Chênh vênh mùa rong mứt
15:46', 16/2/ 2009 (GMT+7)

Những người già ở làng Vũng Dừa (khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) kể rằng, vào thời Nguyễn, rong mứt là một trong những món ngon được chọn để dâng lên vua. Ngày nay, rong mứt là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Ít người biết rằng, để có được những tấm rong mứt tuyệt phẩm, người đi rong mứt phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và máu…

 

Chênh vênh bên ghềnh đá.

 

* Mùa rong - mùa sóng

Bắt đầu từ cuối tháng chín âm lịch, khi những đợt gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh tràn qua vùng duyên hải miền Trung, đem theo những trận mưa lũ kéo dài làm cho nước biển bớt đi độ mặn, chính là lúc rong mứt phát triển mạnh mẽ, mọc thành từng cụm phủ dày trên các khe, ghềnh đá. Ở Quy Nhơn, khu vực nhiều rong mứt nhất là dọc bờ biển từ Ghềnh Ráng đến Bãi Xép.

Rong mứt là một loại thực phẩm phổ biến của người dân xứ biển. Các món thông dụng của rong mứt là chiên, gỏi, canh… Đặc biệt, rong mứt nướng chấm xì dầu tương ớt, vừa thơm vừa giòn, là món nhậu khoái khẩu của quý ông. Không những thế, đây còn là một món quà quý để biếu người thân ở xa. Những năm gần đây, rong mứt được thu mua với giá rất cao để xuất khẩu, nhiều nhất là sang Trung Quốc, Nhật Bản... Được ưa chuộng như vậy nên giá rong mứt khá cao. Vào chính mùa (tháng 10, 11 âm lịch), giá rong mứt khô có thể lên đến 300.000 đồng/kg. Thời điểm bây giờ, đã là cuối mùa, rong không ngon, ngọt như chính mùa, nên giá chỉ còn hơn 150.000 đồng/kg.

Nghề đi mứt ở Vũng Dừa đã có từ lâu đời. Tháng 9, tháng 10, biển động, hết mùa cá, mùa hàu, họ lại rủ nhau đi cào rong mứt. Gần thì Ghềnh Ráng, Bãi Nhàu… xa thì đi tận Bãi Xép, hay ra xã bán đảo Nhơn Lý. Mỗi lần đi mứt, một người cào khỏe có thể cào được 4 đến 5 kg rong mứt tươi, kiếm được trên 100.000 đồng.

Bà Đinh Thị Đức, 52 tuổi, cho biết: “Hồi hơn mười tuổi tôi đã được bố mẹ dẫn đi mứt. Giờ tôi và hai con trai mùa mứt nào cũng làm”. Không chỉ gia đình bà Đức, ở Vũng Dừa còn có nhiều gia đình có đến ba, bốn thành viên cùng đi mứt như nhà bà Hồ Thị Thảo, bà Dương Thị Chín… Ông Trần Quý Lành, Khu vực trưởng khu vực 2, cho biết: “Tuy thời gian khai thác trong năm không nhiều, nhưng thu nhập từ rong mứt khá lớn, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo đời sống của người dân trong khu vực”.

 

Rửa rong mứt để loại bỏ sạn.

 

Một lần, tôi theo hai chị Huỳnh Thị Ngọc La, Huỳnh Thị Ngọc Anh đi hái rong mứt ở Bãi Nhàu. Vượt qua những con dốc dựng đứng, đá lởm chởm, chúng tôi đến được các ghềnh đá phủ đầy rong. Vừa thoăn thoắt hái, chị La vừa kể chuyện. Người làm nghề này phải theo con nước ròng, nghĩa là từ sáng sớm, khi thủy triều xuống, những vạt mứt non màu nâu nhạt mềm mại như những vạt cỏ thảo nguyên, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời phơi ra trên các ghềnh đá, đó là lúc người đi mứt phải ra biển. Một tháng có hai con nước ròng vào đầu và cuối mỗi tháng, mỗi con nước làm được khoảng ba đến bốn ngày. Ngày mùa, người đi mứt phải rời nhà từ bốn giờ sáng, làm được hơn bốn tiếng đã phải trở về. Những con nước ròng cuối vụ, họ thường làm việc muộn hơn.

Đồ nghề của dân đi mứt là cái cào làm bằng thép. Chỉ những người làm chuyên nghiệp vào chính vụ mới sử dụng loại cào này, còn lại chủ yếu hái bằng tay. Khi hái, họ thoa lên tay ít tro bếp cho khỏi trơn. Để đựng rong mứt, người ta thường dùng túi đan bằng lưới.

Rong mứt sau khi cào, hái về phải rửa qua hơn năm lượt nước ngọt để loại bỏ cát và các loại rong tạp. Sau đó, vắt khô bằng khăn lượt mỏng, rồi dùng khuôn kết thành tấm tròn, phơi trên liếp tre. Chị La giải thích: “Rong mứt mới đi về phải rửa và phơi ngay vậy, bởi nếu không được nắng, rong sẽ mất ngon và mau hư. Nếu bảo quản tốt, rong mứt phơi khô có thể dùng được cả năm”.

Đến Vũng Dừa những ngày này, tuy đã cuối vụ, nhưng vẫn thấy nhiều nhà mang rong mứt ra phơi. Những liếp rong xanh trong nghiêng nghiêng hứng ánh nắng đầu xuân…

* Chênh vênh nơi đầu sóng

“Đi mứt chẳng khác chi nghề sinh tử”. Theo chân những phụ nữ hái rong mứt men qua những ghềnh đá trơn tuột, quần áo ướt sũng vì sóng và những cú ngã dúi dụi, bị hàu cứa rát bỏng tay, tôi mới cảm nhận được câu nói ấy của thợ đi mứt Dương Thị Chín, người đã có hơn 30 năm thâm niên với nghề. Quả thật, làm nghề đi mứt này luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ biển. Mùa mứt rộ cũng là lúc cuối đông sang xuân, với cái lạnh tê buốt và những cơn gió nồm thổi ngược từ biển, đem theo những đợt sóng lớn hung dữ, bất ngờ ập vào ghềnh đá, như muốn kéo tất cả ra khơi xa.

Thật lạ là rong mứt lại chỉ có ở những nơi nào có sóng phủ đầu, đá càng trơn, càng chênh vênh thì rong mứt càng mọc nhiều. Bà Đinh Thị Đức cho biết: “Đàn ông đi mứt đã vất vả, phụ nữ muốn làm nghề này đòi hỏi phải nhanh chân lẹ tay, bơi giỏi và không thể thiếu lòng can đảm. Ở Vũng Dừa, số phụ nữ dám đi mứt đầu và giữa mùa như tôi chỉ được vài người, còn lại chỉ làm vào cuối mùa, lúc sóng nhỏ, gió hiền”. Đi mứt từ lúc còn nhỏ, trải qua nhiều nguy hiểm, bà Đức quen thuộc từng con nước, từng loại sóng, biết lúc nào ra biển thì thích hợp. Khi đi mứt, không chỉ lựa chỗ nào mứt nhiều, mà còn phải chọn địa thế, chỗ nào dễ núp sóng, dễ chạy sóng. Lúc hái rong mứt, người phải trụ vững, chân bíu chặt vào mặt đá trơn tuột, tay nhanh nhẹn cào, hái mứt mà mắt phải dõi ra biển canh chừng con sóng. Sơ sẩy, ham hái mứt mà gặp lúc sóng lớn, bất ngờ sẽ bị trượt chân, ngã xuống biển ngay. Lần nào đi mứt, bà cũng kiêm luôn nhiệm vụ canh gác cho hai cậu con trai thường mải mê cào mứt. Bà bảo, ngán nhất là những con sóng “nhảy”, nếu không quan sát từ xa, kịp thời ẩn núp, thì mất mạng như chơi. Cẩn thận vậy, nhưng ba tháng trước, bà Đức vẫn bị sóng đập té trật xương, đến giờ chưa khỏi.

 

Phơi rong mứt.

 

Chỉ những cái sẹo dài, sẹo ngắn chằng chịt trên tay, trên chân, chị Lê Thị Thu Nga, 36 tuổi, bảo: “Hàu cứa đấy! Người làm nghề như tui ai chả thế. Bị hàu, khe đá cứa đứt chân, tay… chỉ là chuyện thường của những ngày sóng yên, biển lặng. Có những hôm vì miếng cơm, manh áo, tiền học, tiền sách vở cho con réo gọi, thì dù biển động, gió Nam non, mạnh cấp 6 cấp 7, biết là hiểm nguy đang chực chờ, nhưng tụi tui vẫn phải ra ghềnh. Nhiều người làm nghề này bị gãy chân, gãy tay hay phải mang thương tật cả đời bởi trượt chân té ghềnh, sóng quật vào đá. Số người bỏ mạng vì nghề không ít”.

Người dân Vũng Dừa vẫn còn truyền tai nhau về tai nạn mới đây của anh Lê Văn Hùng, 29 tuổi. Tháng chạp vừa rồi, trong lúc mải mê cào mứt, anh bị sóng đánh trượt té, chân bị kẹp giữa khe đá. Đang lúc loay hoay chưa kéo chân ra được, một đợt sóng khác lại ập vào. Ai cũng tưởng anh chỉ có nước chết, nhưng anh vẫn may mắn sống sót, lóp ngóp bò vào bờ. Hay chuyện chị Huỳnh Thị Đan bị sóng đánh té xuống ghềnh, may mà còn quờ tay bám được vào chân ông Lê Văn Hóa đang đứng ở trên, không thì cũng khó sống. Mới đây, cũng có một người ở Nhơn Hải đi mứt lại bị sóng cuốn trôi.

Câu chuyện về những tai nạn đến với người đi mứt dài bất tận; nhưng đến mùa, vì mưu sinh, họ vẫn ra ghềnh, lại cào, lại hái, mặc cho sóng gió ầm ào đe dọa...

  • Nguyễn Văn Trang

Rong mứt có tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành rong đỏ. Khi non có màu hồng nhạt, cơ thể mỏng, nhất là ở vùng cằn cỗi; khi già ở vùng đất tốt cây cao, dày, tím thẫm. Rong mứt là một trong ba loại rong thực phẩm được ưa chuộng nhất, có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng chủ yếu là protein (25-35% khối lượng khô), carbohydrate, vitamin B, B2, A, C, nhiều nguyên tố vi lượng và khoáng, hàm lượng calory rất thấp, rất thích hợp cho những người ăn kiêng, người bị tiểu đường. Gần đây, khoa học còn khẳng định khả năng chữa bệnh cholesterol và sỏi mật của rong mứt.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi dầu ở Dốc Bay  (09/02/2009)
Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường  (08/02/2009)
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)
“Tổng giám đốc” Hợp tác xã  (20/12/2008)