Đó là cơn lũ lịch sử. 40 năm rồi, người dân Bình Định mới lại thấy một cơn lũ dữ như thế. Tốc độ kinh hoàng, sức mạnh khủng khiếp. Những căn nhà ngập trong nước. Biết bao của cải bị vùi chôn. Và cả những con người bị nước cuốn trôi không bao giờ trở lại...
|
Anh Lưu Thái Cầu dọn dẹp nhà cửa khi nước chưa rút hết. Ảnh: Nguyễn Văn Trang
|
* Trắng tay...
Khi cơn lũ vừa ngấp nghé rút đi, người dân liền tìm cách quay về nhà. Sau một ngày chạy lũ, giao nhà cửa cho thủy thần, ai cũng nóng lòng xem tình hình thiệt hại nhà mình như thế nào. Những chiếc sõng len lỏi giữa những căn nhà còn ngập trong nước. Những móng nhà bị nước xoáy xới tung. Từng bộ quần áo thấm nước bùn, trĩu nặng trên tay người…
Gặp chúng tôi, anh Lưu Thái Cầu, ở tổ 6, khu vực 7, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, kể lại, giọng chưa hết bàng hoàng: “Nước lên nhanh quá! 12 giờ đêm, mới thấy ngấp nghé ngoài sân, cứ tưởng đến đấy rồi thôi. Vậy mà, chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ, nước đã lên đến gần nửa nhà. Cứ dọn được một món đồ, nhìn lại, nước đã lên thêm mấy tấc. Cuối cùng, đồ đạc chẳng dọn được đi đâu, mà người thì cũng kẹt trong nhà”. Vợ chồng anh Cầu đã kê bàn, chồng ghế leo lên tránh nước. Ngồi giữa những cơn gió thốc tháo lạnh lẽo đến 10 giờ trưa, một chiếc sõng đi ngang, chở vợ chồng anh đến trú tạm tại nhà lầu cạnh đấy. Xế chiều, vì vợ anh đang mang bầu, nên lực lượng cứu hộ đã ưu tiên đưa về trung tâm thành phố lánh nạn trước.
Trở về nhà mình sau một ngày chạy lũ, anh Cầu bàng hoàng khi thấy nhà cửa tan hoang. Toàn bộ vật dụng trong nhà đều bị ngập nước, hư hỏng. Từ nồi cơm điện, bếp ga đến tủ lạnh, máy giặt, xe máy... tất cả đẫm nước bùn. Quê ở Phù Cát, vào Quy Nhơn lập nghiệp, hai vợ chồng anh mới đến đây ở chưa lâu, công sức làm lụng bao năm dồn vào mua nhà, sắm sửa đồ đạc. Vậy mà bỗng dưng trắng tay trong phút chốc. Biết bao giờ đôi vợ chồng trẻ mới mua sắm được đồ đạc trong nhà, ổn định lại cuộc sống...
Làm sao thống kê hết thiệt hại của người dân. Và ám ảnh đến tột cùng là hình ảnh cụ già thất thần bên con chó - tài sản duy nhất còn lại của gia đình; người phụ nữ tóc rối mù trân trân nhìn đống đổ nát- trước đó còn là tổ ấm của gia đình mình…
Người lớn lo nhà, lo cửa, lũ trẻ thì cuống cuồng tìm sách vở. Song may mắn không thuộc về số đông. Trưa 5.11, chúng tôi đến khu vực 6, phường Nhơn Phú, gặp em Trần Kim Tiến, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Nhơn Bình, ngồi thẫn thờ bên mấy cuốn sách của đứa em gái Trần Thị Thanh Thơ. Tiến thì thầm: “Em phơi sách vở cho em gái, chứ toàn bộ sách vở của em bị nước ngập, mục nát hết rồi. Mai đi học lại rồi, không biết lấy gì đến lớp…”. Nói xong, Tiến vào nhà phụ ba dọn dẹp, Thơ ra thay anh trông sách vở, bởi trời cứ lúc tạnh, lúc mưa…
Không sách vở, nhà cửa tan hoang, rồi đây, lớp học liệu có trống vắng hơn…
|
Học sinh thu dọn sách vở sau cơn lũ. Ảnh: Hoa Khá
|
* Con ơi, con ở đâu...
Của cải mất đi, có thể sắm lại được. Còn mất người thì... Có nỗi đau nào hơn...
Đến giờ, người dân khu vực 8, phường Nhơn Phú, còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cái đêm lũ về. Nước ào ạt dâng, người không kịp trở tay. 3 giờ sáng, ba thanh niên vội vã lùa đàn bò từ nhà lên Quốc lộ. Giữa đường, bị nước cuốn, một người trôi theo dòng nước...
Đó là anh Bùi Khương Vương Võ, 23 tuổi. Từ rạng sáng 2.11 đến trưa hôm sau, hết sõng, ca nô rồi đến bo bo quần đảo kiếm tìm. Người cha, người mẹ cả ngày không ăn uống, cứ đi như điên như dại, với hy vọng mong manh rằng, sẽ tìm được xác con trai mình ở một bụi bờ nào đó...
Giữa trưa 4.11, khi đi trên Quốc lộ 1A, đoạn qua ngã ba Diêu Trì, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, chúng tôi nhìn thấy một đám đông tụ tập bên cánh đồng ngập nước. Vào tận nơi mới thấy rõ cảnh tang thương. Bên một bàn thờ khói nhang sơ sài, hai người phụ nữ đang vật vã khóc than.
Ông Trương Mau, 69 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, cha vợ của nạn nhân, kể lại trong tiếng nấc: 12 giờ trưa qua, hai anh em Bùi Văn Chánh, 46 tuổi và Bùi Văn Thu, 42 tuổi (cùng ở thị trấn Tuy Phước) bơi sõng đi kiểm tra thiệt hại tại nhà người bà con. Sõng đi men theo đường bê tông, nhưng gió mạnh đẩy ra cách đường gần 5m. Giữa những đợt sóng dữ, chiếc sõng chênh chao, rồi lật úp. Cả hai anh em đều bị mất tích. Người dân sống gần đấy huy động gần chục chiếc sõng bơi quanh cánh đồng, dùng móc sắt sục vào từng bụi cây, nhưng cũng chẳng tìm được gì.
Bà Nguyễn Thị Quờn, mẹ của hai anh Chánh - Thu, nghẹn ngào: “Chúng tôi tìm thuê ca nô để dùng lưới chì bủa tìm, nhưng thuê chẳng có. Một ngày trời rồi, không biết con tôi trôi đến nơi nào nữa... Con ơi! Con ở đâu…”. Vừa sụt sùi, bà Quờn vừa đưa tay giữ lấy con dâu cứ nhấp nha nhấp nhổm, khóc thét khản giọng gọi chồng...
Buổi trưa đứng nắng. Nắng vàng rực như chưa từng có bão lũ đi qua. Gió vẫn thốc tháo thổi. Sóng vẫn chênh chao. Người vợ vẫn vẫy vùng rướn người ra cánh đồng nước mênh mông. Như kiếm, như tìm...
|
Người dân vùng lũ sẻ chia cho nhau từng xô nước sạch. Ảnh: Hoa Khá
|
* Gói mì cũng chia đôi...
Lũ đổ về bất ngờ giữa đêm, nhiều khu dân cư bị cô lập, không có lương thực dự trữ, cái đói đe dọa từng giờ. Các lực lượng cứu trợ đã dùng ca nô, trực thăng đưa mì tôm, nước lọc cứu đói. Số hàng cứu trợ ít ỏi đó chỉ đủ giúp người dân cầm cự từng ngày. Vậy mà, nhiều người nhận được thùng mì tôm chỉ dám ăn dằn bụng, rồi chia cho những gia đình khác. Sáng 3.11, thấy hàng xóm đang đói không có gì ăn, chị Lê Thị Hồng Xuân, 42 tuổi, ở tổ 5, khu vực 1, phường Nhơn Bình chia đều 5 gói mì tôm vừa nhận được từ ca nô cứu trợ.
Chỉ ai từng trải qua những ngày gian khổ trong bão lũ, mới hiểu hết câu “Một miếng khi đói…”, mới thấy trân trọng những nghĩa cử của đồng bào. Cả ngày 3.11, chị Trần Thị Hạnh, chủ quán cơm chay Thái Sơn, trên đường Tây Sơn, TP Quy Nhơn, không nhớ nổi mình đã nấu bao nhiêu nồi cơm, chế bao nhiêu gói mì cho những người vừa thoát ra khỏi vùng lũ. Dù quán chật hẹp, chị vẫn nhận 4 gia đình có nhà bị ngập lũ vào ở. Chị Hạnh tâm sự: “Mình là phụ nữ, không thể bơi ra nước lũ để cứu dân, chỉ làm việc nhỏ vậy để giúp mọi người, có đáng gì đâu!”.
Không chỉ nấu cơm, chế mì gói đưa ra tận nơi cứu trợ cho những người chạy lũ và tham gia cứu dân, nhiều hộ dân nằm dọc các quốc lộ cũng tích cực tham gia cứu người. Người thì bơm ruột xe thả xuống, người chạy đi mua áo phao, người nhận những hộ bị nhà ngập vào nhà mình ở… Và cảm động hơn hết là những tấm gương dũng cảm cứu người trong lũ. Như các anh: Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Văn Anh, Nguyễn Đình Hòa, cùng ở tổ 8, khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, hay nhiều người dân khác trong lũ, đã tổ chức cứu người khi lực lượng cứu hộ chưa thể đến kịp. “Khi nước lũ vừa đổ về, tôi lo đưa gia đình đến nơi khô ráo từ khá sớm, sau đó, quay lại giúp đỡ hàng xóm chạy lũ. Từ 3 giờ sáng đến hết ngày 3.11, tôi chèo ghe không biết bao nhiêu vòng để đưa hàng chục người đến nơi an toàn, vì ghe nhỏ nên mỗi lần chỉ chở được 2 người. Không riêng gì tôi, ở đây, nhiều người không quen biết nhau nhưng vẫn sẵn sàng cứu giúp nhau trong hoạn nạn”- anh Nguyễn Đình Hòa kể lại.
Người dân khu vực 8, phường Nhơn Bình sẽ mãi nhớ hành động dũng cảm của anh Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi, ở tổ 3. Lũ về, anh Hải cùng hai anh em Bùi Khương Vương Võ và Bùi Khương Vương Văn lùa bò lên Quốc lộ tránh lũ. Hai anh em Võ, Văn vừa qua đoạn bờ tràn thì nước chảy xiết, cuốn trôi. Anh Hải bất chấp dòng nước lũ chảy xiết, lao nhanh ra cứu được Văn vào bờ, rồi lao ra lần nữa để cứu Võ. Dù đã nắm được tay Võ, nhưng nước chảy xiết đã cuốn cả hai. May anh Hải bám vào được trụ điện, còn Võ thì chìm sâu trong nước lũ.
Cả ngày hôm đó, anh Hải cùng nhiều thanh niên trong xóm chia nhau đi tìm xác của Võ. Khi nước còn ngập gần tới cổ, hơn chục người cùng nắm tay nhau lội nước trong giá lạnh, đi chầm chậm, rà từng mét nước, nhưng vẫn không thấy xác người. Cách làm này cũng được dùng để tìm xác hai anh em nạn nhân Bùi Văn Chánh - Bùi Văn Thu. Dễ gì quên được hình ảnh những chàng thanh niên đến từ Phước An, Tuy Phước - quê vợ của anh Thu - co ro thu người trong tấm áo mưa nơi cánh đồng đầy gió. Họ vừa từ dưới nước lên, sau một đợt dầm mình dò tìm xác người…
|