Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"
11:1', 5/2/ 2009 (GMT+7)

Nhiều người gọi người phụ nữ nhỏ nhắn, cương nghị một thời là bộ đội Cụ Hồ ấy là "phù thuỷ gáo dừa" bởi chị là người đầu tiên ở Việt Nam đã "đánh thức" những chiếc gáo dừa thô sơ, sần sùi thành những sản phẩm có giá trị cao cả về kinh tế lẫn văn hoá. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty Dừa Việt, TP.HCM. Nhân dịp "phù thuỷ gáo dừa" ghé ngang Bình Định để khảo sát về dừa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị.

 

Bức tranh "Bác Tôn và quê hương An Giang" bằng chất liệu gáo dừa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

* Đam mê với dừa

- Đang từ một cô bộ đội thông tin, rồi làm cơ khí, phiên dịch tiếng Nga và kế toán, vì sao chị lại chuyển sang gắn bó với dừa và trở thành… "phù thuỷ gáo dừa"?

+ Có lẽ là do duyên "trời định". Từ một đứa trẻ không quê, tôi luôn khao khát có một chốn quê để được đi về vào những ngày lễ Tết. Khi lớn lên, đi làm có tiền, tôi cất một căn nhà bằng gỗ dừa 3 gian 2 chái và biết tới gáo dừa rồi đam mê nó đến nỗi giờ đây có 1 số bạn bè cho tôi là bị "cuồng" dừa.

Ban đầu, nhìn những sản phẩm từ gáo dừa mọi người làm rất đẹp, nhưng "chưa đã" nên tôi nghĩ: nếu vào tay tôi, chiếc gáo dừa sẽ "đã" hơn. Từ đó cuộc đời tôi bắt đầu một lối rẽ mới, đó là mở xưởng làm gáo dừa. Khi đến với gáo dừa, tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, sẽ làm cho nó đẹp hơn trong cái "nhìn" của tôi. Nhưng, càng "nhìn", tôi càng ngộ ra được nhiều điều và ý tưởng nghiên cứu nghiêm túc được hình thành khi nhận ra đây là một loại chất liệu quý hết sức bền vững do ở dạng sừng hoá.

Gáo dừa là gỗ nhưng có đầy đủ tính năng của đá như độ cứng và không bị phân huỷ trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào. Vì vậy ban đầu tôi chỉ muốn tận dụng nguồn nguyên liệu quý đang bị bỏ quên này, biến nó thành vật liệu sinh thái để chế tác ra những sản phẩm cụ thể và thiết thực phục vụ đời sống con người; nhằm giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác để phục vụ nhu cầu trang trí nội ngoại thất.

Trong quá trình nghiên cứu chất liệu gáo dừa, tôi và các cộng sự đã đánh thức được nó và cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị cao. Chẳng hạn như tranh gáo dừa. Chúng tôi đã chào bán thành công trên sàn giáo dịch ý tưởng với các sản phẩm như bức tranh "Việt Nam quê hương tôi" giá 100 triệu đồng (do ông Nguyễn Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.HCM đầu tư) và bức tranh "Bác Tôn và quê hương An Giang" giá 200 triệu đồng (do UBND tỉnh An Giang đầu tư, hiện bức tranh này đang được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Tôn tại quê hương Mỹ Hoà Hưng, An Giang, của Người); rồi những lô hàng trang trí nội thất xuất khẩu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Có lẽ vì vậy mà bạn bè thân hữu gọi tôi là "phù thuỷ gáo dừa", có người cho rằng tên gọi đó còn chưa "đã", đã đề nghị gọi tôi là "sứ giả của dừa" nhưng tôi thích được gọi là "phù thuỷ gáo dừa" hơn (cười).

 

Lavabo bằng gáo dừa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

* Nâng cao giá trị kinh tế, văn hoá của sản phẩm làm từ gáo dừa

Trò chuyện với chúng tôi, "phù thuỷ gáo dừa" sôi nổi cho biết: Dừa là một loại cây được trồng nhiều ở vùng ven biển nhiệt đới, dễ phát triển trong điều kiện đất pha cát có khả năng chống chịu mặn tốt, có độ ẩm và nhiệt độ cao, đặc biệt là không cần phải chăm sóc nhiều. Được đánh giá là một loại cây thân thiện với môi trường, cây dừa còn được Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương và Ngân hàng Phát triển Châu Á chọn làm cây xoá đói giảm nghèo để đầu tư tài chính giúp cho các nước đang phát triển nằm trong vùng biển nhiệt đới, trong đó ở Việt Nam.

- Chị có vẻ rất tâm đắc với cây dừa và hiểu sâu sắc về loại cây này?

+ Cây dừa có ở nước ta từ bao giờ cho đến nay cũng chưa ai nói cụ thể được nhưng từ rất lâu, người Việt Nam đã biết dùng đến than gáo dừa để nhuộm răng đen. Ngày xưa đi biển, không có một loại thừng chão nào có thể sánh kịp loại dây được làm từ xơ dừa.

Với những người dân xứ dừa, cây dừa là cây luôn gắn bó với cuộc sống của họ. Anh thấy đó, ở mỗi miền đều có những vùng đất trồng dừa với diện tích lớn như: miền Bắc có dừa Thanh Hoá, miền Trung là Bình Định và miền Nam là Bến Tre.

Trong dân gian, đã có những cuộc thi hái dừa, trèo dừa, lột dừa vào những ngày lễ, hội ở những vùng quê có dừa. Và trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, dân ta vẫn có thói quen có thêm trái dừa để cầu xin trong năm mới làm ăn thuận lợi, để "dừa (vừa) đủ xài".

- Những ứng dụng đa dạng và phong phú của dừa, đã khiến chị không ngừng nghĩ đến việc nâng cao giá trị kinh tế, văn hoá của sản phẩm làm từ dừa nói chung và gáo dừa nói riêng?

+ Vâng, tôi nghĩ rằng, những sản phẩm ứng dụng của dừa sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo hiệu quả kinh tế cao. Ngoài những sản phẩm từ cơm dừa khá phổ biến như cơm dừa nạo sấy, tinh dầu dừa, thạch dừa, phô mai dừa, sữa dừa; thì những sản phẩm khác làm từ phần phế thải của dừa cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân xứ dừa, mà chủ yếu là hàng thủ công, mỹ nghệ.

Hiện nay, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của Việt Nam đã có mặt trên thị trường thế giới thông qua các loại giỏ bằng cọng lá dừa; hàng lưu niệm từ gáo dừa, trái dừa; hàng trang trí nội thất từ gáo dừa, thảm xơ dừa…

Mụn dừa trước đây từng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa nhưng nay đã được chế biến thành đất sạch để dùng cho công nghệ trồng rau sạch. Nay nếu được ép thành từng bánh, có thể giữ ẩm cho đất và tự phân huỷ thành phân, có tác dụng cải tạo và làm tơi xốp đất. Từ đây, chúng tôi đã đề xuất phương án dùng mụn dừa để chống xói mòn và cải tạo lại vùng đồi trọc đất hoang cũng như những vùng chuyên canh cà phê ở Tây nguyên.

Gáo dừa hiện nay phần lớn đang được dùng để làm than hoạt tính. Nhưng nếu được nghiên cứu đầu tư đúng mức, sau khi sử dụng một phần gáo dừa để làm vật liệu phẳng ứng dụng cho trang trí nội thất, phần còn lại loại ra, cũng chế biến được những sản phẩm khác như bột nhang hoặc đất sạch, dùng cho công nghệ sản xuất nhang muỗi. Qua đó, sẽ nâng cao được giá trị kinh tế của gáo dừa.

Thêm nữa, khả năng ứng dụng của gáo dừa trong sản phẩm tiêu dùng và trang trí rất đa dạng, bởi nó chính là gỗ nhưng lại là loại gỗ đặc biệt ở dạng sừng hoá, nên có độ bền và tính thẩm mỹ độc đáo. Do gáo dừa có độ cong và bề mặt cứng, nên khả năng ứng dụng rất phong phú, hiệu quả và có giá trị cao.

"Phù thuỷ gáo dừa" quê Hải Phòng, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. 13 tuổi, thoát ly gia đình tham gia cách mạng. 15 tuổi, ra Bắc học trường Học sinh Miền Nam số 8 tại Tam đảo. 20 tuổi, đi học tại Liên Xô. 23 tuổi, về nước làm phiên dịch tiếng Nga. 40 tuổi có 2 bằng đại học: Nga văn và Đông phương học. 44 tuổi, biết tới gáo dừa và đam mê nó (năm 2000).

Đã đoạt 2 giải Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Năm 2003 đoạt Giải nhì (không có giải nhất) với "Vật liệu mới từ gáo dừa, ứng dụng cho vật liệu xây dựng và trang trí nội thất"; năm 2004 đoạt giải Khuyến khích với Tranh gáo dừa bóc lớp từng phần.

- Thú thật là tôi vẫn chưa hình dung ra việc sử dụng gáo dừa để làm vật liệu phẳng ứng dụng cho trang trí nội thất. Chị có thể nói rõ hơn về việc này?

+ Để gáo dừa trở thành một sản phẩm mỹ nghệ phải biết cách ép gáo dừa từ hình cong ra mặt phẳng. Hoặc để gáo dừa cho sắc độ như ý, người nghệ nhân phải biết bóc tách từng lớp trên gáo dừa.

Từ chiếc gáo dừa thô mộc, khi được sự đầu tư nghiêm túc về ý tưởng, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Trên bề mặt của từng sản phẩm, chúng tôi có thể tạo ra nhiều dạng bề mặt khác nhau mà theo ngôn ngữ hội hoạ đó là ma-che.

Gần đây, chúng tôi đã không ngừng nghiên cứu để cho ra những sản phẩm ứng dụng cho ngành trang trí nội thất như lavabo, những sản phẩm trang trí dựa trên độ cong của gáo dừa để tạo những tấm trang trí với những hoa văn khác nhau lạ mắt có bề mặt phẳng hoặc không phẳng. Đồng thời nghiên cứu kỹ hơn về "tuổi" của trái dừa để sử dụng những hoa văn tự nhiên của nó cho những sản phẩm giá trị như tranh và các hoa văn hoạ tiết cho những sản phẩm nội thất hết sức đa dạng. Bên cạnh đó, bằng sự sáng tạo hết sức độc đáo, chúng tôi cho ra những bề mặt hoàn toàn khác nhau để tạo hiệu quả ứng dụng cho một số các quầy bar ở một số khu du lịch trong nước.

Trong năm vừa qua, chúng tôi cũng đã cung cấp hàng cho một số các công ty xuất khẩu hàng đi Mỹ, Canada, Singapore, Maldives, Trung Quốc… với những loại sản phẩm khác nhau như: khung gương, tủ, rương, bàn, tấm trang trí…

- Sau Bến Tre, Bình Định là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất trong cả nước với khoảng 13.000 ha, trong đó có hơn 5.000 ha cho trái, sản lượng đạt hơn 50.000 tấn/năm. Với tiềm năng này, chị có nghĩ là Bình Định sẽ hình thành nên một ngành công nghiệp chế biến dừa, nhất là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo từ gáo dừa? Mặt khác, tỉnh Bình Định cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dừa, chị có hứng thú với lời mời gọi này?

+ Chúng tôi vô cùng cám ơn và hết sức vui mừng với lời mời gọi này. Được mời gọi đầu tư cho cây dừa Bình định, tôi tin rằng ngoài những sản phẩm trực tiếp từ dừa, chúng tôi còn có thể phát triển những sản phẩm liên quan tới dừa, chẳng hạn như du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái dừa tại Bình Định. Bởi Bình Định có một bề dày lịch sử văn hoá truyền thống rất đặc sắc với những khu di tích, văn hoá tầm cỡ, hơn nữa Bình Định có một vị thế lớn với điều kiện thiên nhiên phong phú, có nhiều thắng cảnh danh lam và bờ biển đẹp. Nếu biết khai thác đúng mức, ngành du lịch Bình Định sẽ còn nhiều cơ hội phát triển.

 

Quầy bar cẩn bằng gáo dừa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

* Đánh thức gáo dừa chính là đánh thức bản thân mình

- Được biết, chị và các cộng sự vừa đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học "Phân tích đặc điểm sinh học của trái dừa và chu trình phát triển sinh lý của con người" để tham gia dự thi Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TP.HCM. Chị có thể cho biết đôi nét về đề tài khoa học này?

+ Đã có rất nhiều đề tài và luận văn thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam cũng như các nước nghiên cứu về cây dừa, giống dừa, những sản phẩm từ cơm dừa, dầu dừa, hiệu quả kinh tế từ cây dừa; nhưng chúng tôi chưa thấy đề tài nghiên cứu hoặc đề cập đến sự tương đồng về đặc điểm sinh học của trái dừa với vòng sinh trưởng của con người.

Khả năng ứng dụng hết sức phong phú, đa dạng của trái dừa trong cuộc sống hằng ngày đã kích thích chúng tôi tìm hiểu, suy luận để phát hiện ra sự trùng hợp ngẫu nhiên hết sức độc đáo của quá trình sinh trưởng và phát triển của dừa với con người. Làm phép so sánh với các loại cây trái khác, chúng tôi thấy dừa là một loại cây hết sức đặc biệt về cấu trúc, từ cây cho tới trái.

Với suy nghĩ đánh thức gáo dừa chính là đánh thức bản thân mình, chúng tôi đã làm cho chiếc gáo dừa thức dậy không phải bằng cách thể hiện bản thân nó qua những sản phẩm có ích, mà còn đánh thức cả chiều sâu nội tâm, bản chất của ý nghĩa của một loại chất liệu tưởng chừng như bỏ đi của gáo dừa để khẳng định một triết lý sống hết sức tích cực, đó là: Hãy luôn khám phá bản thân mình. Chúng ta ai cũng đều có ích, tuỳ từng hoàn cảnh, điều kiện và khả năng cụ thể của từng người mà chúng ta có thể góp ích được cho cuộc sống bằng những giá trị khác nhau.

- Nét mới và tính hiệu quả của đề tài nghiên cứu khoa học này là gì, thưa chị?

+ Bằng trực quan sinh động, đề tài của chúng tôi đã nêu lên được sự tương đồng với con người và trái dừa với vòng sinh trưởng và phát triển cũng như triết lý dừa với con người mà chưa ai quan tâm nghiên cứu. Đề tài đã nêu lên được cách nhìn hoàn toàn mới về cấu trúc của trái dừa với hệ thống triết lý tam tài, ngũ hành của thuyết âm dương để nói lên mối quan hệ giữa hiện tượng và sự vật giữa trái dừa với con người trong cuộc sống.

Còn về hiệu quả kinh tế - xã hội, nếu được đánh giá đúng mức, triết lý dừa là một triết sống hết sức nhân bản nhằm truyền đạt đến mọi người một thông điệp: Hãy tự đánh thức bản thân mình, bạn sẽ biết mình là ai để cuộc sống của bạn có một giá trị đích thực. Từ triết lý này, chúng ta có thể xây dựng nó thành một chương trình giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ thông qua câu ngạn ngữ "lành làm gáo, vỡ làm muôi" của ông bà ta đã dùng để răn dạy đời sau.

Mặt khác, khi vật liệu có được tính triết lý của nó, giá trị vật chất của nó sẽ tăng lên đáng kể. Với ý tưởng muốn sản phẩm của mình tạo ra mang tính nhân văn, chúng tôi không ngừng nghiên cứu sâu thêm về giá trị văn hoá tinh thần của chất liệu để người tiêu dùng phần nào hiểu được giá trị đích thực của loại sản phẩm. Từ đó, ý tưởng xây dựng nền tảng văn hoá dừa Việt Nam một cách hệ thống và có tính xuyên suốt đồng bộ bằng triết lý "Đánh thức gáo dừa" được hình thành.

 

Quầy bar bằng gáo dừa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

* Trăn trở về cây dừa

Khi chúng tôi hỏi "phù thuỷ gáo dừa" có dự định gì trong thời gian tới, khi đã tương đối thành công với việc sản xuất các sản phẩm độc đáo từ gáo dừa, thì chị nói ngay:

"Trăn trở về cây dừa với tôi còn rất nhiều. Làm thế nào để cây dừa ngày càng khẳng định hơn vị thế của mình trong chiến lược phát triển kinh tế của nước nhà? Muốn làm được điều đó, chúng tôi đang chuẩn bị cho sự ra đời của Hiệp hội dừa Việt Nam. Và điều chúng tôi cho là quan trọng không kém, đó là làm thế nào dừa Việt Nam khi xuất khẩu không còn là dừa trái, mà phải là những sản phẩm có giá trị cao. Bởi gáo dừa là một loại vật liệu vô cùng quý giá, xuất dừa trái chính là chúng ta đã cho không nguồn nguyên liệu này.

Và một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng, đó là tìm hiểu, khôi phục và phát triển một cách có hệ thống văn hoá dừa Việt Nam bởi cây dừa đã trở thành niềm tự hào của những người dân xứ dừa và đã cùng nhân dân ta chống giặc ngoại xâm với bao chiến tích oai hùng."

  • Huỳnh Thúc Giáp (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)
Kỳ 3: Nam Ninh - quà tặng môi trường của hành tinh  (09/12/2008)