22 giờ đêm ngày 2.11, được tin nhiều xã, thị trấn của các huyện Vân Canh, Tuy Phước, các phường, xã ngoại thành Quy Nhơn bị chìm trong nước lũ, Giám đốc Công an (CA) tỉnh đã huy động lực lượng và phương tiện tập trung cứu bà con bị lũ đe dọa. Cùng với đồng đội, Trung tá La Ngọc Rõ - Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) CA Bình Định - đã có mặt tại phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn dầm mình trong mưa bão cứu hàng trăm người thoát chết.
v Những tiếng kêu cứu trong đêm
Chiếc ca nô 40CV của phòng CSGTĐT được ô tô kéo đến địa phận phường Nhơn Phú và hạ thủy tại khu vực cầu sông Ngang vào khoảng 11 giờ đêm. Tổ cứu hộ do Trung tá La Ngọc Rõ làm tổ trưởng, đồng thời trực tiếp điều khiển ca nô, cùng với đồng đội gồm: thiếu úy Lê Nguyễn Thanh Hoàng (cán bộ Văn phòng CA tỉnh), trung sĩ Võ Tấn Danh (chiến sĩ Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế CA tỉnh), Trung sĩ Cao Duy Bình và chiến sĩ tập sự Nguyễn Thanh Lâm (Phòng Hậu cần) lập tức lên đường.
|
Trung tá La ngọc Rõ và đồng đội đang đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Quốc Hùng |
Trung tá La Ngọc Rõ cắt cử 2 đồng chí ở lại trên bờ tiếp nhận bà con, hai đồng chí còn lại cùng mình lên đường đi cứu dân. Mưa to, gió giật, nước lũ thét gào và tiếng máy ca nô gầm rú nhưng vẫn không át hết tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi giữa mênh mông bóng tối.
* Đến hôm nay, lũ dữ đã đi qua được hơn 10 ngày. Anh có còn nhớ tình hình và những khó khăn, nguy hiểm trong việc cứu hộ bà con bị lũ trong đêm ngày 2 rạng ngày 3.11?
- Nhớ chứ! Khoảng 11 giờ đêm ngày 2.11, đến điểm tập kết tại cầu sông Ngang, tổ cứu hộ chúng tôi lập tức cho ca nô hạ thủy. Chiếc ca nô 40CV vừa chạm mặt nước, tôi chưa kịp khởi động máy đã bị nước lũ đẩy trôi hơn 20 mét. Tôi bình tĩnh cho khởi động máy và điều khiển ca nô tránh dòng nước xiết, không để nước lũ gây hậu quả đáng tiếc.
Lúc này, nước lên rất nhanh, tiếng kêu hốt hoảng, cuống cuồng của bà con từ các khu dân cư vang lên mỗi lúc một nhiều. Và một lúc sau đó, là cả biển nước mênh mông với những tiếng kêu cứu xé lòng. Nhưng chúng tôi không thể nào đến được với bà con. Không kể mưa to, gió giật, mà nước chảy xiết bất cứ lúc nào cũng có thể nhấn chìm ca nô nếu người điều khiển sơ suất, chủ quan. Ngoài ra, còn các yếu tố khác khiến ca nô không thể tiếp cận được bà con đó là: Những hàng rào thép gai, đường dây điện thắp sáng, điện thoại, cáp truyền hình chằng chịt, là đà trên mặt nước, trong khi đó hệ thống điện chiếu sáng công cộng vẫn đang sáng, nguy cơ bị điện giật có thể xảy ra bất cứ lúc nào...
Để tránh tai nạn đáng tiếc, tôi cử anh em ngồi trước mũi ca nô dùng cây làm sào dò phát hiện các chướng ngại vật chìm dưới mặt nước. Vừa đi vừa dò đường, chúng tôi tìm cách để tiếp cận giúp bà con.
* Được biết trong ngày 3.11, tổ cứu nạn do anh phụ trách đã đưa được hàng trăm người mắc kẹt trên mái nhà giữa biển nước mênh mông về nơi an toàn. Anh có thể kể lại công việc của anh và đồng đội trong cái ngày đáng nhớ đó?
- Khoảng 5 giờ ngày 3.11, chúng tôi tiếp cận được một ngôi nhà gần cầu sông Ngang, đưa 5 người đang co ro trên mái ngói sang ca nô, chở lên điểm tập kết giao cho các anh trong tổ đang ứng trực dìu họ lên bờ. Tại đây chúng tôi nghe nhiều người dân đang tránh lũ cho biết, khu dân cư nằm phía Bắc đường Tây Sơn, đang bị nước san bằng, hàng trăm người leo lên nóc nhà chờ cứu hộ.
Không thể chần chừ, chúng tôi đưa ca nô lên bờ để xe ô tô kéo xuống khu dân cư bà con vừa nói. Đến nơi, ô tô chưa kịp dừng đã có khoảng 50 người chặn lại và họ tự động tháo ca nô khỏi xe ô tô và mỗi người một tay đưa chiếc ca nô xuống nước. Sau khi khởi động máy, tôi cho ca nô lướt sóng vào khu nhà lúc này chỉ còn nhấp nhô mái ngói, có cái nước đã lên đến nóc. Hàng trăm người, có thể còn nhiều hơn nữa đang co ro, túm tụm trên mái nhà. Suốt đêm dầm mưa, nhịn đói không ít người đã kiệt sức.
Những chuyến đầu, chúng tôi không có thời gian để lựa chọn cứu ai trước, ai sau. Nhưng, những chuyến sau đó, theo mệnh lệnh của lãnh đạo, ngoài số người bị bệnh chúng tôi ưu tiên đưa người già, trẻ em, phụ nữ có thai đến nơi an toàn trước. Chiếc ca nô như con thoi, hết vào lại ra, có nơi chỉ cách bờ khoảng 500m, nhưng có nơi xa trên 1.500m, nhưng điều đó chúng tôi không bận tâm, điều quan trọng có ý nghĩa nhất lúc này là không để xảy ra trường hợp đáng tiếc vì sự chậm trễ của chúng tôi.
Chính vì suy nghĩ đó, mặc dù trắng đêm chúng tôi phải gồng mình lên để chống chịu giữa mưa gió, nhưng chúng tôi không ai thấy đói, thấy khát và quên hết mọi mệt nhọc. Đến khoảng 10 giờ trưa, UBND TP Quy Nhơn huy động đến khu vực này 10 cái thúng chai. Nhờ đó, những ngư dân dày dạn với biển cả đã bơi thúng đến những nơi ca nô không thể tiến gần gom bà con lại để chúng tôi chở vào bờ.
Đến 16 giờ ngày 3.11, UBND TP Quy Nhơn đưa mì gói, nước uống đến, chúng tôi vừa vận chuyển cung cấp cho bà con, vừa tiếp tục chuyển người vào bờ. Khoảng 18 giờ không còn nhìn thấy hướng đi và nước cũng không còn dâng nữa, chúng tôi được lệnh về lại đơn vị.
|
Tổ cứu nạn do trung tá La Ngọc Rõ phụ trách. Ảnh: MLG |
v Gian nguy thử sức công an
* Trong lúc tham gia cùng đồng đội cứu dân trong lũ, điều gì khiến anh suy nghĩ nhiều nhất?
- Trong đợt cứu dân trong lũ vừa qua, chúng tôi có điều kiện hiểu sâu sắc hơn tấm lòng của đồng bào đối với nhau, trách nhiệm công dân của họ và mối quan hệ gắn bó, keo sơn giữa công an và nhân dân. Khi cận kề giữa sự sống và cái chết không ai có thể che giấu được bản chất của mình, cái tốt cái xấu ở mỗi người bộc lộ rõ nhất vào lúc này. Chúng tôi lao vào lũ dữ, ngoài tình cảm đối với bà con còn là trách nhiệm của người cán bộ chiến sĩ CAND. Còn những người dân lao vào lũ dữ không vì danh vọng, lợi ích hoặc bất kỳ một mục đích gì khác, ngoài tình cảm dành cho láng giềng của họ.
Sáng 3.11, khi ca nô đến gần một ngôi nhà nước đã ngập đến mái, chúng tôi nghe bên trong có tiếng ông cụ kêu khóc. Không có cách nào ngoài việc phải lặn sâu xuống nước tìm cửa để vào trong nhà, nhưng cách này quá mạo hiểm và có thể không mang lại kết quả như mong muốn vì chúng tôi không một ai biết cửa ngôi nhà này ở hướng nào và cách mở khóa như thế nào.
Trong lúc chúng tôi đang khẩn trương tìm cách để cứu cụ già, thì một thanh niên bơi sõng đến và nhanh chóng lao xuống nước. Một lúc sau, người thanh niên đó trồi lên cùng cụ già. Người thanh niên đã khiến chúng tôi vô cùng mến phục đó là hàng xóm của ông cụ.
Có thể nói, từ mờ sáng đến chiều tối ngày 3.11, xung quanh chúng tôi luôn có mặt bà con, họ giúp đỡ, hướng dẫn chúng tôi cứu dân và còn cảnh báo chúng tôi những điều nguy hiểm có thể gặp phải trên đường cứu nạn.
* Trong hoàn cảnh rất nguy hiểm như vậy, anh và đồng đội của anh có nghĩ gì về những bất trắc đang chực chờ phía trước?
Với nỗ lực của toàn lực lượng CA tỉnh trong việc cứu nạn cứu hộ vừa qua, Thường trực Hội đồng thi đua CA tỉnh đã thông qua danh sách đề nghị các cấp khen thưởng gồm 33 tập thể, 163 cá nhân. Trong đó, đề nghị Trung ương khen 6 tập thể, 11 cá nhân, UBND tỉnh khen 10 tập thể, 25 cá nhân. |
- Nếu nói không để ý đến những nguy hiểm là không phải; nhưng mình vượt qua nó như thế nào mới là quan trọng. Trong lúc cứu nạn, nguy hiểm hiển hiện từ dòng nước xiết, từ những hàng rào thép gai giấu cọc sắt nhọn dưới mặt nước, từ những đường dây điện là đà trên mặt nước… Ai cũng cảm nhận được nhưng không ai ngán ngại. Bởi phía trước tính mạng của bà con còn đang nguy hiểm cần giúp đỡ. Và sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người đã góp phần mang lại kết quả chung của toàn lực lượng CA tỉnh: Hơn 2.000 người dân thuộc các huyện Vân Canh, Tuy Phước, TP Quy Nhơn đã được các chiến sĩ CA cứu khỏi cơn lũ dữ.
Tôi cho rằng sẽ có những bài học được rút ra cho toàn lực lượng trong công tác cứu hộ, cứu nạn và nhiều kỷ niệm khắc sâu trong mỗi trái tim của cán bộ chiến sĩ tham gia cứu nạn trong đêm ngày 2 và ngày 3.11 này.
* Xin cám ơn anh. Chúc anh và lực lượng CAND mãi là những người bạn tin cậy nhất của nhân dân!
|