Làm trang trại ở An Lão
8:37', 7/12/ 2009 (GMT+7)

So với các huyện miền núi trong tỉnh, An Lão chưa phải là địa phương dẫn đầu về kinh tế trang trại. Song ý thức được lợi thế và những lợi ích mà loại hình kinh tế này mang lại, huyện An Lão đã và đang cố gắng để “bẩy” kinh tế trang trại lên.

 

Đưa giống keo về trồng ở An Lão. Ảnh: Q.K

 

* An Lão xanh

An Lão những ngày đông lạnh lẽo và ướt át. Con đường liên xã An Tân, An Hòa, An Quang tạo thành một hình vòng cung như muốn ôm hết trong lòng sắc xanh và sự hùng vĩ của núi rừng. Ôm giữ, rồi trải dần ra, khiến người lần đầu đến đây không khỏi cảm giác choáng ngợp trước sức sống như đang dâng trào trong từng gốc cây, kẽ lá. Chạy dọc hai bên đường bê tông, ngút tầm mắt vẫn là một màu xanh, xen giữa những mảng rừng, đồi núi là những rừng keo lai, keo lá tràm, chè.

Trang trại chè rộng 6 ha của bà Hồ Thị Lơn (thôn Thanh Sơn, xã An Tân) nằm ngay bên đường. Mùa này, chè vừa được phát gọn để chuẩn bị thu vụ Tết, nên hàng nào hàng nấy vuông vắn, thẳng tắp từ đầu này tới đầu kia. Trong nhà, bà Lơn vừa tiếp chuyện khách vừa bó chè tươi thành từng bó nhỏ, chờ người mua sỉ đến lấy. Trời An Lão những ngày đông, ngắm những đọt chè non xanh nõn nà trên tay bà Lơn, khó kìm lòng không nghĩ đến một ly trà xanh ấm nóng chát ngọt, bốc hơi nghi ngút.

Bà Lơn kể, trang trại chè của gia đình bà được hình thành từ năm 1992. Khi ấy, con đường liên xã này chỉ là đường đất nhỏ, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù. Vốn có kinh nghiệm trồng chè từ thời còn làm ở nông trường chè Tây Sơn (Hà Tĩnh) nên vợ chồng bà Lơn quyết định khai hoang đất để trồng chè. Thấm thoắt đã 17 năm. Mỗi năm gia đình bà thu từ trang trại vài tấn chè khô, giá bán hiện nay là 50 ngàn đồng/kg. Thời cao điểm, trang trại thuê 6-8 nhân công/ngày. Thời gian gần đây, bên cạnh việc sấy chè khô, bà Lơn còn thu hoạch và bán lá chè tươi. Mỗi ngày trang trại chè của bà bán ra khoảng 600 bó chè tươi với giá sỉ là 700 đồng/bó. Bà Lơn cho biết: “Chè này được tiêu thụ tại An Lão, Bồng Sơn, Tam Quan, Sa Huỳnh. Bán chè tươi thì được nhiều tiền hơn chè khô nhưng không tập trung tiền được”. Một cán bộ ở Phòng NN-PTNT huyện An Lão cho biết, thời gian qua, các trang trại chè ở An Lão “thắng” nhờ bán chè tươi.

Với trang trại của bà Nguyễn Thị Vân (thị trấn An Lão), dù mới đầu tư từ năm 2006 nhưng hiệu quả kinh tế đạt được đã cho thấy đây là một hướng đi đúng. Trên diện tích 3 ha đất vườn đồi, bà Vân dùng một nửa để ươm cây keo lai và keo lá tràm giống, với sản lượng cung ứng cho thị trường 1 triệu cây giống/năm, doanh thu đạt 400 triệu đồng/năm. Diện tích còn lại, bà Vân dùng để chăn nuôi heo rừng lai. Với cách thức nuôi được tính toán khoa học, hợp lý: rào vườn, trồng cỏ, chuối cho heo ăn và cho ăn thêm thức ăn tinh 1 bữa/ngày; phân loại dòng và giống heo để tránh lai cận huyết, bà Vân hy vọng mô hình chăn nuôi mới mẻ này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, dù trang trại mới đầu tư chăn nuôi heo rừng từ đầu năm 2009. Chỉ tay ra vườn về phía đàn heo đang kiếm ăn, bà Vân hồ hởi khoe: “Con heo mẹ đó vừa đẻ một lứa được 16 con. Vậy là từ 10 con ban đầu, bây giờ đàn heo rừng của trang trại đã có hơn 30 con. Với mức giá hiện nay là 150 ngàn đồng/kg đối với heo rừng thịt và 300 ngàn đồng/kg đối với heo rừng giống, dù chưa có thu, nhưng tôi thấy rất khả quan”.

* Tiềm năng và khó khăn

Theo thống kê của UBND huyện An Lão, toàn huyện có 74 hộ đăng ký làm kinh tế trang trại. Trong số này, có nhiều trang trại bước đầu cho hiệu quả cao. Như trang trại chăn nuôi cút của ông Trương Bá Dư (thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa), có diện tích 400 m2, nuôi 7.000 con cút, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Rồi trang trại nuôi heo nái, heo thịt của ông Bùi Hữu Phú (xã An Tân) với quy mô 60-80 con heo thịt/chu kỳ, doanh thu năm 2008 là 620 triệu đồng. Với trang trại tổng hợp, hiệu quả nhất là trang trại mô hình VACR của ông Lâm Thành Xuân (thôn Long Hòa, xã An Hòa), có diện tích 2.000 m2, nuôi bò, gà, cá bống tượng, chình và trồng keo lai.

 

Đường giao thông được đầu tư là một trong những điều kiện cần để An Lão phát triển kinh tế trang trại.

- Trong ảnh: Xe hàng đến tận rẫy của bà con để thu mua mì.  Ảnh: N.H.H

 

An Lão có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về đất đai, rừng. Cùng với sự đầu tư của các chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, hệ thống điện, đường ở An Lão tương đối hoàn thiện. Đây là các điều kiện cần để An Lão phát triển kinh tế trang trại. Mô hình kinh tế này sẽ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai thác và tận dụng được diện tích đất hoang hóa, cải thiện môi trường sinh thái; đồng thời, huy động được lượng vốn trong dân để đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Trang trại phát triển sẽ giúp An Lão giải quyết việc làm cho một lượng lao động đáng kể, nhất là lao động miền núi, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường; đồng thời góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Điều kiện và tiềm lực để phát triển kinh tế trang trại ở An Lão thì đã rõ. Tuy nhiên, cũng như những địa phương khác trong những bước đầu chập chững của mô hình kinh tế trang trại, An Lão đang gặp những khó khăn đáng kể.

Khó khăn chung đầu tiên của các chủ trang trại hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Trong hồ sơ quản lý của Phòng NN-PTNT huyện, chỉ riêng trong năm 2009, số vốn cần vay của các chủ trang trại mà đến giờ ngân hàng vẫn chưa giải ngân là 1,73 tỉ đồng. Thứ đến là việc cấp giấy chứng nhận trang trại. Trong số 74 trang trại đăng ký trên toàn huyện, mới chỉ có 18 trang trại được cấp giấy chứng nhận, và hiện còn 10 trang trại nữa đang có nhu cầu được cấp giấy. Nguyên nhân là bởi quỹ đất sử dụng làm trang trại có nguồn gốc đa dạng, nhiều thành phần kinh tế tham gia, nên phần lớn trang trại chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Đình Thể, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện, nhận định: “Điều này đã khiến các chủ trang trại rụt rè, không dám đầu tư lớn vì đó vẫn chưa phải là đất của mình”.

Vì những lẽ đó mà kinh tế trang trại ở An Lão hiện vẫn chưa thật sự quy mô, đúng tầm tiềm năng và mới dừng ở mức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

* “Bẩy” kinh tế trang trại lên

Để “bẩy” kinh tế trang trại phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế, UBND huyện An Lão đã đưa ra nhiều chủ trương trợ giúp cho nông dân. Bên cạnh việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mới đây, UBND huyện có chủ trương giao cho Phòng NN-PTNT và Phòng TN-MT huyện phối hợp với nhau trong việc thẩm định lại các dự án trang trại và đề nghị để UBND huyện giao quyền sử dụng đất dài hạn (50 năm) cho các hộ làm kinh tế trang trại.

Ông Nguyễn Đình Thể cho biết thêm: “Để tạo điều kiện cho nông dân làm kinh tế trang trại, chúng tôi cấp hồ sơ lập dự án trang trại miễn phí và hướng dẫn họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tham mưu cho UBND huyện giao quyền sử dụng đất dài hạn. Trong năm 2009, đã có 3 hộ làm kinh tế trang trại được giao quyền sử dụng đất dài hạn với tổng diện tích là 13.000 m2. Hiện chúng tôi đang xem xét hồ sơ của 2 hộ khác”.

Cũng theo ông Thể, một điều cực kỳ quan trọng khác để mang lại hiệu quả kinh tế cho trang trại là định hướng đầu tư. Theo đó, huyện An Lão chủ trương hướng các chủ trang trại đầu tư kết hợp chứ không độc canh. Chẳng hạn, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi; trong chăn nuôi thì kết hợp nuôi heo, gà, cá… để chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Về trồng trọt, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế nhất được kiểm nghiệm qua thực tế tại An Lão đến lúc này là cây keo lai (sau 3 lần huyện từng xác định “cây mũi nhọn” nhưng thất bại). Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo, giống cây này chỉ hiệu quả khi trồng trên đất vườn đồi, không nên trồng trên đất màu.  

Rời An Lão, đọng lại trong lòng chúng tôi là hình ảnh về một miền quê nhiều tiềm năng chưa được phát huy hết.

An Lão đã có những trang trại theo mô hình tổng hợp VACR trông nên thơ như một bức tranh, với suối chảy róc rách quanh năm, ao cá, vườn cây ẩn hiện giữa trập trùng đồi núi. An Lão cũng có những trang trại keo lá tràm, keo lai rộng cả chục ha, hứa hẹn những mùa bội thu. An Lão cũng đã có những người mạnh dạn, biết đột phá trong việc tìm tòi những giống vật nuôi mới.

An Lão cần có thêm nhiều mô hình trang trại quy mô và hiệu quả như thế.

  • Nguyên Sương-Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)
Phía sau cơn lũ  (09/11/2009)
“Văn chương là thánh đường của nhân sinh”   (08/11/2009)
Đò ngang mùa lũ  (02/11/2009)
“Cái gì có lợi cho dân, khó mấy cũng quyết tâm làm”   (01/11/2009)
Cuộc đoàn tụ hy hữu  (26/10/2009)
Xuyên rừng đưa thư  (25/10/2009)