HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS (1.12):
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”
8:13', 30/11/ 2009 (GMT+7)

Nói về nghề rất hào hứng, nhưng lại kín đáo, như vốn dĩ công việc thầm lặng mà 10 thành viên trong nhóm tiếp cận cộng đồng TP Quy Nhơn đang làm, để góp phần khống chế HIV lây lan trong cộng đồng.

 

Để có thể tiếp cận với “chị em”, các thành viên trong nhóm phải tham gia các khóa huấn luyện.

 

Thông tin từ người chuyên trách AIDS: nhóm có 10 người, được chia thành 5 cặp, 2 ở đèo Cù Mông, 3 ở khu vực nội thành và cứ 3 tháng đổi địa bàn cho nhau. Nhiệm vụ của họ là tiếp cận với những cô gái làm nghề “bán hoa” để cung cấp thông tin về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục; khuyến khích và hướng dẫn các đối tượng sử dụng bao cao su sạch; phát tài liệu tuyên truyền; vận động chị em đi khám bệnh… Và để gặp được họ, phải thông qua nhiều kênh hỗ trợ thuyết phục, với điều kiện 3 không: không chụp ảnh, không nêu tên thật lên báo, không được để lộ thông tin trong khi tiếp xúc “thân chủ”. Và địa điểm gặp nhau là… quán cà phê.

* Bao cao su và...

2 giờ chiều, tại quán cà phê T.G, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), tôi theo nhóm chị Dương Thị H. và Huỳnh Thị Kim P. tiếp cận một gái “bán hoa”. N., 24 tuổi, có gương mặt dễ nhìn, hiện đang làm việc ở quán H.D, khá rụt rè dù đã là “thân chủ” của nhóm từ 2 tháng trước. Câu chuyện giữa chị H. và cô gái rất ngắn gọn và kết thúc bằng tuyên truyền dùng bao cao su giúp N. giữ sức khỏe, tránh không làm lây nhiễm HIV hay bệnh lây truyền qua đường tình dục cho bản thân và bạn tình.

Bao cao su cũng chính là đồ nghề duy nhất của nhóm tiếp cận cộng đồng. Chị H. vào nghề từ năm 2004, sau lời giới thiệu “đi phát bao cao su vui lắm” của chị D. (một thành viên của nhóm đã chết vì bệnh ung thư). Nhưng rồi, cái háo hức ban đầu đã nhanh chóng bị dập tắt. “Lúc đầu mang bao cao su đến phân phát cho “chị em”, nhiều tiếp viên chưa hiểu mục đích, ý nghĩa của việc phân phát bao cao su miễn phí, nên đã có lời nặng nhẹ. Có tiếp viên hỏi ngược lại tôi: “Mày không còn việc gì làm nữa hay sao mà đi làm công việc này…”- chị H. tâm sự.

Năm 1996, nhóm giáo dục đồng đẳng TP Quy Nhơn ra đời khi Bình Định triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Ban đầu, nhóm giáo dục đồng đẳng chia thành: nhóm mại dâm, nhóm ma túy và nhóm “bạn giúp bạn” (dành cho người nhiễm). Nhưng từ năm 2000, nhóm ma túy và “bạn giúp bạn” không thể duy trì hoạt động được, nên chỉ còn lại nhóm 10 thành viên tiếp cận đối tượng gái mại dâm.

Chị Nguyễn Thị Hải Nam, Phó Trưởng khoa Tư vấn, điều trị và can thiệp cộng đồng, thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Tiêu chí ban đầu là nhóm bao gồm những người đã hoàn lương sau thời gian làm nghề mại dâm. Nhưng hiện nay, nhóm đã được mở rộng hơn, gồm cả những người có mối quan hệ với người hành nghề mại dâm. Vì thế, cái tên nhóm tiếp cận cộng đồng ra đời để tránh sự kỳ thị của cộng đồng”.

Điểm đến của nhóm tiếp cận cộng đồng là những “tụ điểm” về tệ mại dâm. Nhưng đó là điểm đến để tiếp cận khách hàng cũ, còn bình thường, muốn gầy “thân chủ” mới, phải ra quán cà phê hay karaoke.

 

Một buổi sinh hoạt của nhóm tiếp cận cộng đồng. Nhiều người trong số họ nay đã không còn.

 

* Đến với “chị em” bằng tấm lòng

Tiếp cận với đối tượng bán dâm để tuyên truyền cho họ các biện pháp an toàn phòng nguy cơ nhiễm HIV không dễ dàng, thậm chí là khá nguy hiểm.

Thường thì các “chị em” được chia làm 2 loại: “cao cấp” và “đứng đường”. Loại “cao cấp” thường rất trẻ, đẹp, chỉ đi khách theo điện thoại ở các nhà hàng, khách sạn.  Còn gái “đứng đường” thường là trên 40 tuổi, giá đi khách thấp, ba chục ngàn đồng cũng phải, năm chục ngàn đồng cũng xong, nên thường “chiều” khách ở bờ, bụi, chứ không vào nhà trọ. Hạn chế điều kiện vệ sinh, nên nhóm này có nguy cơ cao về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, nấm, giang mai…

13 năm trong nghề và là một trong số ít người gia nhập nhóm ngay từ những năm đầu mới thành lập, chị Tôn Thị G., vẫn nhớ như in lần đầu tiên “thử lửa” với công việc. “Lần đó, tui đi cùng chị V. (đã mất - NV) tiếp cận ở xóm Vườn Bông, gần Ga Quy Nhơn. Đó là “điểm nóng” tập trung nhiều gái bán hoa trong và ngoài tỉnh. Tối đi làm, sáng ngủ, xong thì dậy “xòe bài”. Muốn tiếp xúc với họ, mình phải chờ cho đến khi họ chơi xong bài. Chờ mãi, cuối cùng một cô trong nhóm đứng dậy. Thiếu tay, một cô gái khác “ngoắc” chị V. bảo vào thế chỗ. Tưởng có cơ hội, chị V. bảo tui lấy bao cao su, rồi tuyên truyền. Ai dè, vừa thấy thế, cô gái nọ “đốp” ngay vào mặt bằng những lời tục tĩu. Tui khiếp quá, định bỏ thì chị V. bảo ở lại, rồi xông vào làm một tay chơi bài. Sau vài tiếng đồng hồ, tui tưởng như ngộp thở, thì cô gái cũng đứng dậy lấy bao cao su”. 

Đối với những người hành nghề mại dâm, hầu hết đều muốn phòng lây nhiễm HIV và sẵn sàng hợp tác, nhưng khó nhất là khâu tiếp cận. Trên thực tế, những đối tượng gái bán dâm “ngại” tiếp xúc với tiếp cận viên vì lo ngại “tiếp tay” hoặc “chỉ điểm” cho công an. Vì thế, mỗi tiếp cận viên có một “ngón nghề” riêng để làm việc, như thông qua kênh “chủ cho vay nợ”, chủ quán hay bảo kê của gái bán dâm, nhậu… Vì thế, những thành viên kỳ cựu của nhóm vẫn truyền cho lớp đàn em chuyện chị D. thường xuyên nhẵn túi vì liên tục bị… gạ nhậu, dù lúc ấy mức lương 800 ngàn đồng/tháng của chị đủ sắm 4 chỉ vàng.

Để tiếp cận được với các “chị em” là cả một quá trình đầy gian nan. Trước hết, phải làm quen với chủ quán cà phê, karaoke, nhà nghỉ. Nhiều lần đi lại, để ý, biết mặt, sau đó mới lân la mời uống nước, làm quen. Và để giới thiệu được công việc với khách hàng, các tiếp cận viên phải mất 4-5 lần đi lại như thế.

Chị Trần Thị L. vốn đã có kinh nghiệm 5 năm tiếp cận với nghề. Sau một lần được tiếp cận, trang bị những kiến thức, cũng như ý nghĩa của công việc tuyên truyền viên, cô gái có ngoại hình ưa nhìn, hoạt bát này đã quyết định gắn bó với nghề. Quyết tâm là thế, nhưng lần đầu tiên theo chị D. và chị H. tiếp cận với “chị em” ở khu vực xóm Tiêu, L. run cầm cập. Nhờ có mối quen của chị D., nên việc tiếp cận, phát bao cao su, giới thiệu đến phòng tư vấn xét nghiệm diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng khi nhóm vừa đi khỏi chừng 10 phút thì công an ập vào khu nhà trọ. Chị L. nhớ lại: “Anh chuyên trách bị bảo kê dọa đánh vì tội “tại sao nhân viên của anh lên “chỉ điểm” cho công an lên bắt tụi tui”. Còn mình thì “cạch” không dám đến nữa”.

Sau những tai nạn nghề nghiệp kiểu như: bị dọa đánh, bị “xán” ly bia vào cổ tay, các chị trong nhóm đã học thêm nhiều kinh nghiệm. Thời gian tiếp cận phụ thuộc vào khách hàng, nên phải đi nhiều lần, bất kể giờ giấc. Thường thì nhóm đi vào buổi trưa hay buổi chiều khi “chị em” tan ca, nghỉ ngơi. Nhưng nhiều hôm, 11 - 12 giờ đêm, các chị cũng phải cầm đèn pin len lỏi vào những con hẻm, những quán cà phê, tụ điểm mại dâm để tiếp cận. 

Chị G. tâm sự: “Nhiều hôm hẹn ra quán, vừa kêu ly nước thì “thân chủ” có khách, mình cũng phải cười tươi, hẹn gặp lại, nhưng trong lòng thì ỉu xìu. Còn chuyện bị chửi, dọa đánh là chuyện thường. Quan trọng là mình phải tôn trọng họ. Nhiều chị em sau khi hiểu ra lại rất nhiệt tình ủng hộ, kéo thêm nhiều chị em khác nữa”. 

Đến với nghề bằng lý do đơn giản là “thấy vui vui, hay hay”, nhưng cuối cùng họ đã ở lại với “chị em” bằng cả tấm lòng.

 

Cùng với các hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS, nhóm tiếp cận cộng đồng đã góp phần khống chế HIV lây lan trong cộng đồng.

 

* Khuất lấp những mảnh đời

Khó khăn, nguy hiểm, phụ cấp 350 ngàn đồng/tháng chỉ mang tính tượng trưng, nhưng bằng sự nhiệt tâm, các thành viên trong nhóm vẫn quyết “trụ” với nghề. Nhiều người trong số họ không khó khăn về cuộc sống, hay đã từng làm nghề mại dâm, nhưng vẫn tìm đến công việc như một sự chia sẻ với “chị em”.

Chị L. bộc bạch: “Mỗi người có một công việc, khi công việc đó đã ngấm vào máu thịt rồi thì khó lòng mà rứt ra được. Tụi tui bảo nhau, mình làm hết khả năng, có điều kiện gần gũi, hỗ trợ, giúp đỡ động viên những chị em hành nghề mại dâm để họ có ý thức tự giữ gìn cho bản thân và cộng đồng”.

10 con người, có người trôi dạt từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum về đây. Người trẻ nhất 26 tuổi, người lớn nhất cũng đã 48 tuổi. 10 mảnh đời ghép lại với nhau, cùng chung một ý nguyện. Nói về công việc, họ say sưa; nhưng nói về mình, họ tuyệt nhiên không một lời. Có chăng chỉ là những trăn trở, có được tấm thẻ hay cái áo đồng phục của nhóm để dễ làm việc, mong muốn cộng đồng có cái nhìn thoáng hơn, chia sẻ hơn.

Chị G. trầm ngâm: “Mình yêu thích nên làm, chứ nói ra ngại lắm, với người nhà còn không dám nói nữa là. Người hiểu còn không sao, người không hiểu cứ nhìn mình xa lạ, rồi đồn thổi, kỳ thị. Nhiều khi đi làm còn bị đánh đồng là nhiễm HIV hay… gái mại dâm”.  

Chị Nguyễn Thị Hải Nam cho rằng: “Quy Nhơn hiện có khoảng 300 “chị em” đang hành nghề mại dâm. Nhóm tiếp cận cộng đồng chính là “cầu nối”, để rút ngắn khoảng cách giữa người làm công tác phòng chống AIDS với các đối tượng nguy cơ. Vì thế, họ đáng được trân trọng, đáng nhận được  sự cảm thông, một điểm tựa hơn là sự kỳ thị”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)
Phía sau cơn lũ  (09/11/2009)
“Văn chương là thánh đường của nhân sinh”   (08/11/2009)
Đò ngang mùa lũ  (02/11/2009)
“Cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm”   (01/11/2009)
Cuộc đoàn tụ hy hữu  (26/10/2009)
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)
Làm sạch phố phường  (19/10/2009)
Những người trao… giọt hồng   (18/10/2009)