Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Xuân Nhân đã có gần 40 năm điền dã, sưu tầm, biên soạn các công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG). Năm nay đã ở tuổi 76, xem ra, ông vẫn rất tâm huyết với việc giữ gìn vốn quý văn hóa dân gian…
* Học trò... Bộ đội...… rồi Thư ký
NNC Nguyễn Xuân Nhân sinh năm 1933, tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Tú tài, Nguyễn Xuân Nhân xung phong gia nhập Vệ quốc quân, tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đến năm 1955, ông chuyển ngành về dạy Toán ở tỉnh Thái Nguyên. Chỉ ba năm sau, ông được điều về làm Trưởng phòng chuyên môn của Ty Giáo dục Thái Nguyên…
|
NNC Nguyễn Xuân Nhân (bìa trái) tại Đại hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1995. |
- Đi bộ đội rồi về dạy học, sau đó chuyển sang làm quản lý khi mới 25 tuổi. Ông đảm đương công việc như thế nào?
Nhờ có kiến thức nền tảng vững vàng, lại chịu khó vừa làm vừa học, nên tôi nhanh chóng thích nghi. Làm Trưởng phòng chuyên môn của Ty Giáo dục được ba năm, tôi được điều về làm Hiệu trưởng một trường ở Thái Nguyên. Làm quản lý, nhưng tôi bố trí thời gian để đi học tại chức ngành Văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1966, vừa học xong, Khu Giáo dục Việt Bắc lại điều tôi làm chuyên viên chỉ đạo dạy môn Văn. Gần 10 năm công tác ở đây, tôi luôn cố gắng thực hiện công việc với tất cả tâm huyết; đồng thời, học thêm để cập nhật kiến thức, nâng cao chuyên môn.
- Sau đó, ông lại được điều về Hà Nội, công tác ở Bộ Giáo dục?
Bộ Giáo dục điều động tôi về làm thư ký ở Phòng Tổng hợp, chuyên theo dõi mảng giáo dục miền núi. Ba năm làm việc ở đây, tôi có trách nhiệm làm thư ký cho lãnh đạo Bộ Giáo dục khi họ đi công tác ở các tỉnh miền núi. Ngoài ra, còn giúp các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng mô hình trường điểm, tổ chức hội nghị cấp Quốc gia về giáo dục miền núi…
- Ấn tượng đọng lại trong ông về những năm làm việc ở Bộ Giáo dục là gì, thưa ông?
Ham học - Khiêm tốn- Liêm khiết. Đó là ấn tượng trong tôi khi nghĩ về các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục thời ấy. Ngày ấy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Thứ trưởng Võ Thuần Nho (em Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là những người có trình độ học vấn cao, có thể nói là những học giả uyên thâm, nhưng lại rất khiêm tốn, giản dị và liêm khiết. Những tỉnh miền núi có điều kiện khó khăn thường được các vị đến thăm, quan tâm hỗ trợ. Họ còn đến tận các trường học nằm ở các bản làng heo hút để động viên thầy cô, học sinh; đốc thúc xây dựng phong trào giáo dục ở địa phương. Làm nhiều việc, nhưng tôi thấy họ vẫn thường xuyên tự học để nâng cao trình độ, năng lực làm việc. Họ là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.
* “Dù thiếu ăn, cũng không để sinh viên ngừng sưu tầm văn học dân gian”
Năm 1978, ông Nhân được điều về làm Chánh Văn phòng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khi đó mới được thành lập. Sau một thời gian tham gia giảng dạy bộ môn văn học, năm 1987, ông được bầu làm Chủ nhiệm Khoa Văn và làm nhiệm vụ này cho đến năm 1991.
- Được biết, thời bao cấp, ngay cả khi cái ăn còn chưa có đủ, ông vẫn đưa sinh viên đi thực tế về các địa phương để sưu tầm văn học dân gian?
Tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của các việc điền dã, sưu tầm văn học, VNDG. Đây là “vàng” mà dân gian còn lưu giữ được qua nhiều thế hệ. Có những cái, nếu mình không kịp thời sưu tầm, nghiên cứu thì sẽ mất hẳn. Những năm bao cấp khó khăn, ngay cả những lúc Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn thiếu lương thực để cấp cho sinh viên, tôi vẫn quyết không để sinh viên ngưng việc sưu tầm văn học dân gian. Chính tôi và đồng nghiệp lặn lội đi tiền trạm về thôn, xã; liên hệ với các hợp tác xã nhờ giúp đỡ lương thực, kinh phí. Đổi lại, hoàn thành xong công tác sưu tầm, chúng tôi tặng lại cho địa phương bộ tư liệu sưu tầm được, để họ gìn giữ. Nhờ vậy, chúng tôi đã thực hiện được rất nhiều chuyến đi thực tế sưu tầm văn học dân gian ở trong và ngoài tỉnh, thu được nhiều tư liệu nghiên cứu có giá trị.
|
NNC Nguyễn Xuân Nhân thời còn làm Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (năm 1991). |
- Tham gia những chuyến điền dã như vậy, sinh viên gặt hái được gì, thưa ông?
Nó tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thấy được sức sống của VNDG lan tỏa mạnh mẽ như thế nào ở các làng quê. Về tư tưởng, nó giúp cho sinh viên gắn bó với quần chúng, biết làm công tác vận động quần chúng và quan trọng nhất là khám phá kho tàng VNDG phong phú, đặc sắc của người lao động. Về nghiệp vụ, điền dã sẽ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng sưu tầm, ghi chép, cũng như bước đầu biết cách chỉnh lý tài liệu sưu tầm được một cách khoa học.
* “Sẽ ngừng sưu tầm VNDG khi nào mắt mờ, chân không đi được”
Đến nay, NNC Nguyễn Xuân Nhân đã có gần 40 năm sưu tầm, biên soạn các công trình nghiên cứu về VNDG công phu, có chất lượng. Ông là một trong ba hội viên đầu tiên của Hội VNDG Việt Nam tại Bình Định và được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội VNDG Bình Định từ khi được thành lập (năm 1996) đến nay.
- Có ý kiến cho rằng VNDG sẽ dần mất đi trong đời sống hiện đại. Ông có đồng ý?
Đã có cuộc tranh luận rất lớn giữa các NNC theo hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng VNDG luôn tồn tại cùng thời đại; quan điểm thứ hai cho rằng nó sẽ mất đi và thay bằng văn học quần chúng. Tôi ủng hộ quan điểm thứ nhất, bởi VNDG, bằng các hình thức khác nhau, có thể nói được những điều “không tiện” nói ra. Đây chính là vũ khí của nhân dân lao động để bảo vệ sự công bằng, bình đẳng, dân chủ trong cuộc sống. Mà điều này thì luôn luôn nảy sinh và tồn tại cùng thời đại.
- Phương pháp nghiên cứu VNDG của ông là như thế nào?
Tôi không nghiên cứu VNDG hoàn toàn dựa vào những lời truyền khẩu, mà luôn đọc thêm nhiều nguồn tư liệu, tham khảo thêm các công trình nghiên cứu của những người đi trước; đồng thời, đầu tư thời gian, công sức đi thực tế tại những nơi đã có hoặc chưa có nguồn tư liệu. Từ đó, có sự so sánh, đối chiếu để đưa ra những nhận định, tư liệu chính xác nhất.
|
NNC Nguyễn Xuân Nhân trong chuyến sưu tầm ở thành Hồ (Phú Yên) năm 2007. |
- Ông nhận xét như thế nào về VNDG Bình Định?
Khi nói chuyện vui thân tình với nhau, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam - GS.TS Tô Ngọc Thanh - vẫn hay nói rằng, ông Nhân luôn tự hào về VNDG Bình Định, có tư tưởng cho rằng VNDG ở Bình Định là “vua” ở khu vực. Tôi nói: Thì Bình Định xứng đáng như thế, vì nơi này có một bề dày trầm tích văn hóa, lịch sử rất đáng tự hào. Sự tự hào này không chỉ vì đây là quê hương thứ hai của tôi, mà còn xuất phát từ những nhận định dựa trên cơ sở của một đời làm công tác nghiên cứu. Những năm qua, Chi hội VNDG Bình Định đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị của các hội viên, nhưng vẫn còn đó nhiều “kho báu” VNDG cần được đầu tư “khai quật” và gìn giữ.
- Đã 76 tuổi, ông vẫn lặn lội đi khắp các vùng miền núi hiểm trở để sưu tầm VNDG. Ông định bao giờ thì dừng lại?
Các công trình tiêu biểu của NNC Nguyễn Xuân Nhân: “Cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh”, “Văn học dân gian Tây Sơn”, “Truyện cổ thành Đồ Bàn”, “Các Ngôi sao Tây Sơn”. Chủ biên các tập: “Địa chí văn hóa xã Cát Nhơn”, “Mấy vấn đề văn hóa văn nghệ dân gian Bình Định”, “Văn hóa cổ truyền các làng quê Bình Định”…
Các giải thưởng: Giải B Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu, cùng nhiều giải thưởng và bằng khen của Hội VNDG Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định. |
Nhiều lúc, đi thực tế ở các vùng núi sâu hiểm trở như Vân Canh, Phú Yên, ngồi xe ôm vượt các con dốc cheo leo hàng giờ đồng hồ, xương cốt người già như tôi cứ như muốn rớt ra. Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với niềm vui được đi đến nghiên cứu những nơi mà mình chưa đến, có được những phát hiện mới. Ở đời, khen chê là vô cùng. Có người nói tôi “già mà hâm” (cười), nhưng tôi đã sống như thế và sẽ luôn sống và làm những gì mình thích, đi theo con đường mình đã chọn. Tôi sẽ đi sưu tầm VNDG đến khi mắt mờ không nhìn thấy, chân đau không đi được mới thôi.
- Nhưng cả đời nghiên cứu VNDG, ông vẫn ở căn nhà tập thể cấp bốn đã cũ, đi chiếc xe đạp cà tàng còn cũ kỹ hơn. Có lúc nào ông nghĩ đến chuyện được - mất không?
Mất thì cũng nhiều đấy. Nhưng tôi bằng lòng và thanh thản với cuộc sống thanh bạch. Nhờ gắn bó với VNDG, tôi hiểu được con người, cuộc sống, văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để thêm yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, lại được góp công sức để gìn giữ VNDG cho đời sau. Tôi nghĩ, cuộc đời mình như thế là đã được rất nhiều…
- Cảm ơn ông. Chúc ông luôn khỏe để có thể thực hiện được những tâm huyết của mình.
|