Đò ngang mùa lũ
10:4', 2/11/ 2009 (GMT+7)

Vụ chìm đò chiều 25.1.2009 (tức 30 Tết) trên sông Gianh, thuộc xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cướp đi sinh mạng của 42 người, đến nay, hẳn vẫn còn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Thế nhưng, tại tỉnh ta, hàng ngày, hàng trăm người dân vẫn phải qua sông trên những chuyến đò ngang, nhất là đò ngang tự phát mùa lũ không an toàn, với nhiều hiểm họa luôn chờ chực.

 

Một bến đò tự phát mùa lũ trên địa bàn huyện Tuy Phước. Ảnh: Văn Lưu

 

* Những vụ chìm đò

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an Bình Định), từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào nghiêm trọng, nhưng trước đó cũng đã xảy ra một số vụ chìm đò, làm chết người.

Ngày 30.11.2000 tại bến đò ngang sông Côn, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), chiếc ghe máy bằng tôn tự chế của ông Võ Hạnh (ở thôn Hữu Giang, xã Tây Giang) chở 28 người, trong đó có 15 học sinh, khi chạy ra giữa dòng thì bị chết máy, va vào đá ngầm rồi chìm. Hậu quả, 3 người đi trên đò bị chết.

Ngày 12.12.2000 tại bến đò Trường Thi, xã Nhơn Hòa (huyện An Nhơn), chiếc sõng tre do hai ông Nguyễn Văn Thể và Nguyễn Ngọc Anh (ở thôn Hòa Nghi, xã Nhơn Hòa) điều khiển, chở 15 người, khi tới giữa dòng thì sào chống đò bị gãy, làm đò trôi tự do, rồi va vào bụi tre làm đò bị úp. Hậu quả, 2 người đi đò bị chết.

Ngày 12.12.2003, tại bến đò thôn Thạnh Xuân Đông (xã Hoài Hương) sang thôn Kim Giao (xã Hoài Hải) của huyện Hoài Nhơn, chiếc đò máy của anh Đỗ Trọng Kiên chở 30 khách, trong đó, có đến 25 em học sinh. Do chở quá tải, khi đến giữa dòng, bất ngờ gặp gió lốc và nước xoáy, chiếc đò bị đánh lật úp. Hậu quả, 3 người chết.

Trước đó, vào năm 1991, cũng tại bến đò Thạnh Xuân Đông (xã Hoài Hương), chiếc đò máy của ông Võ Lai, trú tại địa phương, chở 20 người chạy ra đến giữa dòng sông thì bất ngờ hỏng máy, bị dòng nước nhấn chìm, làm chết 6 người…

Tất cả những vụ tai nạn nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân là do phương tiện thiếu đảm bảo an toàn kỹ thuật, vận chuyển quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không bằng lái, chuyên môn, không được trang bị đủ thiết bị an toàn trên phương tiện…

 

Học sinh đi đò từ Tân Giản về Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) nhưng không em nào mặc áo phao. Ảnh: Văn Lưu

 

* Hiểm họa bến đò tự phát

Chúng tôi có mặt tại các bến đò Hải Minh - TP Quy Nhơn, Tân Giản -Huỳnh Giản Bắc (Phước Hòa, Tuy Phước), Huỳnh Giản Nam - Dương Thiện (Phước Sơn, Tuy Phước)... Đây là những bến đò có nhiều học sinh đi đò để đến trường. Thế nhưng, những điều kiện để đảm bảo an toàn tại các bến đò này chưa được quan tâm.

Bến đò Hải Minh thường xuyên phục vụ cho một khu vực có 429 hộ với 2.050 nhân khẩu, trong đó có 400 em học sinh. Thế nhưng, tại đây, không có cầu cập tàu thuyền; các phương tiện này thường cập vào các bờ kè bằng đá rất trơn trượt, dễ gây tai nạn cho người lên xuống phương tiện, nhất là người già, phụ nữ có thai, người đau ốm, trẻ em, học sinh. Còn người đi đò không mặc áo phao dù đã được cấp phát miễn phí.

Vượt hơn 3 km từ trung tâm xã Phước Hòa, chúng tôi tìm về thôn Tân Giản khi mặt trời đã xế chiều. Rất đông người đang chờ qua sông, chủ yếu là các em học sinh. Chờ hơn 30 phút, chiếc đò máy từ bên xóm Huỳnh Tây (Huỳnh Giản Bắc) chạy qua đón. Đoạn sông này rộng hơn 500 m. Hơn 20 em học sinh cùng xe đạp chen chúc trên một chiếc đò nhỏ. Không có chiếc áo phao nào trên đò và không có học sinh nào mặc áo phao. Điều đáng lo ngại hơn, người lái đò là một cô gái chừng 20 tuổi. Hỏi ra mới biết người chủ đò là ông Hồ Văn Hà, do bận công việc, nên con gái thay ông đưa đò. Thấy chúng tôi có vẻ lo lắng, một học sinh lớp 10, Trường THPT số 2 Tuy Phước,  trấn an: “Các chú yên tâm đi, bọn cháu ở đây ai cũng biết bơi cả nên lỡ có chìm đò thì bơi vào bờ, chứ tụi cháu không bao giờ mặc áo phao khi đi đò”.

Trong tháng 9.2009, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy đã đi kiểm tra thực tế tại 15 bến đò ở các địa phương: Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Qua kiểm tra, chỉ có 2 bến đã có giấy phép thành lập bến và đảm bảo an toàn; số bến còn lại không có giấy phép thành lập bến, không đảm bảo các điều kiện an toàn về bến.

Một lát sau, chiếc đò nặng nề đưa các em ra giữa dòng. Lúc này, con đò chỉ như chiếc lá mỏng manh, bồng bềnh theo từng đợt sóng. Tim tôi như thắt lại giữa mênh mang nước, nhưng bọn trẻ vẫn hồn nhiên nói cười. Nhiều em còn nghịch ngợm, trêu đùa nhau ngay giữa dòng. Thậm chí, có em ngồi tận ra mép đò, cho cả hai chân xuống nghịch nước. Không áo phao, không người hướng dẫn, không có bất kỳ một thiết bị bảo vệ nào, con đò vẫn chậm chạp trôi giữa dòng sông sâu, từng đợt sóng dập dềnh như chực nhấn chìm con đò.

Chị Hoa, một người dân trong thôn Huỳnh Giản Bắc, than thở: “Tôi có 2 đứa con đang đi học và đều phải qua bến đò này. Dù biết là không an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ nhưng chẳng còn cách nào khác, chẳng lẽ lại cho con nghỉ học”.

Khoảng 20 phút sau, chúng tôi trở lại bên này sông trên chiếc sõng nhôm cũ kỹ, vì đò máy không chịu chở do chỉ có hai người. Người chống sõng đưa chúng tôi qua sông là chị Nguyễn Thị Liên, 37 tuổi, ở xóm Huỳnh Tây. Chị Liên làm nghề đưa đò chỉ mới gần 1 năm nay, khách đi đò của chị chỉ là những người khách có công việc gấp hoặc khách lẻ không đợi được đò máy.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, dù kinh phí xã eo hẹp nhưng mỗi năm xã chi ra 3 triệu đồng để hỗ trợ chủ đò của bến đò Tân Giảng đi xóm Huỳnh Tây, chủ yếu chở học sinh đến trường. Đồng thời, xã cũng trang bị áo phao đầy đủ cho chủ đò để phát cho khách mỗi khi lên đò.

Các bến đò ngang hoạt động thường xuyên, được quản lý nhưng vẫn không đảm bảo an toàn. Đối với những bến đò tự phát hoạt động vào mùa mưa lũ, hiểm họa còn cao hơn.

Cứ vào mùa mưa lũ, dọc trên các đường tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn trên địa bàn tỉnh hàng trăm bến đò tự phát hình thành để chở khách. Riêng tuyến tỉnh lộ ĐT 640, đoạn qua các xã khu Đông huyện Tuy Phước và Phù Cát, đã có hàng chục bến đò tự phát. Ở những bến đò này, hầu hết các phương tiện đưa đò làm bằng sõng nan tre và sõng tôn, không trang bị phao cứu sinh cho người điều khiển cũng như khách đi đò. Người đưa đò là thanh niên, phụ nữ, người già, thậm chí trẻ em cũng tham gia chống đò. Trong những đợt lũ, chúng tôi không ít lần phải thoát tim vì đi trên những chuyến đò này. Do thu nhập của những bến đò tự phát này khá cao, nên mỗi khi có lũ xảy ra rất nhiều người tham gia đưa đò. Đò nhỏ nhưng mỗi chuyến chở 4-5 người, kèm theo vài chiếc xe máy, nguy cơ chìm đò rất cao.

Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Các bến đò tự phát có nguy cơ tai nạn rất cao nhưng cấm thì không được, vì đây là nhu cầu đi lại của người dân. UBND huyện đã giao cho địa phương nào có bến đò tự phát phải quản lý chặt; đồng thời, tuyên truyền để chủ đò và người đi đò ý thức hơn mỗi khi đi đò để tránh xảy ra tai nạn”.

 

Từ năm 2007 đến nay, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tặng 800 áo phao cho chủ đò và người đi đò. Ảnh: N. Phúc

 

* Bất cập ở các bến đò

Theo Thiếu tá Trần Thanh Hiếu, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, công tác quản lý các bến đò trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng công tác quản lý các bến đò, chưa quan tâm nhiều đến đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Do lệ phí đăng ký, đăng kiểm cao, nên số phương tiện đi đăng ký thấp. Nhiều chủ phương tiện đăng ký hoạt động nghề cá nhưng lại hoạt động chở khách. Các bến đò chưa được đầu tư xây dựng, phương tiện chở khách cũ kỹ, người điều khiển phương tiện chưa có chuyên môn. Bến đò tự phát, quy mô nhỏ, lợi dụng địa hình, địa lý tự nhiên để làm bến ngày càng nhiều. Không chỉ chủ đò, ngay cả người đi đò cũng chủ quan với sinh mạng của mình, rồi nại ra lý do mặc áo phao sợ bẩn, nóng, chật chội, mất thời gian…

Mùa mưa lũ đã đến. Do đó các ngành chức năng và chính quyền địa phương nên tăng cường quản lý các bến đò, nhất là bến đò tự phát để không xảy ra những vụ tại nạn chìm đò đáng tiếc.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm”   (01/11/2009)
Cuộc đoàn tụ hy hữu  (26/10/2009)
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)
Làm sạch phố phường  (19/10/2009)
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)
Bước qua trần thế  (12/10/2009)
“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”   (11/10/2009)
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)
Trò chuyện với chủ nhiệm “HTX thôn mình”  (04/10/2009)
Nữ ngư phủ  (28/09/2009)
26 năm “bắt mạch” đất - trời   (27/09/2009)
Hoài Hải, ngày mới…  (21/09/2009)
“Đừng bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện, mà phải hiểu sự kiện”  (20/09/2009)
Nuôi yến  (14/09/2009)
“Nhiều lúc tôi tưởng không thể trụ được với nghề”   (13/09/2009)