Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường
9:0', 8/2/ 2009 (GMT+7)

Nghe chuyện người sáng chế ra máy bóc đậu phụng thì đã lâu, nhưng hôm nay, tôi mới “xông đất” nhà anh Đào Kim Tường (thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ)- một nông dân chính hiệu, tuy mới học hết lớp 5 nhưng óc sáng tạo, sự nhẫn nại, mày mò, chịu khó thì… ngay cả những người có trình độ, học vị như kỹ sư, tiến sĩ cũng khó bì kịp.

 

Anh Đào Kim Tường (thứ 6, từ trái qua) tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc.

 

Ngôi nhà của anh Đào Kim Tường cũng bình thường như bao ngôi nhà ở vùng nông thôn khác. Chẳng có xưởng cơ khí, cũng chẳng có cảnh đe búa tấp nập như tôi nghĩ. Xởi lởi, vui vẻ và nhiệt tình, anh đón chúng tôi bằng nụ cười rất tươi...

* Chà! Nhà sáng chế chân đất năm nay ăn Tết có to không; từ khi sản phẩm máy bóc đậu phụng được công nhận, chắc là anh đang giàu lên rồi?

- Tui vẫn vậy thôi, không có gì thay đổi cả. Phải chi 5 - 7 năm trước, mọi người biết đến cái máy này thì tốt. Nay thì thị trường của chiếc máy bóc đậu phụng đã bão hòa rồi. Mình ở quê, vẫn làm nông là chính. Vụ rồi, tui phụ giúp bà xã làm 8 sào ruộng, 1,4 sào kiệu… được mùa, được giá nên ăn Tết cũng no đủ. Còn ai đến đặt làm máy bóc đậu phụng thì tui mới làm, chớ vốn liếng đâu mà đầu tư làm sẵn…

* Sao lại không đầu tư nhỉ, tôi cứ nghĩ là anh đang làm ăn lớn với sáng chế của mình rồi chứ?

- Một cái máy bóc đậu phụng, tui làm bằng phương pháp thủ công có giá thành khoảng 8 triệu đồng (chưa gắn động cơ). Chi phí mua sắt đã 3- 4 triệu đồng rồi. Để hoàn thành một máy, tui ôm hết mọi công đoạn, từ A đến Z, mất khoảng 25 ngày. Tính ra, tôi chỉ lãi được 2 triệu đồng, mà cũng là lấy công làm lời thôi…

* Sao anh không bán sáng chế của mình cho một doanh nhân có vốn lớn nào đó để đầu tư sản xuất đại trà?

- Tui rất muốn điều đó, nhưng thú thật, cho đến nay tui vẫn chưa đăng ký bản quyền được cho “đứa con đẻ” của mình. Vì nhiều lý do, trong đó có cả chuyện tui đã không nghĩ đến việc này sớm hơn… Tui đã bắt đầu có ý tưởng và thực hiện chiếc máy bóc đậu phụng từ năm 1987 lận. Cái đầu tiên làm bằng gỗ, còn dùng chân để đạp, tay lùa đậu phụng… Mình đạp được thì máy kéo được, vậy là tui lại gắn cho nó cái mô-tơ; máy chưa thổi được vỏ đậu riêng, hạt đậu riêng, tui mày mò nghĩ đến việc lắp đặt hệ thống gió; rồi làm thêm dần, sàng phía sau để phân loại đậu… Cứ thế, từ chiếc máy đầu tiên đến cái thứ 20 thì sản phẩm của tui đã hoàn thiện. Từ đó đến nay, tui đã sản xuất và bán ra hàng trăm máy. Sản phẩm của tui có mặt ở hầu khắp các vùng nông thôn ở Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Trị… Vừa rồi, có người ở Vũng Tàu ra đặt làm máy nhưng tui chưa dám nhận vì cận Tết quá, sợ làm không kịp. Nếu có vốn, tui cứ làm 3, 4 cái để sẵn đó, người cần mua đến lấy được ngay thì hay quá!

 

Làm thợ mộc nhưng anh Tường kiêm luôn cả thợ cơ khí.

 

Học hết lớp 5, gia cảnh khó khăn quá, anh Tường đành bỏ học đi chặt cây, bứt mây trên núi đổi lấy gạo ăn. Lớn thêm một chút, anh theo bạn bè làm thợ mộc. Anh nói, khổ quá, vất vả quá nên làm việc gì cũng phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để công việc của mình bớt vất vả, bớt sức người đi thôi. Sáng tạo, sáng kiến cũng đều nảy sinh trong quá trình mưu sinh, lao động...

* Chẳng phải thợ cơ khí nhưng có vẻ anh rất rành về cơ khí thì phải?

- Tui là thợ mộc nên lúc đầu chỉ thực hiện những công đoạn bằng gỗ. Nhưng, các khâu tiện, hàn cứ phải nhờ người khác vừa mất thời gian lại không được như ý mình nên tui đã sắm đồ nghề cơ khí về làm tuốt. Mà hồi giờ, cái gì cũng vậy, thấy thiên hạ làm được là tui phải làm cho được. Ngay như lái xe tải, tui làm thợ phụ một thời gian là tự lái được, chứ chẳng học thầy bà gì. Cứ tự nghĩ, tự làm. Cơ bản là chịu để ý một chút.

* Tinh ý, khéo tay… nhưng tôi chưa thấy gì là sự dư dả trong ngôi nhà của anh?

- Tôi đã làm đủ nghề và do không chịu thua kém ai, không bằng lòng với cái đã làm được nên đời sống của gia đình tui cũng thuộc vào hàng khá trong thôn đấy chứ. Những năm 1980 còn làm thợ mộc, bình quân một thợ kiếm được 20 đồng/ngày thì tui kiếm được 30 đồng/ngày… dư sức nuôi vợ con, cất nhà cất cửa và mua được cả cái xe Cúp 89 trị giá 1,8 cây vàng…. Nhưng thú thật là con cái phá quá, không được như kỳ vọng của cha mẹ, đồ đạc trong nhà cứ “đội nón ra đi”…

* Anh học hết lớp 5. Con anh cũng chỉ học hết lớp 10 rồi bỏ học… Năng động, sáng tạo nhưng anh vẫn chưa thể làm giàu từ trí tuệ của mình. Anh có tiếc vì điều đó?

- Thiếu kiến thức nên khi làm gì tui cũng phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức. Làm máy bóc vỏ đậu, tui cũng cứ phải tháo ra, ráp vô… tất cả đều mày mò chứ đâu đủ kiến thức mà tính toán. Chẳng hạn, làm cái trục này ba phân chưa được thì chỉnh lại hai phân, hai phân rưỡi… cho đến khi đạt thì thôi. Bởi vậy, tui nghĩ nếu mình có thêm kiến thức, được học nhiều thì công việc sẽ phát triển tốt hơn, dễ dàng hơn.

 

Giỏi giang, khéo tay nhưng anh Tường vẫn chưa giàu.

 

Năm 2005, Hội Nông dân tỉnh “phát hiện” ra chiếc máy bóc đậu phụng của anh Đào Kim Tường. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm hồ sơ để đưa sáng chế của anh tham dự Hội chợ Techmart tại TP Hồ Chí Minh...

* Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Được quảng bá sản phẩm ra công chúng, hẳn anh rất hài lòng?

- Hồi đó, tui chỉ đem đến Hội chợ một máy. Bán được máy thì về người không. Lần đầu tiên được giới thiệu chiếc máy bóc đậu phụng với nhiều người và được mọi người đồng cảm tui vui lắm. Những năm sau, năm nào, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đều mời tui tham dự Hội chợ. Tui nghĩ, sản phẩm của mình chưa có gì mới hơn, cũng như cuốn sách người ta đọc rồi đậy lại, lần sau mở ra cũng chỉ có thế, nên tui không tham gia nữa.

Anh Đào Kim Tường, sinh năm 1962; đã đạt các thành tích: Giải Nhì Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” Toàn quốc lần thứ nhất, năm 2004- 2005; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam cho tác giả giải pháp sáng tạo “Máy bóc vỏ đậu phụng”; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam năm 2005; Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2005; Năm 2006, được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh (2001-2005); Giải thưởng “Điển hình sáng tạo Việt Nam” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2007.

* Nhưng, những ý tưởng sáng tạo có lẽ sẽ không ngưng nghỉ trong anh?

- Hướng thì rất nhiều. Bản tính mày mò nên lúc nào tui cũng muốn tìm ra những cái mới phục vụ tốt hơn công việc của mình và bà con, nhưng nhiều khi đồng tiền… không cho phép. Không chỉ là máy bóc đậu phụng, trước đây, tui cũng đã sửa máy nổ, máy cày, cải tiến các nông cụ… Làm gì, tui cũng muốn thay đổi, cải tạo phương tiện để nó có thể phục vụ tốt hơn công việc cho nhà nông.

Chiếc máy bóc đậu phụng sẽ còn cần với bà con dài dài nên tui đang nung nấu tiếp tục cải tiến nó thành một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh. Máy có thể hốt đậu vỏ từ dưới đất và sau khi bóc vỏ, lựa hạt, tiếp tục đóng vào bao, khâu miệng bao với kinh phí khoảng 35 triệu đồng (chưa kể động cơ)…

* Và, anh vẫn giữ ý định đăng ký bản quyền cho máy bóc đậu phụng của mình đấy chứ?

- Tui sẽ đăng ký khi đã cải tiến chiếc máy hoàn chỉnh hơn. Hiện nay, tui thấy trên thị trường, các máy bóc đậu phụng “nhái” xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, máy từ lò “Đào Kim Tường” vẫn có những ưu thế hơn hẳn như bụi không bao giờ phun lên chỗ đổ đậu; còn máy “nhái” thì sản phẩm ra chậm hơn và hạt đậu bị lấm đất… Ngay trong xã này, có người đã mua phải máy “nhái” sử dụng không tốt đem đến tui nhờ sửa. Tui vẫn giúp. Trời đã ban cho mình sự khéo tay hơn người thì cũng nên sử dụng nó để giúp mọi người, làm khó người ta làm gì…

* Cám ơn anh vì buổi trò chuyện vui vẻ này!

  • Q.Hoa - T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)
Hoài Ân - xanh những vườn tiêu  (15/12/2008)
Kỳ cuối: Đánh thức dòng sông  (09/12/2008)