* Phóng sự điều tra
Năm 2004, nhóm phóng viên điều tra của Báo Bình Định đã tìm hiểu và viết loạt bài “Bão trên những cánh rừng”. Sau loạt bài này, các cơ quan chức năng đã gắt gao hơn trong việc kiểm soát tình trạng phá rừng tràn lan ở Hoài Ân. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, mọi việc lại đâu vào đấy. Nạn phá rừng bây giờ không chỉ là các loại gỗ của rừng tự nhiên mà ngay cả rừng trồng phòng hộ đầu nguồn lâm tặc cũng không tha, nạn đào đãi vàng cũng ồ ạt trở lại…
Kỳ 1: Muôn nẻo phá rừng
Đột nhập “điểm nóng” lâm tặc
Chúng tôi vào thôn Nghĩa Điền (xã Ân Nghĩa) đóng vai “tìm người để đặt mua cửa gỗ”. Cơn mưa rừng ập đến đột ngột kéo chân cả nhóm chúng tôi trú lại quán nước ở đầu thôn. Khi nghe chúng tôi trình bày, chị chủ quán sốt sắng sai con đi gọi 2 người đàn ông trong thôn. Chị cho biết: “Các chú muốn đặt cửa gỗ gì cũng có, hôm nay mưa to nên họ ở nhà, chứ ngày thường thì vào rừng rồi”. Trong quán có người đàn ông trung niên tên C. nhìn chúng tôi một lượt rồi dò hỏi: “Mấy chú muốn đặt cửa thành phẩm luôn hay lấy gỗ? Theo tôi thì mấy chú nên đặt trọn gói cho chúng tôi luôn, khỏi sợ kiểm lâm bắt, cũng đã có nhiều người ở ngoài huyện vào đây đặt như thế, chứ chuyển gỗ ra thì giá rẻ nhưng 5 ăn 5 thua lắm…”. “Thế nếu đặt số lượng lớn có không? Vì ông anh ở nhà làm thầu xây dựng, nếu giá cả ở đây rẻ thì tôi sẽ đặt mua thường xuyên…”. Nghe chúng tôi hỏi, ông C. cười tươi: “Tiền tươi và sòng phẳng thì gỗ bao nhiêu mà chẳng có”.
|
Gỗ rừng được vận chuyển bằng xe đạp. (ảnh chụp ngày 18.10.2009 ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa).
|
Lấy cớ tìm hiểu thêm giá cả, chúng tôi chào ông C. và chị chủ quán rồi đi sâu vào thôn. Vừa đến cuối thôn, phát hiện một người đàn ông đi xe đạp chở 2 súc gỗ lớn cua xe vào nhà. Chúng tôi quyết định vào thẳng nhà người đàn ông này và xin phép ngồi ngoài hiên để trú mưa. Bà cụ khoảng hơn 70 tuổi, mặt áo quần cũ rách, nheo mắt nhìn cả nhóm rồi chìa tay ra: “Mấy chú cho bà xin vài nghìn để mua liều thuốc, nhà nghèo quá nên tui bệnh mấy bửa nay mà không có thuốc uống …”. Một người trong chúng tôi đã biếu bà cụ 20.000 đồng. Bà cụ than thở: “Cả nhà có đến 5, 6 miệng ăn, nên thằng con trai tui phải hàng ngày vào rừng kiếm ít gỗ về bán. Nhưng đâu phải lúc nào cũng bán được…”. Đi một vòng quanh thôn Nghĩa Điền, điều mà chúng tôi nhận thấy là phần lớn các hộ gia đình trong thôn còn nghèo. Ở đây, ngoài công việc đồng áng, chăn nuôi, thời gian còn lại nhiều đàn ông có sức khỏe lại vào rừng lấy gỗ, nhằm cải thiện cuộc sống gia đình. Toàn thôn Nghĩa Điền có 182 hộ dân, với gần 850 nhân khẩu. Trong số này có hơn 10% số dân tham gia khai thác gỗ trái phép; theo thống kê theo dõi của cán bộ kiểm lâm, toàn xã Ân Nghĩa có gần 150 đối tượng thường xuyên phá rừng, còn xã tiếp giáp là Ân Tường Tây có gần 70 đối tượng. Trong khi đó các đầu nậu gỗ thì luôn đứng đằng sau những người phá rừng để giúp sức.
|
Gỗ được giấu rải rác tại các nhà dân ven rừng.
|
Chúng tôi quay ra đầu thôn và quyết định phải “tận mục sở thị” tại vị trí độc đạo từ thôn đi ra trung tâm xã Ân Nghĩa. Chỉ hơn 1 giờ theo dõi, chúng tôi đã đếm được cả thảy 12 lượt chuyển gỗ ra ngoài bằng 2 loại phương tiện chính, đó là xe gắn máy và xe đạp. Phần lớn những súc gỗ được chuyển ra ngoài còn tươi rói, có lẽ nó được khai thác cách đó không lâu.
Ở vùng cao hơn như làng T1 (Bok Tới) và làng O 11 (Đắk Mang) cách đây không lâu, lực lượng CA phải vào cuộc truy quét dài ngày trong rừng mới phát hiện và triệt phá nhóm lâm tặc đông người, cất giấu nhiều tấm gỗ quý đã xẻ, như hương, gõ, lim, … đã khai thác ở địa bàn chung quanh.
“Tùng xẻo” cả rừng đầu nguồn
Từ trung tâm huyện lỵ, chúng tôi đi xe máy khoảng 25 phút đến được rừng đầu nguồn hồ Hóc Mỹ, xã Ân Hữu. Xã có diện tích rừng hơn 576 ha, trong đó có hơn 500 ha rừng tự nhiên và số diện tích còn lại là rừng trồng theo dự án 327 (phủ xanh đất trống đồi núi trọc) của Chính phủ. Riêng rừng trồng đã được giao khoán đến hộ dân quản lý, bảo vệ, phát triển rất xanh tốt. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay rừng đầu nguồn hồ Hóc Mỹ đang bị một số người khai thác trái phép hàng chục ha. Theo UBND xã Ân Hữu, từ đầu năm 2009 đến nay UBND xã đã phối hợp với kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ (RPH) huyện tổ chức nhiều đợt truy quét, phát hiện gần 20 vụ khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại hồ Hóc Mỹ; đã tịch thu hơn 50 m3 gỗ keo lá tràm, hơn 1 m3 gỗ nhóm 3 và nhóm 8; tạm giữ 7 xe máy, 1 xe đạp, một số dụng cụ phá rừng và phát hiện tại rừng số lâm sản đã khai thác lên đến gần 30 m3 gỗ keo Lá tràm chưa kịp mang đi.
Tại khoảnh 9, tiểu khu 116, chúng tôi chứng kiến khu rừng trồng hơn chục năm tuổi, giờ đã tan hoang chỉ còn trơ lại gốc có đường kính từ 40 đến 50 cm, có gốc cây tự nhiên đến hai người ôm cũng bị đốn; nhiều dấu chặt, cưa gốc, cành đã cũ lẫn những dấu mới toanh mà thấy xót xa cho rừng. Trên đường dẫn chúng tôi vào rừng, những khúc keo lớn dài khoảng 2 mét còn nằm lăn lóc bên đường đi, có lẽ chờ đêm xuống mới vận chuyển.
|
Gỗ khai thác trái phép được che giấu tại một nhà dân ở Ân Tường Tây.
|
Cách rừng phòng hộ hồ Hóc Mỹ không xa, chúng tôi đặt chân đến tiểu khu 127, thuộc hồ Hóc Tài (Ân Hữu) gặp đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra thiệt hại rừng sau bão số 9 vừa qua. Tại khoảnh rừng rộng 4,42 ha do ông Nguyễn Văn Tường, ở xóm 5, thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu nhận khoán để chăm sóc, bảo vệ. Khoảng trên 800 cây keo lá tràm đã 12 năm tuổi và các cây tự nhiên của khu rừng đã có nhiều dấu đốn lấy thân đã cũ; đáng chú ý là lợi dụng những ngày mưa bão đã có ai đó triệt hạ nhiều cây lớn để lấy phần thân, còn trơ lại gốc và các cành nhánh. Chỉ trong phạm vi chừng 500 m2 chúng tôi đã đếm được hơn 20 gốc keo lá tràm đường kính khoảng 30 cm đã bị triệt hạ lấy đi phần thân. Có mặt cùng với đoàn kiểm tra, ông Tường cho biết: “Do bão ngã cây nên người ta lén lút vào cưa lấy gỗ…”. Nhưng chúng tôi hỏi vì sao nhiều gốc cây bị đốn đã cũ thì ông Tường không lý giải được(!). Trên đường về, băng qua một khu vườn của một gia đình sống ven khu rừng do ông Tường bảo vệ, chúng tôi phát hiện vài chục khúc gỗ cũ có, mới có được phủ lá nằm chờ.
Tương tự, tại tiểu khu 138 thuộc thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, có trên 10 ha keo lá tràm đường kính từ 20 - 30 cm đã bị khai thác trắng từ năm trước. Tiến về phía Tây, ở tiểu khu 147 thuộc thôn Hương Quang, xã Ân Nghĩa, nhiều diện tích cây keo lá tràm đã giao khoán cho các hộ trông giữ cũng đã bị đốn hạ la liệt từ lâu, số gốc nhỏ hơn thì hiện vẫn bị lâm tặc lén lút triệt hạ.
|
Một vạt rừng (tiểu khu 147) bị tàn phá.
|
Ông Huỳnh Xuân Việt, cán bộ thôn Hương Quang, xã Ân Nghĩa, cho biết: "Toàn thôn có khoản 30 hộ đã nhận khoán bảo vệ diện tích trên 60 ha rừng phòng hộ ở tiểu khu 147. Khu vực này nằm giáp ranh giữa 2 xã Ân Nghĩa và Ân Tường Tây nên rất khó bảo vệ. Có lần chúng tôi bí mật theo dõi, phát hiện lâm tặc khai thác gỗ trái phép, rồi vận chuyển về một ngôi nhà ở xóm 1 thôn Phú Hữu để cất giấu. Chúng tôi báo cáo với chính quyền địa phương và BQLRPH huyện đến lập biên bản, nhưng chúng đã kịp thời tẩu tán gỗ..." rồi vụ việc cũng trôi qua. Ông Phạm Văn Ghế, ở thôn Hương Quang, tỏ ra bức xúc: “Gia đình tôi nhận khoán 15 ha rừng, trong đó có 4 ha keo lá tràm nằm giáp ranh với xã Ân Tường Tây đã bị lâm tặc khai thác gần hết. Công sức mình chăm sóc bảo vệ cả chục năm nay, cây rừng đã đến kỳ thu hoạch, chờ nhà nước khai thác để hưởng chút công lao, giờ lâm tặc đã "ăn trước", báo cáo mấy năm nay mà BQLRPH cũng chưa giải quyết!”
Những năm gần đây do cây rừng Hoài Ân ngày một thưa dần và non hóa, đã góp phần làm cho những trận bão, lũ lớn hơn và phức tạp hơn xảy ra ở Hoài Ân và các huyện lân cận như Phù Mỹ, Hoài Nhơn; hồ chứa nước Thạch Khê và Hóc Bà Thảo (Ân Tường Đông), hồ An Hậu (Ân Phong), hồ Hóc Mỹ, Hóc Tài (Ân Hữu) … giữ nước không ổn định trong mùa khô nắng.
(Còn tiếp)
|