Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá
8:56', 23/11/ 2009 (GMT+7)

Gần 30 năm rời mái trường cấp 3, gặp lại đứa bạn cũ giờ là đương kim Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn), nghe nó nằn nì: “Lên tao chơi đi! Nếu thấy gì hay thì viết một bài”. Tôi bảo: “Nhơn Lộc thì có gì? Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có “bài ca” Bầu Đá mất thương hiệu!”. Nói vậy mà nó giận: “Tao không nói mày viết gì cả. Ở Nhơn Lộc thời phổ thông mày chơi với 4 đứa. Giờ một đứa chết, một đứa nằm liệt giường... ít nhất mày cũng phải một lần đi thăm tụi nó chứ!”. Tôi mềm lòng, để rồi lại có thêm một cảm nhận mới: một vùng quê thuần nông vẫn âm âm một sức sống diệu kỳ từ nội lực của mỗi người dân.

 

Rổ cá, sản phẩm chính của làng nghề đan đát Đông Lâm.

 

Thế hệ học trò (1977-1980) của Trường THPT An Nhơn chúng tôi (khi ấy An Nhơn chưa có trường THPT thứ 2 và chưa có xã Nhơn Tân), học sinh các xã Lộc - Thọ - Hòa được ghép chung một lớp. Có lẽ vì 3 xã có sự tương đồng về nhiều mặt, cả về địa lý, phát triển kinh tế lẫn tập quán, nên thầy cô mới ghép ở chung với nhau như vậy. Tôi ở Nhơn Hòa và không lạ với các xã Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, bởi bạn bè tôi ở đây cùng đi học chung đường và thỉnh thoảng vẫn tụ tập ở một nhà ai đó… Mỗi nhà mỗi cảnh, song có điều chung cho học sinh Lộc - Thọ - Hòa chúng tôi là đứa nào cũng nghèo, cũng khổ… Học cấp 3, song trước giờ đến trường, nhiều đứa trong chúng tôi phải vác cây hoặc gánh than, gánh nong, nia… ra chợ Bình Định cho cha mẹ bán… Dù là gánh hay vác cũng phải đeo trên vai 50-70kg đi xa hàng chục cây số và chỉ khi trút xong gánh nặng, mới cắp vở đến trường. Chúng tôi phải đi từ 2-3 giờ sáng để kịp giờ học và cũng để… tránh phải gặp mặt nhau.

Gần 30 năm rời mái trường cấp 3, gặp lại bạn cũ, Trương Thế Lưu, giờ là đương kim Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, những kỷ niệm thời cùng học phổ thông ùa về, đã giục giã tôi về Nhơn Lộc. Và chuyến đi vì tình bạn lại cho tôi một cảm nhận mới về một vùng nông thôn rất đỗi bình thường, thậm chí lặng lẽ, song vẫn âm âm một sức sống mãnh liệt từ nội lực của mỗi người dân quê.

* Lặng lẽ một sức sống

Gặp lại các bạn, trong ngày cuối tuần, sau những viếng thăm, những hàn huyên gia đình, tôi cố lái câu chuyện về Nhơn Lộc. Và bất ngờ khi nhận ra một Trương Thế Lưu quá khác. Ngồi nhâm nhi cốc rượu Bầu Đá, Lưu đã nói vanh vách về tình hình kinh tế - xã hội của xã mình, cả những con số mà nếu thiếu sự trăn trở, khó lòng nhớ nổi. Ví như: xã có 2.445 hộ thì có 1.200 hộ nấu rượu. Năm 2008, cơ cấu kinh tế nông nghiệp 61,2%; tiểu thủ công nghiệp - thương mại 27,8%; dịch vụ: 11%; bình quân thu nhập đầu người 8,5 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 6,65%; đã xóa hẳn nhà ở đơn sơ tạm bợ. Đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng lên. Hơn 98% số hộ có tivi, 95% số hộ có xe máy, 55% số hộ có điện thoại di động, 27,3% số hộ có điêïn thoại cố định, 25 hộ đã nối mạng internet…

Tôi tò mò: “Sao nắm vững tình hình vậy?”. Lưu cười: “Cứ trăn trở với nó suốt ngày, rồi thuộc”. Rồi Lưu khoe, Nhơn Lộc đã làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì giai đoạn 2004-2009! Trương Thế Lưu lại làm tôi tiếp tục ngạc nhiên!

 

Công ty Thực phẩm Bầu Đá của Công ty Minh Anh (Đà Nẵng) chỉ nuôi 2 bảo vệ và luôn đóng cửa, vẫn giữ được thương hiệu “Rượu Bầu Đá”.

 

30 năm trước, khi ngồi cùng lớp học với nhau, tôi không thể tưởng tượng có ngày Trương Thế Lưu lại làm lãnh đạo một xã có gần vạn người dân. Lưu tuổi Nhâm Dần, kém tôi một tuổi, song hồi đấy, Lưu nhỏ con đến mức thầy cô giáo luôn xếp cho ngồi đầu bàn của bàn học đầu tiên. Tốt nghiệp PTTH, Lưu xung phong đi bộ đội, qua được đợt khám sức khỏe đầu tiên song lại không qua nổi đợt phúc tra khi vào đơn vị. Lưu bị trả về vì thiếu cân. Trở về địa phương, công tác ở HTX Nông nghiệp, Lưu “lớn” lên và đến tháng 2.1982 thì được tuyển quân vào Trung đoàn 307 làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tháng 4.1990, Lưu phục viên với quân hàm Thượng úy, tiếp tục công tác ở địa phương, trải qua các nhiệm vụ công an viên, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Ủy viên UBND, Phó Chủ tịch và đến tháng 4.2004 làm Chủ tịch UBND xã. Trong quá trình công tác ở địa phương, Lưu đã học xong đại học nông nghiệp tại chức và trung cấp chính trị. Lại nghe, vừa qua, Nhơn Lộc là xã duy nhất của huyện An Nhơn được tỉnh chọn làm điểm về xã có chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND và Trương Thế Lưu đang được tín nhiệm!

Là một xã thuần nông, làm sao Nhơn Lộc lại có thể vươn lên tốp đầu của huyện An Nhơn như vậy?

* Sự năng động của người dân

Đó là câu trả lời ngắn gọn nhất của Chủ tịch Trương Thế Lưu. Khác với thói quen của các vị lãnh đạo thường phân tích dài dòng về nguyên nhân chủ quan, khách quan của thành tích trong đó thường nêu bật sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền…., Lưu đặt sự năng động của người dân quê mình là nguyên nhân quan trọng nhất để Nhơn Lộc phát triển.

So với các xã phía Tây huyện An Nhơn, người dân Nhơn Lộc bám chặt vào đồng đất hơn cả. Quỹ đất dự phòng gồm 117 ha của Nhơn Lộc luôn được người dân chực chờ đấu giá để luân phiên canh tác. Tuân thủ tuyệt đối vào đề án chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, sử dụng giống lúa cấp 1… người nông dân đã đưa năng suất lúa tăng không ngừng và đã đạt ngưỡng 62 tạ/ha vào vụ hè vừa qua! Nhớ những năm đầu sau giải phóng, Hòa - Lộc - Thọ cùng chung cảnh ngộ là sống bám vào dãy Sơn Triều bằng nghề phá rừng, chặt củi, đốt than… Giờ đất rừng duy nhất ở Nhơn Lộc là 36 ha đất núi Chà Rang với 10 ha đất rừng trang trại, cộng với khoảng 40 ha đất gò đồi dự phòng của xã cho thuê giúp 22 hộ dân làm trang trại nuôi cá, nuôi heo trồng rừng, phát triển kinh tế đầy hiệu quả.

Một ngày ở Nhơn Lộc, đi thăm hầu khắp bạn bè, tôi đã đến đủ các làng nghề. Ở làng nghề đan đát Đông Lâm, nghe anh bạn tôi kể lại câu chuyện gánh nong nia vượt cả chục cây số ra chợ trước giờ vào học, ông Lê Văn Mai, đang ngồi ghim những rổ cá vừa đan xong thành cây, cười rung chòm râu bạc: “Đúng thế đấy, xưa chúng tôi còn phải gánh nong nia đi bán dạo lên cả Phú Phong, Vĩnh Thạnh… Đi rão cả chân. Giờ khác rồi. Cả 25 hộ ở thôn Đông Lâm này chỉ còn đan mỗi mặt hàng rổ cá nhưng đan không kịp bán. Khách hàng ở Quy Nhơn phải lên đặt cọc tiền trước, làm đâu họ chở đi đấy”…

 

Gần một nửa hộ dân ở Nhơn Lộc sống bằng nghề nấu rượu.

 

Làng nghề bánh tráng ở Trường Cửu cũng thịnh không kém. Từ ngày được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, các hộ tráng bánh của thôn Trường Cửu như có động lực hơn trong việc phát triển nghề nghiệp của mình. Tôi từng thăm nhiều làng nghề tráng bánh, cả làng nghề tráng bánh nổi tiếng ở Cát Tường (Phù Cát) song chẳng thấy ở đâu người tráng bánh một lúc 2 lò như ở Trường Cửu. Họ cứ như là một nghệ nhân thực thụ khi hoa tay trên chiếc nồi bảy! Bánh tráng cũng xếp thành cây dài và đổ đi muôn nẻo, tận TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên…

Tôi đã định không nhắc đến rượu Bầu Đá trong bài viết này, song nghĩ nếu vậy e thiếu, bởi đó là cuộc sống của gần nửa số hộ dân ở Nhơn Lộc. Ông Cao Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Bầu Đá, cho biết: “Sản lượng rượu của cả xã khoảng 5 triệu lít mỗi năm. Song người dân làm nghề nấu rượu ở đây vẫn không thể khá lên được bởi vẫn chưa độc quyền về thương hiệu Bầu Đá. Cơ sở Minh Anh của TP Đà Nẵng đang sở hữu thương hiệu, song cả năm nay không hề lấy một lít rượu nào từ làng Bầu Đá. Rồi thì hình như, rượu ở đâu cũng có quyền lấy thương hiệu Bầu Đá! Chính vì thế mà rượu sản xuất ở Bầu Đá phải xuống giá mới cạnh tranh được. Và thực tế đã xuống đến mức chỉ còn lãi cái phần hèm nuôi gia súc. Thời gian qua, những người có trách nhiệm ở tỉnh, huyện và xã đã hết sức nỗ lực để lấy lại thương hiệu Bầu Đá cho làng nghề, song hành trình này còn quá nhiêu khê”.

Tôi hiểu Trương Thế Lưu khi đánh giá cao sự năng động của nhân dân Nhơn Lộc, nhưng tôi còn cảm phục Nhơn Lộc ở một khía cạnh khác. Nhơn Lộc có một đội ngũ cán bộ quá nửa đã qua trình độ đại học, cao đẳng. Họ đoàn kết và thật sự năng động nên hầu như phong trào nào, Nhơn Lộc cũng vươn lên ở tốp đầu của huyện. Còn người dân Nhơn Lộc thì quả là tuyệt vời! Không có phong trào nào họ chịu đứng ở tốp dưới của huyện!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rừng Hoài Ân tiếp tục “chảy máu”   (22/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)
Phía sau cơn lũ  (09/11/2009)
“Văn chương là thánh đường của nhân sinh”   (08/11/2009)
Đò ngang mùa lũ  (02/11/2009)
“Cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm”   (01/11/2009)
Cuộc đoàn tụ hy hữu  (26/10/2009)
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)
Làm sạch phố phường  (19/10/2009)
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)
Bước qua trần thế  (12/10/2009)