Nghệ sĩ Đinh Chương:
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…
9:19', 22/2/ 2009 (GMT+7)

Trong dịp Lễ hội Kỷ niệm 50 năm Ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959-6.2.2009), người ta thấy một ông già, luôn chân luôn tay, lúc thì bắt nhịp cho các thiếu nữ luyến láy câu hát, lúc lại sửa cái áo cho các chàng trai. Ông là Đinh Chương, thường gọi là Bá Liên, người Bana ở Vĩnh Thạnh vẫn trìu mến gọi ông là “nghệ sĩ của bản làng”…

- Bok còn nhớ về ca khúc đầu tay không?

+ Ca khúc đầu tiên tôi sáng tác là bài “Mừng chiến thắng đồi Gò Loi, Hoài Ân” nhân dịp mừng chiến thắng Gò Loi. Bài hát hình thành ngẫu nhiên từ âm vang của trận thắng, mình ngẫu hứng ngân nga vài câu không đầu không cuối. Sau thấy ca từ, giai điệu nhịp nhàng, hát đi hát lại nhiều lần rồi thuộc lòng. Năm ấy, mình mới 19 tuổi.

 

Nghệ sĩ Đinh Chương đang chỉnh sửa trang phục cho các diễn viên trước chương trình biểu diễn tại Lễ hội Kỷ niệm 50 năm Ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.  Ảnh: S.L
 

- Không qua một trường lớp đào tạo âm nhạc nào, nhưng lại “mang vào thân” những phần việc không dễ chút nào: vừa viết lời ca khúc vừa hát, kiêm luôn dàn dựng tiết mục. Bok đã làm những điều ấy bằng cách nào?

+ Hồi viết bài hát, mình vẫn chưa hề biết nhạc lý, nốt đô nốt rê cũng không biết. Nhưng huyện lại tin cậy giao mình làm Phó đoàn Văn hóa Nghệ thuật của huyện. Vừa vui vừa lo lắng, vì mình biết khả năng của mình chứ. “Phải mày mò tự học thôi” - mình tự động viên mình thế. Thời ấy, Đoàn Nghệ thuật Quân khu V thường xuống huyện, về tận các bản làng biểu diễn, mình không bỏ sót buổi nào, cứ tấm tắc khen sao mà họ hát hay thế, múa sao mà đẹp thế. Mình đi theo đoàn từ hết làng này đến xã khác để học hỏi. Sau đó, huyện quyết định cho mình đi học hai tháng tại Đoàn văn công tỉnh Gia Lai. Đó chính là thời gian mình tìm hiểu nhạc lý, làn điệu…

-  Với bok, một bài hát được hình thành như thế nào?

+ Trong những buổi lên rẫy sớm, hoặc ở khu sản xuất một mình, mình ngắm nhìn phong cảnh trước mặt và nhẩm hát một vài câu vừa chợt nảy ra, hát đi rồi hát lại, đến khi nào thấy nhịp nhàng, hài hòa thì thôi. Hay vào những buổi khuya không khí yên tĩnh, mình lắng nghe thanh âm của núi rừng, của tiếng suối… Mình soạn thảo các bài hát hoàn toàn bằng miệng, phổ biến cũng bằng con đường truyền miệng, qua những buổi hát múa ở bản làng, qua giọng hát của giá Trí, của con gái H’lác và con trai, con gái Vĩnh Sơn. Lời tất cả các bài hát của mình đều bằng tiếng Bana. Một số bài được mang đi trình diễn ở các hội diễn văn nghệ thì mình tự dịch sang tiếng Kinh. Mình nói lời yêu quê hương mình, đồng bào mình qua những câu hát vụng về như vậy mà.

- Bok tâm đắc với ca khúc nào nhất trong số hơn 20 bài hát bok đã viết ra?

+ Đó là bài “Mùa xuân về với buôn làng, thích nhất là khi bài hát được vợ mình - Đinh Thị Trí và con gái mình là H’lác hát. Giọng giá Trí giờ đã yếu, đã khàn, may sao H’lác thừa hưởng giọng hát của mẹ, lại có máu văn nghệ như mình. H’lác mang những bài hát đến các buổi họp đoàn thanh niên, dạy lại cho con trai, con gái trong làng, đài xã vẫn phát luôn đấy. Mình ước sao các bài dân ca Bana, các bản Hơamon, những bài hát bằng tiếng Bana không bị biến mất, thanh niên bây giờ ít hát những bài hát của ông cha quá.

Nghệ sĩ Đinh Chương sinh năm 1939.

Năm 1977, đoạt giải Nhất dàn dựng tiết mục múa “Mừng xuân” trong Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng miền Núi khu vực 2.

Năm 1991, Hội thi Liên hoan Nghệ thuật Quần chúng các tỉnh miền núi tại Đà Lạt (Lâm Đồng), ông đoạt Huy chương Đồng với tiết mục hát múa “Trường ca Hơamon” (Sáng tác và dàn dựng).

Năm 1994, ông được Bộ Văn hóa- Thông tin tặng danh hiệu 40 năm Chiến sĩ Văn hóa.

- Nghe những người đi trước kể lại, đã có lúc bok rất băn khoăn trong việc lựa chọn giữa làm văn nghệ hay ra chiến trường?

+ Từ năm 12 tuổi mình làm liên lạc cho xã. Năm 1961 về công tác ở lĩnh vực văn hóa huyện Vĩnh Thạnh. Mình đã viết đơn xin được nghỉ công tác văn hóa để trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng các anh lãnh đạo như Y Ban, Yang Danh… giảng giải cho mình hiểu rằng làm văn công cũng là kháng chiến, cũng là tham gia diệt thù. Dùng dằng mãi đấy chứ, cuối cùng mình cũng thông. “Đã ở lại hậu phương thì phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình”, mình viết câu ấy và dán lên cây đàn tơ-rưng ở nhà để tự nhắc mình.

- Làm công tác văn hóa nhưng bok cũng nổi tiếng với những trận đánh do bok chỉ huy?

+ À, hồi đó mình là chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ cơ quan. Mình nhớ mãi trận đánh ở đồi Tà Kơn. Khi ấy, chỉ có mình và ba anh em du kích xã, tất cả đều rất trẻ, người trẻ nhất là Đinh Brít mới 15 tuổi. Bốn anh em bị bao vây suốt ba ngày ba đêm, đói lả nhưng vẫn chặn được, không cho địch tiến lên. Năm 1966, được UBND huyện tặng giấy khen về thành tích chiến đấu dũng cảm, mình rất tự hào đấy.

Nói rồi Bok Đinh Chương cất cao giọng hát, đã hơi khàn nhưng còn trầm vang lắm, giữa buổi trưa nắng gắt trong rợp cờ hoa và vang lừng cồng chiêng mừng ngày khởi nghĩa. Giá Trí và con gái H’lác họa theo, hát bài hát của chồng, cha mình. Bài hát như thế này: “Mùa xuân năm nay anh lại về với buôn làng, nghe những tiếng hát điệu múa dân gian. Nghe những tiếng chiêng, tiếng cồng bay khắp buôn làng…”.

  • Sao Ly (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chênh vênh mùa rong mứt  (16/02/2009)
Đi dầu ở Dốc Bay  (09/02/2009)
Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường  (08/02/2009)
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)
Vì những tuyến đường sạch đẹp  (11/01/2009)
Thăng trầm tấm thảm xơ dừa  (05/01/2009)
Bình yên cho mọi người là lẽ sống của tôi   (04/01/2009)
Tiền xưa với người nay  (29/12/2008)
16 năm giữ gìn “kho báu” Tây Sơn  (27/12/2008)