Với gần 30 năm gắn bó với Trường cao đẳng nghề Cơ điện- Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (CĐNTB), ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng, đã tự nhận: “Có lẽ, cho đến ngày bạc tóc, tôi vẫn cố gắng hết mình cho sự nghiệp dạy nghề trên mảnh đất Bình Định…”.
|
Hội đồng thẩm định Bộ NN&PTNT nghe Trường CĐNTB bảo vệ chiến lược phát triển nhà trường.
|
* Năng động, linh hoạt
* Được biết, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt chiến lược phát triển nhà trường thành trường trọng điểm quốc gia. Ông có thể cho biết cụ thể?
- Giáo dục- đào tạo nghề đang thay đổi mạnh mẽ về hình thức, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và chất lượng đào tạo. Quy mô, cơ cấu các trường đào tạo nghề cũng đang được thay đổi để đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển và hội nhập của đất nước. Hiện tại, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta còn thấp (khoảng 24,5%- năm 2007), chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động, nhất là lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao. Đặc biệt, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn sẽ tập trung cho các mục tiêu: thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa và sinh học hóa, nhằm đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo là trên 50%. Đây là cơ hội lớn cho việc phát triển quy mô, ngành nghề đào tạo gắn với NN&PTNT, thuộc sứ mệnh của nhà trường.
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua và vai trò to lớn trong đào tạo nghề cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên - khu vực đang có quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế khá năng động - Bộ NN&PTNT đã quyết định đầu tư xây dựng Trường thành trường trọng điểm quốc gia theo mô hình đào tạo chuẩn. Theo đó, trung tâm Trường sẽ được chuyển về phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn). Trên cơ sở mở rộng diện tích từ 5,1 ha lên 20 ha, tại đây sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống giảng đường, ký túc xá, thư viện, hệ thống xưởng, phòng thí nghiệm… đạt chuẩn và hiện đại với kinh phí dự toán khoảng 350 tỉ đồng (theo từng giai đoạn)… Tuy vậy, dự án vẫn chỉ là dự án nếu lãnh đạo nhà trường thiếu sự linh hoạt, tích cực…
* Trường CĐNTB cũng đã phải trải qua những giai đoạn thăng trầm khi hợp nhất từ 3 trường đào tạo nghề của Bộ NN&PTNT đóng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Nghe nói ông đã có công làm cho Trường “sống lại”?
- Đó là thời kỳ vô cùng khó khăn. Khi hợp nhất trường, tôi là Phó Hiệu trưởng, được điều động phụ trách cơ sở ở phường Bùi Thị Xuân. Lúc đó, tinh thần của cán bộ, giáo viên (GV), công nhân viên rất rời rạc, nhiều ngành nghề rơi vào khủng hoảng (sau vụ tiêu cực của nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Sáu). Để vực dậy, tôi đã tập hợp đội ngũ, mở rộng đào tạo, liên kết với các trung tâm dạy nghề khác mở lớp tại chỗ, tạo thêm việc làm cho GV và đẩy mạnh các hoạt động phong trào để lấy lại khí thế…
Năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Lúc ấy, Trường vẫn còn những tồn đọng chưa giải quyết được. Trong khi, mâu thuẫn mới lại nảy sinh khi nội bộ có đơn thư tố cáo (giai đoạn giao thời giữa người tiền nhiệm). Giải quyết như thế nào đây, vì liên quan đến chuyện người đi, người ở và cả pháp luật. Nhưng nếu không làm rốt ráo, Trường sẽ không còn cơ hội phát triển… Cuối cùng, bộ máy của Trường cũng được kiện toàn lại, hoạt động đào tạo đi vào nề nếp.
* Sau khi hợp nhất, vấn đề nan giải nhất của Trường là khủng hoảng thừa “biên chế”. Nghe nói, ông đã giảm biên chế ngay chính… “bà xã” mình?
- Khi hợp nhất, Trường có đến vài trăm cán bộ, GV, công nhân viên. Người thừa vẫn thừa, người thiếu vẫn cứ thiếu. Nếu không có chính sách tinh giản biên chế phù hợp, đây sẽ là gánh nặng đối với sự phát triển của Trường. Bởi vậy, ngoài số cán bộ về hưu đúng tuổi, Trường đã buộc phải cho số người “dôi dư” nghỉ để tuyển dụng mới. Đụng chạm đến quyền lợi của con người không hề đơn giản… “Bà xã” tôi (SN 1961) là nhân viên phòng đào tạo. Tôi động viên vợ “về” để làm gương cho những người khác… Nhờ vậy mà năm nay, Trường đã có thể tuyển thêm 42 GV mới…
* Chất lượng đào tạo là hàng đầu
* Ông quan tâm đến điều gì khi làm hiệu trưởng một trường nghề?
Ông Nguyễn Trung Tiến, sinh năm 1958, tại Nghệ An. Năm 1980, tốt nghiệp đại học cơ khí nông nghiệp, về giảng dạy tại Trường Công nhân cơ khí nông nghiệp 4 Trung ương (Cát Hanh-Phù Cát). Tháng 10.2003, Trường hợp nhất thành Trường Dạy nghề NN&PTNT Trung bộ, nay là Trường cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng- Nông lâm Trung bộ. Tháng 6.2005, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ của Trường; thạc sĩ quản lý giáo dục; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và rất nhiều Bằng khen của Bộ NN&PTNT… |
- Để hấp dẫn học sinh, Trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Muốn vậy, phải có đội ngũ GV đạt chuẩn và hệ thống thiết bị đào tạo nghề hiện đại. Về GV, nếu như năm 2006, chưa GV nào của Trường có trình độ thạc sĩ, thì từ năm 2006 đến nay, Trường đã cử được 29 cán bộ, GV đi học cao học. Đến nay, 9 người đã tốt nghiệp. Ở một địa bàn xa trung tâm, điều kiện để GV đi học là không dễ. Phải có lực đẩy. Ngoài chính sách về tiền lương, học phí, tàu xe… mỗi cán bộ đi học được Trường hỗ trợ 600 ngàn đồng/tháng, tốt nghiệp được thưởng 10 triệu đồng… Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng GV cũng phải tạo được “lực hút”: người có trình độ thạc sĩ đúng chuyên ngành khi “đầu quân” vào Trường, sẽ được hỗ trợ ngay 25-30 triệu đồng; thạc sĩ chưa đúng với chuyên ngành được hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng; ưu tiên tuyển dụng những người đang học cao học… Hàng năm, vài trăm lượt cán bộ, GV được tập huấn để nâng cao năng lực giảng dạy, công tác…
Để có thiết bị hiện đại, năm nào, Trường cũng đầu tư từ 4-5 tỉ đồng. Do đó, các nghề đào tạo luôn đảm bảo tỉ lệ thực hành cho sinh viên, học sinh từ 70% trở lên…
* Vậy điều gì còn làm ông trăn trở?
- Cũng vẫn là đội ngũ. Có tiền có thể mua ngay được thiết bị, nhưng không thể mua ngay được đội ngũ. So với yêu cầu phát triển và cạnh tranh, chất lượng đào tạo hiện nay vẫn chưa tương xứng. Trong khi, điều kiện để tuyển dụng được người giỏi là cực kỳ khó (thu nhập không cao, sức thu hút hạn chế vì địa bàn…). Trường đã có chiến lược về quy hoạch và phát triển đội ngũ, phấn đấu đến năm 2015, có 10 GV là chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề.
Còn về mặt cơ chế, tôi thấy hệ thống đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập, do công tác quản lý chưa theo kịp. Con em nhân dân trong khu vực miền Trung còn ít bị tác động về việc học nghề. Đi học cũng được, không học cũng được. Nhà nước đang chuyển đổi cơ chế chính sách về học nghề, nhưng khu vực miền Trung còn nghèo; học sinh bỏ tiền học những nghề công nghệ cao cũng chưa đáp ứng được.
|
Đào tạo nghề cho nông dân đang là hướng mở và thế mạnh của Trường CĐNTB nhằm phát triển quy mô, ngành nghề đào tạo.
|
* Hết lòng vì sự nghiệp đào tạo nghề
* 30 năm gắn bó với việc đào tạo nghề trên mảnh đất Bình Định, ông tâm đắc nhất điều gì?
- Làm công tác đào tạo nghề trong bối cảnh khó khăn chung của xã hội, có rất nhiều vấn đề nảy sinh, phải thích ứng cho được. Nhưng tôi tự hào mình đã dành mọi thời gian, tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo nghề. Chưa bao giờ tôi đi làm muộn, kể cả những lúc khó khăn của công việc, đời sống riêng tư…
So với mặt bằng, đời sống GV của Trường khá ổn định. Năm 2009, chỉ riêng khoản trả vượt giờ, Trường đã chi 2,5 tỉ đồng. Có GV thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, đặc biệt là ở khoa Vận hành xe máy. Ngoài chế độ theo ngạch bậc, mỗi cán bộ, GV đều được hỗ trợ thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng từ quỹ phúc lợi…
* Một chút kinh nghiệm trong công tác quản lý?
- Tôi trưởng thành từ một người làm công tác Đoàn (Bí thư Đoàn Trường). Với tôi, chính những khúc mắc trong cuộc sống là bài học cho mình trưởng thành. Và phải biết cái nên tránh, cái nên bước. Vấn đề gì khó khăn mấy cũng có thể giải quyết được nếu biết bình tĩnh, biết kết hợp với nhau- tôi vẫn thường nói với anh em như vậy. Trong điều hành, quản lý, phải tạo cơ chế để các khoa chủ động, đảm bảo công bằng, dân chủ, lấy đó làm nền tảng cho Trường phát triển.
Để làm được điều đó, Trường đã xây dựng hệ thống các quy chế như chi tiêu nội bộ, quy chế về hoạt động của nhà trường, quy chế thi đua khen thưởng…. Các quy chế được thực hiện rất có hiệu quả. Chẳng hạn, trong quy chế chi tiêu nội bộ có những quy định rất cụ thể về quyền lợi của mỗi cá nhân, chế độ phân phối… đã được tập thể nhất trí và cứ theo đó thực hiện. Đây cũng là quy chế tác động nhiều nhất, ảnh hưởng nhất đến tư tưởng của cán bộ, GV, công nhân viên.
* Cám ơn ông!
|