Mỗi năm, Bình Định có hàng ngàn bệnh nhân cần máu. Và cũng ngần ấy con người tự nguyện hiến dâng máu để cứu người. Trong “vườn hoa” lộng lẫy sắc màu ấy, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với một số gương mặt tiêu biểu.
ANH NGUYỄN VĂN THÀNH, THỊ TRẤN DIÊU TRÌ, HUYỆN TUY PHƯỚC:
* để thêm nụ cười...…
Rẽ ngang con đường học hành, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1976), nối nghề cha làm cối đá. trở thành bí thư đoàn thôn, đại biểu HĐND thị trấn, anh vẫn xoay trong vòng “cơm áo gạo tiền”, bởi nghề truyền thống không còn hưng thịnh. phải làm việc cả ngày để kiếm sống, nhưng hễ có dịp hay khi ai cần máu, là anh lại đi cho.
|
Mỗi năm, Bình Định có hàng ngàn bệnh nhân cần máu chờ đợi sự chia sẻ của cộng đồng. Ảnh: Thu Hiền |
Tròn 10 năm tham gia hiến máu nhân đạo (HMNĐ), hẳn lý do của anh không phải chỉ vì là “đầu tàu” trong phong trào thanh niên?
- Năm 1999, phong trào HMNĐ được phát động trong thanh niên ở thị trấn Diêu Trì, tôi tham gia để “gầy” phong trào. Nhưng rồi, tôi ý thức được rằng máu của mình mất đi thì có thể tái tạo lại, nhưng bệnh nhân mà không có máu thì chỉ có nước chết! Đến năm 2004, tôi được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND thị trấn, dù đã thôi làm công tác thanh niên, nhưng hễ các bạn ới một tiếng là tôi sẵn sàng.
Không kể 20 lần HMNĐ theo phong trào thanh niên, 4 lần hiến máu trực tiếp trong những ca cấp cứu, hẳn anh còn nhớ?
- Duy nhất một lần tôi còn nhớ người nhận máu. Đó là một bệnh nhân cao tuổi bị suy tủy, cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhà ông có 4 người con trai thì 1 người không trùng nhóm máu, 1 người ốm yếu, 2 người còn lại chung nhóm máu A với ông cụ nhưng lại bị nhiễm viêm gan B. Nghe tin, tôi chạy xuống bệnh viện, lòng vòng thủ tục mãi mới tiếp máu được. Tôi phải “giấu” bác sĩ vì đã hiến máu theo danh sách Huyện đoàn… 3 ngày trước đó. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản mình có sức khỏe thì cho máu, vậy thôi!
Năm 2008, anh Nguyễn Văn Thành là một trong 3 thành viên có thành tích xuất sắc nhất trong phong trào HMNĐ của tỉnh vinh dự được tôn vinh trong 100 gương mặt tiêu biểu của cả nước và tham gia vào “Hành trình trái tim Việt Nam” nhân Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu (14.6).
những xúc cảm của chuyến đi đáng nhớ ấy?
- Cuộc hành trình bắt đầu từ Cần Thơ đến TP. Hồ Chí minh, Huế, Hà Nội, Thái Nguyên, sau đó, về Hà Nội dự “Festival Trái tim nhân ái Việt Nam” được tổ chức tại Công viên Thống nhất. Tôi tự hào và xúc động vì được đại diện cho những người hiến máu tình nguyện trong tỉnh ra Bắc báo công với các Vua Hùng, báo công với Bác Hồ.
Trong chuyến đi ấy, tôi đã gặp rất nhiều người, dù tuổi cao sức yếu, vẫn tự nguyện hiến dâng giọt máu của mình để cứu người như bác Vũ Hữu Thọ, ở TP Cần Thơ, năm nay đã bước sang tuổi 60. Và rồi, tôi thấy mình chỉ như một… hạt cát nhỏ trong phong trào HMNĐ.
Và qua đó, anh góp nhặt kinh nghiệm gì cho phong trào HMNĐ ở địa phương?
- Tôi ấn tượng nhất là phong trào HMNĐ ở TP Huế. Tôi có nghe chuyện các mệ, các o đi chợ, vẫn “tạt” vào điểm hiến máu để tình nguyện HMNĐ. Ở đây còn xây dựng các câu lạc bộ HMNĐ ở từng địa phương, đơn vị, trường học. Đây chính là những nhân tố tích cực làm cầu nối phong trào HMNĐ đến với cộng đồng.
|
Sinh viên ĐH Quy Nhơn tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: N.V.T |
CHỊ HOÀNG THỊ LÝ MỸ PHƯƠNG, CÔNG TY BẢO HIỂM NHÂN THỌ PRUDENTIAL:
* Tôi thấy mình sống có ích hơn
Trong những lần tham gia HMNĐ, chị nhớ nhất kỷ niệm gì?
- Đến hôm nay, tôi đã 4 lần tham gia HMNĐ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu tiên đi hiến máu. Hồi đó, tôi vào TP Hồ Chí Minh để dự sinh nhật của Công ty, đi qua Nha Trang, ghé Văn phòng Prudential Khánh Hòa chơi. Lúc đó, Văn phòng Prudential Khánh Hòa tổ chức HMNĐ, một chị đồng nghiệp rủ tham gia. Thú thật, lúc đó tôi hoàn toàn không biết gì về HMNĐ, còn sợ khi thấy mình bị lấy máu nhiều. Sau khi lấy máu, tôi lại lên xe đi ngay. Các chị cùng đoàn thấy tôi mệt, phải ghé chợ ven đường, mua cho tôi tô nước thịt bò ăn lấy sức đi tiếp. Sau này, tôi mới biết, trước khi hiến máu phải chuẩn bị tâm lý, phải uống nước đường; sau khi hiến máu phải nghỉ ngơi, mới đảm bảo sức khỏe.
Là một người hoạt động trong ngành bảo hiểm, có mối quan hệ rộng rãi, chị có vận động bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia HMNĐ không?
- Sau lần hiến máu đầu tiên ấy, tôi mới hiểu ý nghĩa to lớn của HMNĐ. Có lần, người bạn của tôi bị ung thư máu, cần máu để truyền, nhưng nhóm máu của tôi là nhóm A, trong khi bạn của tôi nhóm máu B, nên không giúp gì được. 3 tháng sau, bạn tôi qua đời, tôi càng thấm thía tầm quan trọng của nguồn máu nhân đạo đối với những bệnh nhân lúc hiểm nghèo. Vì vậy, những lần hiến máu sau, tôi đều rủ các thành viên trong nhóm đi cùng. Trong chương trình HMNĐ do Văn phòng Prudential Quy Nhơn tổ chức sáng 17.10 tại Nhà Văn hóa Lao động, đã có 19 người trong nhóm của tôi đăng ký tham gia hiến máu.
Người ta thường nói: “Có qua phải có lại”, “Không ai cho không ai thứ gì”. Khi tham gia HMNĐ, chị có nghĩ mình sẽ được đền bù, hay trả công không?
- Ở Công ty của tôi, những người từng tham gia HMNĐ, ngoài chế độ bồi dưỡng như những người khác, không được hưởng chế độ ưu tiên gì. Tuy nhiên, không vì thế mà số người đăng ký HMNĐ giảm đi. Mỗi lần hiến máu về, nhận thẻ chứng nhận, tôi lại xếp trang trọng vào tủ như một kỷ vật. Và chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện, mình hiến máu như thế này là để đề phòng khi bị tai nạn, mình sẽ được ưu tiên hơn. Đơn giản, mỗi lần hiến máu, tôi lại thấy mình sống có ích hơn.
ĐẶNG NGỌC QUỐC, SINH VIÊN LỚP ĐIỆN TỬ TIN HỌC, K29, ĐH QUY NHƠN:
* Thêm những niềm vui
Chúng tôi gặp Đặng Ngọc Quốc (SN 1983) khi Quốc vừa hiến máu lần thứ 14 được hai tuần, tại trường Đại học (ĐH) Quy Nhơn. Ngọc Quốc có cách nói chuyện rất duyên, gần gũi của người miền Nam.
|
Đặng Ngọc Quốc. Ảnh: Hải Yến |
Vậy cơ duyên nào đã giúp Quốc có được thành tích trên?
- Quả thật, khi còn học THPT, tôi rất ngại đi đăng ký HMNĐ. Khi là tân sinh viên của trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, tôi tham dự rất nhiều buổi nói chuyện về hoạt động này và hiểu ý nghĩa của việc HMNĐ. nhập học được gần 1 tháng, một người bạn cùng lớp bị bệnh hiểm nghèo, phải mổ cấp cứu và cần rất nhiều máu. Lúc ấy, tôi xung phong, dù chẳng biết có cùng chung nhóm máu không. Sau lần đầu đó, tôi đã rất hạnh phúc bởi đó là việc làm có ý nghĩa dành cho bạn bè. Dù khá bận rộn với việc học và làm thêm để tự nuôi thân nhưng mỗi lần nghe Đoàn Trường vận động sinh viên đi HMNĐ thì tôi lập tức đăng ký.
học đại học ở trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh dở dang, tôi vẫn nuôi dưỡng ước mơ có được tấm bằng cử nhân, nên đăng ký thi đại học tại trường ĐH Quy Nhơn. Hồi mới vào ký túc xá của trường, tôi đã gia nhập vào Đội thanh niên tình nguyện HMNĐ. Nhiều bạn trong đội bất ngờ với tấm thẻ cùng thành tích 7 lần HMNĐ.
Là người tuyên truyền xuất sắc, có lúc nào Quốc thấy khó vận động các bạn cùng tham gia HMNĐ?
- Từ những ngày đầu bỡ ngỡ với khái niệm HMNĐ, đến nay, tôi đã thật sự quen và thấy rằng hiến máu cứu người là chuyện rất bình thường, nên làm. Sau mỗi lần hiến máu, tôi vẫn đủ sức khỏe bươn chải với nhiều công việc bán thời gian để kiếm sống và học tập. Với thành tích trên và là “anh cả” trong lớp (lớn tuổi nhất lớp - PV) nên tôi dễ dàng tuyên truyền, vận động các bạn trong lớp, ở ký túc xá cùng tham gia. Tôi không nhớ mình đã vận động được bao nhiêu bạn tham gia HMNĐ ở trường và có không ít lần là những đợt hiến máu đột xuất. Chuyện vận động khá thuận lợi vì Trường ĐH Quy Nhơn vốn có thành tích HMNĐ xuất sắc.
|