Bước qua trần thế
9:30', 12/10/ 2009 (GMT+7)

“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên của cuộc đời mỗi người. Một người trước khi “bước qua trần thế”, còn biết bao công việc phải trải qua, theo phong tục, tập quán. Và vì thế,  cần có những người chuyên lo “hậu sự”…

 

Bắt nhịp với sự phát triển của xã hội, dịch vụ mai táng cũng có những biến đổi không ngừng. Ảnh: N.V.T

 

* Dịch vụ mai táng-từ A đến Z...

Đến khu vực 2, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, hỏi nhà anh Thử, hầu như ai cũng biết. Đã vậy, trước con hẻm nhỏ dẫn vào nhà anh còn có tấm biển quảng cáo to, tuy cũ, nhưng vẫn còn in rõ: “Văn Thử- chuyên phục vụ tang lễ”. Anh Thử cho biết: Hiện nay, anh nhận bao dịch vụ mai táng (DVMT) “trọn gói” từ khâm liệm, dựng rạp, mua áo quan, lo ban nhạc, đội khiêng chấp sự và liên hệ các loại xe đưa tang. 20 năm trong nghề, anh đã làm hàng ngàn đám tang trong và cả ngoài tỉnh.

Ở huyện Hoài Nhơn, nhắc đến DVMT không thể không nhắc đến 2 cái tên Minh Thái, Minh Thiện. DVMT Minh Thái do ông Huỳnh Thông làm chủ; còn DVMT Minh Thiện do người cháu gọi ông Thông bằng bác là Huỳnh Minh Thiện làm chủ. DVMT của 2 bác cháu ông Thông cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ “hậu sự”, từ bán hòm, liệm, liên hệ âm công, dẫn quan, thầy cúng, cho thuê xe tang, xe đưa tang…

Ở cơ sở DVMT của anh Thiện có 3 thợ mộc chuyên đóng hòm. Một người thợ đóng hòm lâu năm cho biết: “Hòm rất đa dạng về kiểu loại, mức giá. Rẻ thì chỉ 500 ngàn đồng, đắt thì 1-2 triệu, có cái hơn 5 triệu đồng. Giá chủ yếu phụ thuộc vào chất liệu gỗ và các phụ kiện đi kèm. Thông thường, gỗ mít được dùng nhiều nhất, sang hơn thì trắc, gụ… Loại hòm nhập từ TP Hồ Chí Minh về giá ít nhất là 5 triệu đồng/cái”. Mỗi ngày, người thợ mộc khéo tay, nhanh nhẹn có thể đóng hoàn thiện một cái hòm, tiền công trên một trăm ngàn đồng.

Không như quần áo thông thường, may quần áo tang, khăn tang khá đơn giản. Chị Nguyễn Thị Lộc, ở thôn Phụng Hòa, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Đồ tang chủ yếu may bằng vải tám, chỉ có đám nào sang mới dùng vải ka tê. Đồ tang không tính đến yếu tố thời trang, cũng không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật đường nét, nên may rất nhanh”. Trung bình mỗi ngày chị Lộc may được 20 bộ đồ tang, tiền công 5 ngàn đồng/bộ.

Bắt nhịp với sự phát triển của xã hội, DVMT cũng có những biến đổi không ngừng. Ngày xưa, gia đình có đám tang phải qua tay 2-3 người mới mời được tất cả các thành viên của ban chuyên lo “hậu sự”. Bây giờ, mỗi cơ sở DVMT đều có bảng quảng cáo, ông chủ dùng card visit, điện thoại di động. Mỗi khi có đám tang, gia chủ chỉ cần nhấc máy “a lô”, là có người đến lo từ A đến Z. Chuyên nghiệp hơn, có cơ sở mai táng còn lập trang web riêng, để hướng dẫn về lễ tang, giới thiệu dịch vụ tang lễ, hướng dẫn khách hàng liên hệ với cơ sở qua email.

 

Quần áo tang, không tính đến yếu tố thời trang cũng không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, nên may rất nhanh. Ảnh: N.V.T

 

* Nghề lo “hậu sự”

Tuy mới 41 tuổi, nhưng anh Thử đã được 20 tuổi nghề. “Trước đây, tôi học nghề sửa xe máy, rồi chuyển qua làm công nhân gỗ. Hồi ấy, Hội Bảo thọ trong xóm thường đứng ra tổ chức ma chay cho các cụ cao tuổi. Trong xóm, có cụ cao tuổi không biết chấp kích (múa trước quan tài) nên tôi làm thay. Làm vài lần rồi tôi “hâm mộ” luôn nghề này”- anh Thử nhớ lại cơ duyên đưa mình vào nghề. Đầu tiên, anh chỉ là người chấp kích trong các đám tang, rồi sau đó, để ý học cách liệm người chết, cách tiến hành một đám tang cho bài bản. 3 năm sau, anh Thử làm chấp sự cho đến tận ngày nay. Anh Thử tâm sự: “Làm nghề này, không phải ai cũng hiểu, cũng thông cảm được, không ít người thấy mình là lảng tránh. Hồi tôi có người yêu, tôi nói thiệt với cổ: Anh làm nghề đám chết, nhắm có ưng được thì ưng. Cô ấy bảo: Khi đã yêu thì đâu có ngại chi…”.

Trước thời anh Thử, ông Võ Cua, tục danh là Mười Cua, ở khu vực 2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, cũng được nhiều người tin cậy giao phó việc “hậu sự”. Ông Cua vốn là lái xe tải đường dài, ngoài 50 tuổi ông “giải nghệ”, rồi chuyển sang nghề lo “hậu sự” cho người quá cố. Vốn là dân làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) nên ông múa chấp kích rất đẹp. Để có được sự hiểu biết về nghi thức tiễn đưa người chết, ông Mười Cua đã để tâm học hỏi. Đi đường, thấy nhà ai có đám, ông liền vào bái lạy, để ý đến những nghi thức người ta thực hiện, rồi về làm theo.

Có thể nói, nghề lo “hậu sự” cho người chết rất vất vả, gian truân, lại khó học, khó làm, nên số người làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ am tường phong tục, truyền thống của địa phương, có khả năng bao quát nhiều công việc cùng lúc, người chấp sự còn phải có sức khỏe tốt, chịu khó thức đêm, thức hôm. Ông Huỳnh Thông (thường gọi là Sáu Thái) gắn bó với nghề này đã hơn nửa đời người. Có lần, ông “dẫn quan” từ Hoài Nhơn ra tận Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), vào tận Quy Nhơn. Ông Sáu cho biết, riêng trên địa bàn huyện Hoài Nhơn hiện còn khoảng 5-6 người làm nghề này. Hầu hết họ đều là những người cao tuổi, có kinh nghiệm và quan trọng là phải có đời sống gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bởi có như vậy mới được tang chủ tín nhiệm, trao cho công việc mang tính thiêng liêng này.

 

Anh Thử (người chấp kích) trong một đám tang ở TP Quy Nhơn. Ảnh: H.X

 

* Nghĩa tử là nghĩa tận

Ở một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… xung quanh dịch vụ mai táng thời hiện đại, đã xuất hiện nhiều dạng “cò” lợi dụng lúc tang gia bối rối để trục lợi. Đó là chưa kể tình trạng ăn theo đám tang, từ dịch vụ kèn, trống, khóc mướn, đến hát mướn cho vui nhà... Ở tỉnh ta không thấy kiểu làm ăn thất đức này, chỉ thấy những người “bước qua trần thế” thường gặp được việc nghĩa, việc ân.

Những người lo việc “hậu sự” ở Bình Định, ai cũng có tâm niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên thường không so đo, toan tính thiệt hơn với gia chủ. Gặp nhà quá nghèo, hoàn cảnh thương tâm, đôi khi chỉ làm giúp cho họ. Còn nhớ, một lần công tác đến thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tôi được người dân nơi đây kể về tấm lòng nhân ái của ông Huỳnh Trọng Anh, chủ cơ sở DVMT Trọng Anh. Tháng 2.2008, con gái Huỳnh Việt Trân của ông qua đời sau một tai nạn thương tâm. Thấy chiếc xe chở quan tài con gái “cọc cạch”, chạy giằng xóc, xót xa quá, ông quyết tâm sắm một chiếc xe tang đàng hoàng. Để rồi, nghe ở đâu có đám tang của nhà nghèo, ông lại mang xe đến, lăng xăng chạy lo dàn nhạc, kiếm người dẫn quan, mà tiền công không lấy, tiền dầu cũng không…

Còn ông Mười Cua, ban đầu chỉ làm giúp không công cho người dân quanh vùng. Sau đó khá lâu, ông mới dám nhận thù lao, nhưng cũng chỉ là lạng trà, cây thuốc; nếu có nhận tiền, cũng không bao giờ dám lấy nhiều. Ông tâm niệm, mình làm việc đức là để phước lại cho con cái… Cách đây 4 năm, ông Mười bị tai biến, nên không theo nghề được nữa. Ông bảo rằng, mình phục hồi được sau cơn tai biến nặng là nhờ được phù hộ. Ông bồi hồi kể: “Cách đây 2 ngày, tôi đang đi loanh quanh trong xóm, có thằng cháu nào lạ hoắc lạ huơ đến ôm tôi rồi hỏi: “Có phải chú Mười Cua không? Vậy mà cháu nghe người ta nói chú chết rồi!”. Nói xong, nó ôm tôi khóc ròng. Hỏi ra, mới nhớ ngày trước, tôi đã đến khâm liệm cho cha nó ở dưới Phước Thuận, Tuy Phước”. Giờ đây, dù đã già yếu, nhưng ông Mười Cua vẫn thường xuyên được nhiều người đón đến nhà, nhờ ông hướng dẫn lo việc hậu sự cho chu toàn.

Thông thường, người chấp sự chỉ đứng ngoài bao quát, cắt cử, phân công “quân” của mình làm việc, nhưng đôi khi, họ cũng tham gia những phần việc khó khăn. Như anh Thử, khi có những người chết thân thể không nguyên vẹn vì bị tai nạn giao thông, anh kiêm luôn việc “may vá” để người ra đi được “hoàn chỉnh”. Gặp người bị nhiễm HIV/AIDS, anh đeo khẩu trang, găng tay khâm liệm. Tôi hỏi: “Có khi nào sợ lây bệnh không?”. Anh cười: “Đã làm cái nghề này thì người giàu cũng như người nghèo, người lành cũng như người bệnh… không phân biệt hay sợ sệt gì cả. Vô lẽ, họ có bệnh thì không làm hay sao?”.

Khi hỏi về thu nhập, tôi chợt nhận ra sự chưng hửng của mình sau nụ cười nhẹ của ông Sáu Thái. Tôi chợt hiểu “thu nhập” của nghề này được tính bằng tình bằng nghĩa, bởi đã vào nghề này, ai cũng có cái tâm, một cái tâm thật sáng. Và tôi cũng biết, ở những vùng quê, sau mỗi đám tang, gia chủ thường “tạ” cho người chấp sự, ít nhiều tùy theo gia cảnh; nhưng dù ít hay nhiều, người chấp sự vẫn “cúng” lại theo đúng lệ. Cái được lớn nhất của người làm nghề không phải là tiền bạc mà là sự kính trọng của người đời đối với họ. Mỗi khi “tạ”, nếu gia chủ còn ít tuổi, phải nhờ người lớn có uy tín mang chén rượu ra “tạ” với thái độ cung kính, lễ phép…

  • Thu Hà - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”   (11/10/2009)
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)
Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”  (04/10/2009)
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)
Tôi mong ước Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vươn lên tầm khu vực ASEAN   (23/08/2009)
Ngôi sao rừng dừa  (17/08/2009)