* Phóng sự điều tra
Năm 2004, nhóm phóng viên điều tra của Báo Bình Định đã tìm hiểu và viết loạt bài “Bão trên những cánh rừng”. Sau loạt bài này, các cơ quan chức năng đã gắt gao hơn trong việc kiểm soát tình trạng phá rừng tràn lan ở Hoài Ân. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, mọi việc lại đâu vào đấy. Nạn phá rừng bây giờ không chỉ là các loại gỗ của rừng tự nhiên mà ngay cả rừng trồng phòng hộ đầu nguồn lâm tặc cũng không tha, nạn đào đãi vàng cũng ồ ạt trở lại…
(tiếp theo)
Kỳ II: Gỗ rừng đổ về đâu
Những nẻo đường của gỗ lậu
Gỗ được các lâm tặc khai thác trái phép gồm gỗ các loại thuộc nhóm I đến nhóm VIII của rừng nguyên sinh và cả keo Lá tràm thuộc các rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc rừng Ân Nghĩa, Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Hữu, Đak Mang…(huyện Hoài Ân); thậm chí là ở khoảnh rừng Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), Cát Sơn (Phù Cát), An Toàn (An Lão) … bằng các đường xuyên rừng rồi lâm tặc đem về nhà giấu. Lúc nào thấy “êm”, lâm tặc tập kết gỗ cho các đầu nậu. Khi có cơ hội là tuồn về xuôi bằng phương tiện xe gắn máy hoặc ô tô.
|
Gỗ rừng khai thác trái phép được vận chuyển bằng xe gắn máy (ảnh chụp tại xã Ân Tường Tây).
|
Từ Ân Nghĩa, gỗ sẽ được chuyển xuống các xưởng cưa dưới đồng bằng qua các tuyến đường: Tại thôn Nghĩa Điền xuống thôn Kim Sơn rồi qua Gò Loi (Ân Tường); tuyến khác từ thôn Phú Ninh xuống thôn Phú Hữu, hoặc phải vòng qua dốc Bà Bơi để xuống thôn Phú Hữu, thôn Ân Sơn. Điểm cuối cùng để “hóa kiếp” những súc gỗ khai thác lậu này chủ yếu là các xưởng cưa tại huyện Hoài Nhơn hoặc ngay tại huyện Hoài Ân.
Từ những cây gỗ đứng trong rừng đến lúc “hóa kiếp ra gỗ thành phẩm” chúng thực hiện qua 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là hạ gỗ và chuyển về nhà. Đối tượng thực hiện giai đoạn này phần lớn là những người dân thuộc các thôn Nghĩa Điền, Phú Trị (xã Ân Nghĩa); các làng T1, T7 (xã Bok Tới), làng O 11 (Đăk Mang) và ở Ân Hảo, Ân Tín, Ân Hữu, Ân Tường Tây. Một người chuyên làm gỗ hương, gõ, lim, mìn lin đỏ, chò, muồn đen …ở đây đã “bật mí” về con đường vận chuyển gỗ từ trong rừng sâu ra cửa rừng: Hạ cây đến đâu thì cưa, xẻ thành tấm, tùy theo khổ cây rồi cõng ra các dốc của đường mòn chính, xả dốc và tập kết đến một chỗ nào đó tương đối an toàn gần cửa rừng.
|
Gỗ keo lá tràm thuộc rừng phòng hộ hồ Hóc Mỹ (Ân Hữu) bị lâm tặc khai thác vận chuyển khối lượng lớn (ảnh chụp ngày 18.10).
|
Giai đoạn thứ hai là chuyển gỗ từ điểm tập kết nhỏ lẻ đến điểm tập kết đầu nậu. Đối tượng thực hiện giai đoạn hai này phần lớn là thanh niên, chuyên sử dụng những chiếc xe máy đã được độ chế để có thể chạy với tốc độ cao và hầu hết các xe này không có giấy tờ, gắn biển số giả. Khi thấy chúng tôi trầm trồ về cái biển số 77 L7 7777 của một lâm tặc bị Hạt kiểm lâm thu giữ, Ông Trần Ngọc Ty, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân bật cười: “Mấy anh nhầm rồi, tụi nó gắn biển số giả đấy”. Chúng tôi cũng không nhịn được cười: chở hàng cấm mà khoái biển số đẹp để rồi giờ vào trạm chờ ngày bán phế liệu. Giai đoạn thứ ba là đưa gỗ từ các điểm tập kết của các đầu nậu xuống các xưởng gỗ. Việc chuyển gỗ này thường được các xe tải ngụy trang bằng cách: gỗ chất phía dưới, bên trên đổ một lớp củ mì hoặc các loại gỗ keo lai ở các rừng trồng (loại này được cho phép khai thác). Trong đó, những kẻ thực hiện giai đoạn hai là ranh ma và sẵn sàng manh động.
Anh Nguyễn Thế Bình, cán bộ Hạt Kiểm lâm Hoài Ân, cho biết: Gỗ khai thác lậu, khi vận chuyển chúng thường chỉ để trên yên xe mô tô và không cần buộc dây, phòng khi bị kiểm lâm truy đuổi thì những kẻ này dễ dàng hất văng súc gỗ ra khỏi xe để tẩu thoát hoặc lách luật bằng chứng cứ “ngoại phạm”. Thông thường bọn lâm tặc này cử người theo dõi “nhất cử nhất động” tại các chốt, trạm kiểm lâm và cả nhân viên kiểm lâm. Khi biết kiểm lâm đi kiểm tra là gỗ được ém kỹ tại các địa điểm ven rừng hoặc nhà dân. Chờ thời cơ tốt là chúng vận chuyển gỗ thành từng tốp trên dưới gần 10 xe máy. Đi trước các xe chở gỗ là những xe đi “thám thính”, chỉ cần “có động” là bọn chúng ám hiệu cho nhau bằng ĐTDĐ để tẩu tán gỗ. Một nhóm đi sau làm nhiệm vụ “bọc hậu” để khi kiểm lâm truy đuổi thì nhóm này lạng lách trước xe kiểm lâm để cản đường. Chúng tôi đã từng thấy ngay giữa ban ngày, một nhóm 6 xe mô tô chở gỗ phóng như bay trên đường 630, từ Ân Nghĩa về Ân Tường Đông, bất kể giữa lúc các em học sinh tan học(!)
|
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc BQL RPH huyện Hoài Ân kiểm tra những khu rừng bị tàn phá ở xã Ân Hữu (ảnh chụp tại rừng hồ Hóc Tài).
|
Sự liều lĩnh của lâm tặc
Khi bị truy đuổi, hoặc bị tố giác, nhiều lâm tặc chống trả, báo thù cho đến cùng và sẵn sàng manh động bằng cách lấy “luật rừng” ra xử. Câu chuyện cách đây 5 năm, ngày 24.10, một nhóm lâm tặc gồm 5 đối tượng, do Nguyễn Văn Dũng (ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây) cầm đầu đã kéo đến nhà của ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, dùng gạch đá ném vào nhà, chặt phá vườn tiêu, cây cảnh … do trước đó Trần Hoàng Long cùng đồng bọn của Dũng vận chuyển gỗ bị lực lượng kiểm lâm bắt. Đây thật sự là lời thách thức, tuyên chiến công khai của bọn lâm tặc đối với lực lượng bảo vệ rừng. Được biết câu chuyện buồn này mau chóng trôi vào quên lãng, khi những tên lâm tặc “to gan” kia chỉ bị xử lý… nhẹ hều.
Mới đây, Anh Hoài, nhân viên kiểm lâm thuộc trạm Ân Tường Đông thuật cũng bị lâm tặc tìm đến cơ quan tấn công, anh thuật lại: “Hôm 13.8.2009, tôi đang nằm trên võng để hóng mát trước trạm, thì bất ngờ một người đàn ông xông thẳng vào trạm và đạp vào bụng tôi, sau đó tiếp tục đấm đá vào thân thể tôi túi bụi, miệng chửi: Đ.M. ai cho mày chặn bắt gỗ tụi tao, mày mới về nên hăng máu quá hả, tao đánh cho mày chết luôn...”. Trước tình thế ấy, anh Hoài tìm cách thoát thân và chạy vòng ra ngõ sau của hạt để gọi đồng đội ứng cứu, thấy phía Hạt kiểm lâm có thêm người và được trang bị súng, nên người đàn ông kia bỏ chạy ra đường và lên xe đồng bọn chờ sẳn để thoát.
|
Gỗ keo lá tràm trên chục năm tuổi bị khai thác và vận chuyển trái phép được lực lượng kiểm lâm bắt giữ đưa về Hạt Kiểm lâm Hoài Ân.
|
Trước đấy 4 tháng, vào lúc 3 giờ ngày 13.4.2009, nhận được tin một số đối tượng vận chuyển gỗ trái phép từ Hoài Ân xuống Hoài Nhơn tiêu thụ, Hạt kiểm lâm Hoài Ân triển khai ngăn chặn. Ðến khu vực giáp ranh giữa thôn Du Tự (Hoài Ân) và thôn Lại Khánh Tây (Hoài Nhơn) thì bị khoảng 25 tên lâm tặc mai phục và tiến công bằng gậy, đá làm bị thương một số kiểm lâm viên (KLV), trong đó có hai KLV là Trần Ngọc Hưng và Phan Văn Thành bị đánh trọng thương. Trên đường đưa hai người vào bệnh viện cấp cứu, đám lâm tặc trên vẫn hung hăn tiếp tục vây đánh. Trước tình hình nguy cấp, KLV Huỳnh Ngọc Huy đã bắn 3 phát súng chỉ thiên, nhưng chúng vẫn không ngừng tiến công, buộc lòng anh Huy bắn tiếp 2 phát súng xuống đất, lúc này chúng mới bỏ đi...
Một vụ khác, vào lúc 16 giờ 23 phút, ngày 9.5.2009 nhận được tin báo của một người dân, nhân viên Hạt kiểm lâm truy bắt chiếc xe mang biển số 77H -96.. có chở gỗ lậu, bên trên được ngụy trang bằng gỗ sầu đâu. Khi KLV vừa ập đến thì chiếc xe này đã nâng ben để đổ toàn bộ số gỗ này xuống xưởng cưa ông Ty (thuộc Ân Tường Đông) trong đó gồm gỗ bằng lăng và sầu đâu. Mặt dù cơ quan chức năng tận mắt chứng kiến cảnh này, nhưng tài xế xe chối việc chở gỗ, thậm chí gã này còn manh động đến mức tăng ga cho xe vọt tới với ý định cán chết một người dân đứng ra cản đường. Chỉ đến khi anh Thân, KLV rút súng bắn 2 phát đạn chỉ thiên thì tài xế này mới dừng lại. Mặc dù vậy, Hạt kiểm lâm chỉ lập biên bản, tích thu toàn bộ số gỗ vô chủ và không giữ xe, bởi lúc bắt không có gỗ trên xe, đồng thời chủ xưởng gỗ cũng cho rằng xe chạy trốn kiểm lâm nên tự ý vào xưởng ông ta đổ gỗ chứ ông không hề mua số gỗ này.
Từ đầu năm 2009 đến nay lực lượng kiểm lâm huyện Hoài Ân đã phối hợp với các đoàn công tác liên ngành của huyện và các xã đã tổ chức 102 đợt truy quét, trên các cánh rừng xung yếu, rừng phòng hộ đầu nguồn. Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân đã lập biên bản 114 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng (tăng hơn 34 vụ so với cùng kỳ năm 2008). Trong đó, bắt quả tang (có chủ) 43 vụ, vô chủ là 71 vụ. Thu giữ 101 m3 gỗ thuộc nhóm I đến nhóm VIII. 11,4 siter củi thước và 414 kg than hầm. Tạm giữ 10 ô-tô; 46 mô-tô và 12 xe đạp…Tổng nộp ngân sách 354 triệu đồng, trong đó tiền nộp phạt hơn 39 triệu đồng, số còn lại tiền thanh lý lâm sản, phương tiện tịch thu. Nhưng con số này so với rừng bị rút ruột nó chỉ được ví như “phần nổi của tảng băng chìm”. |
(còn tiếp) |