“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”
8:15', 11/10/ 2009 (GMT+7)

Đã trải qua gần nửa thế kỷ, nhưng ông Hồ Văn Mau (hiện sống ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vẫn cảm thấy khoảng thời gian làm cảnh vệ của Bác Hồ còn mới như ngày nào. Những kỷ niệm và bài học sâu sắc từ Bác Hồ vẫn luôn song hành theo ông trong suốt cuộc đời.

Ông Hồ Văn Mau sinh năm 1933, tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 17 tuổi xung phong đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận Nam Bình Định. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được cho đi đào tạo, huấn luyện để làm cảnh vệ (khóa III). Năm 1956, ông được phân công về Phòng 5 của Cục Cảnh vệ, có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ khi đi đến các mục tiêu.

 

          Ông Hồ Văn Mau (thứ 4 từ trái qua) trong thời gian học tập tại Liên Xô.

 

- Thưa ông, ông được gặp mặt Bác Hồ lần đầu tiên là khi nào ?

Đó là lần đơn vị tôi được phân công vào kiểm tra an ninh, dọn dẹp phòng khách của Phủ Chủ tịch. Căn phòng khách rộng lớn, tường và sàn nhà ốp gỗ bóng loáng. Tôi đang dọn dẹp, lúc ngẩng lên thì thấy Bác đã đến từ khi nào. Bác đi qua lại xem anh em chúng tôi làm việc, nhưng không nói gì, mà chỉ có những cái lắc đầu. Lúc đó, tôi cũng thấy lạ, sau mới biết phòng khách trước đây là nơi ở của toàn quyền Đông Dương. Khi chính phủ ta tiếp quản, Bác được đề nghị đến ở và làm việc tại căn phòng này, nhưng đã từ chối vì nơi đây “bay mùi Tây”. Từ cái lắc đầu của Bác, tôi đã nghiệm ra những ý nghĩa sâu xa…

- Vậy còn ấn tượng trong những lần gặp tiếp theo thì sao?

Một lần vào đầu mùa đông, tôi được phân công đứng chốt ở cầu Long Biên để đón Bác đi công tác về. Chờ mãi đến sẩm tối vẫn chưa thấy Bác đi qua, trời càng lúc càng lạnh. Bỗng một chiếc xe dừng lại ngay trước mặt, vì nguyên tắc an toàn, Bác không xuống xe, nhưng tôi nghe rõ Bác hỏi đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh vệ đi cùng trên xe: “Áo ấm của mấy chú ấy đâu?”. Rồi xe chở Bác đi tiếp hành trình. Ngay sáng hôm sau, Bộ Công an đã cho chở một xe áo bông đến phát cho chiến sĩ cảnh vệ.

Lần Bác Hồ đi dự lễ ở Nhà hát lớn Hà Nội, tôi được phân công khi Bác lên cầu thang thì bấm đèn pin soi đường. Nhưng khi thấy Bác, tôi xúc động quá, đứng đơ người ra quên việc bấm đèn pin. Bác bước lên cầu thang được vài bước thì quay lại hỏi tôi: “Ở đây không có điện à, chú?”. Câu hỏi vừa nhắc nhở nhẹ nhàng nhiệm vụ của tôi, vừa thể hiện tinh thần cảnh giác cao của Bác. Nên đến giờ, nó vẫn luôn vang vọng trong tôi. 

 

    Ông Mau khi còn làm việc tại phòng Kỹ thuật hình sự-công an tỉnh Nghĩa Bình.

 

- Là cảnh vệ hẳn ông phải quan sát những người xung quanh Bác rất kỹ, khi gần Bác, họ như thế nào, thưa ông?

Đó là tình cảm kính trọng, ngưỡng mộ một cách đặc biệt thiêng liêng. Nhớ lần Bác bí mật đi thăm công trường thủy nông ở Hưng Yên vào năm 1958, nhưng rồi công nhân lại biết được, vậy là cả mấy ngàn người dừng ngay công việc, ùn ùn kéo đi gặp Bác. Để bảo vệ an toàn, anh em cảnh vệ bắc bè trên mương nước để Bác đi qua, sau đó, rút bè để cách li đám đông cuồng nhiệt. Thế nhưng công nhân vẫn không ngại gì, họ ào ào lội xuống mương đi theo Bác... Còn với chiến sĩ cảnh vệ chúng tôi, mỗi Tết đến đều nhận được quà của Bác, là những điếu thuốc lá. Ai cũng hạnh phúc, không đem hút mà gói ghém cất giữ cẩn thận, có khi đến vài năm sau…

* “Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”

Năm 1961, ông Hồ Văn Mau được chuyển về phòng 3, Cục Kỹthuật I, Bộ Công an. Trong thời gian công tác ở đây, ông đã  đóng góp công sức vào việc xây lăng Bác. Từ năm 1976– 1989, ông Hồ Văn Mau là Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Nghĩa Bình. Sau khi tách tỉnh, ông được điều về phụ trách khối nội chính tại văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1996, ông nghỉ hưu. Ông Hồ Văn Mau đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huy chương Vì An ninh tổ quốc, kỷ niệm chương Văn phòng Chính phủ…

- Sau giải phóng, ông rèn luyện chuyên môn như thế nào để đảm đương những nhiệm vụ mới? 

Năm 1979, tôi là 1 trong 10 người được Bộ Công an cử đi học giám định viên kỹ thuật hình sự ở Liên Xô. Học tập tấm gương của Bác nơi xứ người, hơn 1 năm trời ở Liên Xô, tôi đã nỗ lực vượt qua những đêm đông rét buốt, cồn cào nỗi nhớ và sự lo lắng cho cuộc sống của vợ con ở quê nhà… để tập trung vào việc học chuyên môn thật tốt. Kết quả, chúng tôi đều tốt nghiệp loại giỏi. Thầy chủ nhiệm nói, nếu như là người bản xứ, thì kết quả học tập của tôi đã được khắc lên bảng danh dự của trường.

- Khi làm việc, quan niệm của ông ra sao ?

Từ những lời dạy của Bác, tôi đã học hỏi rất nhiều để áp dụng vào thực tế. Trong công tác giám định hiện trường các vụ án, tôi luôn hết sức khách quan và cẩn trọng. Ở cương vị phụ trách phòng Kỹ thuật hình sự, tôi theo lời dạy “Không sợ khuyết điểm, mà điều quan trọng là biết sửa chữa khuyết điểm hay không” của Bác để giải quyết các vấn đề gặp phải theo hướng tích cực. Tôi cũng luôn nỗ lực hết mình “đi trước về sau” để làm gương cho anh em trong phòng; đồng thời luôn sâu sát, lắng nghe để thấu hiểu từng thành viên trong đơn vị. Nhờ vậy, không khí làm việc của chúng tôi hết sức gắn bó, nhiều năm liền Phòng đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng.

 

 

                  Ông Mau đang đọc chuyện kể về Bác Hồ cho cháu nội nghe.

 

- Với từng ấy năm cống hiến, được biết nhiều đồng đội của ông đã vươn tới nhiều chức vụ cao hơn. Có khi nào ông thấy tiếc?

Không! Khi tách tỉnh, tôi lúc đó trong ngành công an đã ở cấp bậc trung tá. Sau đó theo lệnh điều động, tôi về công tác mảng nội chính ở văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi được
7 năm rồi nghỉ hưu. Nhiều người thân quen cũng bày tỏ tiếc cho tôi, họ nói tôi còn trong ngành công an, nếu không thăng tiến hơn, thì lương hưu bây giờ cũng rất cao. Trong số những bạn bè cùng khóa cảnh vệ với tôi ngày xưa, có người cũng đã mang quân hàm cấp tướng. Nhưng theo lời dạy “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác, tôi chỉ biết cống hiến hết mình cho công việc. Dù đời sống kinh tế khó khăn nhưng khi còn đi làm, tôi chưa bao giờ thắc mắc lương mình nhiều hay ít. Biết đủ là đủ, nên tôi hài lòng và trân trọng những năm tháng làm việc với tinh thần cống hiến của mình.

* “Học tập Bác phải biết linh hoạt, phù hợp với thực tế”

Những năm gần đây, vợ chồng ông Hồ Văn Mau sống cùng con cháu tại phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Năm nay 76 tuổi, nhưng ông Mau còn rất mạnh khỏe và minh mẫn, khuôn mặt luôn rạng ngời niềm hạnh phúc khi hồi tưởng về Bác Hồ. 

- Theo ông, làm thế nào để cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay đạt hiệu quả cao?

Muốn hiệu quả thì cần phải “hiểu” đúng. Những lời dạy của Bác đều gắn liền với hoàn cảnh thực tiễn chứ không phải hô hào suông. Tôi nhớ trong một lần đi công tác cơ sở cùng Bác, khi dừng chân bên đường để ăn cơm dưới tán cây, Bác đã bảo các chiến sĩ cảnh vệ chúng tôi: “Các chú ăn cơm thì tập trung ăn hết một món, rồi hãy chuyển qua ăn món ăn khác. Đừng ăn một lúc nhiều món, nếu không hết sẽ lãng phí…”. Ngày nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ cũng cần phải có cách thức linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế như vậy.

- Còn với thế hệ trẻ thì sao, thưa ông?

Kinh nghiệm của tôi đối với con cháu gia đình là lựa chọn những thời điểm, những câu chuyện phù hợp, để cho chúng hiểu một cách chân thực, gần gũi về Bác. Cháu nội của tôi là Hồ Ngọc Phương Uyên (lớp 5A trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, TP Quy Nhơn) rất thích nghe tôi kể chuyện về Bác. Từ đó, cháu đã cảm nhận và vẽ nhiều tranh về Bác, trong đó có bức “Chúng cháu vui trung thu cùng Bác Hồ” giành được giải A Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam. Tôi rất vui…

- Xin cảm ơn ông !

  • Hoài Thu (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)
Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”  (04/10/2009)
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)
Về đâu chiếc nón Gò Găng  (17/08/2009)