Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ
9:17', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Vũ Trung là một trong những nhạc sĩ Bình Định gặt hái nhiều thành tích trong lĩnh vực sáng tác. Chỉ tính riêng trong năm 2008, ông đã đoạt đến 3 giải thưởng âm nhạc. Một cuộc trò chuyện của PV Báo Bình Định với “người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ” này…

 

Nhạc sĩ Vũ Trung (giữa) đang phát biểu khi được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định nhiệm kỳ 2008-2010. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

* Từ cậu học trò mê ghita, đến nhạc sĩ Bình Định đầu tiên xuất ngoại

Nhạc sĩ Vũ Trung sinh năm 1960 tại Đập Đá (huyện An Nhơn). Từ nhỏ, Vũ Trung đã nổi tiếng với tài chơi đàn ghita, nên thường được tham gia ban nhạc của xã biểu diễn trong các dịp lễ, Tết. Lên cấp III, Vũ Trung đảm nhiệm vai trò đội trưởng đội văn nghệ của Trường cấp III An Nhơn và tích cực tham các hoạt động văn nghệ phong trào của huyện. Tốt nghiệp cấp III tháng 5.1978, một tuần sau, Vũ Trung được tuyển thẳng vào Đoàn Nghệ thuật Quần chúng Công an tỉnh Nghĩa Bình vừa mới thành lập, không phải qua sơ tuyển.  

* Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông lúc mới bước chân vào ngành công an là gì?

- Đó chính là Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng Lực lượng Công an Nhân dân khu vực phía Nam (từ Huế trở vào) lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Nghĩa Bình năm 1979. Hồi đó, tôi chưa sáng tác ca khúc bao giờ, nhưng nhờ từng là nhạc công và tự mày mò học các kiến thức về sáng tác qua sách nhạc và những người đi trước… nên tôi “liều” sáng tác thử. Cảm hứng sao thì viết vậy, viết một mạch đến… 4 ca khúc về đề tài công an là “Đêm tuần tra”, “Mùa xuân theo bước chân anh đi”, “Quy Nhơn ngày mới”, “Tình yêu và Tổ quốc”. Các ca khúc này đã góp phần đem đến giải Nhất toàn đoàn cho Đoàn Nghệ thuật Quần chúng Công an tỉnh Nghĩa Bình. Cũng tại Hội diễn này, tôi đã tự trình bày bài hát “Tình yêu và Tổ quốc” đoạt Huy chương Vàng cá nhân. 

Sau Hội diễn, Vũ Trung được cử tham gia khóa tập huấn hai năm ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp loại giỏi, ông về lại Ty Công an Nghĩa Bình. Hai năm sau, nhờ thành tích xuất sắc trong phong trào văn nghệ ngành công an, ông lại được điều động tham gia Đoàn Nghệ thuật của Bộ Công an tham gia Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng Toàn quốc năm 1984. Cũng trong năm này, Vũ Trung vinh dự là gương mặt duy nhất của ngành công an được tuyển chọn tham gia Đoàn Nghệ thuật Mùa Thu 2 của Bộ Văn hóa - Thông tin, tham gia Liên hoan Âm nhạc Quốc tế các nước Xã hội chủ nghĩa tổ chức tại thủ đô Lahabana (Cu Ba).

* Chuyến đi biểu diễn tại Cu Ba hẳn đã để lại trong ông nhiều ấn tượng?

- Tôi là nhạc sĩ tỉnh lẻ nhưng không chỉ được mời tham gia, mà còn được vinh dự đảm nhiệm việc chỉ đạo nghệ thuật cũng như phối khí cho các ca khúc của Đoàn Nghệ thuật Mùa Thu khi sang biểu diễn tại Cu Ba. Trong khi các đoàn khác chỉ biểu diễn ở Cu Ba vài ngày, đoàn Việt Nam được mời ở lại lưu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố lớn khác ở Cu Ba trong suốt một tháng. Khi trở về, đoàn chúng tôi còn biểu diễn tại Liên Xô gần một tháng, được người Việt mình bên đó dành cho những tình cảm rất nồng nhiệt. Chuyến đi này đã để lại cho tôi những ấn tượng không thể nào quên trong cuộc đời…

* Nhạc sĩ Bình Định đoạt nhiều giải thưởng nhất

Vũ Trung là nhạc sĩ luôn có ý thức tìm tòi để sáng tác các tác phẩm mới, có chất lượng. Ông đã cho ra đời nhiều ca khúc hay về Bình Định, được nhiều người biết đến và là nhạc sĩ Bình Định đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc nhất. Ông đã bốn lần đoạt giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các tác phẩm thanh nhạc: năm 2002 và 2008 đạt giải Nhì (không có giải Nhất), năm 1999 và 2006 đạt giải Tư. Ngoài ra, ông còn đạt 6 giải thưởng tại các cuộc thi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với các đơn vị khác tổ chức, đạt giải Nhì và giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định năm 2000, đạt hai giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu hai lần gần đây nhất. Nhạc sĩ Vũ Trung đã được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định nhiệm kỳ 2006 - 2008 và 2008 - 2010.

* Được biết, ca khúc “Sài Gòn nhớ Hà Nội” của ông vừa đạt được giải Nhì (không có giải Nhất) tác phẩm thanh nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2008. Ông có thể cho biết đôi chút về ca khúc này?

- Ca khúc “Sài Gòn nhớ Hà Nội” được tôi phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thiên Hà (TP. Hồ Chí Minh), dựa trên sự đồng cảm: “Sài Gòn mấy khi thoáng bụi mưa/ Mà sao sáng nay chợt mưa phùn/ Bỗng nhớ Hồ Gươm bâng khuâng cổ tích/ nhớ Tháp Rùa lãng đãng cõi xa xưa…”. Bài thơ này vốn đã được một số nhạc sĩ khác phổ nhạc, nên tôi suy nghĩ, tìm tòi để có hướng đi riêng. Tư tưởng chủ đạo của ca khúc là nỗi niềm hoài niệm, nên đoạn mở đầu ca khúc tôi đã cho hát tự do (slow) không cần có nhịp, thể hiện chất tự sự hồi tưởng xa xăm... Phần sau lại có giai điệu trẻ trung hiện đại (slow surf) xen lẫn âm hưởng ca trù. Có lẽ nhờ vậy nên giai điệu ca khúc vừa tươi mới, vừa có sự nồng nàn cháy bỏng.

* Là nhạc sĩ đã gặt hái nhiều giải thưởng âm nhạc, vậy ông có “bí quyết” sáng tác nào có thể chia sẻ?

- Tôi không ngừng học hỏi cái mới nhưng luôn luôn trung thành với con đường sáng tác theo phong cách âm nhạc truyền thống đã chọn. Nếu nói là bí quyết thì chỉ có vậy.

* Nhưng nhiều người vẫn e ngại rằng sáng tác theo phong cách truyền thống dễ đi vào “lối mòn”?

- Quan điểm này, theo tôi, là sai lầm, bởi có những giá trị đã được khẳng định từ xưa đến nay. Nếu ta biết “lau chùi” cái tưởng như là cũ kỹ ấy bằng trái tim và tâm huyết, thì nó sẽ trở nên “mới”, đẹp và giá trị. Bên cạnh đó, tuy sáng tác ca khúc có giai điệu truyền thống là chủ đạo, tôi vẫn cố gắng đưa vào đó những đoạn mang âm hưởng nhạc đương đại. Sự đổi mới này trong ca khúc chỉ là những nhấn nhá vừa phải và hết sức tế nhị, có tác dụng điểm tô và nâng cao giá trị cho cái truyền thống. Đồng thời, sự đổi mới ấy không được lai tạp và phải được người nghe chấp nhận.

 

Nhạc sĩ Vũ Trung (người đứng giữa) tại lễ nhận giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ III. Ảnh: H.Thu

 

* “Tôi là người chiến sĩ nghệ sĩ”

Từ khi gia nhập ngành công an đến nay, Vũ Trung luôn làm việc ở Phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Bình Định. Hiện ông là Phó phòng Công tác Chính trị, Công an tỉnh.

* Vừa là công an vừa là nhạc sĩ, có lúc nào, ông đã để chất nghệ sĩ của mình ảnh hưởng đến công việc chuyên môn?

- Tôi luôn xác định rõ giữa công tác chuyên môn và lĩnh vực sáng tác âm nhạc, không bao giờ để việc sáng tác âm nhạc ảnh hưởng đến chuyên môn của mình. Sau những thời gian căng thẳng do áp lực trong công tác chuyên môn, tôi tìm đến với âm nhạc để thư giãn, để thấy mình thêm phấn chấn, yêu đời. Hai ngọn lửa chuyên môn, âm nhạc luôn hòa quyện và bùng cháy trong trái tim tôi. Tôi nghĩ, nhờ âm nhạc, nên khi làm công tác chuyên môn, tôi có thuận lợi hơn, nhất là khi đến với quần chúng. Ngược lại, nhờ công tác chuyên môn, tôi luôn có định hướng đúng đắn trong sáng tác của mình.

Một người anh, người đồng nghiệp trong ngành công an đã tặng tôi bài thơ: “Có những bài ca làm xúc động lòng người/ Bài ca cho anh tình sâu nghĩa nặng/ Tình thủy chung ta nhớ mãi Vũ Trung/ Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ”. Tôi tâm đắc nhất câu thơ cuối, bởi tôi là người có trái tim nghệ sĩ, nhưng bao giờ cũng đặt nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an lên trên hết.

* Xin cảm ơn ông!

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)
Kỳ 2: Phi thường Thẩm Quyến  (05/12/2008)
Hoa Nam ký sự  (03/12/2008)
Căng thẳng vùng rốn lũ  (01/12/2008)