Cùng với HLV Dương Ngọc Hùng, cựu cầu thủ Trần Kim Đức (nay là trợ lý HLV đội SQC Bình Định) được tập trung vào đội tuyển cựu ngôi sao Việt Nam, tham dự Giải giao hữu Master Cup với hai đội cựu ngôi sao CLB Liverpool và M.U trong hai ngày 19 và 20.11 vừa qua. Sự kiện này khiến người ta nhớ lại hình ảnh chàng tiền vệ hào hoa của bóng đá đất Võ.
* Thăng trầm với tuyển Quốc gia
Từng được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Cúp Quốc gia mùa bóng 1992-1993, được chơi cho đội tuyển miền Nam, tuyển miền Trung và tuyển Việt Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhưng Trần Kim Đức lại chưa được tham gia một giải đấu lớn nào trong màu áo đội tuyển quốc gia, đáng tiếc, đó không phải vì những lý do chuyên môn…
|
Sự nghiệp bóng đá của Trần Kim Đức gắn liền với số áo 14. Ảnh: Tư liệu |
- Chào ông, cảm nhận của ông về chuyến thi đấu với cựu ngôi sao Liverpool và M.U như thế nào ?
Tôi rất vinh dự khi được gọi tập trung đội cựu ngôi sao Việt Nam chơi bóng với những ngôi sao một thời của hai CLB hàng đầu nước Anh. Đó cũng là cơ hội để tôi gặp lại những đồng đội trước đây, ôn lại những kỷ niệm thời còn chơi bóng. Cũng hơi tiếc một chút là vì những nguyên nhân khác nhau, nhiều cầu thủ khác không thể góp mặt trong đợt này.
- Giải đấu này hẳn cũng gợi cho ông những ký ức về thời còn là thành viên của đội tuyển quốc gia?
Cũng như các cầu thủ khác, tôi rất hạnh phúc khi được gọi vào đội tuyển quốc gia. Đó được xem như sự ghi nhận về những nỗ lực trong tập luyện của mỗi cầu thủ. Tôi cũng đã có những kỷ niệm đẹp khi thi đấu cho đội tuyển Việt Nam, ví dụ như ở trận giao hữu với một CLB của Australia năm 1994, đội bóng của chúng ta đã giành chiến thắng 1-0 bằng cú dứt điểm của tiền đạo Hoàng Anh Tuấn (hiện là HLV CLB Khánh Hòa)…
Trần Kim Đức cùng các cầu thủ Xuân Thanh, Trương Văn Dũ từng được HLV Tavares đánh giá rất cao về tinh thần tập luyện ngay trong ngày đầu tiên HLV người Brazil này nắm đội tuyển Việt Nam (tháng 12.1994). Sau đó, ông vẫn được trọng dụng dưới thời HLV Weigang (năm 1995), nhưng rồi, vì cùng các đồng đội phản ứng cách đối xử không hợp tình hợp lý của Ban huấn luyện nên không được tham dự SEA Games 18, cánh cửa vào đội tuyển của ông cũng khép lại sau “sự cố” này…
- Ông còn nhớ sự cố khiến sau đó ông không được dự SEA Games 18 chứ? Rất nhiều người hâm mộ bóng đá đất Võ đến giờ còn tiếc nuối đấy!
Xin lỗi! Đó là những chuyện thuộc về quá khứ, tôi cũng không muốn nói ra, vì có thể có người cho rằng tôi bị loại khỏi đội tuyển nên biện hộ thế này thế nọ. Với tôi, tất cả những HLV, kể cả ở đội Nghĩa Bình, Bình Định trước đây đều là những người anh, người thầy. Tôi vẫn tôn trọng họ và khi gặp lại chúng tôi vẫn chào hỏi nhau bình thường.
* Gắn bó cùng số 14
Trần Kim Đức được giới chuyên môn đánh giá là cầu thủ có kỹ thuật và sức rướn tốt, siêng năng, không ngại va chạm, có thể đá ở hai cánh đều như nhau và chơi rất hiệu quả ở giữa sân với những pha kiến tạo thuận lợi cho đồng đội ở tuyến trên. Ông đã kế thừa chiếc áo số 14 của huyền thoại Phan Kim Lân (Lân “dzẽ”) một cách xuất sắc…
- Xuất thân từ bóng đá phong trào, chơi bóng ở bãi biển và đá cho các đội phường, thị xã… rồi được gọi vào đội trẻ Nghĩa Bình, chỉ một năm sau được lên đội lớn. Con đường đến với bóng đá của ông khá thuận lợi?
Thời đó phong trào bóng đá ở Quy Nhơn phát triển mạnh, tôi cũng đam mê môn này nên dành nhiều thời gian chơi với bạn bè. May mắn là sau khi thấy tôi đá cho đội thị xã Quy Nhơn, HLV Lê Văn Minh đã triệu tập tôi vào đội trẻ năm 1985. Một năm sau, khi mới 18 tuổi, tôi đã được đưa lên đội Công nhân Nghĩa Bình. Năm 1988, tôi được đá một vài trận, đến năm 1989 thì mới thường xuyên đá chính. Thời đó, trong đội có nhiều tiền vệ xuất sắc như: Lê Trọng Tuấn, Phan Tôn Quyền, Bùi Văn Sỹ… nên tôi phải cố gắng rất nhiều mới cạnh tranh được suất đá chính.
- Khi HLV Phan Kim Lân giao cho chiếc áo số 14, ông có cảm thấy bị áp lực?
Tôi cũng không biết vì sao sự nghiệp của mình lại gắn bó với số áo 14 lâu đến vậy. Lúc vừa được HLV Phan Kim Lân gọi lên đội Công nhân Nghĩa Bình, tôi đã được giao số áo này. Sau đó, khi ở đội tuyển quốc gia tôi cũng được mang áo số 14. Mới đây, đội cựu ngôi sao Việt Nam cũng dành số 14 cho tôi, nhưng vì sai sót trong khâu in ấn, nên tôi phải mặc áo số 11 (vốn định dành cho cựu cầu thủ Thông Tân). Thời của tôi, cầu thủ ra sân đều vì niềm đam mê và mong muốn cống hiến hết khả năng của mình để phục vụ khán giả, bản thân tôi cũng vậy. Do đó, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, giới chuyên môn và khán giả có thể đánh giá về cách chơi của tôi. Tôi không cảm thấy áp lực khi chơi bóng.
- Trong trận đấu gặp đội Khánh Hòa trên sân Thống nhất năm 1989, ông đã ghi bàn thắng đầu tiên ở Giải vô địch quốc gia, hơn 10 năm gắn bó với đội bóng đất Võ (Trần Kim Đức treo giày năm 1998), chắc ông còn có nhiều trận đấu đáng nhớ?
Những năm đó, đội Bình Định có nhiều trận đấu rất hay, nhưng tôi nhớ nhất hai trận cầu “sinh tử”. Năm 1990, trong trận gặp đội Tiền Giang trên sân Thống nhất, nếu Bình Định thua sẽ rớt hạng. Vào trận với áp lực nặng nề, nhưng chúng tôi vẫn giành được trận hòa 0-0. Năm 1991, trên sân Đồng Hới, Bình Định phải thắng Long An tối thiểu hai bàn cách biệt mới không phải đi “chung kết ngược”. May mắn là tôi ghi được một bàn và sau đó người đồng đội chơi khá ăn ý - Công Long - ấn định chiến thắng 2-0 để giúp Bình Định trụ hạng thành công.
|
Trần Kim Đức (hàng đứng, thứ năm từ trái sang) cùng các thành viên đội cựu ngôi sao bóng đá Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp |
* Trăn trở với bóng đá trẻ
Trần Kim Đức khá trầm tính và có vẻ ngoài hơi… lạnh lùng, không ít người nghĩ rằng ông là người rất khó gần, dù tính tình khá hiền lành. 7 năm làm công tác đào tạo cầu thủ trẻ (từ năm 2001 đến 2008), nhiều học trò của ông giờ đã có chỗ đứng ở đội Bình Định như: Thành Tài, Thanh Sang, Phương Thời…, một số đang tập trung ở các đội trẻ quốc gia. Rất kiệm lời, nhưng khi nói về bóng đá trẻ, ông có thể nói rất nhiều với mong muốn các em được tạo điều kiện tập luyện và sinh hoạt tốt hơn…
- Đạt được nhiều thành công trên cương vị huấn luyện với 1 HCB Giải bóng đá U13 quốc gia năm 2005, 2 HCĐ Giải bóng đá U15 quốc gia (năm 2004 và 2006), 1 HCV Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (2006), 1 HCĐ Giải bóng đá U17 quốc gia (2007), phải chăng làm bóng đá trẻ có nhiều niềm vui?
Làm bóng đá trẻ ở Bình Định còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi rất thích xem các em thi đấu, bởi các trận đấu giữa những đội bóng trẻ luôn diễn ra vô tư. Cách các học trò bày tỏ niềm vui sau một chiến thắng một cách hồn nhiên làm tôi cảm thấy như được bù đắp những công lao truyền dạy cho các em. Rồi khi chứng kiến các em trưởng thành, mình cũng nhẹ nhõm vì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.
- Không ít lần người ta bắt gặp ông đi kiểm tra, đôn đốc học trò học văn hóa ban đêm…
Tài năng bóng đá bây giờ không nhiều, dù Trường Năng khiếu TDTT có đến 6 vệ tinh ở các huyện, khi “chấm” được một em và đưa được về Trường là một quá trình hết sức gian nan. Nhiều em phải sống xa gia đình khi còn rất nhỏ. Vì vậy, ngoài huấn luyện về chuyên môn, mình phải làm thay cả những công việc chăm sóc của phụ huynh, lo cho các em cả việc ăn, ngủ, học hành, thậm chí định hướng về tương lai cho VĐV. Mỗi thời mỗi khác, yêu cầu về trình độ văn hóa ngày càng cao. Vả lại không phải em nào rồi cũng sẽ thành cầu thủ chuyên nghiệp, sống được với nghề đá bóng. Kết quả học tập của các em không tốt, người huấn luyện cũng có một phần trách nhiệm nếu không sâu sát, thiếu động viên kịp thời. Đó là trách nhiệm của những người thầy.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển của bóng đá trẻ Bình Định?
Những thành công ở các giải trẻ mà bóng đá Bình Định đạt được trong những năm qua chứng tỏ chúng ta có tiềm năng rất lớn. Nhưng hiện chúng ta vẫn còn thiếu thốn rất nhiều như: sân bãi kém chất lượng, dinh dưỡng chưa đảm bảo, trang thiết bị tập luyện cũ kỹ… Ngoài ra, chế độ cho HLV trẻ còn quá thấp, không thể khiến họ dồn hết tâm huyết vào công việc. Nếu khắc phục được những điều này, tôi tin rằng, Bình Định sẽ cho ra lò nhiều cầu thủ giỏi trong tương lai.
- Có bà xã công tác trong ngành Ngân hàng cùng cô con gái xinh xắn học lớp 6, bản thân đang là trợ lý HLV ở đội SQC Bình Định, ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như những gì mình muốn, so với nhiều người thì tôi chưa là gì, nhưng những gì tôi đang có cũng có thể là niềm mơ ước của không ít người khác. Tôi vốn là cầu thủ bóng đá, giờ được tiếp tục gắn bó với nghề cũng là niềm hạnh phúc. Xã hội phân công mỗi người một nhiệm vụ, và tôi cũng không mong gì hơn.
- Cảm ơn ông!
|