Làm sạch phố phường
8:24', 19/10/ 2009 (GMT+7)

Đêm 17.10, TP Quy Nhơn chìm trong mưa, hình như suốt đêm chỉ có mưa vừa đến mưa to. Mang hành trang là chiếc máy chụp ảnh hàng xịn, chúng tôi trùm kín áo mưa, lên xe máy, lang thang qua các nẻo đường đến 0 giờ, chỉ để trải cảm xúc theo bước chân của những người quét đường, gom rác… Chợt thấy chạnh lòng, trên đời vẫn còn quá nhiều những vô tình, thờ ơ làm cơ cực thêm những phận người cơ cực…

 

Sau cơn bão là lúc công nhân vệ sinh phải làm việc không ngừng nghỉ. Ảnh: Trần Hoa Khá

 

Một đặc trưng của TP Quy Nhơn là có biển, có núi, có đầm, hồ; có những phường nội thành với cư dân đô thị và cũng có cả những phường, xã ngoại thành mà cư dân còn mang nặng nếp sống thôn quê. Chính đặc trưng ấy khiến cho việc làm sạch phố phường trở nên phức tạp. Hỏi ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Quy Nhơn về việc thu gom rác sinh hoạt ở TP, bao giờ ông cũng trả lời bằng hai con số. Theo ông, ở TP Quy Nhơn trung bình mỗi ngày một người dân thải ra 0,6kg rác sinh hoạt, tính ra mỗi ngày cả TP có chừng 324 m3 rác sinh hoạt được thải ra. Nếu chỉ tính ở các phường nội thành, ông bảo đảm có khoảng 95% rác thải được công ty của ông thu gom; còn nếu tính cả những khu vực ngoại thành, ông chỉ dám xác định đã gom được chừng 82% rác thải của toàn TP. Nghĩa là, ở ngay TP biển xinh đẹp của chúng ta, mỗi ngày vẫn còn tồn dư gần 20% lượng rác không được thu gom xử lý…

* Vật lộn cùng con số 82%

Để thực hiện nhiêïm vụ quét dọn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Quy Nhơn đã dùng đến một nguồn nhân lực khá hùng hậu  gồm 4 đội vệ sinh môi trường, mỗi đội đảm trách 4 phường và Đội Môi trường mặt nước chuyên làm nhiệm vụ vớt rác trên mặt biển, mặt hồ, mặt đầm. Tùy theo quy mô của đường phố mà công ty phân công nhân lực hoặc quét dọn 2 bên đường (mỗi bên quét ra xa vỉa hè 3m) hoặc chỉ làm nhiệm vụ thu gom rác. Công ty cũng đã xác định cả TP có 129.000m2, vị chi cả 4 đội gồm 416 công nhân phải tham gia quét mỗi ngày 938.000 m2 và phải quét duy trì vào ban ngày thêm khoảng 30.000 m2 nữa. Ấy là chưa kể 14 nhân viên của Đội Môi trường mặt nước hằng ngày phải “xông pha” khắp trên mặt biển, mặt đầm, thậm chí phải gom rác thải cả phía dưới nhà rầm ngay trong lúc người sống bên trên vô tư “thải”, “xả”…

Theo quy định của TP, mỗi hộ dân nội thành chỉ được mang rác sinh hoạt từ trong nhà ra để ở nơi quy định vào lúc 21 giờ trở đi để đến 22 giờ trong ngày công nhân của các đội Vệ sinh môi trường đi thu gom vào các xe thùng đẩy tay đến nơi tập kết trung chuyển. Từ đây các xe chuyên dụng sẽ đến lấy rác vận chuyển lên bãi rác Long Mỹ để xử lý.

Những ngày bình thường chỉ 15 xe chuyên dụng cũng đủ tải rác cho cả thành phố về xử lý nơi bãi rác Long Mỹ; song vào những dịp lễ, tết, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, những ngày sau bão… Công ty TNHH Môi trường đô thị phải huy động đủ 21 xe chuyên dụng vẫn phải liên tục quay vòng. Chị L., một công nhân của Đội 4 cho biết: “Đó chính là những lúc mà công nhân vệ sinh môi trường làm việc vất vả nhất. Dịp Tết thì không có Tết, còn sau bão, thậm chí còn không lo được việc giải quyết hậu quả bão cho nhà mình…”.

Nhìn trên bề mặt những con số, không dễ khiến người ta biểu lộ cảm xúc song có dịp đồng hành cũng những công nhân vệ sinh mới thấy hết nỗi cơ cực của họ trên mỗi góc phố, mỗi con đường. Chị M. ở Đội Vệ sinh mặt nước than thở: “Ngán nhất là những lúc phải chui vào lấy rác dưới khu nhà rầm (KV6, phường Hải Cảng), mình làm nhiệm vụ ở dưới sàn nhà, còn trên sàn người ta lại vô tư xả nước tiểu, thậm chí xả phân xuống người mình…”. Hay như mới đêm 17.10 này thôi, trong lúc chúng tôi đi “săn” ảnh giữa trời mưa như trút nước, vẫn thấy những công nhân vệ sinh bình thản bó người trong áo mưa, ủng và khăn bịt mặt chậm rãi và mẫn cán làm nhiệm vụ quét đường, thu gom rác trên mọi nẻo phố…

 

Những xe rác hữu cơ này sẽ được đưa về xử lý thành phân compost. Ảnh: Trần Hoa Khá

 

* Và 18% còn lại…

Ông Nguyễn Nên Danh thống kê 18% rác của TP còn lại mỗi ngày như thế này: Rác tồn tại do những hộ chiếm đất xây nhà trên núi Bà Hỏa hay khu vực Hóc Bà Bếp… ở nội thành xả ra; rồi rác ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Châu, Nhơn Hội, KV 9 phường Hải Cảng và một số khu vực hẻo lánh ở các phường ngoại thành như Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… Những nơi mà bước chân cùng những chiếc xe thùng của các công nhân vệ sinh chưa thể len lỏi tới được.

Nhưng chúng tôi hiểu không chỉ có ở những nơi đó… Rác lưu cữu hàng ngày còn có ở ngay trong khu vực nội thành do chính sự vô ý thức của con người, nơi những con suối cạn chỉ xiết chảy vào mùa mưa; rác ngập ùa dưới các hầm cống, nơi những khoảnh đất vừa giải tỏa chờ mọc công trình, rác lăn lóc nơi vỉa hè vắng người qua lại…. Mỗi khi có đám tang đi qua, người đi sau lại rùng mình chứng kiến hàng mớ giấy vàng, giấy bạc vung vãi vô tội vạ trên đường (Chẳng biết đó gọi là mỹ tục hay hủ tục!). Rồi những tờ rơi quảng cáo từ tay các nhân viên tiếp thị xinh đẹp bị người nhận hờ hững ném trả xuống đường hoặc trao vội vào giỏ xe để mặc tình cho gió cuốn đi. Rồi thì rác do những người buôn bán trên vỉa hè…

Con số hơn 95% rác thải ở nội thành được thu gom đã bỏ lại gần 5% rác lăn lóc giữa phố hằng ngày phải được coi là điều nhức nhối!

TP Quy Nhơn sẽ rất khó trở thành Xanh - Sạch - Đẹp bởi về khách quan cây xanh không thể lớn lên do bão, do gốc bám cát lỏng lẻo, do đường điện trên đầu…; đường phố khó sạch bởi đất dây ra từ những công trình, từ trên núi tuôn xuống rồi cát theo gió, theo bước chân người từ biển rải đi… Còn về chủ quan, điều đáng sợ nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân TP. Chị C., một công nhân vệ sinh ở Đội 3 than thở: “Nhiều người rất kém ý thức giữ gìn vệ sinh TP. Rác vất bừa bãi, không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Nhiều khi chúng tôi vừa mới quét tua xong lại thấy họ ném rác… Nói thì họ bảo đã đóng tiền lấy rác, nên có quyền tự do vứt rác…”.

 

Mưa như trút nước, chị công nhân vệ sinh vẫn mẫn cán với công việc. Ảnh: Trần Hoa Khá

 

* Làm sạch phố phường

Ông Nguyễn Nên Danh bày tỏ lòng quyết tâm làm sạch TP Quy Nhơn bằng những gì có thể của công ty mình. Mục tiêu của Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn là đẩy con số tỉ lệ thu gom rác thải của TP lên con đến con số gần chạm đỉnh. Ở các vùng ngoại thành công ty đang nỗ lực vươn tay đến để phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết triệt để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm. Từ ngày 9.9.2009, công ty đã phối hợp cùng phường Hải Cảng xây dựng phương án tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn KV 9 (Hải Minh) phường Hải Cảng. Theo đó, công ty bố trí xuồng máy đến KV 9 để công nhân thu gom rác địa phương bốc rác lên (khoảng 2m3 mỗi ngày) trung chuyển vào nội thành rồi đưa đến bãi rác. Theo tính toán cân đối thu chi, mỗi năm TP Quy Nhơn chỉ phải hỗ trợ thêm một khoản kinh phí gần 4 triệu đồng. Cũng như vậy, ngày 6.10.2009, Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Quy Nhơn đã ký Tờ trình xin chủ trương triển khai thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn xã Nhơn Hải. Theo đó công ty cũng sẽ bố trí xe để lấy rác (khoảng 6,5m3/ngày) từ 40 thùng rác (250 lít) để vận chuyển đến bãi rác xử lý. Mỗi năm TP Quy Nhơn sẽ hỗ trợ khoảng hơn 40 triệu đồng!

Đối với khu vực nội thành, lối ra cho việc giải quyết triệt để rác thải hiện nay là việc phân loại rác từ nguồn. Về vấn đề này, TP Quy Nhơn đã có những kinh nghiệm bước đầu qua việc thực hiện chương trình SEMLA thí điểm tại KV 3, phường Thị Nại. Hơn 1 năm qua, người dân nơi đây đã được trang bị mỗi gia đình 2 thùng rác. Thùng màu xanh đựng rác hữu cơ (chất thải dễ phân hủy) và thùng màu da cam đựng rác vô cơ (gỗ, giấy, kim loại, giẻ rách, nilon…). Chính nhờ cách làm này, người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời cũng giúp việc xử lý, tái chế rác thải được dễ dàng thuận lợi. Khó khăn của vấn đề nhân rộng điển hình KV 3, phường Thị Nại chính là việc kinh phí để trang bị cả TP Quy Nhơn mỗi gia đình có 2 thùng rác. Song vấn đề đang có chiều hướng sáng sủa khi Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án VSMT TP Quy Nhơn. Theo đó, kiến nghị chuyển kinh phí đặt thùng rác trên vỉa hè TP thành kinh phí cấp 2 thùng rất nhỏ cho mỗi hộ gia đình…

Xem ra vấn đề rác thải của TP Quy Nhơn đang có chiều sáng sủa.

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)
Bước qua trần thế  (12/10/2009)
“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”   (11/10/2009)
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)
Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”  (04/10/2009)
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)
Trò chuyện với một thầy giáo dạy nghề   (30/08/2009)
Sống chung với… cúm  (24/08/2009)