Họ - những bưu tá vùng cao - những người đã không quản gian nan, vất vả, trèo đèo lội suối với hành trang là những lá thư, tờ báo, bức điện, công văn… để nối “mạch máu thông tin” từ mọi miền đất nước đến với những nơi “sơn cùng, thủy tận” của đất nước. Hình ảnh của họ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí bà con nơi vùng cao xa xôi, hẻo lánh… Anh Đinh Văn Núi (dân tộc Hrê) nhân viên bưu tá của Bưu điện huyện An Lão là một người như thế.
|
Phân loại thư, báo trước khi chuyển đến người nhận.
|
* Trèo đèo, lội suối đưa thư
Chúng tôi có mặt tại Tổ Bưu tá của Bưu điện huyện An Lão lúc 7 giờ sáng một ngày cuối tháng 10. Vừa bước chân vào đây, chúng tôi đã bắt gặp không khí làm việc rất khẩn trương và tỉ mẩn. Anh Đinh Văn Núi đang miệt mài sắp xếp, phân loại ấn phẩm, báo chí, công văn, thư tín... theo từng địa chỉ rồi cẩn thận bỏ vào bọc nylon trước khi cho vào túi đựng thư. Quan sát anh làm việc, chúng tôi nhận thấy công việc của anh đòi hỏi phải có sự cẩn thận và tập trung cao độ, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là những tờ báo, những cánh thư sẽ không đến tận tay người nhận.
* Anh có còn nhớ về ngày đầu tiên vào nghề bưu tá vùng cao?
- Năm 2001, sau khi tốt nghiệp trung cấp Bưu chính của Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, ra trường tôi xin về công tác tại Bưu điện huyện An Lão. Khi vào nhận việc, tôi được phân công làm bưu tá vùng cao An Toàn, với đường thư dài đi về trên 42 km đường rừng thăm thẳm, dốc đèo uốn lượn gồ ghề, khe suối chẻ ngang…
Ngày đầu tiên ra trường, lại phải đảm nhận một công việc khá vất vả như vậy tôi cảm thấy hơi ngán ngẩm và sợ mình không kham nổi. Tuy nhiên, với sức khỏe của một thanh niên 23 tuổi, tôi quyết định nhận việc và tin rằng mình sẽ vượt qua được những gian nan, vất vả để gắn bó với nghề. Và rồi, nghề này đã theo tôi từ đó cho đến nay.
* Có thể hình dung như thế nào về công việc hàng ngày của anh?
- Đã hơn 8 năm nay, mỗi tuần 3 ngày, từ tờ mờ sáng tôi đã ra khỏi nhà và khi con gà lên chuồng mới trở về quây quần bên bếp lửa với vợ con. Ngày nắng, tôi còn có chiếc xe máy độ chế làm bạn; còn ngày mưa, đường trơn như mỡ, cõng trên lưng túi thư báo nặng đầy, tôi phải lần từng bước, từng bước một. Mỗi bước đi là một lần bấm sâu 10 ngón chân xuống đất, đá để có thể đứng vững. Khi lên đến đỉnh dốc, ngồi nghỉ mà chỉ thở bằng mũi cho khỏi bị rát họng và giữ được sức. Lúc xuống dốc, phải quay lưng lại mà lùi từng bước một để tránh bị ngã nhào.
Có lẽ không có khó khăn nào thuộc về miền rừng núi mà lại chưa “rình rập” đến với tôi nhưng tôi đã vượt qua tất cả để làm tròn trách nhiệm của mình. Trong 8 năm xuyên rừng đưa thư của mình, không ít lần tôi phải đối diện với cái chết. Bây giờ ngồi ngẫm lại vẫn còn cảm thấy rùng mình. Hôm ấy trời mưa như trút nước, đang trên đường đi đưa thư thì gặp cơn lũ về, tôi phải cắt rừng đi tắt. Khi vượt qua con suối chảy xiết, tôi bị nước cuốn trôi. May mà có người dân đi qua phát hiện, kịp thời cứu tôi cùng với túi thư báo được gói cẩn thận trong bao nhựa còn nguyên vẹn. Lúc đó, bụng vừa đói, vừa lạnh run, gói cơm mà vợ chuẩn bị lúc lên đường đã ngấm nước. Đường đi còn dài, còn xa, còn lắm gập ghềnh, tôi phải cố ăn để có sức đi tiếp.
Ngoài công việc thường xuyên là vậy, những bưu tá vùng cao như chúng tôi còn phải có trách nhiệm đưa thư báo, công văn hỏa tốc đến với địa bàn mà mình phụ trách. Nhiều lúc vừa từ An Toàn trở về lại nhận được công văn hỏa tốc nên phải tức tốc quay ngược trở lại ngay. Bởi vậy, những bưu tá vùng cao như chúng tôi sợ nhất là khi nhận chuyển thư báo, công văn hỏa tốc vào mùa mưa lũ. Gần như đối với vùng cao, vào mùa mưa lũ, bà con không dám rời bản nửa bước, chỉ trường hợp khẩn cấp, đau ốm bệnh tật mới về trung tâm huyện, nhưng với người đưa thư báo thì vẫn phải đi. Hễ có thư báo, công văn hỏa tốc là phải lên đường thực thi nhiệm vụ ngay.
|
Anh Đinh Văn Núi lội suối đưa thư.
|
* Gắn bó lâu dài với công việc
Mặc dù công việc vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng 8 năm nay với hàng ngàn tờ báo, lá thư hay bức điện nào trên tay anh, trên gùi lưng anh hay được đội, quấn trên đầu của anh lại bị thất lạc. Thông tin đã đến đúng địa chỉ dù đó là một mái nhà nằm cheo leo trên vách núi, hay một giáo viên từ miền xuôi lên công tác... Đó là niềm vui, niềm tự hào của Đinh Văn Núi.
Giờ đây lượng thư báo, công văn ở An Toàn ngày càng nhiều nên đôi vai của người bưu tá vùng cao này lại càng thêm nặng. Nhưng với Đinh Văn Núi thì vẫn luôn tận tâm, tận lực với nghề. Hàng ngàn người dân ở xã vùng cao An Toàn quen biết anh, coi anh như người thân trong gia đình họ. Có nải chuối, ghè rượu họ đều dành để mời anh…
* Công việc cực nhọc và hiểm nguy là thế, anh có nghĩ đến việc chuyển nghề?
- Ô, mình muốn làm bưu tá đến khi nào hết làm được mới thôi. Nghề này tuy cực khổ nhưng mà vui lắm. Đi tới đâu cũng quen, nhiều người mời rượu nhưng bây giờ mình rút kinh nghiệm uống ít thôi. Mấy cô giáo trẻ thì trông ngóng thư dữ lắm, hay tặng bút cho mình. Niềm vui khi nhận được thư của họ đã tiếp thêm cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Nếu bây giờ mà mình không còn được làm công việc đưa thư này nữa thì buồn lắm. Công việc này đã đeo đuổi mình 8 năm rồi, đến nay hầu như từng đoạn đường, bụi cây, thậm chí chỗ nào có cái ổ gà hay ụ mối mình cũng thuộc, đêm tối mình vẫn có thể đi nhanh mà không sợ ngã.
* Thế còn điều mong ước của anh?
- Nghề bưu tá là nghề “làm dâu trăm họ”. Đôi lúc vẫn có những người có thái độ coi thường nghề bưu tá nên có thái độ hách dịch, không tôn trọng. Những lúc như vậy bản thân tôi nghĩ rất buồn. Công việc đưa thư, báo tuy không phải có chức tước, lương không cao, nhưng đó là một công việc hết sức quan trọng vì nó mang lại thông tin, nối những nhịp cầu tình cảm cho mọi người. Tôi mong sao ngày sẽ càng ít đi những người có thái độ coi thường nghề bưu tá và mong những đồng nghiệp của mình hãnh diện và ngày càng yêu nghề bưu tá của mình. Nếu không yêu nghề, người bưu tá sẽ không đủ nhiệt huyết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, nguyện vọng của tôi cũng như các anh chị em trong ngành là mong sao có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để có thể yên tâm cống hiến hết mình cho công việc. Hiện nay, những bưu tá như chúng tôi chỉ có lương, không có chế độ gì khác, và đã làm công việc này thì không thể làm thêm được gì nên đời sống kinh tế của chúng tôi rất khó khăn…
Chia tay anh Đinh Văn Núi chúng tôi trở về Quy Nhơn. Nắm chặt bàn tay tôi anh cười hiền: “Lúc đầu thì ngán và oải kinh khủng, còn bây giờ nếu không được làm nữa thì buồn lắm”. Nghe anh nói, lòng tôi bỗng ấm áp. Cuộc sống sinh động biết bao. Giữa muôn ngành nghề, những bưu tá vùng cao với công việc đầy khó khăn thử thách này ngày đêm vẫn xuôi ngược, nối liền thông tin liên lạc cho nhịp sống không ngừng chảy. Tôi thầm chúc cho anh “chân cứng đá mềm” để tiếp tục rong ruổi trên hành trình mang thư đến với mọi người.
|