Những người quen thường gọi đôi vợ chồng Thảo Miên - Tobias theo cách thân mật là “ vợ chồng Tây -Tày” bởi Thảo Miên là người dân tộc Tày- quê Bắc Kạn, còn Tobias là người ở miền Nam, Cộng hòa Đức. Chúng tôi được mời đến dự tất niên cùng gia đình đặc biệt này vào một ngày cuối năm. Thật bất ngờ khi gặp gia chủ trong trang phục lễ hội của người dân miền Nam nước Đức, đang thắp hương cúng ông bà theo đúng lễ bộ Việt Nam. Với thực đơn: 50% món ăn Đức và 100% tiếng Việt, chủ nhà đã chiêu đãi các thực khách một bữa tiệc ẩm thực và ngôn ngữ đặc biệt đến khó quên.
* Anh Tobi này, món tráng miệng rất lạ của bữa tiệc hôm nay gọi là gì vậy?
- Đó là món bánh đá cẩm thạch mà người Đức chúng tôi thường làm trong những ngày lễ quan trọng của năm. Cũng giống như bánh chưng có trong ngày Tết ở Việt Nam, bánh đá cẩm thạch có hình dạng, hoa văn rất đẹp giống như đá cẩm thạch. Mà tôi thì là người cực kỳ say mê đá.
|
Gia đình Tobi - Thảo Miên. |
* Vâng, tôi biết điều đó khi thấy trang trí nội thất ngôi nhà của anh toàn bằng chất liệu đá và anh bây giờ cũng đang kinh doanh trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá granite.
- Chính đá đã tạo cơ hội cho tôi đến và làm ăn tại Bình Định này đấy! Bình Định có một tiềm năng khoáng sản rất lớn cần được khai thác một cách bền vững.
* Đến Bình Định từ lúc anh chị mới sinh con đầu lòng, giờ số nhân khẩu cả nhà đã là 4, cháu Toni đã vào lớp 1, anh chị thấy cuộc sống ở đây thế nào?
- Quy Nhơn là một thành phố rất đẹp, sạch sẽ, yên tĩnh, người dân rất hiền lành, chính quyền địa phương rất cởi mở, thuận tiện cho việc làm ăn của chúng tôi. Nơi đây còn có bờ biển đẹp với không khí trong lành. Tôi rất mê các món đặc sản ở đây, nhất là rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, bánh tráng và các loại hải sản, đó là những thứ mà quê tôi không có. Nhưng có mê Bàu Đá thì cũng chỉ được uống ít thôi, chứ nếu uống nhiều mà xỉn thì bà xã sẽ la cho, tôi sợ lắm! Ở đây còn có một thứ mà tôi cực kỳ thích là võ thuật. Mỗi khi được ngắm các cô gái múa roi thì thật là là…(nháy mắt cười…).
* Anh có vẻ rất rành về nếp sống của người Việt, nghe nói trước kia anh đã từng tốt nghiệp một chuyên ngành về văn hóa, giờ lại bỏ ngang qua làm kinh tế, anh có cảm thấy mình đã bỏ phí thời gian không?
- Ồ không, chính việc nghiên cứu về Đông Nam Á ở Đại học Bec-lin và học tiếng Việt ở Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn đã giúp tôi rất nhiều trong giao tiếp, công việc. Vốn kiến thức ấy đã hỗ trợ tôi trong làm ăn kinh tế ở Việt Nam. Người Việt có câu “đất lề, quê thói”, có hiểu kỹ về nhau thì mới cùng nhau hợp tác vững bền được! Thời sinh viên tôi chọn học tiếng Việt chỉ do một sự tình cờ, rồi môn học này đã đem đến cho tôi một gia đình, một quê hương mới. Không ai biết trước sự bất ngờ của số phận.
*Anh có vẻ cũng quan tâm đến tướng số đấy nhỉ? Vợ anh cũng thế chứ?
- Ui chà! Cũng như mọi người ở đây thôi, năm nay là năm Sửu, năm tuổi của tôi đấy! Tôi cầm tinh con trâu nên suốt ngày phải cày bừa thôi. Ai cũng phục con trâu vì khỏe mạnh và siêng năng. Với cô ấy thì tôi mới là người bị chinh phục. Chúng tôi quen nhau khi tôi tham gia một dự án nhằm công nhận Vườn quốc gia Ba Bể là Vườn di sản ASEAN, còn cô ấy thì đang là cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Chính cái vẻ đẹp hồn nhiên, chân chất của người miền núi đã hớp hồn tôi. Việt Nam có nhiều dân tộc, mà chỉ riêng dân tộc Tày của vợ tôi thôi đã có quá nhiều phong tục hay để tôi khám phá.
|
Chuẩn bị đón giao thừa, Tobi cũng đi mua sắm hoa tươi ở chợ hoa. Ảnh: N.D |
* Thế với gần 10 năm làm rể Việt Nam anh đã Việt hóa được bao nhiêu phần trăm rồi?
- Ít thôi, nhưng cũng đủ để đáp lễ với gia đình vợ, kết bạn với mọi người xung quanh và thuộc được đôi câu tiếng lóng để khỏi bị bạn bè ăn hiếp. Tôi cũng giống như tất cả người Tày đều nghiện món rau Dạ hiến; nó như món sầu riêng, ai ăn được sẽ ghiền. Năm nào tôi cũng muốn cùng bà xã về quê Bắc Kạn vào dịp tháng 2 đến tháng 7 âm lịch để được ăn thứ rau tuyệt hảo này.
* Bây giờ thì tôi tin mọi người gọi anh bằng cái tên “Tây- Tày” là chính xác rồi. Lúc nãy thấy anh cúng gia tiên, tôi nghĩ anh đã là người Việt đến 90% rồi đấy, chỉ có ngoại hình là hơi “Tây” thôi! Anh lại còn biết chơi hoa xuân nữa!
- À, mai Tết chứ gì, tôi chơi cây mai này mấy năm rồi đó, hết xuân lại đem đi gởi nhờ người ta chăm sóc, vì tôi không có thời gian và kinh nghiệm. Tôi thấy hoa mai vàng miền Nam rất đẹp, tương tự như hoa đào miền Bắc, hễ cứ nở là biết ngay mùa xuân. Mà hoa mai ở Bình Định cũng có nét độc đáo riêng, nhất là kiểng dáng của phần thân và gốc cây.
Do một sự tình cờ mà chàng sinh viên Tobias Barisch (SN 1973), học khoa Đông Nam Á học của trường đại học Béc-lin (Đức) đã chọn Việt Nam làm điểm đến, để rồi cũng do sự sắp xếp của “số phận” mà anh đã yêu và kết hôn với Hoàng Thảo Miên (SN 1977), cô gái người Tày (Bắc Kạn), rồi quyết định sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam. Từ 7 năm nay, vợ chồng Tây - Tày này chọn Bình Định làm chốn lập nghiệp. Chồng: làm ăn trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và sản xuất kinh doanh đá granite; vợ: kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, với cửa hàng “Lẩu Việt - Đức”, chuyên bán các món ăn của người Tày Bắc Kạn và các món xúc xích nổi tiếng của Đức, ở số 09 Trần Anh Tông, P. Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn. |
* Không ngờ Tobi lại thâm nhập thực tế nhanh thế, anh sắp thành người Bình Định rồi!
- Vâng, vùng đất này tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng. Trong mấy năm qua tôi đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của Bình Định. Sự thân thiện của chính quyền, sự thông thoáng trong môi trường đầu tư đã khiến nhiều người muốn dừng chân tại nơi này. Mấy năm qua tôi đã liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ở Bình Định và vợ tôi cũng bắt đầu tham gia vào kinh doanh ăn uống tại Quy Nhơn.
* Có lúc nào anh nghĩ rằng mình sẽ nhập tịch để trở thành công dân Việt Nam?
- Vâng, tôi cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này, được biết Luật quốc tịch của Việt Nam đã ra đời và đến tháng 7.2009 sẽ có hiệu lực, trong đó quy định một công dân có thể có 2 quốc tịch và hy vọng trường hợp của tôi cũng có thể được xem xét. Hiện nay, gia đình tôi sinh sống và làm việc tại Bình Định, vừa rồi được phường Nguyễn Văn Cừ công nhận là “gia đình văn hóa” đấy; con chúng tôi: hai cháu Leo và Toni đều nói tiếng Việt, học cùng các bạn nhỏ ở trường tiểu học và mẫu giáo ở Quy Nhơn , như vậy, từ lâu rồi chúng tôi đã thành người Bình Định.
* Tôi biết anh thuộc rất nhiều câu chuyện tiếu lâm bằng ngôn ngữ Việt, vậy trong tình huống anh con rể ngoại quốc sẽ phải giới thiệu như thế nào với bố vợ của mình?
- Có chứ! Tôi sẽ nói thế này : “Thưa cụ, con chính là con dê (rể) cụ !!!” (cười).
* Ôi, anh thật là một “siêu sao” trong lĩnh vực này! Xin cảm ơn bữa tiệc cùng câu chuyện rất thú vị của anh, chúc gia đình anh một năm mới hạnh phúc và gặp nhiều may mắn!
|