chuối và trái chuối non) đã quen dùng.

Giờ đây, làng nghề lá chuối chỉ trở về đúng nghĩa vào tháng Chạp, tháng có nhiều đám tiệc và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, khi nhà nhà rộn ràng gói bánh chưng bánh tét để bày lên mâm cỗ ba ngày xuân. Người làng lại náo nức chuẩn bị hàng hoá ra chợ để bán lá và sắm Tết. Nhưng “nghiệt” một nỗi là năm nào trước Tết cũng bão to, vườn lá xơ xác chưa lú ra kịp lứa lá mới thay thế nên lá ra đến chợ vẫn cứ phải “lá lành đùm lá rách”. Để lại phải cần đến bàn tay của những người gói bánh thiện nghề giỏi chắp nối, gói ghém làm sao cho lá dẫu rách, dẫu lành vẫn tròn trịa những chiếc bánh ngày Tết bay ra mùi thơm dễ chịu của nếp, đậu xanh, mỡ và hạt tiêu quyện lẫn vào nhau rất ấm cúng…

Tôi nhìn vườn lá chuối bên nhà sau những trận bão liên miên: xác xơ, tiêu điều nhưng chỉ độ một, hai hôm trời nắng hửng đã thấy những tàu lá vươn cao đón gió. Xen giữa các tàu te tua đã thấy bừng lên tàu chuối mới: non tơ và nguyên vẹn. Cũng như sức sống của con người miền Trung quê mình vậy, dẫu thiên tai, lũ lụt con người vẫn sống và tin tưởng vào ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua.

  • Vương Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)
“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”  (29/11/2008)