Đằng sau những sắc hoa...
9:11', 2/2/ 2009 (GMT+7)

Tết Kỷ Sửu đã qua, nhưng dư vị của nó vẫn còn trên gương mặt của mỗi con người. Riêng với người trồng hoa, bán hoa, năm con chuột vừa qua quả là một năm bộn bề, vui ít buồn nhiều…

 

Những hàng hoa đợi khách.

 

* Khi thời tiết không ủng hộ nhà vườn

Thời tiết cuối năm qua cứ như “trêu ngươi” những người làm nông nghiệp, đẩy họ vào tình cảnh khó khăn. Người trồng hoa cũng không ngoại lệ. Cận Tết, dạo quanh các chợ hoa trong thành phố và các huyện lân cận, nhiều người than phiền rằng hoa năm nay không bằng năm ngoái. Thời tiết chuyển lạnh đột ngột và kéo dài khiến các gốc mai cứ im lìm ngậm nụ, nhất quyết không chịu bung hoa, dẫu các nhà vườn đã làm đủ mọi cách để ủ ấm. Quất cũng ít trái hơn. Những cánh hoa cúc không nở bung, lá không mướt mát như các năm trước… Bà Nguyễn Thị Hương, một hộ trồng hoa ở xã Phước Hòa, Tuy Phước cho biết nhà bà năm nay ươm 1.000 chậu cúc, nhưng chỉ thu hoạch được 549 chậu đạt tiêu chuẩn; các chậu còn lại phát triển èo uột, nở muộn, hoa lá phát triển không đều. Theo bà Hoa, gần 500 chậu cúc loại hai này không thể bán nguyên chậu trong dịp Tết mà phải chờ đến… rằm tháng Giêng cắt cành bán hoa cúng ở các chợ. Bà Hoa gượng đùa: “Trồng hoa đã hơn 10 năm, nay tôi mới lâm vào tình cảnh trồng hoa bán Tết nhưng lại phải bán rằm tháng Giêng. Đúng là người tính không bằng trời tính”.

 

Hoa lạ lên ngôi.

 

Hai chín Tết, các dãy hàng hoa, cây cảnh ở nhiều chợ hoa vẫn còn chất ngất. Trời đổ mưa, âm u suốt ngày. Hoa đội mưa đợi khách, khách đội mưa hối hả về nhà. Tâm lý người mua vẫn đợi đến ngày cuối cùng mới mua cho rẻ! Những buổi tối, tuy chợ hoa có sôi động, đông đúc, nhưng chủ yếu vẫn là người đi xem, thăm dò giá cả. Có nhiều lý do khiến chợ hoa năm nay kém sôi động, sức mua chững lại. Thời tiết cuối năm đỏng đảnh, mưa lạnh khiến người dân lười ra đường, hoa cũng vì thế mà kém bắt mắt. Hàng hóa món nào cũng đắt đỏ, sắm sanh các món thiết yếu trong ngày Tết đã là nỗi đau đầu của các bà nội trợ, việc chơi hoa vì thế dễ bị quy kết vào thú chơi xa xỉ! Bà Tuyết, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ (Quy Nhơn), cho biết: “Nhà tôi năm nay sắm sửa Tết, món nào cũng muộn, hoa cũng vậy. Hoa chưng (khác với hoa cắm bình để bàn thờ) nằm trong danh sách các món phụ, sẽ mua nếu giá mềm, khi đã mua đầy đủ các đồ thiết yếu mà còn dư tiền!”.

* Người héo để... hoa tươi

Trên đường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn), những cái lều giăng tạm bợ ngay sau những hàng hoa, không chịu nổi sức gió và những cơn mưa cuối mùa lạnh lẽo, trở nên xiêu vẹo. Lều nghiêng ngả, người nằm ngủ trong lều dường như co quắp lại để trốn gió, trốn lạnh và trốn muỗi. Nhiều người giăng mùng trên hai chiếc ghế đá xếp đôi, hay tận dụng giàn giáo xây dựng. 12 giờ khuya, đi dạo trên đường Nguyễn Tất Thành, người bán hoa co ro trong gió lạnh, uể oải gặm bánh mì, “ăn để lấy sức ngày mai tươi cười, chào mời. Hoa tươi dễ bán, người bán tươi cười đẹp lòng khách mua” - bà Lan, chủ quầy hoa cúc nhà ở thị trấn Đập Đá trần tình như vậy.

Từ ngày hai sáu Tết, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, ở thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm, Phù Cát) chuyển hoa đến bán ở chợ hoa thị trấn Ngô Mây. Khu vực hoa của ông được bày trên khoảnh đất rộng 40m2, thuê với giá 300.000 đồng. Tối đến, ông phải quây các chậu hoa quanh lều, để vừa dễ canh giữ, vừa giữ ấm cho căn lều đơn sơ giữa đêm lạnh và cũng để tránh gió cho hoa. Quầy hoa ông Hòa chủ yếu bán thược dược, loài hoa cánh rất mỏng manh, ông bảo nếu mưa nặng hạt và gió mạnh, phải giăng bạt che chắn. Hơn sáu năm trong nghề, ông có những trải nghiệm riêng của mình. Ông nói: “Nhiều người chê hoa xấu, nhưng ít người nghĩ được đến yếu tố khách quan, khi thời tiết quá khắt khe với người trồng hoa. Nhiều người mua hoa, kỳ kèo bớt một thêm hai. Là người mua hoa bán lại, nhiều lúc tôi còn cảm thấy tủi thân ghê gớm, huống hồ là người trồng hoa, ngày đêm chăm hoa như chăm con mọn! Thế nên mới có chuyện nhiều chủ trồng hoa, bán hoa Tết đã chấp nhận bẻ hoa, chôn hoa, chứ không chịu bán đổ bán tháo”.

 

Miệt mài trong đêm.

 

Một trong những nỗi gian khổ của người bán hoa là việc canh trộm. Đêm 28 Tết, ở ngã sáu Ngô Mây, kẻ trộm đã khuân mất hai chậu thiên hồng mai (mai đỏ) trị giá cả triệu đồng của quầy hoa anh Trần Chí Nhật. Với những người bán mai mini, cảnh bonsai thì việc canh giữ kẻ gian còn vất vả hơn. Những chậu cảnh nhỏ gọn luôn là đối tượng ngắm nghía hàng đầu của kẻ gian. Trong không gian chừng 10m2, suốt đêm luôn phải có một người canh túc trực. “Từ sáng đến 7 giờ tối là một ca, 7 giờ tối trở đi lại là ca khác. 5 giờ sáng, khi điện đường tắt, thành phố còn chìm trong màn tối, thì cũng là ca trực của cả hai người. Mỗi người một đầu, canh cho đến khi trời sáng hẳn”, anh Nguyễn Đình Tính, người bán mai mini, cảnh bonsai đến từ Phù Mỹ tâm sự.

Năm nay, gu thưởng hoa của người dân Quy Nhơn có chút thay đổi: đó là việc lên ngôi của các loài hoa lạ. Vạn thọ, cúc, mai, những loài hoa quen thuộc trong ngày Tết miền Nam, năm nay có vẻ “thất sủng” so với quất, đào, thiên hồng mai, đỗ quyên, lily… Dân mình năm nay chuộng hoa lạ, hoa từ xứ khác đến, thị hiếu mới này ít nhiều gây khốn đốn cho các thương hiệu nhà vườn vốn từ lâu nổi tiếng với “cúc Vĩnh Liêm, mai Háo Đức”.

* Khi thời khắc giao thừa đi qua

Bỏ mấy tháng trời trồng, chăm bón cúc, vạn thọ, hướng dương hay cả mấy năm ròng chăm chút cho dáng mai, chậu quất, để đến khi đem ra chợ hoa bán, góp không khí Tết, người trồng hoa, bán hoa cũng thiệt thòi đi phần nào không khí sắm sanh Tết nhất ở nhà. Đâu được cái cảnh những ngày cận Tết, vợ chồng, con cái quây quần dọn dẹp, sắm sửa, bởi hầu như mọi thành viên chủ lực trong gia đình đều góp mặt ở chợ hoa, mà không chỉ bán một địa điểm. Như nhà bà Hương, với 549 chậu cúc, bà đem xuống chợ hoa Quy Nhơn 300 chậu, chợ hoa Phú Phong (Tây Sơn) 249 chậu. Cả gia đình 6 người của bà phải chia ra, bám trụ ở hai cơ sở, thường xuyên liên lạc cho nhau để biết tình hình bán buôn. Bà bảo, ở chợ hoa Phú Phong sức mua rất yếu, người ta chủ yếu đến ngắm và… chụp hình lưu niệm!

 

Người bán mời chào, người mua hờ hững.

 

Em Kiều Oanh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phù Mỹ 1, vừa nghỉ Tết đã theo chị gái vào Quy Nhơn bán hoa. Hỏi đến chuyện sắm Tết, em cười: “Thấy chị em bán hoa vất vả, em vào phụ bán. Chắc giao thừa mới về tới nhà, không sắm sửa gì được!”.

Có những người trồng hoa không thể bán hoa gần nhà mình. Như ông Nguyễn Văn Liên ở thôn Châu Thành, thị trấn Gò Găng, An Nhơn phải mang cúc ra tận Phù Cát bán. Ông giải thích: “Ở dọc Quốc lộ 1, chỉ bày bán mai thế, khách hàng chủ yếu là những người khách sang trọng ghé mua. Cúc nằm chung với mai, thấy “chõi” lắm, nên rất khó bán. Vậy nên, tôi phải mang hoa đi xa, chấp nhận bỏ bê việc chuẩn bị Tết nhất cho gia đình. Năm nào cũng vậy, qua giao thừa mới về đến nhà”.

Càng gần về cuối đêm giao thừa, hoa rớt giá thê thảm. Đến nước ấy thì “phương châm” của người bán hoa là: giá nào cũng bán! Tại chợ hoa thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), cúc 10.000 đồng/chậu, thược dược 5.000 đồng/chậu, vạn thọ 2.000 đồng/chậu. Hoa rẻ như rau! Cốt yếu thu lại tiền vận chuyển, vớt vát tiền chậu đầu tư cho mùa hoa năm sau. Cả hàng hoa, cây cảnh dài ngút tầm mắt ở khu sân bay (Quy Nhơn), rực lên sự tươi mới, mấy ai biết ngay sau lưng hàng hoa, ở khu đất trống chạy dài dọc đường Phạm Hùng, rất nhiều hố sâu đã được đào sẵn. Sau 12 giờ đêm giao thừa, nếu hoa bán chưa hết, những chậu hoa còn thừa sẽ được mang đi vùi xuống hố, lấp đất lại. Sáng mùng 1, người dân thành phố thức giấc, đi chơi xuân, khắp ngả đường đều sạch sẽ, tinh tươm, cả nước mắt người trồng hoa, bán hoa phải mang hoa đi lấp cũng đã được phủi sạch.

Đằng sau những sắc hoa tươi tắn, là mồ hôi và thậm chí cả nước mắt của người trồng hoa.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)
“Bàn chân thấm đau vì những mũi gai”  (06/12/2008)