Từ bao đời nay, ở những làng dừa, việc hái dừa và “vệ sinh” cho dừa hằng năm là “chuyện” của cánh đàn ông. Mỗi làng có vài người chuyên nghề hái dừa là những người có sức khỏe, kinh nghiệm và không sợ độ cao. Thế nhưng, nhiều năm qua, ở Hoài Nhơn, đã có không ít chị em tìm đến với nghề: mua dừa trực tiếp trên ngọn cây!
|
Chuẩn bị dây dụ dừa và nài để trèo dừa.
|
* Cùng đường, theo nghiệp trèo leo
Từng nghe nhiều câu chuyện về những người phụ nữ hái dừa, muốn “tận mục sở thị”, chúng tôi tìm về thôn Song Khánh, xã Hoài Xuân, nơi hiện có 5 người phụ nữ thường ngày lặn lội tìm kế sinh nhai trên những ngọn dừa cao chót vót.
Đợi mãi đến gần 8 giờ tối, chị Nguyễn Thị Liên mới trở về mái ấm của mình sau một ngày làm việc cực nhọc. Dáng người cao gầy, nước da tai tái, chị Liên bồi hồi kể lại con đường dẫn chị đến với nghề mạo hiểm này. Hồi xưa, nhà chị nghèo xơ xác. Năm 18 tuổi, cha mất, là chị cả trong nhà, chị cùng mẹ gặt thuê, cấy mướn, nuôi 3 em nhỏ. Năm 21 tuổi, chị có chồng, rồi ra riêng, tài sản chẳng có gì ngoài mấy cây dừa và một ngôi nhà tranh vách đất. 6 năm sau, anh chị đã có 3 đứa con. Cuộc sống đã nghèo lại càng cùng cực khi chồng chị lâm bệnh gai cột sống, không đảm đương nổi việc nặng nhọc. Vậy là, chị trở thành trụ cột gia đình.
Ở quê, hầu như nhà nào cũng có vài chục cây dừa, nguồn thu nhập từ dừa không nhỏ đối với người dân thôn quê. Thế nhưng, khi cần vài quả dừa để làm quà hoặc để nấu xôi trong những ngày giỗ chạp, chưng mâm ngũ quả ngày Tết, nhà neo người, họ chỉ biết đứng nhìn. Bực hơn nữa là khi những vườn dừa đúng kỳ thu hoạch (thường là tháng 4 và tháng 7 âm lịch) bà con phải cất công mời gọi nhiều lần mới có một tay buôn dừa đến vặt quả. Giá cả và cách tính sa cạ sau khi đã bóc vỏ xong là do họ quyết định, đôi khi thấp 2 lần giá thị trường. Biết vậy, nhưng bà con cũng đành phải bấm bụng bán cho họ bởi dừa không bán được sẽ khô dần, rụng từng trái xuống, rất nguy hiểm cho người lớn và trẻ con. Tiếc của và bức xúc trước kiểu bắt chẹt của những tay buôn dừa, lại chưa có việc làm ổn định, chị Liên bắt đầu vào nghề.
Và cũng chính hoàn cảnh túng bấn đã đẩy chị Võ Thị Thơm, 47 tuổi, đến với nghề này. Gia đình chị sống trong căn nhà xập xệ, dột nát, bốn bên là những hàng gạch xỏ lỗ bằng cọng tre. Phía trước là căn phòng xây bởi tiền hỗ trợ của Nhà nước, được ưu tiên cho người mẹ già. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các cháu rất ngoan hiền chịu khó học và siêng năng giúp đỡ cha mẹ. Năm 2001, con gái đầu đậu đại học, vợ chồng chị cầm cố 2 sào đất vườn lấy 4 chỉ vàng lo cho con nhập học, rồi chồng chị theo con vào TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ nuôi con. 4 năm sau, con trai chị đậu vào Trường Đại học Nông Lâm, chị bán luôn 3 sào ruộng còn lại của gia đình. Không còn tấc đất cắm dùi, cuộc sống gia đình chị như đi vào ngõ cụt. Chính lúc ấy, chị Liên xuất hiện, hướng dẫn chị Thơm vào nghề mua dừa, hái dừa…
Ngoài chị Liên, chị Thơm, ở Song Khánh còn có chị Vân, chị Thảo, chị Sánh theo nghề trèo dừa. Mỗi người mỗi cảnh đời, nhưng tất cả đều có một điểm chung là quá nghèo, phải dấn thân vào cái nghiệp trèo leo...
|
Chị Thơm trên thân dừa cao gần 20 mét.
|
* Bán mặt cho... ngọn dừa
Những ngày đầu, chị Liên tập hái dừa trong vườn nhà của mình bằng thang tre. “Lúc đầu, trèo lên tới ngọn cây, nhìn xuống thấy sợ vô cùng, nhưng riết rồi quen. Sau đó, tôi chọn những cây dừa thấp để leo bộ bằng nài, rồi cẩn thận tìm cách bám bẹ leo lên ngọn. Thao tác này rất khó và nguy hiểm, nếu sơ ý, níu phải tàu dừa khô, giòn hoặc bị mục vì ủng nước, thì té như chơi. Lúc đầu, vì còn nhút nhát, nên khi leo cả thân mình tôi phải bám chặt vào thân dừa. Hái xong một vài cây thì từ ngực đến chân đều rướm máu đỏ tươi, đau rát có khi đến cả tuần mới khỏi”- chị Liên nhớ lại.
Thường ngày uống những trái dừa xiêm ngọt mát, ít ai biết rằng, hái dừa xiêm cực gấp đôi, gấp ba hái dừa ta. Dừa xiêm không thể chặt nguyên buồng cho dừa rơi xuống, mà phải “dụ”. Khi leo lên ngọn dừa, thợ hái dừa buộc vào mình một sợi dây. Chọn được buồng dừa cần hái, họ lấy một đầu dây buộc vào buồng dừa, rồi chặt tay buồng. Một người đứng dưới đất thả dần đầu dây bên kia cho buồng dừa từ từ hạ xuống. Nghe thì đơn giản, song thực hiện từng ấy động tác trên những ngọn dừa cao vút, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, khéo léo và cả sức khỏe dẻo dai nữa…
Ngày nào cũng vậy, khi tiếng loa truyền thanh xã phát lên, chị Liên đã trở dậy, ăn uống qua loa, rồi tất tả lên đường. Chiếc xe đạp cũ kỹ chở túi đồ nghề là một chiếc rựa con cán ngắn và một đoạn dây thừng dài cỡ hơn 20m. Những buồng dừa xiêm tròn trĩnh được chị Liên dạo mua trong làng, trong xóm; rồi lại cần mẫn chuyển lên phố bán. Dừa xiêm có quanh năm, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, lại không có “đối thủ” cạnh tranh, nên việc mua bán cũng thuận lợi. Thu nhập của chị cũng dần ổn định, đủ trang trải chi phí gia đình và lo cho 3 con ăn học.
Mỗi nghề mỗi nghiệp, mỗi tai ương rình rập khác nhau. Nhiều năm dấn thân vào nghiệp trèo leo, chị Liên bộc bạch: “Nguy hiểm nhất là vào mùa mưa, thân dừa trơn nhớt, rất khó bám, không cẩn thận, trượt ngã như chơi. Đó là chưa kể những tai nạn bất ngờ như bị ong vò vẽ, kiến nhọt tấn công, hay vô tình quệt phải sâu nái ẩn mình dưới lá dừa xiêm. Trong mấy chị em chúng tôi, có người từng bị ong đốt phải cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh…”.
|
Cùng chiếc xe dừa, rong ruổi khắp nơi...
|
* Vĩ thanh
Gần chục năm trong nghề, có mặt ở khắp vùng quê trong huyện để mua bán dừa, chị Liên có nhiều kinh nghiệm để giữ mối khách hàng. Nhiều người cần vài quả dừa để sử dụng riêng, chị vui vẻ hái giùm chứ không lấy tiền công. Mỗi lần hái dừa, sau khi hoàn thành công việc của mình, chị còn nán lại để chặt dọn những tàu lá, buồng dừa khô, làm sạch ngọn để dừa nhanh ra buồng mới. Việc làm ấy tuy nhỏ, nhưng tạo ấn tượng cho gia chủ, nên chị được nhiều nhà vườn ưu tiên gọi đến bán dừa. Giờ đã gần năm mươi tuổi, cuộc sống bớt phần khó khăn, con cái trưởng thành, chị định “giải nghệ”, nhưng thấy nhiều chị em trong thôn có hoàn cảnh khổ cực, nên chị vẫn lại “truyền nghề” cho họ.
Những ngày đầu vào nghề, chị Thơm được chị Liên dìu dắt, hướng dẫn. Ban đầu, chị Liên chưa dám cho chị Thơm trèo hái dừa trên cây, nhưng đồng lời kiếm được hàng ngày, chị vẫn vui vẻ chia hai, không chút so bì. “Sau hơn một năm đi theo chị, tôi mới bắt đầu tập leo những cây dừa thấp. Lúc nào, chị cũng gánh phần nặng về mình…”- chị Thơm xúc động kể.
Là phụ nữ, lại làm cái nghề leo trèo, song các chị không hề bị dị nghị. Ông Ba Anh, một chủ vườn dừa xiêm có tiếng ở Hoài Xuân, chia sẻ: “Chỉ có quá túng bấn, không còn con đường làm ăn nào khác, nên họ mới liều vậy, chứ phụ nữ lâu nay có ai làm nghề này đâu! Trong chuyện mua bán, chúng tôi cũng không nỡ so đo làm gì. Nhiều người còn kêu họ đến, cho hái dừa chịu, bán rồi trả tiền sau”.
Họ, những người phụ nữ ngày ngày vật lộn trong cuộc mưu sinh, cần mẫn làm việc như con ong, con kiến. Trên những ngọn dừa, họ chấp nhận đánh đu với những rủi ro; đồng tiền họ kiếm được thấm đẫm mồ hôi, đôi khi là cả máu. Gặp họ, tận mắt chứng kiến cái cảnh họ xỏ nài, gập người ôm thân dừa trèo lên và đẩy xe dừa rong ruổi trên khắp ngả đường, mới hiểu rằng, giữa cuộc sống ngày một đi lên, còn biết bao mảnh đời cơ cực, gian nan…
|