Hồi sinh chè Gò Loi
8:21', 28/12/ 2009 (GMT+7)

Năm 1998, Nông trường chè Gò Loi chính thức giải thể. Thương hiệu chè Gò Loi được người Hoài Ân kỳ công gầy dựng trong hơn 20 năm bị xóa sổ. Hàng chục công nhân thất nghiệp, hàng trăm ha đất trồng chè được chuyển đổi sang chương trình trồng rừng. Nặng lòng với hương chè, hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Phước Cầu, nguyên cán bộ Nông trường, đã trăn trở tìm hướng hồi sinh cho cây chè Gò Loi.

 

Vườn chè gần 2 ha của anh Cầu luôn xanh tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Nếu Tây Nguyên có trà (hay chè) Bảo Lộc, Bàu Cạn; miền Bắc có trà Bắc Thái thì Bình Định có chè Gò Loi, một loại đặc sản ở vùng đất Hoài Ân, vang bóng thời bao cấp. Chè Gò Loi được Nông trường chè Hoài Ân sản xuất nguyên liệu và chế biến thành phẩm.

* Một thời vang bóng

Chúng tôi tìm gặp ông Giám đốc đã từng dốc hết lòng cho Nông trường chè Gò Loi ngày trước, ông Lê Đình Phụng. Ở cái tuổi 82, ông ví sức mình như xác chè đã nhạt, nhưng khi nhắc đến một thuở thanh xuân gắn với nông trường chè, đôi mắt ông bỗng sáng long lanh. Quê ở Hoài Ân, đi tập kết 21 năm ở ngoài Bắc, ông đã có 20 năm làm ở Nông trường chè Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Học được kinh nghiệm làm chè, khi về quê ông mang theo những cây giống và tâm huyết quyết góp sức làm một điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Thuở thiếu thời, ông đã nghe tiếng chè Cam Khổ ở quê mình, nên ông nghĩ thổ nhưỡng ở đây sẽ rất hợp cho cây chè. Từ năm 1979, ông bắt đầu đặt cây chè trên đất Ân Tường (Hoài Ân) và thành lập nông trường. Từ khu rừng tạp hoang hóa, qua bàn tay của 111 thanh niên xung phong và hơn 20 cán bộ nông trường, đã trở nên ngát xanh rừng chè.

Ông Phụng kể: “Ngày ấy, anh em thanh niên sống khổ nhưng lòng quyết tâm xây dựng quê hương thì rất cao. Họ đổ sức trai xuống cho cây chè xanh lên mà không đòi hỏi gì nhiều”. Ngoài những thanh niên xung phong cần cù lao lực, ông Phụng cũng nhắc nhiều tới ông Tô Đình Cơ, Chủ tịch UBND tỉnh thời bấy giờ. Ông khẳng định, nếu lòng quyết tâm của ông không gặp sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh thì chuyện khó thành. Hồi đó, ông Chủ tịch tỉnh đã quyết chi ngân sách 7 triệu đồng để làm hồ chứa nước Hóc Cho phục vụ tưới tiêu cho cây chè. Đây được coi là một quyết định mang tầm chiến lược để phát triển cây chè Gò Loi. Giống chè Bắc Thái mà ông Phụng đem về trồng trên thổ nhưỡng Hoài Ân như một cái duyên kỳ ngộ. Cây chè cho hương vị rất đặc biệt, có thể chế đến nước thứ ba vẫn còn đậm đà. Ông Phụng kể tiếp: “Mỗi lần ông Cơ nghe tôi vào Quy Nhơn là súc bình sẵn chờ chè Gò Loi; và mỗi lần ông đi họp ở Trung ương cũng nhờ tôi mang chè này vào để đem đi làm quà. Song hồi ấy, năng lực sản xuất của Nông trường không nhiều, chỉ đạt khoảng 400 kg/tháng, phân phối cho cả tỉnh. Chè ngon, lại hiếm, nên càng quý”.

 

Chiếc máy chế biến của anh Cầu nuôi giấc mơ vực dậy danh trà.

 

Để biết chè Gò Loi ngon như thế nào, hôm rồi, nhờ anh Nguyễn Phước Cầu cho, tôi có đem về một lạng biếu cho một cụ ông hàng xóm sành điệu uống chè. Lúc đầu, cụ ông tỏ ra không tin: “Mày nói giỡn chơi chớ bây giờ có cả lượng vàng cũng không tìm ra chè Gò Loi đâu”. Tôi bảo ông cứ uống thử. Rất trân trọng và điêu luyện trong thao tác pha chế của một người nghiện trà, ông cụ nhắp một ngụm nhỏ, nhấm nháp, suy tư… Rồi đôi mắt cụ bỗng sáng lên, tay vỗ vào đùi, reo: “Đúng rồi, đúng chè Gò Loi rồi!”. Và như chính hương vị chè không giống đâu ấy đã khơi dậy trong ông một quá khứ. Ông cụ nhẩn nha: “Thời đó, dễ gì mua được chèø Gò Loi. Phải là những người hưu trí, cán bộ cấp cao mới được mua theo phân phối. Có được lạng chè Gò Loi trong nhà là sướng lắm, có khách quý mới đem ra đãi. Nhiều ông cán bộ nhà mình mua được cũng không dám uống mà để dành làm quà biếu. Đặc sản Bình Định thời ấy ngoài rượu Bàu Đá còn có chè Gò Loi. Hương thơm của nó chưa hẳn hơn một số loại chè khác nhưng vị của nó thì rất đặc biệt, không lẫn lộn được”.

Mười mấy năm rồi mà khi được uống lại chèø Gò Loi, ông cụ hàng xóm của tôi không quên được hương vị của nó thì quả là quá đặc biệt rồi! Theo những người sành uống chè, chèø Gò Loi uống vào ngoài cảm giác đắng, béo và thơm như nhiều danh trà khác, còn có vị ngọt đặc trưng. Thưởng thức từng ngụm, vị ngót còn lan tỏa ở cuối phần lưỡi trong cổ, dân gian gọi là “hậu trà” .

* Vực dậy một danh trà

Nông trường chè Gò Loi giải thể, nguyên nhân thì nhiều, nhưng chung quy là vì kinh tế. Thế hệ sau không nhìn vào thời thanh xuân của một thế hệ xung phong, mà chỉ thấy làm sao cho cánh rừng ra tiền. Thế là chuyển đổi! Từ chè – bò – cá chuyển hẳn sang Chương trình 327, thuần túy điều, keo, bạch đàn.

Sau khi Nông trường giải thể, công nhân mỗi người đi một hướng; một số bám trụ bươn bả làm lại cuộc sống. Hơn 10 năm, nhiều người đã quên hẳn chuyện làm chèø, nhưng riêng anh Cầu, người từng là cán bộ tổ chức, kế toán của Nông trường, thì luôn trăn trở. Anh Cầu tâm sự: “Không phải mình nuối tiếc kỷ niệm thời thanh niên xung phong mà tiếc cho một loại danh trà bị quên lãng. Chèø Gò Loi là một thương phẩm vừa có thể đem lại kinh tế cao vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu có điều kiện phát triển, chè Gò Loi cùng với rượu Bàu Đá, bánh ít lá gai, sẽ góp phần làm tăng giá trị tinh thần cho vùng đất Bình Định”.

Theo ông Hồ Công Hậu, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, thì hiện nay, còn khoảng 200 ha chè nhưng nằm rải rác trong dân, chủ yếu để phục vụ gia đình hay bán chè tươi. Muốn vực dậy cây chè Gò Loi thì phải có nhà xưởng chế biến, thu mua, kích thích người dân trồng chè. Năm 2007, anh Cầu bắt đầu đặt vấn đề phục hồi lại cây chè và được Phòng NN&PTNT huyện đồng ý, hỗ trợ. Tuy nhiên, sau những thay đổi ở Nông trường cũ, anh Cầu trở thành một người trắng tay, phải về nuôi heo, làm ruộng đương đầu với cuộc sống áo cơm, lấy đâu ra tiền mà đầu tư?

 

Nhấm nháp ly trà ngon, ông Phụng kể lại những ngày làm nên danh trà Gò Loi.

 

Anh Cầu tâm sự: “Tôi nghĩ bây giờ cơ chế thông thoáng nên có thể vay để làm nếu thấy có hiệu quả. Mình phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất để phát động ý tưởng, kêu gọi đầu tư”. Theo anh, hiện nay nguyên liệu chè không thiếu, chỉ cần vài trăm triệu đồng tiền vốn xây dựng nhà xưởng và mua trang thiết bị về chế biến, là có thể bắt đầu làm lại thương hiệu. Vừa rồi, anh đã vay được 17 triệu đồng, cùng với tiền góp của gia đình, lên tận Lâm Đồng mua một máy xay xát chè cũ về làm. Hiện máy này mỗi tháng cho ra lò khoảng 30 kg chè. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá, chè anh làm ra không ngon như xưa. Anh Cầu xác nhận: “Thứ nhất là bao bì không đẹp; thứ hai, chất lượng chưa đạt vì mình làm theo kiểu gia đình, cây chè cũng chưa được đầu tư  đúng quy cách”.

Tuy vậy, giá thành phẩm vẫn lên đến 150 ngàn đồng/kg, ai muốn mua phải đăng ký trước cả tuần mới được 1 kg. Anh Cầu cho biết, đơn đặt hàng rất nhiều, nhất là các cơ quan ở địa phương, những người ở Hoài Ân làm ăn ở xa. Có những đại gia đã là chủ tập đoàn kinh tế lớn, vẫn không quên hương vị chè Gò Loi, gọi về đăng ký.

Chiếc máy sấy nhỏ đã cũ không thể gồng mình làm nên thương hiệu, anh Cầu chỉ mong “đánh thức” một đặc sản vùng quê. Anh cho biết, nếu mình có nhà máy để tiêu thụ, thì chả mấy chốc người dân sẽ lại đua nhau trồng chè, bởi cây chè dễ trồng, chi phí đầu tư ít, khoảng 2 năm là có thu hoạch và cho thu nhập ổn định.

16 công nhân Nông trường còn bám trụ, họ làm đủ nghề nhưng khi nghe nói anh Cầu muốn làm chèø trở lại, cũng thấy nôn nao. Anh Hoàng Văn Chức, người gắn bó từ đầu với Nông trường, sau khi Nông trường bị giải thể, anh đi Bảo Lộc rồi Bắc Thái mưu sinh bằng nghề làm chè, cho biết: “Tôi làm chè nhiều nơi, nhưng ít đâu chè ngon như ở đây. Nếu đầu tư đúng mức, nhất là nước và phân chuồng đầy đủ cho cây chè, sao chế đúng quy cách, thì khó có chè nào ngon hơn chè Gò Loi”.

Nhiều anh em khao khát cùng anh Cầu xây dựng lại thương hiệu nhưng cái mà họ thiếu là vốn. Ngay cả sổ đỏ nhà đi vay thế chấp lấy tiền trồng chè cũng không có, vì sau hơn 10 năm, họ được thanh lý nhà tập thể của Nông trường cũ, nhưng đến nay vẫn chưa được làm sổ. Bản thân họ đang sống chông chênh trên những căn nhà cũ kỹ.

Theo một số người dân trồng rừng kinh tế ở Hoài Ân, nếu chè Gò Loi được hồi sinh, tiềm năng thị trường tốt và có cơ sở thu mua chế biến, họ sẽ phá bỏ diện tích cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế để trồng chè nguyên liệu.

Trước kia, ông Phụng gặp sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh là một cái duyên, anh Cầu bây giờ cũng đang mong đợi một cái duyên để vực dậy danh trà Gò Loi. Nhưng tham vọng lớn như thế mà chỉ chờ vào cái duyên là đoản…

  • Trường Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mong có nhiều hộ dân làm giàu từ nuôi trồng thủy sản  (27/12/2009)
Mặn, ngọt cá chua  (21/12/2009)
Người hai lần ra trận  (20/12/2009)
Thân cò lặn lội… ngọn cây  (14/12/2009)
Trò chuyện với lính công binh thời bình   (13/12/2009)
Làm trang trại ở An Lão   (07/12/2009)
“Tôi mong bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn”   (06/12/2009)
“Cầu nối” với thế giới của… “chị em”  (30/11/2009)
Có tiền cũng không mua được đội ngũ  (29/11/2009)
Nhơn Lộc không chỉ là Bầu Đá  (23/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ ?  (20/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (17/11/2009)
Rừng Hoài Ân “chảy máu” đến bao giờ?  (16/11/2009)
Thương hiệu bình dân  (16/11/2009)
Cứu dân trong lũ dữ là trên hết  (15/11/2009)