Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
7:55', 27/12/ 2009 (GMT+7)

Nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản, trải qua nhiều vị trí công tác, hiện tại là Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT), ông Võ Đình Tâm đã góp phần đưa nhiều quy trình sản xuất con giống, nhiều mô hình khuyến ngư mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững…

 

Ông Võ Đình Tâm (bên trái) đang cùng các cộng sự vớt cá bột- kết quả của đề tài “Sản xuất thương phẩm cá rô phi đơn tính dòng Gift”. Ảnh: h.x
 

* Mang đến nhiều lựa chọn mới cho người NTTS

Tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang năm 1983, đã có 26 năm gắn bó với ngành thủy sản, từng giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định, ông Võ Đình Tâm cùng các cộng sự đã nghiên cứu, tiếp nhận và xây dựng nhiều quy trình sản xuất con giống của các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: cua xanh, chình bông, cá chua, cá rô phi đơn tính dòng GIFT, cá bống tượng… đáp ứng được nhu cầu NTTS trong tỉnh. Thành công của các nghiên cứu này mang đến cho người dân nhiều lựa chọn hơn trong NTTS, chủ động được nguồn con giống…

Vừa nghiên cứu, vừa làm công tác khuyến ngư, ông Võ Đình Tâm đã cùng các cán bộ của Trung tâm Khuyến ngư và nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định triển khai nhiều mô hình khuyến ngư có hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Tâm nguyện của ông là nghiên cứu, thực nghiệm có hiệu quả các giống thủy sản phù hợp, có giá trị kinh tế cao… để giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu từ NTTS.

Xin ông cho biết lý do Trung tâm chọn hướng nuôi tôm xen với một số giống thủy sản khác để khuyến cáo đến người NTTS trong tỉnh?

- Đầu năm 2000, nghề nuôi tôm ở tỉnh ta bắt đầu phát triển, mang lại lợi nhuận khá lớn cho người dân. Tuy nhiên, đến những năm 2003, 2004, dịch bệnh tôm bắt đầu bùng phát. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm hướng giải quyết vấn đề này bằng cách chọn những đối tượng thủy sản khác, có thể nuôi xen với tôm để giảm sự suy thoái nguồn nước do dịch bệnh, và đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân.

Những loại thủy sản được lựa chọn để nuôi xen nhằm đa dạng hóa các đối tượng thủy sản là: cá rô phi đơn tính dòng GIFT, cua biển, cá chua... Năm 2004, tôi làm đề tài đầu tiên về “Sản xuất thương phẩm giống cá rô phi đơn tính dòng GIFT”. Bây giờ, cá rô phi đơn tính là một lựa chọn của người dân để nuôi xen với tôm, góp phần giảm thiểu dịch bệnh tôm. Từ khi nuôi xen các loại thủy sản nói trên, cùng với các giải pháp khác như phát động trồng rừng ngập mặn… tỷ lệ dịch bệnh trong nuôi tôm giảm đáng kể. Từ năm 2005, dịch bệnh tôm nuôi lên tới 30-40%, thì đến năm 2008 giảm còn 10% và năm 2009 chỉ còn ở mức 6,2%.

Sau khi hạn chế được dịch bệnh trong nuôi tôm, yêu cầu đặt ra là tiếp tục nghiên cứu những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao để tăng hiệu quả kinh tế trong NTTS. Do diện tích NTTS của tỉnh so với các tỉnh khác không nhiều, đặc thù thời tiết lại khắc nghiệt, nắng thì khô hạn, mưa thì lũ lụt, chúng tôi phải lựa chọn những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao nhưng đồng thời phải phù hợp, có thể tận dụng, khai thác tối đa diện tích NTTS trong tỉnh, chẳng hạn như chình bông, cá bống tượng...

Hiện nay, tôi đang làm chủ nhiệm đề tài “Sản xuất cá bống tượng giống từ nguồn bố mẹ tự nhiên”, bắt đầu thực hiện từ tháng 6.2008, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6.2010 với mục tiêu sản xuất thành công cá bống tượng giống, hoàn thành quy trình kỹ thuật nuôi. Nghề nuôi cá bống tượng phát triển khá mạnh ở các tỉnh phía Nam; đã có nhiều cơ sở cho sinh sản, ương nuôi cá giống; cá thịt thương phẩm xuất khẩu với giá trị kinh tế khá cao. Còn ở tỉnh ta, nghề nuôi cá bống tượng còn khá mới do nguồn giống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Loại cá này có thể được nuôi để tận dụng các hồ chứa nước, vì tỉnh ta có diện tích hồ chứa tương đối lớn.

Ông có thể kể một vài mô hình khuyến ngư đã phát huy hiệu quả?

- Ở lĩnh vực NTTS, chúng tôi đã thực hiện được nhiều mô hình khuyến ngư đạt hiệu quả tốt. Mô hình nuôi cá nước ngọt ở miền núi là một điển hình. Điểm thành công của mô hình này là góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con đã hiểu ra là cá có thể nuôi để ăn, để bán chứ không chỉ đi bắt dưới sông, dưới suối. Ngày càng có nhiều hộ chủ động mua cá về nuôi; chủ động đem những thắc mắc trong quá trình nuôi hỏi cán bộ khuyến ngư để nuôi cá có hiệu quả hơn. Mô hình này đang phát triển rất tốt ở các địa phương miền núi trong tỉnh. Còn mô hình nuôi tôm trên cát, hiện nay mặc dù còn nhiều bất cập nhưng cũng đã phát triển mạnh mẽ. Đến nay, nuôi tôm trên cát chiếm 60% tổng sản lượng tôm của tỉnh. Mô hình thành lập những nhóm cộng đồng trong đánh bắt, khai thác hải sản hoặc trong nuôi tôm cũng cho hiệu quả tích cực…

 Theo ông, cần làm gì để nâng cao hiệu quả của công tác khuyến ngư?

- Hiện nay, lực lượng cán bộ khuyến ngư còn mỏng, chủ yếu ở cấp tỉnh, còn ở cấp huyện rất thiếu, đặc biệt là các xã vùng cao thì càng ít. Chế độ công tác phí cho người làm công tác khuyến ngư còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và cũng là khó khăn lớn trong công tác này. Do đó, hiệu quả khuyến ngư chưa cao như mong muốn.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của khuyến ngư là thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân về các mô hình, kỹ thuật trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ khuyến ngư đều phải bám sát cơ sở, bám sát hoạt động sản xuất của người dân. Làm khuyến ngư cũng là làm công tác dân vận, phải giỏi thuyết phục, khéo léo, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và am hiểu các chính sách của nhà nước; gần gũi, hòa đồng với dân, tạo niềm tin cho người dân. Được người dân quý mến là một niềm vui trong công việc, từ đó hiệu quả đem lại cũng sẽ cao hơn… 

 

                                                     Ông Võ Đình Tâm.

 

* Cần phát triển NTTS theo hướng bền vững

 Hiện nay, vấn đề NTTS của tỉnh có gì bất cập không, thưa ông?

-  Với việc nuôi tôm trên cát, mặc dù chưa có vấn đề gì lớn xảy ra nhưng chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cách nuôi trồng bất hợp lý như hiện nay. Hiện tại, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm trên cát đang xuống cấp nặng nề, không có người quản lý. Trong khi đó, những hộ dân có đất lại cho những người ở nơi khác đến thuê để nuôi tôm; những người này chỉ muốn khai thác tối đa theo kiểu tận thu nên không chú ý đến môi trường, đến những khuyến cáo của ngành. Điều đáng nói là người dân lại đang tiến hành nuôi tôm trên cát ở cả những vùng không được quy hoạch. Nếu không được kiểm soát kịp thời thì trong tương lai những vùng nuôi này sẽ nảy sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất… Chúng tôi đang nghiên cứu đưa ra các giải pháp tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh có hướng giải quyết.

 Con tôm vẫn là một trong những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, được người dân ưa chuộng trong NTTS. Ông có những khuyến cáo gì đối với người nuôi tôm để có thể phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững?

- NTTS là một nghề mang hiệu quả cho cộng đồng rất tốt nếu chúng ta phát triển theo hướng bền vững. Trong nuôi tôm, phát triển theo hướng bền vững cực kỳ quan trọng, nếu làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” sẽ rất nguy hiểm. Người nuôi tôm nên biết cách làm ăn lâu dài bằng việc nắm vững các yếu tố kỹ thuật, theo dõi chặt chẽ những khuyến cáo của nhà nước, như lịch thời vụ, mật độ nuôi của từng vùng, phương thức nuôi của từng vùng…

Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người nuôi nên nuôi theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng ít hóa chất, dùng chế phẩm sinh học làm sạch ao nuôi, phát tiển các nhóm cộng đồng nuôi tôm để hỗ trợ kỹ thuật cho nhau nhằm giảm thiểu dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Ngành Nông nghiệp tỉnh và Chi cục cũng đang có những hoạt động kêu gọi đầu tư xây dựng những trại giống chất lượng cao để đảm bảo cho người NTTS có được nguồn giống tôm chất lượng cao. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bà con những địa chỉ bán con giống đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm định của nhà nước để hạn chế việc mua phải con giống trôi nổi. Tôi luôn mong muốn nhiều hộ dân có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu từ NTTS, khỏi phải “phập phồng”, năm thì được mùa, năm thì mất trắng như đã từng xảy ra.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

  • Mai Hồng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)
Phía sau cơn lũ  (09/11/2009)