Gặp anh ở nhà riêng với bộ thường phục, trông anh nho nhã nên ít ai biết anh là lính công binh thứ thiệt, bất chấp hiểm nguy, gian khó, từng vô hiệu hóa những quả bom nặng gấp trăm lần trọng lượng cơ thể của mình, từng đạp bằng những cơn lũ dữ, cứu hàng trăm người dân đang trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Anh là trung tá Trần Quang Lập - Chủ nhiệm Công binh, kiêm Đội trưởng Đội phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn (PCBL-TKCN), Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với anh.
|
Anh Lập (người thứ 2) và đồng đội hành quân rà phá bom mìn. |
* Tính mạng người dân là trên hết
Trong cơn bão số 11 và kéo theo trận lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn tỉnh, Trung tá Trần Quang Lập và đồng đội đã bất chấp nguy hiểm, kịp thời cứu hàng trăm người dân tại các vùng bị lũ cô lập và đang cận kề với cái chết.
Đến hôm nay, cơn lũ dữ lịch sử đã qua gần một tháng rưỡi. Anh có còn nhớ về “trận chiến” với lũ dữ để cứu dân hôm đó?
- Nhớ chứ! Trong cơn bão số 11 vừa qua, ngay từ buổi sáng ngày 2.11, khi nhận được lệnh triệu tập của Bộ chỉ huy, tôi nhanh chóng có mặt tại vị trí trực để đôn đốc công tác kiểm tra phương tiện, tiếp nhận nhiên liệu và trang thiết bị cứu hộ, chuẩn bị lực lượng và phương tiện có lệnh là lên đường.
Đến 20 giờ 45 phút, lệnh của Bộ CHQS tỉnh điều 2 xuồng đi ứng cứu tại khu vực 2, phường Nhơn Phú (khu dân cư dọc bờ sông Hà Thanh, hạ lưu cầu Diêu Trì) đang bị lũ uy hiếp; 2 xuồng đi ứng cứu tại khu vực Bệnh viện Tâm thần và phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Tôi phân công đồng chí Hạnh - Đội phó, chỉ huy cứu dân khu vực phường Nhơn Bình, còn tôi đi hướng Nhơn Phú.
Rồi chúng tôi đồng loạt xuất quân, 6 xe ô tô kéo 6 xuồng đội mưa, băng trong đêm tối, lúc này đường ngập trên 1m nước. Khoảng 21 giờ 30 phút, chúng tôi đã đến nơi, các phương tiện nhanh chóng được thả xuống nước. Lúc này nước chảy xiết, vừa buông neo là xuồng bị cuốn theo lũ dữ, không cẩn thận và kinh nghiệm là cả người và phương tiện sẽ bị nhấn chìm ngay.
Lúc ấy, cả bầu trời đêm gầm gào trong mưa to, gió lớn, nước lạnh thấu xương, hòa lẫn tiếng kêu cứu của các hộ dân rền rĩ khắp một vùng mênh mông nước và nước. Nguy hiểm lắm, nhưng tính mạng của người dân là trên hết.
Tiếp cận vùng bị nạn, hầu hết người dân đang ngồi trên mái nhà, bụi tre, ngọn cây và đang kêu cứu trong những căn nhà bị nước ngập sâu từ 2 đến 3m không có lối ra. Trong đêm tối các xuồng cứu hộ gặp không ít khó khăn, nguy hiểm như mưa to gió lớn, nước chảy xiết, cây cối bị lũ cuốn trôi theo dòng nước, dây điện, hàng rào, bụi cây…
Bản thân tôi trực tiếp chỉ huy anh em khắc phục khó khăn, nguy hiểm; dũng cảm dùng xuồng mở lối đến cứu dân. Tôi trực tiếp bơi lội trong mưa lũ, đưa nhiều người bị nạn lên tàu an toàn. Suốt đêm mùng 2.11 và cả ngày 3.11, toàn đội (20 người) đã cứu và di chuyển tổng cộng 618 người già, trẻ em, phụ nữ và người đau bệnh đến nơi an toàn.
Đồng đội của anh bảo rằng anh bơi lội cừ khôi lắm và rất chịu lạnh, chịu khó. Còn đối với những tình huống bất lợi thì anh cũng là “số một” trong khâu xử lý. Có phải vì trách nhiệm chỉ huy nên anh phải luyện tập và gương mẫu như thế?
- Nhận kiêm nhiệm đội PCLB-TKCN, bản thân tôi cũng cố gắng tập luyện nhiều. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven sông Hồng (thôn Phù Xa, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ - nay là Hà Nội). Ngay từ tuổi ấu thơ, tôi đã chứng kiến cảnh lũ lụt hung dữ, tàn phá của con sông Hồng. Bởi vậy nhu cầu biết bơi, bơi giỏi để sẵn sàng thích ứng với mưa lũ là điều tất yếu. Thời học sinh tôi là một học sinh chăm chỉ, hòa đồng với bạn bè và rất thích các hoạt động thể dục, thể thao, nhất là môn bơi và cũng có một chút năng khiếu về môn này. Tôi thiên về các môn tự nhiên, nên sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu vào Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật công binh (10.1985). Nhà trường quân đội chính là nơi rèn luyện cho tôi ý chí và kỹ năng.
Trong công tác PCBL-TKCN, những tình huống, kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?
- Tôi vẫn còn nhớ mãi mùa mưa bão năm 2001, lúc đó tôi làm đội phó. Khi cơn bão số 8 đổ vào Bình Định, tôi được phân công ra ứng cứu xã An Hòa (An Lão). Lúc này bão đã đổ vào Bình Định, ngồi trong xe thấy cảnh sấm sét, chớp sáng bầu trời, cây bị bão làm gãy đổ, cột điện gãy đổ, chập điện… tôi không khỏi lo lắng đến tính mạng của bản thân, của nhân dân và lo bão tàn phá nhà mình, lúc đó nhà còn tạm bợ lắm.
Năm đó, 2 con trai tôi còn bé tí, ở nhà chỉ có vợ tôi và bố tôi đã trên 70 tuổi. Đến 5 giờ sáng hôm sau, khi bão tan tôi mới điện về nhà, vợ tôi thông báo nhà bị bão làm bay 4 cửa sổ, nhà ướt hết, các con tôi được một phen hoảng hồn. Vợ tôi trách yêu: “Chẳng lo chống bão nhà mình, toàn đi chống nhà người khác!”.
Trong cơn bão số 11 vừa rồi, tôi cùng 3 đồng đội đã cứu một em bé 2 tháng tuổi. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng ngày 3.11. Khi thấy người dân kêu cứu, tôi lệnh cho đồng chí Trung lái tàu hướng về nơi có tiếng kêu. Khi tàu vào gần đến nhà dân (nhà bị ngập nước đến trên cửa sổ) lúc này nước chảy rất xiết, tàu cố cập vào cây bạch đàn trước nhà nhưng không được. Tôi và đồng chí Lâu nắm lấy cành cây để giữ tàu lại, cành cây gãy, cả 2 đều ngã xuống nước. Chúng tôi phải trở lại tàu và tìm cách cập vào gốc cây.
|
Quả bom nặng trên 7 tấn tại xã An Toàn do anh Lập và đồng đội vô hiệu hóa. |
Từ tàu vào nhà khoảng 6m, chủ nhà dầm mình trong nước từ đêm trước, nhờ di chuyển bé sơ sinh và mẹ cháu bé ra khỏi vùng lũ. Do nước sâu và chảy xiết, người trong nhà không thể lội được. Tôi nhanh chóng quăng dây thừng từ tàu vào nhà, quăng đến 3 lần chủ nhà mới bắt được đầu dây. Tôi bảo chủ nhà buộc chặt đầu dây vào cửa nhà, đầu dây còn lại tôi buộc vào tàu, rồi tôi trườn mình theo dây vào trong nhà, quyết định đưa em bé ra trước. Tôi bảo người nhà lấy chiếc thau lớn, đặt chiếc thau nhôm lên chiếc phao, đặt bé nằm trong thau. Tôi nói anh em trên tàu tập trung đón bé, không được phép sai sót.
Sau đó tôi lặn xuống dưới nước, một tay trượt theo dây đã căng, một tay giữ thau nhôm đưa bé hướng về tàu. Mọi người nín thở, khi trên tàu đón được em bé lên thì cả đồng đội tôi và cha mẹ bé mới thở phào. Đưa được bé lên tàu, tôi quay lại nói mẹ bé trèo lên cổ tôi ngồi, hai tay nắm chặt vào đầu tôi, bố đứa bé bơi theo tôi ra đến tàu.
Khi bình tĩnh lại, mọi người mới thổ lộ với tôi: Anh quyết định như vậy là đúng, nhưng trước cảnh đó ai cũng đứng tim, không dám thở và nếu sơ sẩy một chút là “tiêu” em bé.
Qua đây, cho phép tôi được gửi đến bà con vùng lũ lời chia sẻ; rất mong bà con bị lũ, lụt vừa qua thông cảm, bởi chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng thiên nhiên tàn phá quá nặng nề, điều kiện phương tiện có hạn, lại trong đêm tối và các chướng ngại vật ngăn cản, chúng tôi không thể đưa tàu vào cứu một số nơi bà con bị lũ đe dọa.
* Phải thắng hiểm nguy để mọi người được an toàn
Không chỉ dũng cảm, mưu trí trong PCBL-TKCN, trung tá Trần Quang Lập còn là người biết làm cho vô số bom mìn tồn đọng sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh phải vĩnh viễn “im lặng”. Anh bộc bạch:
- Là một sĩ quan học chuyên ngành Công trình công binh, bản thân được trang bị kiến thức về bom mìn - vật nổ và chất độc. Sau khi ra trường, tôi được điều động về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Bình Định. Đây là nhiệm vụ nguy hiểm, độc hại và rất vất vả. Nhiệm vụ xử lý bom mìn - vật nổ yêu cầu người trực tiếp xử lý phải nắm vững cấu tạo, tính năng và nguyên lý vận chuyển của từng loại bom, đạn, mìn - vật nổ; bình tĩnh, tự tin và thao tác đúng trình tự. Chỉ cần người xử lý run tay, mất bình tĩnh hoặc thiếu thận trọng là có thể xảy ra mất an toàn, nguy hiểm tới tính mạng bản thân, người khác và các công trình xung quanh.
Bản thân tôi tích cực tìm tài liệu và học hỏi kinh nghiệm của đồng đội, ghi chép cẩn thận và tự rút kinh nghiệm, dần dần tích luỹ được những kinh nghiệm trong việc nhận dạng từng chủng loại bom mìn, đạn, vật nổ; nắm vững nguyên lý cấu tạo, đề ra biện pháp vận chuyển, sắp xếp và xử lý huỷ nổ an toàn.
Buổi tối ngày 2.11, trước khi đi làm nhiệm vụ, tôi chỉ kịp điện về cho vợ vỏn vẹn một câu: “Anh đi cứu dân đây!”. Quá trình làm nhiệm vụ do xuống nước cứu dân nên cả 2 chiếc điện thoại của tôi đều bị hư, không thể liên lạc được, vợ con tôi ở nhà lòng như lửa đốt. Anh em trên tàu cũng đều trong tình trạng như tôi. Do mải cứu dân nên cũng không ai nghĩ đến chuyện mượn điện thoại, điện về nhà cho vợ khỏi lo. Khi lao vào công tác cứu dân thì nó như vậy đấy! |
Chỉ tính từ năm 1996 đến hết năm 2006, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Công an Bình Định và cơ quan quân sự các huyện, thành phố thu gom, xử lý an toàn trên 199.214 bom mìn, vật nổ các loại, tương đương 197.332 kg, nhưng chưa xảy ra sự cố nào đáng tiếc.
Được biết, anh đã từng tham gia xử lý một trong 5 quả bom khổng lồ mà Mỹ thả tại Đông Dương. Việc xử lý quả bom nguy hiểm này như thế nào?
- Đó là quả bom phát quang tại đỉnh núi thuộc xã An Toàn, huyện An Lão. Tôi đã cùng lực lượng công binh của Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh và lực lượng Quân khu xử lý quả bom khổng lồ này.
Với độ cao trên 1.000m; đường đi từ xã An Toàn tới vị trí quả bom mất 3 tiếng đồng hồ. Lên tới đỉnh núi người tôi toàn máu chảy vì bị vắt cắn nhưng vẫn không ớn bằng lúc nhìn thấy quả bom quá khủng khiếp, chiều dài 2,95m, đường kính nơi to nhất là 1,15m, nặng trên 7 tấn. Quả bom này chúng tôi xử lý gần 1 tháng mới xong. Khi tháo gỡ xong, chúng tôi lấy thuốc nổ được gần 4 tấn. Đây là 1 trong 5 quả bom Mỹ thả tại Đông Dương. Tính đến năm 2006 chúng tôi đã phát hiện và xử lý an toàn 2 quả bom to như thế này, trong đó quả kia phát hiện và xử lý tại Gia Lai năm 2005.
|