Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”
8:18', 4/10/ 2009 (GMT+7)

Anh Nguyễn Xuân Thạch - Chủ nhiệm HTX Bình Đê

Tại một vùng quê thuần nông, khó ai ngờ được có một HTX phi nông nghiệp được hình thành hơn 10 năm nay và có những bước tiến mạnh mẽ, vững chắc, doanh số hàng năm đạt trên 10 tỉ đồng; được bà con đặt cho cái tên trìu mến là “HTX thôn mình”. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Xuân Thạch – Chủ nhiệm HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê - về việc làm ăn của “HTX thôn mình”.

* Thưa anh! Tôi thường nghe người dân ở thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn hay gọi HTX sản xuất đá xây dựng Bình Đê (HTX Bình Đê) bằng cái tên ngắn gọn: “HTX thôn mình”; người dân Chương Hòa muốn sở hữu tên gọi ấy một cách mạnh mẽ đến thế là bởi lý do gì vậy?

- HTX Bình Đê được xây dựng nên bởi bàn tay, khối óc của chính người dân nơi đây. Cả thôn có hơn 200 hộ dân, thì có trên 150 hộ là xã viên của HTX. Một lý do nữa để người dân Chương Hòa tự hào về “HTX thôn mình” bởi dù là HTX phi nông nghiệp còn non trẻ, mới có 10 năm đi vào hoạt động, lại phải bươn chải vất vả trong giai đoạn suy thoái kinh tế chung, nhưng năm nào HTX cũng có bước tăng trưởng kinh tế cao, đem lại thu nhập khá cho bà con xã viên. HTX Bình Đê chuyên khai thác, mua bán các loại đá xây dựng, các dịch vụ liên quan đến giao thông vận tải và xây dựng. Chúng tôi có lợi thế là được cấp phép khai thác mỏ đá chính ở khu vực Bình Đê, ngay trên địa bàn thôn.

* Hiện nay, nhiều  HTX phi nông nghiệp phải “gồng mình” để có thể tồn tại và phát triển. Anh có thể cho biết “HTX thôn mình” được gầy dựng và phát triển như thế nào?

- HTX Bình Đê được thành lập tháng 8.1998, đến nay hơn 10 năm. Bước đầu thành lập, mọi người đều tập trung vào sản xuất đá xây dựng. Dân làng ở đây từ thời Pháp thuộc đã phải làm đá để chúng lấy làm đường sắt Bắc - Nam. Đến giai đoạn chống Mỹ, thì chúng lấy đá ở đây để làm quốc lộ, sau giải phóng thì HTXNN quản lý, thành lập 1 tổ sản xuất đá xây dựng. Sau khi HTX NN hết quản lý rồi thì anh em thành lập một tổ hợp đứng ra mua bán rồi thanh toán lại sản phẩm cho bà con. Càng ngày thấy nhu cầu xây dựng càng lớn, được chi bộ địa phương, Đảng ủy, UBND xã thống nhất cho chủ trương tập hợp bà con lại thành một tổ chức, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi tại thôn Chương Hòa.

 

Sản xuất gạch từ bột đá phế phẩm tại HTX Bình Đê.

 

Ban đầu thành lập HTX Bình Đê có 52 xã viên góp vốn. Mỗi xã viên góp 5 triệu đồng, mỗi người góp trước 400 ngàn đồng, sau đó nộp dần. Cứ thế ngày một thu hút thêm xã viên, vốn tích lũy thêm lên. Đến năm 2005, HTX thực sự dồi dào nguồn lực, nên đầu tư mạnh dạn hơn các loại thiết bị, máy móc hiện đại. Năm 2008, doanh thu của HTX đạt gần 11 tỉ đồng, với mức lợi nhuận trên 2,5 tỉ đồng. Lao động thường xuyên của HTX có thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Liên tiếp từ năm 2004 đến nay, HTX được nhận bằng khen của UBND tỉnh và Liên minh các HTX Việt Nam. Năm 2008 HTX Bình Đê được vinh dự nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

* Với vai trò là Chủ nhiệm HTX và là Bí thư Chi bộ, anh có định hướng gì về quy mô hoạt động của HTX Bình Đê? Cách thức tổ chức bộ máy HTX ra sao?

- Tôi xin phép không nói vai trò cá nhân tôi, bởi sự thành công bước đầu là do công lao, sức lực và trí tuệ của tập thể. Ban Chủ nhiệm cũng chỉ là người làm công cho tập thể và là một xã viên góp vốn của HTX, nên mọi sự tìm tòi, sáng tạo để áp dụng vào phương thức sản xuất, kinh doanh đều do tập thể quyết cả. Hiện giờ sản lượng của chúng tôi rất lớn. Doanh thu mỗi tháng của năm 2009 này bằng doanh thu của cả năm 2003. Phương châm của chúng tôi là tinh gọn đội ngũ gián tiếp và bố trí tuyển chọn nhiều lao động có tay nghề cao.

Mô hình sản xuất của chúng tôi gồm có các tổ đội chuyên môn gồm: Tổ khoan nổ có 13 người đang vận hành 6 máy khoan; tổ nghiền đá có 6 người với 2 dây chuyền nghiền đá, tổ cơ khí sửa chữa có 4 người và tổ xe, máy có 11 người. Còn bộ phận văn phòng gồm ban chủ nhiệm HTX và các nhân viên bán hàng thì chỉ có 9 người. Số lao động cố định này chúng tôi trả lương theo thời gian và đóng các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Còn riêng số lao động theo thời vụ thì chúng tôi đóng cho họ các khoản bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm thân thể và bảo hiểm y tế.

 

Dây chuyền sản xuất đá của HTX Bình Đê.

 

Từ 7 năm nay chúng tôi đã có hướng đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh và từng bước khép kín các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã mạnh dạn tổ chức một số mô hình sản xuất mang tính bổ sung như thành lập tổ cơ khí để bảo trì, sửa chữa tại chỗ các thiết bị khai thác đá, thành lập tổ cơ giới vận tải để vận chuyển hàng hóa đến tận nơi tiêu thụ. Chúng tôi cũng chủ động tìm tòi, đầu tư đồng bộ các thiết bị cơ giới, chú trọng đổi mới công nghệ, máy móc để nâng cao sản lượng và năng suất, nhằm tăng tỉ trọng sản phẩm có giá trị thương mại cao, giảm chi phí sản xuất, làm cho lợi nhuận tăng nhanh hơn tốc độ gia tăng của doanh thu. Năm 2008 lợi nhuận của HTX tăng 142,95% so với năm 2007, trong khi sản lượng chỉ tăng có 64,12%. Đây là con số đầy thuyết phục, điều này là minh chứng cho sự phát triển đúng hướng của HTX.

Năm 2009 này chúng tôi tập trung nghiên cứu thị trường, nghiên cứu quy trình sản xuất và xúc tiến đầu tư dây chuyền sản xuất gạch block và gạch lát vỉa hè từ bột đá, phế phẩm của quy trình sản xuất chính của ngành đá. Sản phẩm này có giá thành rẻ bằng một nửa giá thành sản phẩm đồng dạng, nhưng chất lượng không hề thua kém. Đây là sản phẩm không những mang lại lợi nhuận cao mà còn giải quyết việc làm đáng kể cho xã viên ở địa phương và tận dụng tối đa nguồn phế thải, giảm thiểu tác hại đến môi trường.

* Anh thấy thế nào khi mà nhiều người cho rằng HTX Bình Đê là doanh nghiệp của làng và những xã viên của HTX là những công nhân của làng?

- Tôi nghĩ là nói như thế cũng không sai. HTX ngày càng tham gia sản xuất nhiều lĩnh vực, đưa ra nhiều mặt hàng và nhất là đa dạng hóa phương thức hoạt động, lấy uy tín chất lượng sản phẩm làm đầu để HTX tồn tại và phát triển. Mặt khác, chúng tôi đa dạng hóa phương thức bán hàng, như bán tại chỗ, bán đến chân công trình và bán trả chậm… đều có thái độ phục vụ đúng mức, nhiệt tình. Mặt khác, HTX Bình Đê cũng ngày một hiện đại hóa thiết bị sản xuất. Ví dụ trước đây bà con HTX chúng tôi thấy Công ty 47 sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại, như máy xúc, máy ủi, máy nghiền đá, hay máy khoan…  với công suất lớn bằng hàng trăm sức lao động, thì bà con xã viên có nằm mơ cũng không nghĩ mình có được; không dám nghĩ con em mình có thể điều khiển được được xe đào, xe múc trông nó dềnh dàng, hì hợm và phức tạp làm sao. Thì nay, những máy móc thiết bị đó và có phần mới hơn, hiện đại hơn, chính con em của xã viên HTX, của những người ước muốn, mơ tưởng đó giờ đã điều khiển vận hành một cách thuần thục.

 

Những sản phẩm mới: gạch xây dựng, gạch block từ bột đá.

 

Đối với chế độ phúc lợi, các ngày lễ, tết, hoạt động các hội, đoàn thể khi tham gia các phong trào do xã, do huyện tổ chức thì chúng tôi đều hỗ trợ kinh phí, vật chất. Ưu tiên nhất là người lao động tại thôn này. Thứ hai là, chi bộ đảng của HTX gắn liền với chi bộ thôn; bí thư chi đoàn cũng là bí thư chi đoàn thôn; ngay cả phó trưởng thôn cũng là phó chủ nhiệm HTX; ủy viên Ban quản trị cũng là CA viên thôn; bản thân tôi làm Chủ nhiệm, cũng là Bí thư Chi bộ thôn. Mọi hoạt động tổ chức của HTX đều gắn liền với hoạt động của thôn Chương Hòa.

* Anh có thể phác họa viễn cảnh HTX Bình Đê của mình trong tương lai?

- Xã hội ngày một phát triển thì nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và dân dụng sẽ tăng lên. Mà còn công trình xây dựng thì tin chắc HTX của chúng tôi sẽ còn đứng vững. Tôi thường nói vui: Ở đâu có xây dựng thì ở đó có HTX Bình Đê. Về mặt chủ quan tôi nghĩ HTX Bình Đê trong tương lai vẫn có chỗ đứng tốt. Bằng chứng là trong năm 2008, nhiều doanh nghiệp đã chựng lại, hoặc suy giảm năng suất, sản lượng, nhưng HTX của chúng tôi vẫn tăng trưởng đều.

Yêu cầu hiện nay mang tính sống còn cho HTX là phải giữ đoàn kết nội bộ từ bộ khung cán bộ đến các xã viên, đó là then chốt. Thứ hai là giữ uy tín, thương hiệu về chất lượng sản phẩm, về phương thức bán hàng. Hiện nay ở khu vực này có 3 cơ sở sản xuất đá, nhưng HTX Bình Đê tiêu thụ sản phẩm mạnh hơn, do chất lượng và cung cách phục vụ tốt hơn. Thứ ba là đa dạng hóa ngành nghề, chuyển một số lao động thủ công qua sản xuất một số ngành nghề mới của HTX, như gạch ngói và các nghề khác.

* Cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện này! Chúc “doanh nghiệp của làng” Chương Hòa ngày một thành công.

  • Ngọc Phương (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)
Một người bình thường   (16/08/2009)
Kỳ vọng từ cây mây ở An Lão  (10/08/2009)