Nghề khai thác cá bò gù (cá ngừ đại dương) ở Hoài Nhơn ngày càng phát triển mạnh, đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thu nhập lớn, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo đời sống cho người dân. Các bến cá Hoài Nhơn những ngày này tấp nập tàu đánh bắt xa bờ về bến, cá bò gù đầy khoang…
|
Sơ chế cá.
|
* Bức tranh sáng màu
Hoài Nhơn hiện có 2.419 thuyền đánh cá với tổng công suất 130.119 CV. Trong đó, có 467 chiếc thuyền chuyên đánh bắt cá bò gù. Năm 2008, toàn huyện khai thác được 29.750 tấn thủy hải sản, trong đó có 3.200 tấn cá bò gù. Từ sau Tết đến nay, toàn huyện khai thác được 6.848 tấn thủy hải sản, trong đó có 720 tấn cá bò gù.
Ông Đỗ Phú Hữu, Trưởng trạm Kiểm dịch thủy sản Hoài Nhơn, cho biết: “So với các năm trước, vụ cá bò gù năm nay muộn hơn do thời tiết. Song, sản lượng khai thác lớn, giá thu mua cao cộng với giá dầu thấp, các thuyền đánh bắt đều trúng đậm”. Cá loại I có thời điểm bán giá kỷ lục 130.000 đồng/kg. Hầu hết những chuyến bao Tết của người dân đều cho thu nhập cao, phổ biến ở mức từ 10 đến 15 triệu đồng. Một số thuyền trúng luồng cá, vào bờ kịp lúc cá được giá, “bạn” được chia từ 18 đến 21 triệu đồng.
Mùa cá bò gù năm nay, ngoài Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn, còn có ba công ty TNHH và bốn cơ sở khác thu mua. Lúc tôi đến, bà Võ Thị Xuyên, Giám đốc Công ty Tân Xuân Lộc - một công ty có nhà máy đá hiện đại nhất với quy trình sản xuất khép kín, hoạt động hoàn toàn bằng máy, bảo đảm cung ứng cho tàu ra khơi và bảo quản cá - đang tất bật cân cá cho một tàu vừa cập bến. Bà Xuyên cho biết: “Từ đầu mùa cá bò gù đến giờ, chúng tôi đã thu mua hơn 30 tấn cá. Sản lượng đánh bắt và giá cá bò gù đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ông Nguyễn Bình, một chủ tàu chuyên khai thác cá bò gù ở thôn Thiện Chánh 1, cho biết, tàu ông về bến chiều 19.2, khai thác được 52 con cá, khoảng 2,3 tấn. Với giá 113.000 đồng/kg, 8 người đi bạn đi cùng tàu của ông đều được chia 10 triệu đồng/người.
Ở xã Tam Quan Nam, tàu của ông Nguyễn Lực, ở thôn Cửu Lợi Bắc, là trúng nhất. Ra khơi từ 22 tháng chạp, đến mồng 9 tháng giêng, tàu của ông Lực đã đánh bắt được 3,2 tấn cá. Chín người đi bạn trên tàu đều được chia 18 triệu đồng/người. Ông tâm sự: “Anh em chịu khó đi bao Tết, may trúng cá, bán giá cũng khá cao, nên được chia lớn”. Anh Trương Quang Hân, phụ trách khuyến ngư của xã Tam Quan Nam cho biết thêm: Từ đầu mùa đến giờ, thuyền nào “xui” nhất cũng chia cho bạn được hơn 5 triệu/người. Năm mới, ngư dân khấp khởi vui vì được mùa cá…
|
Cân cá, “phân cấp” để định giá.
|
* Gian khó khơi xa
Anh La Văn Nga, 30 tuổi với hơn 4 năm làm công tác khuyến ngư của xã Tam Quan Bắc, kể: Năm 1997, cha vợ anh, ông Huỳnh Thanh Long ở thôn Tân Thành 2, là một trong những người đầu tiên đi câu bò gù. Trước đó, các thuyền đánh bắt xa bờ, “câu khơi”, “câu to” ở vùng biển Hoài Nhơn chỉ chú trọng câu cá nhám (cá mập) để lấy vi, bởi nếu câu được bò gù cũng chỉ để chế biến cho… heo.
Từ đó đến nay, Tam Quan Bắc đã có 320 tàu chuyên đánh bắt cá bò gù, mỗi tàu có khoảng chín bạn. Thôn Tân Thành 2 là nơi có số ngư dân tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương đông nhất của xã Tam Quan Bắc.
Mùa cá bò gù thường trùng với thời điểm Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, số ngư dân ăn Tết trên biển ngày càng nhiều. Dịp Tết vừa rồi, chỉ riêng Tam Quan Bắc đã có 150 tàu với hơn 1.200 ngư dân “bao tết”. Một chuyến bao Tết kéo dài từ khoảng sau rằm tháng chạp đến rằm tháng giêng của năm mới. Thời điểm này, ít ghe tham gia đánh bắt, lượng cá cũng dồi dào hơn nên sản lượng cá đánh bắt được cũng cao hơn. Các nhu yếu phẩm cần thiết cho một cái Tết trên biển không khác mấy so với trên bờ. Cũng thịt heo, thịt gà, bánh tét, bánh chưng, bánh đậu, mấy nhánh bông vạn thọ... và không quên bỏ theo ít can rượu, vài thùng bia để anh em đón giao thừa. Ngoài sự chuẩn bị của chủ ghe, mỗi “bạn” cũng phải tự chuẩn bị cho riêng mình thức ăn khuya, nước yến, nước tăng lực... để duy trì sức làm việc.
Về Tam Quan Nam thời điểm này, ít gặp được người “đi bò gù” bởi vào bờ được vài ngày, họ lại ra biển chứ không phụ thuộc theo “con trăng” như những nghề đánh bắt khác. Tôi gặp Phùng, một người bạn cùng xóm, giờ đã là tay sát bò gù có cỡ. Mặt hốc hác, mắt thâm quần, nhưng Phùng vẫn vui vẻ, bởi chuyến rồi, được chia gần 5 triệu. Phùng kể: “Mùa này lạnh cắt da cắt thịt, có khi phải mặc cùng lúc hai cái áo mưa mới ngồi câu được. Cả ngày chỉ ngủ không đầy 4 giờ, ăn uống qua loa. Cực nhất là những lúc đưa cá lên tàu. Mình phải cố giữ cho con cá lành lặn bởi chỉ cần bị trầy da một chút, cá sẽ bị mất giá ngay”.
Không chỉ vất vả, nghề câu “bò gù” còn đối mặt với hiểm nguy. Năm 2005, có hai tàu câu bò gù gặp nạn trên biển. Tàu của ông La Thanh Cao, ở Tam Quan Bắc bị vỡ do mắc cạn, thiệt hại trên 100 triệu đồng; còn tàu của ông Lê Tấn Phước ở Tam Quan Nam gặp nạn tại ngư trường Khánh Hòa làm 8 ngư dân thiệt mạng…
|
Chuẩn bị đá cho chuyến đi mới.
|
* Còn đó những trăn trở
Chiều ngày 20.2, anh La Văn Nga, cán bộ khuyến ngư của xã Tam Quan Bắc, đưa tôi đến thăm Cảng cá Tam Quan Bắc. Có hai chiếc tàu vừa cập bến. Đó là tàu của ông Nguyễn Văn Khoẻ và ông Nguyễn Danh đều ở thôn Thiện Chánh 1. Ra khơi từ ngày mồng bốn tháng giêng, sau hơn hai mươi ngày đánh bắt, tàu ông Danh thu được 48 con bò gù, trọng lượng khoảng 2,2 tấn. Tuy nhiên, thời điểm này giá chỉ còn 90.000 đồng/kg cá loại I, 45.000 đồng/kg loại II, 15.000 đồng/kg loại III. Trong khi chỉ trước đó một ngày, ông Nguyễn Bình bán một kg cá loại I được 113.000 đồng. Đối với giá thu mua, hai ghe chỉ cần vào bến trước sau vài phút, giá cá đã chênh lệch vài nghìn một kg là chuyện bình thường. Theo anh Nga, giá cá không ổn định phần phụ thuộc vào yếu tố khách quan, như cước phí vận chuyển, sự sắp xếp của các chuyến hàng. Còn như các chủ ghe thường nói, một lý do khác là sự liên kết, “làm giá” của các cơ sở thu mua. Còn nhớ, tháng 4.2004, Sở Thủy sản đã tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh lại 13 cơ sở thu mua cá bò gù trên địa bàn tỉnh, nghiêm cấm các cơ sở thu mua thông đồng ép giá ngư dân, nếu không chấp hành sẽ bị đình chỉ hoạt động. Dẫu vậy, đến nay, khi ngư dân được mùa cá, vẫn phập phồng lo giá xập xình…
Để tăng cường hiệu quả đánh bắt, thời gian qua, tổ sản xuất trên biển đã bắt đầu hình thành. Mục đích của việc thành lập các tổ sản xuất trên biển nhằm tăng khả năng liên kết, tương trợ lẫn nhau khi gặp thiên tai trên biển. Các tổ khai thác cá ngừ đại dương sẽ luân phiên vận chuyển sản lượng khai thác cá ngừ đại dương về cơ sở thu mua, chế biến; sau đó, tàu này vận chuyển xăng, dầu, đá, lương thực, thực phẩm ra cung ứng cho các tàu khác. Hình thức tổ chức này sẽ giảm chi phí sản xuất, giúp các tàu tăng thời gian bám biển.
Mùa chính của cá bò gù ở Hoài Nhơn bắt đầu từ giữa tháng chạp đến hết tháng hai. Ngư trường chính nằm ở 14-15 vĩ độ Bắc và 110-117 kinh độ Đông. Mùa phụ vào tháng sáu, tháng bảy âm lịch, ngư trường đánh bắt ở 14-15 vĩ độ Bắc và 110-117 kinh độ Đông, gần quần đảo Trường Sa. |
Đến nay, xã Tam Quan Bắc đã có 6 tổ sản xuất có quyết định thành lập của xã, hơn 10 tổ tự thành lập chưa có quyết định. Mỗi tổ thường có từ ba đến sáu thuyền cùng mở biển một ngày, đánh bắt ở khu vực khá gần nhau. Các tàu thường gởi cá để mang vào bán, đảm bảo độ tươi của cá, tránh hiện tượng cá bị “hạ cấp” từ loại I xuống loại II. Thông thường, từ lúc câu lên đến ngày vào bờ chỉ từ 10 đến 15 ngày, cá mới đủ độ tươi để xếp loại I.
Ở xã Tam Quan Nam, ngư dân cũng đã có ý thức tự giác trong việc liên kết sản xuất. Tuy vậy, hình thức tổ sản xuất ở đây chưa được hình thành có quy củ như ở Tam Quan Bắc. Anh Trương Quang Hân giải thích: “Xã Tam Quan Nam không nằm trong dự án triển khai việc hình thành các tổ sản xuất, ngư dân chưa được tiếp cận với những chế độ ưu đãi khi tham gia tổ sản xuất. Mặc khác, các chủ tàu lớn còn e ngại trong việc tham gia tổ sản xuất, bởi mỗi người thường có “địa bàn” và bí quyết đánh bắt riêng trên biển. Do vậy, mô hình này vẫn chưa được nhân rộng”.
|