Cuộc đoàn tụ hy hữu
7:56', 26/10/ 2009 (GMT+7)

Gần 4 năm bặt vô âm tín, gia đình cô bé bị câm điếc tưởng đã không còn cơ hội nhìn thấy lại con mình, bỗng điều kỳ diệu đã đến. Cô bé tội nghiệp đã trở về mái ấm gia đình từ một câu chuyện hy hữu.

 

Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm (bên trái), đang kiểm tra thủ tục xin nhận lại em Sanh.

 

* 30 giây trên truyền hình

Cách đây 20 tháng, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Bình Định tiếp nhận một cô gái chừng hơn 20 tuổi, không biết nói tiếng Việt, nhiều người đoán là người Trung Quốc. Qua một ít giấy tờ, vật dụng mang theo đã có thể xác định cô lưu lạc tại bến xe Lạng Sơn và được một tài xế tốt bụng chạy tuyến Bắc – Nam tưởng nhầm là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nên đưa cô về tới ngã tư cầu Bà Gi với thiện ý để cô về Tây Nguyên. Cái tên Bùi Lạng Sơn của cô do Trung tâm đặt cho cũng xuất phát từ đó.

Biết được câu chuyện này, một số phóng viên của truyền hình Bình Định đã tích cực tìm giúp tông tích của Bùi Lạng Sơn qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam (số 23, phát lúc 21 giờ, ngày 2.10.2009); nhờ một số người Trung Quốc làm việc tại Quy Nhơn tiếp xúc, nói chuyện với Lạng Sơn, nhưng đều “bó tay” vì bất đồng ngôn ngữ. Nhiều phép thử khác được đưa ra nhưng không cách nào làm cho Lạng Sơn hiểu được yêu cầu này. Mọi việc tưởng chừng bế tắc, thì bé gái câm Nguyễn Hồng Lạc (tên do Trung tâm BTXH đặt) được gọi đến “thử”. Không ngờ, qua ngôn ngữ hình thể của những người câm điếc, Lạng Sơn đã “bắt được nhịp” và thổ lộ được thân phận câm điếc của mình. 

Câu chuyện của Bùi Lạng Sơn được phát trên sóng truyền hình toàn quốc. Không biết ở nơi nào đó, gia đình của Lạng Sơn có nhận ra người thân không? Nhưng chỉ khoảng 30 giây xuất hiện của bé câm Nguyễn Hồng Lạc với “vai phụ” trong chương trình tìm kiếm này đã thay đổi được số phận của chính bản thân cô. Hai ngày sau, tại Trung tâm BTXH Bình Định đã có người đến xin xác nhận bé câm là người nhà bị thất lạc gần 4 năm nay…

 

Em Sanh (Lạc) khóc vì hạnh phúc giữa vòng vây gia đình, tại Trung tâm BTXH tỉnh.

 

* Lưu lạc và kiếm tìm

Gia đình ông bà Phạm Văn Thận (SN 1957) và Nguyễn Thị Thạch (SN 1957) làm nghề nông, ở thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên có 8 người con: bốn trai, bốn gái. Cô con gái thứ sáu Phạm Thị Thu Sanh (SN 1988) được cả nhà thương yêu, cưng chiều nhất bởi vóc dáng còi cọc lại câm điếc do cơn bạo bệnh hồi nhỏ. Cả nhà gọi cô là bé Sẻ.

Bé Sẻ không biết chữ nhưng trí tuệ phát triển bình thường, biết giúp gia đình làm công việc nội trợ. Vào lúc 18 giờ ngày 19.12.2005, giữa lúc mưa lụt, nước dâng trắng đồng, bé Sẻ lo việc dọn dẹp sau đám cưới của người anh trai thứ tư rồi bỗng biến mất. Gia đình và cả xóm Bàn Nham Nam đi tìm, thậm chí đã giăng hàng ngang dò khắp cánh đồng ngập nước suốt nhiều ngày để tìm xác bé Sẻ. Suốt những tháng ngày sau đó, cả gia đình ông Thận đã cất công đi khắp nơi tìm kiếm đứa con gái mất tích. Ông Thận đã viết thông báo tìm con và phô tô hàng trăm tờ đem dán ở những nơi đông người qua lại. Ông cũng cho đăng thông báo tìm con trên Đài Truyền hình Phú Yên và Khánh Hòa; rồi hàng chục lần đi Khánh Hòa, Bình Định và vào tận TP Hồ Chí Minh để dò tung tích con…, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Bà Thạch- vợ ông Thận vì thương nhớ con mà sinh bệnh và qua đời vài tháng sau đó.

Cũng trong ngày (19.12.2005) đầy mưa gió ấy, tại Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, lúc 23 giờ 30 phút, một người xe ôm đã đưa một cô bé lơ ngơ đến Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga để nhờ giúp đỡ. Cô bé câm được tiếp nhận và được cơ sở đặt cho cái tên Nguyễn Hồng Lạc. Lúc bấy giờ, em Lạc có biểu hiện bất thường về sức khỏe, thường hay cầm dao có ý định tự sát. Một tuần sau, Nguyễn Hồng Lạc chuyển về Trung tâm BTXH tỉnh Bình Định.

Nhờ sự thương yêu, đùm bọc của Trung tâm, Lạc bớt dần những suy nghĩ tiêu cực, bắt đầu cuộc sống mới với những người cùng cảnh ngộ nhưng không thể chia sẻ được bí mật của mình với bất cứ ai, bởi cô là người câm điếc.

 

Ông Thận cảm ơn những người thực hiện Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã đưa em Sanh về với gia đình.

 

* “Như chưa hề có cuộc chia ly”

Sau 4 năm từ ngày bé Sẻ mất tích, vào một đêm cả nhà ông Thận đang ngồi hàn huyên về chuyện đám cưới người con cả thì người hàng xóm Nguyễn Thị Trúc Hương chạy đến báo tin: “Anh Thận ơi! Tui vừa phát hiện con bé Sẻ nhà mình trên ti vi. Nó đang nói chuyện bằng điệu bộ với cô Lạng Sơn trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly””. Cả nhà lặng đi vài giây, rồi bỗng náo động lên bởi những câu hỏi và lời bàn tán. Một vài người hàng xóm khác cũng chạy đến báo tin là có thấy bé Sẻ “lên ti vi”. Ngay lập tức, chị Hương và người nhà bé Sẻ gọi điện thoại cho chương trình và được biết bé Sẻ đang sống ở Trung tâm BTXH tỉnh Bình Định. Ông Thận run lập cập, vướng víu tay chân, không biết làm gì, nói gì; cả đêm ông  không sao ngủ được, cứ bật đèn rồi đi ra, đi vào mong trời mau sáng để đi Bình Định.

Cuộc hội ngộ hy hữu tại Trung tâm BTXH tỉnh Bình Định khiến ai cũng giàn giụa nước mắt. Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, xúc động nói: “Tôi đã công tác ở Trung tâm hàng chục năm, từng giải quyết thủ tục xin nhận lại người thân cho một số trường hợp, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cuộc đoàn tụ khá đặc biệt và đầy nước mắt của niềm hạnh phúc. Về nguyên tắc, Trung tâm phải kiểm tra thủ tục xin nhạân lại người thân một cách thận trọng, nhưng vừa thấy mặt họ đã òa khóc, ôm chầm lấy nhau là không thể có sự nhầm lẫn rồi…”.

Theo chân gia đình bé Sẻ về lại thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, có đại diện của Trung tâm BTXH, chị Ngô Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm, kể: “Khi chúng tôi nhận em Sanh vào Trung tâm, lúc này em gầy lắm, nhưng lại buồn bã, không ăn uống gì hết và đòi tự tử suốt. Sau một thời gian Sanh đã hòa nhập rồi thì ai cũng quý mến Sanh, vì em chăm chỉ và rất gọn gàng, sạch sẽ. Em rất yêu các em nhỏ khuyết tật ở Trung tâm và đặc biệt các em này cũng quý Sanh như bảo mẫu. Ngày làm chương trình tìm kiếm người thân cho Lạng Sơn, tôi có nói với những người thực hiện rằng, biết đâu được bé câm sẽ tìm được người thân qua chương trình này. Đúng là một điều kỳ diệu”.

 

Bùi Lạng Sơn (bên trái) tiễn bạn “Lạc” về với gia đình.

 

Khi chúng tôi về tới đầu thôn, dân làng hay tin đã đứng chận kín cả con đường dẫn vào nhà. Họ đang chờ đón “con bé Sẻ” tội nghiệp sau hơn 4 năm thất lạc, những tưởng không bao giờ trở về nữa. Mọi người ùa vào ôm lấy cô bé, những giọt nước mắt lại tuôn trào, tình làng nghĩa xóm làm ấm lại căn nhà của ông Thận sau những tháng ngày con thất lạc, vợ buồn đau mà chết.

Anh Phạm Hoài Sinh, anh trai của Sanh, thổ lộ: “Hai năm gần đây, cả nhà tôi nghĩ không còn cơ hội được gặp Sanh nữa rồi. Năm Sanh mất tích, trong huyện này cũng có mấy người câm mất tích nhưng không ai trong số họ trở về nhà…. Đài báo đã cứu giúp gia đình chúng tôi!”.

Đoàn tụ với gia đình sau gần 4 năm mất tích, em Sanh giờ đây đã sống trong vòng tay yêu thương của người thân. Thế nhưng, còn một góc tối khác chưa được làm sáng tỏ. Đó là, vì sao em bị lưu lạc ra tỉnh khác sau mấy giờ đồng hồ? Em bị bắt cóc hay đi lạc?... Cùng trong thời điểm này anh Nguyễn Hữu Thuận (SN 1965), ở thôn Bàn Nham Bắc và một người nữa ở xã bên cạnh (đều bị câm điếc) cũng “bỗng dưng biến mất”, đến nay chưa tìm ra. Câu hỏi này đang được gia đình em Sanh tích cực tìm câu trả lời và đang mong đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)
Làm sạch phố phường  (19/10/2009)
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)
Bước qua trần thế  (12/10/2009)
“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”   (11/10/2009)
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)
Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”  (04/10/2009)
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)
Sức mạnh tập thể, niềm tin của chúng tôi  (06/09/2009)