Cách đây 4 năm, khi hàng trăm hộ dân ở huyện miền núi Hoài Ân tìm mua giống cây dó bầu về trồng để tạo trầm, với ước mơ đổi đời, họ đã phải nghe không ít lời đàm tiếu. Vậy mà bây giờ, các chủ vườn dó đang hớn hở đón ngày “hái quả”, với những khoản thu nhập… “triệu phú”.
|
Anh Nguyễn Sơn Định trong vườn cây dó 12 năm tuổi của mình.
|
* Rộn ràng “xứ trầm hương”
Với hơn 100 ha diện tích đất vườn được trồng cây dó bầu, huyện Hoài Ân được mệnh danh là “xứ trầm hương” của tỉnh ta. Những ngày này, đi đâu trên đất Hoài Ân, tôi cũng chạm mặt những “tào kê” (những người chuyên đi dạo tìm mua trầm) rong xe khắp đường làng, ngõ xóm để lùng mua những vườn cây dó.
Ăn trưa tại quán Đồng Xanh, ở xã Ân Nghĩa, nghe ngóng câu chuyện rôm rả của 2 người đàn ông đang lai rai bia ở bàn bên cạnh, tôi biết, đó là những “tào kê” và đoán là họ vừa “trúng mánh” lớn. Lân la sang bắt chuyện, trong hơi men ngà ngà, ông Thọ (ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa) bộc bạch: “Tôi làm nghề này từ những năm đầu giải phóng. Khi Nhà nước cấm khai thác rừng trái phép, và rừng cũng đã cạn nguồn trầm, tôi cứ ngỡ sẽ phải bỏ nghề. Nào ngờ bây giờ, những hộ trồng dó bầu ở địa phương đã tạo được trầm, thị trường ngày càng “ăn” mạnh mặt hàng này, nên chúng tôi không phải thất nghiệp”.
Ông Thọ cho biết, ngoài thu mua các cây dó đã đến thời hạn khai thác, mang về “xỉa” ra lấy trầm, cung cấp cho các “đầu nậu” ở Hà Nội, Sài Gòn, họ còn mua cây sống. Những cây dó 3-4 năm tuổi, có đường kính từ 20 - 25cm, cao 7-8 mét sẽ được mua với giá từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/cây. Mua xong, họ sẽ sử dụng công nghệ tạo trầm, tác động vào cây và gửi những cây dó ấy lại vườn, 3 năm sau đến khai thác. Anh Nguyễn Sơn Định (ở thôn Xuân Sơn, xã Ân Hữu) khoe: “Vừa rồi, có mấy “tào kê” đến vườn nhà tôi, trả mua 30 cây dó 12 năm tuổi, đã cho trầm đen, với giá 70 triệu đồng. Nhưng tôi chưa bán, đòi 100 triệu đồng mới bán”.
Ông Hồ Công Hậu, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Ân, cho biết: “Cây dó có mặt trên đất Hoài Ân từ rất lâu, nhưng nông dân không “hít” mấy, bởi khi ấy, hàng bao nhiêu người thợ tạo trầm được rước về từ Quảng Nam, Khánh Hòa đều “bó tay”, không thể “bắt” cây dó cho trầm. Những hộ trồng dó đành chặt bỏ, bán cho những cơ sở làm nhang, với giá chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Cách đây 5 năm, một người dân địa phương, tiếp cận được công nghệ tiên tiến, tạo được trầm cho vườn cây dó nhà mình, thì phong trào trồng dó bầu ở đây mới phát triển mạnh. Đến nay, đã có đến hàng trăm ha dó rải đều khắp huyện, tập trung ở các xã: Ân Hữu, Ân Tường Tây, Ân Hảo, Ân Mỹ… Những người “bám trụ” với cây dó bầu, từ năm 1997 đến nay, như ông Nguyễn Hữu Toàn ở xã Ân Mỹ, giờ đang “trúng lớn”. Hiện, ông Toàn đang sở hữu khoảng 10 ha cây dó tại các xã Ân Mỹ, Ân Tường Tây, trong đó có nhiều diện tích đã cho trầm”.
* Người đầu tiên tạo trầm cho dó
Đó chính là anh Nguyễn Sơn Định, ở thôn Xuân Sơn, xã Ân Hữu, đang công tác tại Văn phòng Huyện ủy Hoài Ân. Anh Định tâm sự: “Thời trai trẻ, tôi đã nhiều lần theo thanh niên trong làng vào rừng tìm trầm. Suốt nhiều chuyến lặn lội giữa rừng sâu, cơ cực đã đành, sinh mạng lại như “chỉ mành treo chuông”, bởi thú dữ luôn rình rập, mà kết quả không được là bao. Vì từ bao đời nay, người ta khai thác nên nguồn trầm tự nhiên đã cạn. Tôi nghĩ đến chuyện trồng cây dó tại vườn nhà rồi tìm cách tạo trầm, bằng cách lượm hạt dó tự nhiên, đem về trồng. Ban đầu, trong khoảnh vườn 1.000 m2, tôi trồng 50 cây. Sau 7 năm, tôi thuê những người thợ ở Quảng Ngãi, Sài Gòn về tạo trầm, bằng nhiều cách: tạo vết thương cho cây, dùng vi sinh cấy vào thân cây. Thế nhưng, không cách nào thành công. Sau một thời gian, cây dó lại liền da, không có dấu hiệu cho trầm. Không nản, tôi lại tìm tòi và được biết, có một công ty đang rất thành công trong việc tạo trầm cho cây dó. Sau khi đi khảo sát, tôi quyết định mua công nghệ của họ và kết quả là những cây dó tưởng như đã bị “điếc” của tôi đã cho cả “nùi” trầm”.
Anh Định kể thêm: Công nghệ tạo trầm tiên tiến đó là của một Tập đoàn phi Chính phủ, do một chuyên gia người Hà Lan tên là Henry nghiên cứu thành công. Năm 1995, Tập đoàn này sang làm việc tại Việt Nam với mục đích khôi phục cây dó bầu. Đầu tiên, họ xây dựng vườn ươm tại khu vực núi Dài, núi Cấm (An Giang), rồi cung ứng giống cho nông dân ở đây trồng. Sau đó, họ mở rộng hoạt động này lên vùng rừng Mưa (Kon Tum). Nhiều ha dó bầu được nông dân các địa phương nói trên trồng, chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật của Tập đoàn, với cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm trầm. Khi cây dó đến tuổi (từ 3 năm trở lên), họ đưa công nghệ vào… Và hiện nay, những hộ dân tham gia trồng cây dó bầu năm ấy, đang làm giàu trên những khu vườn của mình. Sau khi Tập đoàn kia “rút quân”, ông Henry - người đứng đầu nhóm nghiên cứu - đã cưới một phụ nữ Việt Nam tên là Nguyễn Thị Huỳnh Yến và chuyển giao công nghệ tạo trầm cho Công ty Bảy Núi, do chị Yến làm Giám đốc. Đầu năm 2007, một người quê Hoài Ân, là cán bộ của Công ty Bảy Núi, về thăm quê, đã nhận thấy quê mình có nhiều diện tích cây dó bầu. Sau đó, anh đã đề nghị Công ty Bảy Núi tổ chức hội thảo về cây dó bầu tại Hoài Ân và đảm bảo sau khi đưa công nghệ vào, chỉ 2 năm sau là toàn bộ diện tích dó bầu ở Hoài Ân sẽ khai thác được trầm, Công ty bảo đảm thu mua toàn bộ sản phẩm. Cách làm ăn của Công ty Bảy Núi rất “uyển chuyển”: mua đứt bán đoạn cây đứng với giá luôn cao hơn giá mua của “tào kê”; sau khi Công ty tạo có trầm, thì ăn chia “tứ lục” sản phẩm (chủ vườn hưởng 60%, Công ty 40%); hoặc bán công nghệ cho nông dân với giá thực hiện 300 ngàn đồng/cây nhỏ, 400 ngàn đồng/cây trung và 500 ngàn đồng/cây lớn.
Anh Nguyễn Sơn Định tả cách tạo trầm của Công ty Bảy Núi: “Với cây nhỏ, họ khoan 25 lỗ khắp thân cây. Sau đó, cho vào mỗi lỗ 1 viên thuốc con nhộng, rồi đóng vào đó một đoạn ống nhựa. Cây hấp thụ thuốc, phân hủy dần dần ruột cây, rồi tự tiết ra chất dầu để bảo vệ thân cây. Chất dầu này tạo ra trầm. Công nghệ này đã giúp nông dân Hoài Ân có thu nhập cao từ cây dó bầu nhiều năm qua. Một cây dó đủ tuổi khai thác cho khoảng 5-7 kg hàng sô, 1 kg hàng tinh (trầm lát). Cây dó ở Hoài Ân được đánh giá là cho nhiều trầm tinh và nấu được nhiều dầu, vì hầu hết đã “cao niên”. Hiện nay, trầm lát đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hồng Kông, Mỹ… Công ty thu mua với giá 800 USD/kg. Sau khi xỉa lấy hàng tinh, với loại hàng sô Công ty mang về cơ sở tại xã Nhơn Thành (huyện An Nhơn) chiết xuất thành dầu. Loại dầu này cũng được xuất khẩu với giá “ngất ngưởng”: 10.000 USD/kg”.
Ông Hồ Công Hậu phấn khởi nói: “Thấy có hiệu quả, người dân Hoài Ân đang tiếp tục phát triển mạnh cây dó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên trồng tràn lan, vì cây dó không chịu đất ẩm. Vào mùa mưa, trên đất có mạch nước, cây dó sẽ sinh nấm, dẫn tới thối gốc, rồi chết. Cây dó bầu chỉ sinh trưởng tốt trên đất đồi, có nhiều sạn cốm và có độ thoáng. Trong 2 năm đầu, nên trồng cây dó dưới tán cây vì chúng chịu rợp. Sau đó, phát tán cây lớn để cây dó đón nắng. Đầu tư cho cây dó cũng đơn giản, chỉ cần dùng phân vi sinh chúng cũng phát triển ào ào”.
|