Nhắc đến cá chua, người ta nhớ ngay đến một loại đặc sản của Phù Mỹ. Thế nhưng, Phù Mỹ chỉ có nghề nuôi cá chua còn cá giống thì xuất xứ ở cửa biển Đề Gi thuộc xã Cát Khánh của huyện Phù Cát. Người Phù Mỹ có công làm nên “tên tuổi” cá chua. Nhưng để đưa loại cá này “đi xa” thì chưa ai nghĩ đến…
|
Cá chua mạnh mẽ là vậy, nhưng khi mắc lưới tróc vảy là chết liền...
|
* Cá không biết... đẻ
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trương An, 66 tuổi - người đầu tiên nuôi cá chua - ở thôn An Hoan, xã Mỹ Chánh và phải ngồi đợi một lúc vì ông bận đi thăm đìa. Theo lời ông An, nghề nuôi cá chua, được bắt đầu từ thời thuộc Pháp do ông nội của ông là Trương Giáp khởi xướng. Ông Giáp làm nghề thu mua muối và nhập muối về Sở Đề Gi. Chính ông đã phát hiện ra con cá chua con bằng chân nhang và vớt về nuôi thử. Từ đó nghề nuôi cá chua truyền đời trong gia đình ông.
Năm 15 tuổi, ôâng An theo nghề của cha và ông, xuống Cát Khánh bắt cá chua bột về nuôi. Vào mùa hè, nguồn nước trong đầm Đề Gi chảy ra cửa biển cạn dần. Nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi cửa biển thành một vùng nước lợ rộng lớn. Khi những cơn gió nam bắt đầu thổi nhẹ, đẩy những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ mang theo những đám bọt biển nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trong đám bọt biển ấy, có hàng triệu triệu những con cá nhỏ li ti như sợi tóc, trong suốt. Người tinh mắt nhận biết được là nhờ chấm đen, là 2 con mắt cá. Khi nước xuống, bọt biển mang theo cá chua bột mắc kẹt tại những hố, hóc xung quanh Đầm. Nhiều nhất là ở xóm Khe, thuộc thôn An Quang, xã Cát Khánh. Người bắt cá chua bột có một vài tấm đăng, gồm nhiều thanh tre hoặc nứa, cao khoảng nửa mét, dài 5-10 mét để quây cá lại. Sau đó, lấy rổ vớt và trút cá vào thau. Có những thời điểm mỗi buổi ông An bắt được 5.000 con cá chua bột.
Rồi cái thời đi bắt cá chua bột về nuôi cũng qua đi do người nuôi cá chua nhiều lên, việc đi bắt không còn dễ dàng như trước nữa, nhất là khi dân địa phương biết đến giá trị của con cá chua. Ông An vẫn còn nhớ như in cuộc ẩu đả vì tranh giành cá chua con với người dân ở Cát Khánh từ năm mới giải phóng, phải nhờ đến lực lượng biên phòng can thiệp, ông mới thoát. Không bắt được cá bột thì mua. Thời điểm này, cá chua bột có giá 600 đồng/con. Mà cái con cá chua này cũng thật lạ kỳ, chẳng biết chúng sơ sinh từ đâu chứ cá nuôi lớn lên đều không có trứng và đẻ con. Do vậy để người nuôi cứ phải phụ thuộc vào biển cả…
Ông An mua cá chua bột về nuôi thành cá con để bán giống cho những người nuôi cá thịt trong vùng. Hiện, ông đang nuôi khoảng 10 ngàn con cá giống. Từ con cá chua bột bé bằng sợi tóc, mua với giá 600 đồng/con, bây giờ nuôi đến tháng giêng, mùa thả cá, ông bán được 2.000 đồng/con. So ra, nuôi cá giống lãi hơn nhiều so với nuôi cá chua thịt.
|
Việc mua- bán cá chua diễn ra từ 4 giờ sáng tại các chợ ở xã Mỹ Chánh.
|
* Cá chua ra chợ
Ông An có khoảng 4-5 ha ao, đìa nuôi cá và làm muối. Cá chua được ông nuôi quanh năm, theo hình thức nuôi tự nhiên và công nghiệp. Cá chua nuôi tự nhiên, không phải cho ăn, cá lớn nhờ rong rêu. Để cá lớn chừng nửa kg, đìa màu mỡ chỉ phải nuôi khoảng 6 tháng còn đìa kém màu mỡ có khi phải mất gần năm. Theo ông An, nuôi bằng thức ăn công nghiệp, cá lớn nhanh, nhưng ăn con cá không ngon bằng nuôi tự nhiên. 1 ha đìa nuôi thả tự nhiên được khoảng 500 con. Nhưng với chừng ấy diện tích, có thể nuôi 1.000 con nếu cho ăn thức ăn công nghiệp.
Xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát là những vùng nuôi cá chua lớn ở huyện Phù Mỹ. Ông Trần Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết xã có 7 thôn có nghề nuôi, trồng thủy hải sản, với khoảng 500 hộ dân, sử dụng 197 ha diện tích mặt nước. Trong đó, có khoảng 30 hộ nuôi cá chua với sản lượng 20 tấn cá/năm. Ông Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, cũng cho biết: xã có 45 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, thì có 10 ha chuyên nuôi cá chua, hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá rô phi, hàu... Cá chua dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, lại không ăn tạp nên rất sạch. Khi nuôi kết hợp, cá bơi nhanh, tạo sóng cho tôm khỏe, lại tận dụng được thức ăn thừa của tôm.
Cá chua chủ yếu bán tại các chợ ở Phù Mỹ và trong tỉnh. Các chủ đìa vớt cá từ 3 giờ sáng bán cho các đầu nậu hoặc trực tiếp đem đến chợ ở xã Mỹ Chánh để bán sỉ. Các chợ này bắt đầu họp lúc 4 giờ sáng. Có đến hàng trăm người tham gia mua bán trong màn sương đêm chưa kịp tan. 5 giờ sáng, hoạt động mua bán sỉ kết thúc. Cá chua theo các đầu nậu tỏa về các chợ trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh - một đầu nậu - ngồi nán tại chợ để bán cho hết mấy con cá chua còn dư lại, kể: “Trước đây, cá chua chỉ dùng trong các đám giỗ, đám tiệc nên mỗi ngày, tui chỉ bán được khoảng 50 con. Còn bây giờ, tôi bán khoảng 3 tạ cá/ngày. Cá mua ở các đìa, có giá từ 40-50 ngàn đồng/kg, tuỳ theo loại - 3 con một kg hay nửa kg một con trở lên”. Mỗi kg cá, chị Phượng bỏ bạn hàng cao hơn “hai giá”. Tính ra, mỗi buổi sáng chị cũng lời được vài trăm ngàn đồng.
Cá chua chỉ có một con đường đến chợ và vào các nhà hàng. Dọc con đường chữ U bọc quanh các xã ven biển của Phù Mỹ, những nhà hàng nổi bán hải sản tươi sống khá dày. Buổi trưa, chúng tôi ghé quán Gió Biển gọi một con cá chua hấp, ăn với bánh tráng, rau sống. Cá được chủ quán mua, rồi thả luôn dưới làn nước sông dưới chân quán nên tươi rói, ngọt ngào. Cái món đặc sản này sẽ thật “tuyệt cú mèo” nếu không phải ngừng ăn… để gỡ xương dăm, tuy chỉ mềm như sợi cước. Phải chăng, đó cũng là “điểm yếu” làm cho con cá chua ngọt ngào của đầm Đạm Thủy (đầm Đề Gi) chưa thể đi xa hơn…
Ròng rã một ngày, vẫn chưa có được hình ảnh cho bài phóng sự. Chúng tôi tìm đến đìa cá của anh Phùng Việt Hưng, 39 tuổi, ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành và đề nghị anh vớt cá để… chụp hình. Người nông dân mang nét khí khái, ngang tàng, hào hiệp của người vùng biển này đã đồng ý “cái rụp” và vui vẻ vác lưới ra hồ bắt cá, dù anh đã vớt bán lúc sáng sớm nay. “Cá chua mạnh mẽ là vậy, nhưng khi mắc lưới, tróc vảy là chết liền. Cá khi đã để lạnh, mắt đỏ, sụp xuống là ăn không ngon”- anh Hưng cho biết. Mẻ lưới đạo diễn để chụp ảnh, anh Hưng vừa tung xuống hồ đã “dính” liền 4 chú cá chua, mỗi chú tầm nửa kg. Anh Hưng gỡ cá trong lưới, bỏ vào bao và đem tặng hết cho chúng tôi. Mặc dù, còn phải tiếp tục đi nữa, nhưng thấy anh Hưng nhiệt tình quá, chúng tôi không thể chối từ.
|
Phải chăng, với “điểm yếu” nhiều xương dăm, làm cho con cá chua ngọt ngào chưa thể đi xa?
|
* Mặn, ngọt... cá chua
“Giàu nghèo một lẽ cá chua
Biết đâu thắng, biết đâu thua hỡi mình”.
Ba đời làm nghề nuôi cá chua, ông An luôn tự hào về cái nghề đã mang lại cuộc sống nhàn nhã, thong thả cho cả đại gia đình, tuy chưa làm cho ông giàu lên được. Nuôi cá chua, vào cái thời của ông nội ông, đơn giản lắm. Cá đã thả xuống là chắc ăn. Giờ khó nuôi hơn, vì môi trường luôn ẩn họa nhiều dịch bệnh. Muốn nuôi cá thành công, phải nắm được quy luật sinh trưởng và phát triển của con cá, trong từng giai đoạn... Ông An cảm thấy tiếc vì mình đã không đủ kiến thức khoa học để có thể làm ăn lớn hơn.
Tuy vậy, tài sản lớn của ông là 2 đứa con trai, một đã tốt nghiệp đại học kinh tế, một đại học thủy sản. Cậu con trai nhỏ- Trương Truyền, 29 tuổi, học ngành thủy sản về, đang giúp cha thực hiện ước mơ còn dang dở về nghề nuôi cá chua. Ông An giao hẳn 5 sào đìa cho con để nuôi thử nghiệm cá chua bằng cả kinh nghiệm truyền thống cộng với những kiến thức khoa học mà thế hệ con cháu tiếp thu được. Ông An lui về và coi mình như người mở đường cho con cháu đi. “Thằng nhỏ biết đầu tư kỹ thuật vào nuôi cá nên hiệu quả đã tăng gấp đôi, gấp ba so với cách nuôi truyền thống. Thấy cháu mê con cá của quê nhà, tôi rất vui. Tôi già rồi, việc mở rộng và phát triển nghề nuôi cá chua ra sao, đều hy vọng vào thế hệ của nó”- ông An nói.
-
Bài: Quỳnh Hoa
-
Ảnh: Xuân Lộc |