Dù vẫn còn khó khăn, nhưng giờ đây, bộ mặt xã Bình Tân (Tây Sơn) đã rất khác so với bảy, tám năm về trước. Hiệu quả từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước như 134, 135, dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng… cùng sự vững vàng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới của xã đã vực Bình Tân đi lên, dần bỏ lại sau lưng đói nghèo, khó khổ.
|
Trụ sở UBND xã Bình Tân được xây dựng khang trang. Ảnh: H.S
|
* Những đổi thay “chóng mặt”
Do công việc, tôi đã được nhiều lần ghé qua Bình Tân. Mỗi lần đến, cảm nhận về Bình Tân là sự đổi thay đến… “chóng mặt”. Những con đường bê tông, đường cấp phối phẳng lì chạy dọc ngang nối hầu khắp các thôn trong xã. Đặc biệt, đoạn đường dài 18km cheo leo, khúc khuỷu từ thôn Mỹ Thạch lên thôn M6 (nơi có 45/173 hộ là đồng bào dân tộc Bana sinh sống) ngày nào còn tung bụi đất mịt mù mỗi khi ôtô đi ngang qua, nay cũng đã được bê tông khá phẳng phiu. Con đường này “ngốn” hết 2,4 tỉ đồng, là toàn bộ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng từ Chương trình 135 của xã trong hai năm 2006- 2007. Đến M6, hầu hết 45 hộ đồng bào Bana ở đây đều đã được hỗ trợ kinh phí để xây nhà và cấp đất sản xuất (tổng cộng 10ha). Điều kiện sinh sống của người dân M6- thôn heo hút nhất của xã đặc biệt khó khăn Bình Tân- nơi có đến hơn 45% số hộ thuộc diện nghèo, đã được cải thiện đáng kể với đầy đủ điện, đường, trường, nước sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất. Chỉ riêng công trình nước sạch, Nhà nước đã đầu tư đến 5,3 tỉ đồng để đưa nước từ sông Quéo về làng và xây dựng các cụm lấy nước phục vụ cho dân.
Đổi thay ở Bình Tân còn ở điều kiện sản xuất nông nghiệp với hệ thống kênh mương nội đồng được nâng cấp, bê tông hóa. Hiện 2km kênh mương tưới cho những cánh đồng thôn An Hội và Mỹ Thạch đang được thi công. Trước đó, đập tràn bờ Bạn (thôn Thuận Ninh) được nâng cấp, giúp người dân địa phương yên tâm hơn trong việc đồng áng. Không những thế, trong ba năm 2006- 2007, gần 500 lượt hộ nghèo ở Bình Tân còn được hỗ trợ lúa giống và vật tư phân bón để sản xuất 30 ha lúa; một số mô hình trồng bắp và lúa lai cũng được triển khai... Mới ngày nào về Bình Tân, cán bộ xã còn than thở: “Xã thuần nông nhưng đất đai bạc màu, canh tác phụ thuộc nước trời nên phát triển sản xuất khó lắm”. Giờ thì, lúa nước và mì đang lên xanh nhờ… thủy lợi. Mỗi công trình được đầu tư ở Bình Tân đối với người dân thật vô cùng ý nghĩa.
Ngoài các Chương trình 135 (xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất với mức hỗ trợ 400 triệu đồng/năm); Chương trình 134 (đầu tư, hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con dân tộc Bana ở M6), từ năm 2005, Dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng lại tiếp tục “rót” kinh phí cho Bình Tân với mức đầu tư hơn 1 tỉ đồng/năm. Từ chương trình này, nhiều công trình dân sinh do dân bầu chọn (theo tiêu chí của chương trình) tiếp tục được triển khai, như: đường giao thông liên thôn, kênh mương, nhà văn hóa… Ngoài ra, các chương trình trồng 5 triệu ha rừng, vay vốn giải quyết việc làm… cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển KT-XH ở địa phương. Từ một xã bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh và không được thiên nhiên ưu đãi, “gương mặt” Bình Tân đã thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người dần tăng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm, từ gần 35% (2006) xuống còn gần 21% (2008) và dự kiến sẽ ở mức dưới 20% trong năm nay.
|
Bộ mặt Bình Tân đang đổi thay từng ngày.
|
* Chuyển động từ “bộ máy”
Cái mốc mà người ta ghi nhận sự bắt đầu đổi thay ở Bình Tân được xác lập vào năm 2002, khi Chương trình 135 bắt đầu được triển khai và xã được tăng cường cán bộ huyện về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Trước đó, Bình Tân đã trải qua nhiều bất ổn, xáo trộn, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, nhân dân mất lòng tin vào cán bộ. Sau hơn một năm làm việc, “đoàn công tác” được giải thể, riêng đồng chí Nguyễn Văn Thành (một trong ba cán bộ tăng cường) vẫn được phân công trụ lại với Bình Tân. Anh Thành đã giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và đến tháng 7.2004, anh được chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã cho đến nay.
Trò chuyện với anh Thành, chúng tôi cảm nhận về một Chủ tịch xã đầy tâm huyết với công việc và quê hương. Chính quyền cấp cơ sở là nơi phải triển khai, thực thi, cụ thể hóa tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên công việc khá bộn bề, lại tỉ mỉ, chi tiết. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương, anh Thành đã cùng tập thể lên kế hoạch, chương trình công tác cho từng công việc. Việc điều hành, lãnh đạo cũng rõ ràng và khách quan hơn. Chưa lúc nào, công tác cán bộ lại có vai trò quan trọng, quyết định như ở Bình Tân lúc ấy. Trước đây, khi cán bộ mất đoàn kết, buông lơi trách nhiệm, mọi việc cứ u u, minh minh. Còn bây giờ, công việc nào cần triển khai tại địa phương đều được đưa ra bàn bạc và thống nhất trong tập thể lãnh đạo… Để thay đổi được những điều tưởng như bình thường ấy, thật không dễ dàng gì đối với Bình Tân. Nhưng anh Thành và tập thể lãnh đạo mới ở đây đã làm được.
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế- xã hội, xã còn chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, đoàn thể. Năm 2001, Đảng bộ xã chỉ có 56 đảng viên thì nay đã tăng hơn gấp đôi. Ban chấp hành các tổ chức chính trị và đoàn thể đều có quy chế làm việc rõ ràng. “Cán bộ là gốc của mọi công việc” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thực tế ở Bình Tân đã nói lên điều đó. Anh Thành cho biết: “Hàng năm, ngoài ngân sách theo quy định là 10 triệu đồng, xã đều chi thêm khoảng 70- 80 triệu đồng “đầu tư” cho cán bộ đi học.
Dù làm được nhiều việc cho quê hương, nhưng anh Thành vẫn khá dè dặt, khiêm tốn khi nói về mình. Còn với người dân Bình Tân, họ tự hào có ông Chủ tịch xã mới. Ông Tám Bi, một người dân thôn Mỹ Thạch, nhận xét: “Từ lúc ông Thành làm Chủ tịch xã, Bình Tân đã phát triển hơn lúc trước rất nhiều. Đường sá được xây dựng lại, bà con không còn phải ở nhà dột nát, ai cũng làm lúa lai hai vụ ăn chắc”… Còn người Bana ở thôn M6 thì chỉ biết nắm thật chặt “cái tay” của ông Chủ tịch, mắt rưng rưng xúc động… Đồng chí Huỳnh Văn Tân, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, nhận xét: “Đồng chí Thành là người có tinh thần trách nhiệm cao, phẩm chất đạo đức tốt. Chịu khó đi sâu đi sát bà con, tận tụy với công việc và có khả năng tập hợp anh em…”.
|
Thế hệ tương lai của Bình Tân. - Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Bình Tân.
|
* Còn những trăn trở
Năm 2008, Bình Tân đã giã từ… “Chương trình 135”. Hai thôn khó khăn nhất là M6 và Thuận Ninh đang được tiếp tục đầu tư để cùng thoát khỏi cái nghèo, cái khó. Nhớ lại năm 2005, lần đầu tiên tôi gặp anh Thành tại Bình Tân và được nghe anh nói về những dự định của mình trong lãnh đạo xã phát triển kinh tế- xã hội. Lúc đó, anh khẳng định chắc nịch: “Xã sẽ không còn “đặc biệt khó khăn” trong thời gian không xa nữa!”. Và nay thì anh (và tập thể lãnh đạo xã) đã làm được…
Theo quyết định của huyện, đầu tháng 3 này, anh Nguyễn Văn Thành cũng sẽ kết thúc nhiệm vụ “cán bộ tăng cường” của mình ở Bình Tân. 8 năm, là quá dài đối với một quy trình luân chuyển cán bộ và với Bình Tân, anh cũng đã có nhiều nỗi buồn, vất vả, cực nhọc hơn niềm vui. Thế nhưng, trước lúc rời Bình Tân, tâm trạng anh Thành vẫn bộn bề nỗi lo. Băn khoăn nhất của anh là làm sao có được đội ngũ cán bộ kế cận đủ năng lực và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của xã trong giai đoạn mới.
Ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, không có nghĩa là hết nghèo. Chỉ riêng việc mỗi năm, hiện tượng sa bồi, thủy phá đã cướp đi của nông dân 60-70 ha đất sản xuất và phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để khắc phục hậu quả cũng là một gánh nặng. Ước mơ về hệ thống tuyến đê bao sông Quéo (dài khoảng 10 km) vẫn là những hy vọng trong anh và những người nông dân ở đây; rồi tỉ lệ hộ nghèo sẽ còn phải giảm nhiều hơn, nhiều hơn nữa…
Xã thuần nông rồi cũng sẽ phải bớt thuần nông hơn để bà con có thể được hưởng giá trị kinh tế cao hơn từ công việc sản xuất của mình. Anh Thành cho biết, xã đã đầu tư mở được điểm tiểu thủ công nghiệp tại Truông Dài với diện tích 8 ha. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ được thuê đất để mở xưởng chế biến sắn sấy khô, xưởng cưa, gạch ngói, trại mật… phục vụ việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân địa phương.
Bình Tân đã chuyển động. Nhưng không phải tất cả những “bánh xe” trong “guồng máy” ấy đều đã vận hành một cách trơn tru. Ai sẽ về thay anh Thành? Đó là bài toán còn bỏ ngỏ của Huyện ủy Tây Sơn. Và dù với ai, anh Thành vẫn muốn trao đổi một bài học kinh nghiệm tưởng như rất cũ: đoàn kết để phát triển!
|