Hơn mười năm trước, độc giả Báo Bình Định đã có dịp cùng nhà báo Quang Khanh thực hiện chuyến điền dã về núi Bà tìm kiếm trâu lung qua phóng sự “Theo dấu trâu lung”. Chuyến đi ấy từ hướng thôn Tường Sơn, xã Cát Tường (Phù Cát). Giờ trâu lung vẫn còn đấy, song núi rừng đã bớt đi vẻ hoang lặng bởi những dự án trồng bạch đàn, trồng keo… Trâu lung không muốn gặp con người, nên đã dần đi về phía núi cao. Đầu tháng ba này, nhà báo Vũ Đình Thung lại tiếp tục làm chuyến tìm kiếm trâu lung trên núi Bà, từ phía thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng…
|
Núi Bà nhìn từ phía Cát Hải. Ảnh: Trần Sự
|
* Thân gửi giữa đại ngàn
Khi biết tôi có ý định theo dấu đàn trâu lung ở núi Bà, anh bạn tôi mách: “Cậu nên về thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng, ở đó có nhiều gia đình đến mấy thế hệ cha truyền con nối nghề nuôi trâu thả núi và hiện có không ít người chuyên đi bắt trâu lung”.
Trên đường về Cát Hưng, tôi ghé qua thôn Hòa Tây, xã Nhơn Hạnh (An Nhơn) để nhờ người bạn chỉ dẫn lộ trình và được biết, ngay ở đây cũng có nhiều gia đình nuôi trâu thả trên núi Bà… Ông Võ Ngọc Vinh kể: “Vào những năm 1960-1961, cha tôi (cụ Võ Cật, 95 tuổi) cùng những chủ trâu ở đây phải lùa trâu băng qua sông Đại An, leo đèo Tó Mọ để thả chúng lên núi Bà kiếm ăn. Trên đỉnh núi Bà có các lũng cỏ bạt ngàn: Hóc Man, Nước Lớn, Gò Đu là “đất hứa” của trâu. Mỗi tháng, chủ trâu lên núi thăm một lần, chủ yếu là để xem chúng có bị thương tích gì không mà “tra” thuốc chữa trị. Đến vụ sản xuất, những con trâu đực được dắt về cày ruộng, xong mùa vụ thì cho “thượng sơn”. Nếu gia đình có công việc cần tiền thì lên dắt chúng về bán. Cứ nghĩ chúng đen đủi giống nhau là vậy, nhưng thực tế không con nào giống con nào, từ nét mặt, dáng sừng đến xoáy lông, các chủ trâu đều thuộc nằm lòng trâu của mình nên dù có bị lạc 3, 4 năm chủ cũ vẫn nhận ra”.
Về xã Cát Hưng, tôi may mắn gặp được cụ Trương Hùng (85 tuổi), một người rất am hiểu về trâu lung. Cụ Hùng chỉ tay về hướng núi Bà và nói: “Dân sống ven núi Bà nuôi trâu thả núi đã đành; ngày trước, nhiều địa chủ ở Lòng Sông, Gò Bồi, Nước Mặn (Tuy Phước) như các ông Lê Bộ, Đào Nuỗng, ông Bửu… vẫn mua trâu đàn lùøa sang bên này, thuê người địa phương thả lên núi và trông nom, đến mùa thì dắt chúng về. Nhiều người dân thôn Lộc Khánh (Cát Hưng) sống được cũng nhờ nghề chăn trâu thuê này”.
|
Đàn trâu tắm ở hố Chanh.
|
* Khi trâu bị “lung hóa”
Cụ Trương Hùng nhớ lại: Những năm 60 của thế kỷ trước, không ai đếm xuể trâu trên núi Bà. Ở phía nam núi Bà có trâu của dân các xã Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng; ở phía bắc của xã Cát Hải, Cát Tiến, Cát Thành. Đó là chưa kể những đàn trâu “ký gửi” của dân các huyện lân cận. Đàn nhỏ 5 đến 7 con, đàn lớn hàng vài ba chục con. Đến năm 1967-1968, chiến sự xảy ra ác liệt, núi Bà trở thành căn cứ địa cách mạng và là tâm điểm của những cuộc không kích, pháo kích, càn quét của địch. Dân cư di tản, đàn trâu lâu ngày không được chủ lên thăm lại bị đạn bom rượt đuổi hóa thành trâu lung.
Anh Lê Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Hưng, kể: “Năm 1984, hai cha con ông Tám, ở xã Cát Hải, trên đường lên núi Bà dắt trâu của mình về thì gặp phải trâu lung. Vừa thấy dáng người, nó đã lao vào tấn công anh con rể. Dẫu đã nằm sát mặt đất, nhưng anh con rể vẫn bị đôi sừng móc rách bẹn, may mà được cấp cứu kịp thời. Năm kia, ông Chín Khéo ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, có con trâu đực bị hóa lung không lùa về được. Hôm ấy, có người cùng làng lên núi lùa đàn trâu của mình về bán, ông Chín Khéo bỗng thấy con trâu lung của mình theo cái trong đàn trâu ấy trở về. Mừng quá, ông gọi thêm người anh đến tìm cách dắt trâu về thì lập tức bị nó húc lủng bụng, chết tại chỗ. Ông Chín Khéo lao vô cứu anh cũng bị nó húc toét đùi phải đi cấp cứu”. Cụ Trương Hùng kể thêm: “Mới năm ngoái, con trâu lung của bà Nhượng ở thôn Mỹ Thuận (Cát Hưng) đêm nào cũng xuống khu dân cư phá hoa màu. Bà Nhượng sợ nó gây chết người lên xã báo cáo, UBND huyện phải cho bộ đội xuống phục kích bắn chết tại chân núi Bà”.
Trâu lung hung hãn là vậy, thế nhưng ở những làng ven rừng có vẫn có những người chuyên đi mua rẻ trâu lung, rồi lên núi bắt chúng về bán hoặc đi bắt thuê cho chủ trâu.
|
Cổng chặn trâu lung xuống núi phá xóm làng.
|
* “Nghệ thuật” bắt trâu
Nhận được cú điện thoại “gửi gắm” của lãnh đạo UBND xã Cát Hưng (Phù Cát), ông Trịnh Hưng Tiên (66 tuổi) ở thôn Hội Lộc, một “khắc tinh” của lũ trâu lung ở núi Bà nhiệt tình: “Chú muốn nhìn thấy trâu lung thì trưa mai theo tôi. Buổi sáng lũ trâu còn đi ăn trong rừng sâu; phải đợi đến trưa, trời nóng lên, trâu dắt nhau ra các hố nước đầm mình, lúc đó phục ở các hố nước thì thấy”. Ăn xong bữa cơm trưa, chúng tôi lên đường. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Tiên chinh phục những con dốc một cách nhẹ nhàng, còn tôi thì mệt bở hơi tai. Cúi xuống con suối nhỏ, chụm bàn tay vốc một vốc nước đưa lên mũi ngửi, ông Tiên giải thích: “Nước suối này chảy từ hố Cây Xoài xuống. Nếu có lũ trâu đang đầm mình trên ấy thì trong nước sẽ có mùi trâu. Như vậy là không phải tìm lung tung, cứ trực chỉ hố Cây Xoài là sẽ gặp chúng”.
Sau hai giờ leo núi, trước mắt chúng tôi hiện ra một cái cổng ngáng đường được làm bằng những khúc cây rừng chắc chắn: “Đây là cái cổng dân làng làm để chặn lũ trâu lung theo con đường độc đạo này xuống phá làng phá xóm”. Ông Tiên vừa nói vừa để mắt đến từng ngóc ngách trong rừng. Chỉ vào một nhánh cây được chặt gác ngang ngay ngã rẽ với một nhánh đường nhỏ, ông giải thích: “Tôi đã làm dấu như vậy trên mọi ngã rẽ trong rừng để phòng khi phải tìm lũ trâu, nhìn ngã rẽ nào mất nhánh cây làm dấu là biết chúng đã đi qua đó. Khoanh vùng như vậy, việc tìm trâu sẽ đỡ vất vả hơn”. Ngoài những cách tìm trâu kể trên, thỉnh thoảng ông Tiên còn dừng lại ở những hố nước, nhìn dấu chân của lũ trâu để định hướng chúng đang kiếm ăn ở vùng nào trên ngọn núi Bà rộng đến 40 cây số vuông này. Ông Tiên nêu kinh nghiệm: “Mùa nắng, chỉ cần “phục” ở các hố nước là tìm ra chúng, mùa mưa nơi nào cũng có nước nên không bao giờ chúng tìm đến hố, phải theo dấu chân thì tìm chúng mới ra”.
|
Một chú trâu lung vừa hạ sơn. |
Trâu lung là những con trâu có chủ hẳn hoi. Thế nhưng, theo tập quán chăn nuôi của người dân ở những địa phương sống ven núi Bà thuộc huyện Phù Cát, chúng được thả lên núi tự kiếm sống, tự sinh sản lập bầy đàn. Trâu lạc chủ, lâu dần, hóa thành “trâu lung” hung dữ, gặp người, thậm chí gặp lại chủ cũ, chúng cũng không ngần ngại tấn công. |
Ông Tiên tiết lộ: “Vũ khí đầu tiên mà người bắt trâu cần có là tính kiên trì. Sau khi phát hiện ra địa bàn trâu lung ở, cùng lúc, những người bắt trâu phải tìm ra một hóc rừng hiểm trở để đặt rông bẫy trâu ngay trên con đường chúng thường đi. Các trụ đứng của rông bẫy phải được làm bằng cây rừng sống thật vững chắc. Khi những con trâu đã bị dẫn dụ vào đường độc đạo, những thành viên trong nhóm bắt trâu (thường từ 5 đến 7 người) tìm cách đánh đuổi chúng chạy vào bẫy rông. Sau khi đóng được cổng rông, các thợ bắt trâu phải đứng vòng quanh bẫy, dùng cây uy hiếp không cho lũ trâu đi vòng quanh rông, móc sừng vào các thanh ngang của bẫy, nếu không chúng sẽ phá tung cái bẫy dễ như bỡn. Tiếp đến là dùng dây thừng đánh nài, thắt thòng lọng khóa cặp sừng trâu, cột chặt vào cây sống. Nếu gặp trâu dữ, cần phải dùng thêm bốn dây thừng đánh nài cột bốn chân chúng vào bốn cái cây khác.
Làm xong các công việc trên, cứ mặc lũ trâu tức tối quậy phá. Khi thấy chúng đã đuối sức, thợ bắt trâu sẽ tiếp tục thắt dây khóa mồm gió, buộc vào trụ rông. Loại khóa này không cho trâu cử động vì mỗi khi cử động cái khóa dây sẽ siết chặt mồm làm trâu rất đau. Tiếp theo là dùng dây kẽm gai dài khoảng 3-4m, đầu được mài nhọn xỏ qua mũi con trâu, rồi buộc dính vào dây đầu (dây khóa sừng). Không nên dắt chúng về liền sau khi bắt mà nên để sang ngày sau khi chúng đã mệt lã và đói, không còn sức kháng cự. Trước khi dắt trâu đi, cần phải dùng thêm một dây khác để cột khóa cặp sừng với một chân trước để khi trâu bước đi, đầu con trâu sẽ bị chân kéo gục xuống, không còn thế để chạy nhảy”.
Người đủ “gan” đối mặt với trâu lung và nắm bắt được kỹ thuật bắt trâu không nhiều, nên họ đi “sưu tầm” những chủ nuôi có trâu lung bất trị mua rẻ trâu tại rừng, nếu bắt về suôn sẻ, thuần hóa xong, mỗi con trâu bán lại được cả chục triệu đồng. Thỉnh thoảng, lại có người thuê bắt trâu lung, mỗi con trâu bắt được sẽ được ăn chia đến 8/10 phần trong tổng giá trị con trâu.
|