ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN THÁI ANH KIA:
Người hai lần ra trận
8:50', 20/12/ 2009 (GMT+7)

Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia.

Hết chiến tranh, đồng đội nghỉ ngơi, còn ông lại ra trận lần nữa - trên một mặt trận hoàn toàn mới: chống buôn lậu. Đó là cuộc chiến không đạn bom song vẫn có thể làm người ta “chết”. Nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Thái Anh Kia vẫn ngẩng cao đầu ca khúc khải hoàn.

* Người có khiếu đánh giặc

Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia vừa từ TP Đà Nẵng về, sau cuộc gặp mặt các anh hùng và tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức ngày 16.12. Hơn lúc nào hết, những ngày này, ký ức hào hùng năm xưa lại ùa về trong ông, khiến ông không khỏi bồi hồi xúc động. Ông chậm rãi kể:

- Tôi sinh năm 1945 tại thôn An Giang, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) trong một gia đình đông con, nghèo, có truyền thống cách mạng. Những dấu ấn tuổi thơ và thời hoa niên của tôi là: lúc nhỏ đi ở đợ cho địa chủ kiếm cơm ăn, lớn chút được cha cho đi học vì: “Con đi học kiếm ít chữ để sau này người ta khỏi đè đầu cưỡi cổ con”. 17 tuổi tôi tiêu diệt được tên ác ôn khét tiếng tên Triều ở Mỹ Đức. Sau sự kiện này, bị lộ, tôi thoát ly gia đình lên núi tham gia cách mạng.

Lên núi, tôi được cho đi học trinh sát, rồi được đi học y tá, y sĩ. Tổng cộng trong kháng chiến chống Mỹ, tôi tham gia 104 trận đánh lớn nhỏ, bị thương 11 lần với 22 vết thương trên cơ thể. Năm 1972, tôi được đề nghị và năm 1976 được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND.

 

Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các anh hùng, chiến sĩ thi đua các tỉnh bạn. Ảnh tư liệu

 

* Trong hơn 100 trận đánh ấy, ông nhớ nhất trận nào?

- Đó là trận đánh bảo vệ thương binh tại Bệnh xá K208 ở núi Da Két (huyện Phù Cát) năm 1969. Lúc đó tôi là chuẩn úy, y sĩ Tiểu đoàn 52, bị thương và được cấp trên cho ra Bắc điều trị, nhưng tôi xin ở lại miền Nam chiến đấu. Thế là tôi được đưa về Bệnh xá K208.

Khi tôi đến, K208 đang bị lính Mỹ vây đánh. Dưới sức tàn phá của bom và pháo địch, cả một cánh rừng già núi Da Két và nhiều gộp đá trở thành cánh đồng trống. Các thương binh nhẹ đã được đưa về phía sau, chỉ còn lại hơn 30 người ở hang đá, gồm các thương binh nặng và y tá, y sĩ, tổ bảo vệ. Đánh nhau 5-6 ngày, địch không vào hang được, nhưng chúng tôi cũng hết đạn, đành phải rút vào sâu trong hang đá. Địch đặt một khẩu đại liên tại cửa hang, ngay chỗ làm bàn ăn và lấy nước của Bệnh xá. Không cách nào khác, tôi bàn với anh em tổ bảo vệ phải đánh bật chúng ra khỏi hang để lấy nước và thực phẩm cứu thương binh. Cả tổ còn duy nhất một quả lựu đạn, tôi quăng lên, lựu đạn nổ, anh em trong tổ nhào ra lấy được khẩu đại liên với một băng đạn, 2 khẩu AR15 và mấy thùng đạn. Có vũ khí, chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu. Trong lúc này, tôi vừa chiến đấu lại vừa cấp cứu cho đồng chí Ngô Tiến Trí - Chính trị viên Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 12, Sư đoàn 3) - bị thương nặng và chưa đưa vào hang phía trong được.

Rồi chúng tôi hết đạn, địch chiếm lại hang lần thứ hai. Với nghiệp vụ trinh sát, tối tối, tôi bò lên lấy nước và đồ hộp của bọn chúng mang về cho thương binh ăn. Ròng rã 1 tháng như thế, cho đến một lần, tôi bị bắt và bị đánh tơi bời. Lợi dụng lúc chúng mất cảnh giác, tôi cướp được một khẩu súng của chúng và bắn lại rồi nhảy xuống hang, thoát chết trong gang tấc. Sau đó, chúng dùng thuốc nổ đánh bay lớp đá còn lại, nhưng chưa tới hang giấu thương binh, nên chúng nghĩ rằng ở đây không còn ai và rút đi.

Sau trận đánh này, chuẩn úy Thái Anh Kia được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua ở Quân khu 5 và được báo cáo điển hình. Tướng Đoàn Khuê, Tư lệnh trưởng Quân khu 5, nhận xét: “Cậu có khiếu đánh giặc hơn là khiếu chuyên môn”. Vậy là sau đó, thay vì được cho đi học bác sĩ như dự kiến, ông được cử đi học chính trị viên tiểu đoàn. 

 

Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia (bìa trái) tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Trung - Trung Bộ năm 1975. Ảnh tư liệu

 

* Ra trận giữa thời bình

Sau giải phóng, Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia về làm Chính trị viên Bệnh xá K200, rồi Chính trị viên phó Thị Đội Quy Nhơn, Phó Chỉ huy trưởng chính trị Thành Đội Quy Nhơn. Do hoàn cảnh gia đình có mẹ già bệnh tật, vợ là thương binh, con còn nhỏ, năm 1990, ông xin chuyển ngành để có điều kiện giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Lần lượt, ông được phân công giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Quy Nhơn, Phó Ban trực Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu tỉnh, Phó Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường. Cuối năm 2006, ông nghỉ hưu.   

* “Trận đánh” chống buôn lậu nào làm ông nhớ nhất?

- Đó là vụ bắt 38 xe ô tô nhập lậu, vụ 12 ngàn bộ linh kiện xe gắn máy, vụ 171,5 kg đá quý, vụ bắt trên 400 đầu video và tivi… Bây giờ, tôi vẫn còn lưu giữ hồ sơ của các vụ đó. Có một chuyện đáng nhớ. Hồi đó, nạn buôn lậu hàng điện tử trên biển ở Hải Minh hoành hành ghê gớm. Khi nhận nhiệm vụ, tôi quyết định không cho nhân viên đuổi bắt buôn lậu trên đường phố như trước đó họ vẫn thường làm. Có một số lãnh đạo không đồng tình và gọi tôi lên hỏi. Tôi trả lời: nếu đã giao nhiệm vụ cho tôi thì hãy để tôi được quyền quyết định; đuổi bắt trên đường chỉ làm rối thị trường, dễ gây tai nạn mà lại không đánh trúng ổ buôn lậu vì đó chỉ là người chở thuê. Mà tôi thì muốn đánh tận gốc. Và sau đó, chúng tôi đã đánh trúng ổ, lần thu 200, lần 300, lần 400 tivi và đầu video.

Nói ra thì đơn giản vậy, nhưng đó là cả một quá trình đấu tranh quyết liệt, vô cùng căng thẳng. Nhiều người bảo tôi lại “ra trận” một lần nữa. Đấu tranh chống buôn lậu là một cuộc chiến không ranh giới địch - ta, không đạn bom, nhưng ác liệt vô cùng. Có những lúc tôi bị “vây” đến điêu đứng, bị các thế lực đen tối tìm mọi cách để “trị” đến mức tôi tưởng mình không đứng nổi. Nhưng tôi đã không gục ngã. Được cái Huân chương Lao động hạng 3 không phải dễ đâu (cười).

Nói đến đây, Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia lấy quyển hồi ký, rồi lần giở từng trang. Này là những trận đánh đáng nhớ, những kỷ niệm thời “nhảy núi”... Quyển hồi ký đã dày quá nửa và đang dừng lại ở tiêu đề “Cuộc chiến trong thời bình”. Với ông, đó cũng là một thời không thể nào quên, bởi ông lúc đó cũng nổi tiếng không kém những trận đánh buôn lậu lớn mà mình chỉ đạo. Ông nổi tiếng vì đã khéo léo và dũng cảm làm đúng các nguyên tắc, nhiệm vụ, chức trách của một người được giao nhiệm vụ chống buôn lậu. Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,Bộ Thương mại và Du lịch, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu Trung ương, UBND tỉnh dành cho ông đã nói lên điều đó.

* Thế còn với những cám dỗ vật chất, hẳn đó cũng là một cuộc chiến gay go chứ, thưa ông? Và đã khi nào ông “thất thủ” chưa?

- Như tôi đã nói, đấu tranh chống buôn lậu là một cuộc chiến không có ranh giới, có khi ta chiến đấu với chính đồng đội cũ của mình, với bạn thân của mình. Nhưng với bản chất của một người lính, tôi giải quyết mọi vấn đề một cách sòng phẳng, với bất kỳ ai, dù biết rằng làm thế thì mình không được lòng một số người, lại còn bị mất bạn. Mặt khác, nếu vợ tôi (vợ tôi cũng từng là bộ đội, là đảng viên) mà không kiên quyết từ chối quà cáp hối lộ, thì chắc tôi cũng “chết” rồi. Tôi đứng vững còn là nhờ hậu phương nữa.

 

Anh hùng LLVTND Thái Anh Kia đang viết hồi ký đời mình.

 

* Trên hết là Đảng, là dân

* Nghỉ hưu rồi, ông lại tham gia công tác địa phương, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Dường như, ông vẫn còn sung sức lắm?

- Tôi chưa nghỉ ngày nào mà (cười). Mình còn sức khỏe thì còn đóng góp cho cách mạng, đến hơi thở cuối cùng mới thôi.

Tôi tham gia công tác cựu chiến binh vì trách nhiệm. Tôi muốn truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy mãi mãi, không chỉ trong đội ngũ cựu chiến binh mà còn trong thế hệ trẻ, trong đó có con cháu cựu chiến binh, để các cháu nối gót cha ông bảo vệ vững chắc Tổ quốc mình.

* Ông đã đi qua ranh giới giữa cái sống và cái chết, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vậy ông tâm niệm điều gì cho mình?

- Chiến tranh chống Mỹ và đấu tranh chống tệ nạn xã hội (buôn lậu) đều ác liệt, nhưng chống buôn lậu ác liệt, căng thẳng hơn nhiều. Đó là cuộc chiến không bom đạn nhưng có những “viên đạn bọc đường”, là cuộc chiến trong tư tưởng về giàu - nghèo, là cuộc chiến có khi với cả đồng đội cũ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào, tôi cũng giữ được mình. Trên hết là Đảng, là dân, còn bản thân có mất mát, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Tôi nghĩ, hiện nay còn nhiều đồng chí hy sinh mà gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt, thì mình như thế này là hạnh phúc lắm rồi.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

  • Nguyên Sương (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)
Phía sau cơn lũ  (09/11/2009)
“Văn chương là thánh đường của nhân sinh”   (08/11/2009)
Đò ngang mùa lũ  (02/11/2009)