BÀ PHẠM THỊ THU, CHỦ TỊCH HỘI LHPN PHƯỜNG ĐỐNG ĐA (QUY NHƠN):
“Cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm”
8:10', 1/11/ 2009 (GMT+7)

Từng hoạt động cách mạng ở vùng Hưng Thạnh (nay thuộc phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), sau năm 1978, khi phường Đống Đa được thành lập, bà Phạm Thị Thu công tác phụ nữ phường cho đến nay. 31 năm lăn lộn, gắn bó với công tác của Hội, bà đã góp không ít sức mình vào những đổi thay, phát triển của những khu dân cư đông đúc và nghèo khó của phường Đống Đa…

 

Bà Thu (thứ ba, trái sang) tại một hội thảo về Dự án “Hỗ trợ phát triển dựa vào cộng đồng” tổ chức tại Quy Nhơn.

 

* “Thấy phụ nữ bị ức hiếp thì không chịu được”

+ Hôm rồi, nghe kể ở phường Đống Đa có vụ ông chồng bạo hành vợ, nhiều người đứng ngoài không dám vào, nhưng riêng bà thì cứ “xông” vào. Bộ bà không sợ sao?

Gia đình này ở khu vực 3, ông chồng hay đánh đập, đuổi vợ ra khỏi nhà; con cũng không cho đi học. Người vợ đã nhờ chi hội phụ nữ khu vực giải quyết nhưng vẫn không ăn thua. Chúng tôi thành lập một đoàn gồm đại diện Hội Phụ nữ, Dân số và trẻ em, Hội Cựu chiến binh, Công an và chính quyền địa phương… xuống nhà vận động. Lần đầu đến, ông ấy không tiếp mà xuống dưới bếp lấy rựa ra chẻ củi. Lần thứ hai, đoàn xuống để dẫn cháu bé đi học, thì ông ấy bỏ đi. Tôi bảo chị vợ ông ấy cứ để thằng nhỏ đi học, chiều chúng tôi sẽ đến trường đón cháu về nhà. Chiều, cả đoàn đưa cháu về, ông ấy hỏi tại sao lại cho con ông ấy đi học, rồi sau đó, xuống bếp nấu cơm…

Tôi đưa số điện thoại của mình cho chị vợ ông ấy và dặn cứ gọi điện cho tôi nếu có chuyện gì xảy ra. Đồng thời “hăm” ông ấy là nếu còn bạo hành vợ con, sẽ đem ra kiểm điểm trước dân, cho đi cải tạo. Từ đó đến nay, mọi việc đã êm.

+ Cách giải quyết bạo hành gia đình của bà như thế nào?

Khi có đơn thư phản ánh của bà con thì Hội Phụ nữ mới đến được. Trước hết, là làm việc với địa phương, nghe ngóng tình hình, rồi tìm cách giải quyết. Có lúc mình đến hòa giải trực tiếp; căng thẳng hơn thì kết hợp với Tư pháp phường hòa giải. Nếu hòa giải 2, 3 lần không xong thì chuyển sang Tòa án giải quyết. Tôi cho rằng, phải cố mà giúp sức cho vợ chồng hòa hợp lại để nuôi con cái học hành cho tốt; còn nếu không được, thì phải giải phóng người phụ nữ, không để họ tiếp tục bị ức hiếp, bạo hành. Tùy theo mỗi lúc, mỗi nơi mà mình áp dụng đủ cách, miễn sao bảo vệ được quyền lợi chị em. Thấy phụ nữ, trẻ em bị ức hiếp là tôi không chịu được.

Cách đây đã lâu, có trường hợp người vợ về nhà chồng đã bỏ tiền riêng xây lại ngôi nhà của gia đình nhà chồng. 14 năm ở nhà chồng tảo tần, khi ly hôn, tòa xử chị chỉ nhận được 5 triệu đồng tiền bồi thường đóng góp ngôi nhà. Tôi thấy thiệt thòi cho chị ấy quá, nên giúp chị gởi đơn lên các cấp Hội Phụ nữ, Tòa án cao hơn. Cuối cùng, chị ấy được chia đôi ngôi nhà, trị giá 50 triệu đồng!

* “Cái gì có lợi cho dân, phải quyết tâm làm”

Những năm trước đây, nhiều khu vực ở phường Đống Đa “trắng” nước sạch vì chi phí bắc nước máy quá lớn, trong khi thu nhập của người dân thấp, lại không ổn định. Năm 2004, Chương trình Hỗ trợ phát triển dựa vào cộng đồng TP Quy Nhơn tài trợ vốn cho người dân bắc nước máy, phường Đống Đa được ưu tiên. Tuy nhiên, nhiều người dân không dám vay vì sợ không có khả năng trả nợ. Bà Thu đã đi vận động chị em, mọi người dân cùng tham gia…

+ Khi ấy, vận động có khó khăn lắm không, thưa bà?

Đầu tiên, chúng tôi triển khai ở khu vực 1. Trước đó, nhiều người cũng đã có ý định bắc nước máy qua đường ray xe lửa, nhưng không thành công. Bởi vậy, khi họp dân, có người nói: “Mấy ông đàn ông có sừng có mỏ còn chưa làm nổi, mấy bà thì làm được cái gì”. Tôi nghe ức lắm, quyết tâm làm cho bằng được, thử xem họ còn coi thường phụ nữ nữa hay không. Ai phản đối, tôi đến từng nhà vận động cho họ tin rằng mình sẽ có nước máy dùng mà không tốn quá nhiều tiền. 8 tháng trời mới bắc xong nước máy cho 141 hộ ở khu vực 1. Từ đó, mình có kinh nghiệm để làm tiếp các khu vực còn lại. Nay thì 98% hộ dân trong phường đã có nước sạch. Giờ đây, mỗi lần đi đến các khu vực, nhất là những nhà ở trên núi, thấy họ không phải xuống núi gánh nước như trước nữa, tôi vui lắm. Cái gì có lợi cho dân, dù khó đến mấy cũng phải quyết tâm làm cho được - ấy là tôi tự nhủ vậy.

 

Bà Thu đang trao đổi với sinh viên ở địa phương về thủ tục cho học sinh- sinh viên vay vốn học tập.

 

+ Nhiều năm qua, phường Đống Đa luôn là một trong những điểm sáng của TP Quy Nhơn về phong trào cho vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế mà không để xảy ra tình trạng nợ xấu hoặc bị tổ trưởng chiếm dụng vốn. Vậy đâu là “bí quyết” để Hội duy trì được điều này?

Trước hết, người “cầm càng” phải gương mẫu, để chị em nhìn vào mà tin tưởng. Tôi quán triệt trong Ban Chấp hành Hội, các tổ trưởng vay vốn phải làm hồ sơ trung thực, không được vòi vĩnh. Ngoài ra, phải chịu khó đôn đốc, nhắc nhở các tổ trưởng vay vốn trả lãi đều đặn, làm cho họ nhớ mà tránh tình trạng nợ dồn, nợ đọng; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đối chiếu sổ sách. Nói thật là có lúc tôi cũng bực, nhưng xong rồi, phải nhỏ to tâm sự, để chị em không hờn trách. Hiện nay, phường có 16 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền khoảng 5,6 tỉ đồng. Phường Đống Đa hiện chỉ còn 326 hộ nghèo trong tổng số khoảng 6.500 hộ.

Tôi cho rằng, nếu đã giúp người nghèo được cái “cần câu” thì cũng nên giúp thêm “miếng mồi” để họ “câu con cá”. Thực tế, tôi thấy nhiều gia đình nghèo tuy đã có “cần” nhưng lại không lo nổi “miếng mồi”. Bởi vậy, tôi nghĩ bằng mọi cách phải có vốn cho chị em vay. Nghe ở đâu có vốn thì tôi tìm tới. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng có chịu khó thì mới “ra ngô ra khoai”.

* “Tôi học ở Bác tính giản dị, đơn sơ”

+ Có lần bà từng nói, là cán bộ hưởng lương ngân sách do dân đóng góp mà không làm được việc gì có lợi ích cho dân thì làm cán bộ để làm gì. Phải chăng đây chính là phương châm làm việc của bà?

Trong quá trình làm việc, cũng có những điều khuất tất khiến mình không vừa ý; nhưng rồi tôi lại nghĩ, ai làm sai thì họ chịu trách nhiệm, còn mình vẫn làm đúng bổn phận, chức trách của mình.

Bà Phạm Thị Thu sinh năm 1957, ở Gò Bồi, huyện Tuy Phước. Từ năm 1978, bà làm công tác phụ nữ tại phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cho đến nay và hiện là Chủ tịch Hội LHPN phường. 

Với những thành tích đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, năm 2004, Hội LHPN phường Đống Đa đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bản thân bà Thu được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn… về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Làm công tác  phụ nữ  ngày không tính giờ, tuần không có thứ, lúc nào chị em cần là mình có mặt. Bởi vậy, phải tâm huyết thì mới hoàn thành tốt công việc.

+ Hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bà đã học và làm theo gương Bác như thế nào và Hội LHPN phường Đống Đa đã hưởng ứng các cuộc vận động này ra sao?

Tôi học ở Bác đức tính giản dị, đơn sơ, gần gũi hòa đồng với tất thảy mọi người, người sang cũng như kẻ nghèo khó. Không phải thấy người có chức quyền thì mình tìm cách gần gũi. Trái lại, nếu họ làm sai thì tôi kiên quyết đấu tranh. Thấy phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khuyết tật, khó khăn thì phải hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ vươn lên trong cuộc sống.

Thời gian qua, Hội LHPN phường đã phát động phong trào treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng trong các gia đình hội viên. Sau đó, in thêm 5 điều Bác Hồ dạy phát cho các gia đình có con đang học tiểu học, THCS về treo ở góc học tập. Hôm 20.10 vừa qua, đi thăm một số gia đình hội viên, tôi thấy họ thực hiện rất tốt. Nhiều người còn cho biết, các con của họ rất thích đọc 5 điều Bác Hồ dạy. 

+ Cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc đoàn tụ hy hữu  (26/10/2009)
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)
Làm sạch phố phường  (19/10/2009)
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)
Bước qua trần thế  (12/10/2009)
“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”   (11/10/2009)
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)
Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”  (04/10/2009)
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)
Kiểng độc  (07/09/2009)