Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?
10:4', 20/11/ 2009 (GMT+7)

* Phóng sự điều tra 

Năm 2004, nhóm phóng viên điều tra của Báo Bình Định đã tìm hiểu và viết loạt bài “Bão trên những cánh rừng”. Sau loạt bài này, các cơ quan chức năng đã gắt gao hơn trong việc kiểm soát tình trạng phá rừng tràn lan ở Hoài Ân. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, mọi việc lại đâu vào đấy. Nạn phá rừng bây giờ không chỉ là các loại gỗ của rừng tự nhiên mà ngay cả rừng trồng phòng hộ đầu nguồn lâm tặc cũng không tha, nạn đào đãi vàng cũng ồ ạt trở lại…

 

Cây rừng mới bị cưa đổ và gốc cây bị triệt hạ từ lâu tại Tiểu khu 147 (thôn Hưng Quang, xã Ân Mỹ).

 

(kỳ cuối)

Kỳ III:  Trách nhiệm thuộc về ai?

Phải chăng “lực bất tòng tâm”?

Cùng có trách nhiệm như lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Hoài Ân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 27.703 ha rừng phòng hộ. BQLRPH của huyện chỉ có 8 biên chế, chủ yếu quản lý hành chính thông qua các địa bàn xã và hơn 570 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Trong số này có trên 200 hộ đã hết hợp đồng giao khoán và phần lớn nhà nước còn nợ tiền của các hộ nhận khoán mấy năm nay, nên nhiều hộ tỏ ra lơ là, thậm chí còn tranh thủ chặt phá rừng để lấy gỗ.

Để xảy ra tình trạng rừng phòng hộ trên địa bàn mình quản lý thì BQLRPH huyện Hoài Ân là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Xê, Giám đốc BQLRPH huyện cho biết thực tế của công tác phối hợp bảo vệ rừng ở đây một cách khó hiểu: “Sự quản lý của chính quyền địa phương buông lỏng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng chưa đồng bộ. Thời gian trước đây và hiện nay huyện Hoài Ân vẫn liên tục xảy ra điểm nóng mà sự quan tâm chỉ đạo của huyện chưa được xuyên suốt. Thậm chí Đội kiểm tra cơ động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải trực tiếp đến địa bàn Hoài Ân bắt và xử lý các vụ phá rừng. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ở Hoài Ân quá mỏng, không có công cụ hỗ trợ; trong khi đó diện tích rừng phòng hộ quá lớn, nên không thể kiểm tra, giám sát hết được. Hơn nữa, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm chưa làm tốt công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng. Cuối cùng chúng tôi cứ lãnh đủ, năm nào cũng xếp loại yếu kém luôn! Nếu chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm không hỗ trợ BQLRPH huyện trong công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ thì diện tích rừng bị thiệt hại còn nghiêm trọng hơn”. 

 

Những gốc keo lá tràm hàng chục năm tuổi tại rừng đầu nguồn Hóc Mỹ bị khai thác trộm?

 

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó giám đốc BQLRPH Hoài Ân, phản ánh một cách thực tế hơn: “Diện tích rừng bị người dân khai thác trái phép là rừng keo Lá tràm trồng theo Chương trình 327 đều đã khoán cho các hộ dân trồng, chăm sóc, bảo vệ và đã hết chu kỳ giao khoán gần 3 năm nay (2006), nên BQL rừng chỉ tiến hành cam kết với các hộ dân nhận khoán bảo vệ chứ không có tiền để trả và hứa chờ khi nào cấp trên cho khai thác sẽ thanh toán. Từ đó, các hộ nhận khoán lơ là đã để xảy ra tình trạng một số người lén lút vào rừng chặt cây đem về bán; trong đó không loại trừ một số trường hợp chính người nhận khoán cũng đã làm điều đó”.

Nói về vấn nạn phá rừng ở Hoài Ân, ông Trần Ngọc Ty, Phó hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, nhận xét: “Việc lâm tặc phá rừng ở Hoài Ân dạo này có giảm hơn rồi. Thú thật, lực lượng kiểm lâm mỏng quá, chỉ có 18 con người phải bám trụ trên một địa bàn rộng lớn, nên khó mà quản lý hết; các xã đều có Ban chỉ đạo phòng chống phá rừng, nhưng thực tế chỉ có lực lượng kiểm lâm là hoạt động chủ đạo. Còn rừng phòng hộ đầu nguồn thì có BQLRPH đảm trách, khoán cho gần 600 hộ bảo vệ, chăm sóc rừng. Nếu rừng phòng hộ có bị xâm phạm thì cơ quan quản lý phải có trách nhiệm báo chúng tôi chứ!”.

Các kiểm lâm viên khác thì giải thích: Tổng diện tích rừng các loại thuộc huyện Hoài Ân khoảng gần 35.000 ha. Trong khi đó, toàn Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân có 22 người, gồm: 3 lãnh đạo, 1 lái xe còn lại 18 KLV đứng chân ở các xã. Thử làm phép tính chia diện tích rừng cho 18 KLV trực tiếp quản lý bảo vệ, thì bình quân mỗi người phải kiểm soát và bảo vệ gần 2.000 ha/người, sẽ hình dung ra sự khó khăn như thế nào cho việc gìn giữ rừng.

 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra khoảnh rừng do ông Nguyễn Văn Tường thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu nhận khoán.

 

Hai cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ rừng thì chỉ nêu ra những khó khăn khách quan, như: địa bàn rộng, lực lượng mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương… nhưng trách nhiệm của việc để xảy ra tình trạng phá rừng là thuộc về ai thì vẫn là câu hỏi còn bỏ lửng(!)

Vĩ thanh

Cách đây gần nửa năm, ông Trần Đình Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân trao đổi với chúng tôi về vấn nạn rừng đầu nguồn hồ Hóc Mỹ (Ân Hữu) bị xâm hại, đã tỏ ra kiên quyết: “Việc phá rừng tái diễn trên địa bàn huyện là do chúng ta xử lý thiếu kiên quyết, chỉ dừng lại việc tịch thu gỗ, phương tiện, phạt tiền và những bản án nhẹ là chưa đủ sức răn đe; thời gian tới chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh. UBND huyện Hoài Ân cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành, cùng với chính quyền cấp xã tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trước mắt, huyện chỉ đạo Ban QLRPH khẩn trương hoàn thành các thủ tục đề nghị tỉnh cho khai thác số rừng trồng đã hết thời gian quản lý; đề nghị cấp trên điều chỉnh mức giao khoán quản lý, bảo vệ rừng hợp lý hơn. Mọi hành vi thiếu trách nhiệm và làm trái của những cá nhân, đơn vị đều phải xử lý thích đáng”.

 

Gỗ keo lá tràm khai thác trái phép còn nằm ở cửa rừng.

 

Thế nhưng từ đó đến nay, tuy số vụ phá rừng bị phát hiện không ít, tình trạng rừng bị xâm hại diễn ra hàng ngày; lâm sản tịch thu tương đối lớn, nhưng chính quyền cũng chỉ mới xử lý được có vài vụ. Một số người dân ở đây cho rằng, do cơ quan chức năng xử lý không nghiêm, không kiên quyết, đã dẫn đến tình trạng người này làm được thì người kia thấy vậy cũng làm theo, mỗi người “tranh thủ” một ít.

Chúng tôi còn nhớ năm 2004-2005, lúc đó rừng Hoài Ân cũng bị lâm tặc hoành hành, các cơ quan báo chí lên tiếng, thì những người, những cơ quan có trách nhiệm cũng nêu lên những khó khăn và đưa ra những giải pháp cấp bách để bảo vệ rừng. Giờ đây chúng tôi lại được nghe những điệp khúc… quen quen mà thấy ái ngại cho sự tồn tại của rừng Hoài Ân trong thời gian tới.

  • Ngọc Diên-Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)
Phía sau cơn lũ  (09/11/2009)
“Văn chương là thánh đường của nhân sinh”   (08/11/2009)
Đò ngang mùa lũ  (02/11/2009)
“Cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm”   (01/11/2009)
Cuộc đoàn tụ hy hữu  (26/10/2009)
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)
Làm sạch phố phường  (19/10/2009)
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)
Bước qua trần thế  (12/10/2009)
“Ở bên Bác, ai cũng học được rất nhiều”   (11/10/2009)
Hoài Ân - dó đã nên trầm  (05/10/2009)