“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”
9:36', 15/3/ 2009 (GMT+7)

Lâu nay, “Hảo Gò Sành” (tức ông Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành - Vijaya - Chămpa, số 173 đường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) vẫn là người đề xuất nên những ý tưởng lạ.

Mới đây, ông có ý tưởng về việc tổ chức một Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội với chủ đề “Sắc xuân dâng Bác” ngay trong dịp Tết Canh Dần - năm 2010, nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Bình Định với công chúng Thủ đô và bạn bè trong và ngoài nước. Và nếu được tổ chức, đây sẽ là hoạt động mở màn cho năm Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một cuộc trao đổi với ông Hảo về ý tưởng này...  

 

Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp) 

 

* Khi đề xuất ý tưởng này, hẳn ông đã hình dung ra những mục tiêu mà “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội” muốn hướng tới?

- Mục tiêu chính của Tuần văn hóa, trước tiên là muốn đem những thành quả trong công cuộc dựng xây quê hương Bình Định hôm nay chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và dâng lên Bác. 

Hoạt động này cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Định với công chúng Thủ đô và đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Nói cách khác, trong ý tưởng của tôi, Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội sẽ như một Festival Bình Định tổ chức ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội và đây sẽ là hoạt động hưởng ứng ngay ở thời điểm mở màn của năm Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

* Lâu nay, đã có một số tỉnh, thành trong cả nước tổ chức tuần văn hóa tại Hà Nội. Với “Sắc xuân dâng Bác”, trong ý tưởng của ông, có gì khác?

- Quả là những tuần văn hóa như Tuần văn hóa Huế tại Hà Nội đã tổ chức nhiều lần rồi. Các tuần văn hóa này thường muốn quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa của địa phương, nên vẫn tập trung vào các hoạt động như triển lãm, giới thiệu các nghề truyền thống và ẩm thực, với cách tổ chức phần nhiều mang tính sân khấu hóa. Với “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”, trong ý tưởng của tôi, sẽ giới thiệu những nét đặc sắc trong vỉa tầng văn hóa Bình Định, nhưng không phải thông qua những hoạt động sân khấu hóa, mà chủ yếu vẫn là đem những nét đặc sắc của văn hóa Bình Định như vẫn được tồn tại trong đời sống thường nhật, ra với Thủ đô.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 28 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng Tết, sẽ tổ chức các hoạt động ở ba điểm. Trong khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ có sắp đặt nghệ thuật 1.000 chậu mai vàng bên cạnh vườn Đào; tại Gò Đống Đa, sẽ tổ chức gói và nấu 1.000 bánh Tét khao Tết và tổ chức biểu diễn võ thuật và tuồng Bình Định; tại Bảo tàng Dân tộc học, sẽ trưng bày bộ sưu tập gốm cổ Gò Sành - Chămpa, tổ chức biểu diễn tuồng, võ thuật và đêm đối tửu ba miền. Mỗi địa điểm, tùy tính chất, sẽ tổ chức vào thời điểm phù hợp. Chẳng hạn, sắp đặt nghệ thuật 1.000 chậu mai vàng sẽ khai mạc vào ngày 28 Tết; nấu bánh Tét tại Gò Đống Đa từ ngày mùng 3 để đến mùng 5 Tết sẽ khao Tết, biểu diễn võ thuật và hát tuồng; còn việc trưng bày gốm diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học trong cả tuần nhưng đêm đối tửu sẽ tổ chức vào tối mùng 7 Tết, để khép lại một Tuần văn hóa.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Hảo (trái) và Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
 

* Hãy nói về hoạt động đầu tiên: sắp đặt 1.000 chậu mai vàng trong khuôn viên Lăng Bác. 1.000 chậu mai vàng nở hoa giữa sắc xuân Thủ đô, cho “đào mai hội ngộ” giữa mùa xuân Thăng Long. Ý tưởng thì hay nhưng thưa ông, liệu có khả thi?

- 1.000 cây mai sẽ thể hiện cho 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội. Sắc vàng rực rỡ của mai vàng nở cạnh sắc thắm của hoa đào, ấy là sự hội ngộ đầy ý nghĩa, gợi nhớ về cành đào Nguyễn Huệ khi đem về Phú Xuân tặng cho Ngọc Hân. Điều đặc biệt nữa, đó là những chậu mai được ươm trồng từ những mầm mai qua bàn tay  dưỡng nuôi và chăm sóc của những nghệ nhân Bình Định. Giá trị của chúng vậy là không phải ở việc được mua nhiều hay ít tiền, mà quan trọng là mỗi sắc hoa và dáng hoa đã mang theo sắc vóc tinh thần, đất đai, khí chất của người Bình Định trong đó. Đây cũng là dịp để chúng ta quảng bá, giới thiệu thương hiệu mai vàng Bình Định nữa.

Còn về tính khả thi? Tôi tính, mỗi năm, các làng mai trong tỉnh xuất từ 10.000 đến 20.000 chậu mai, thì việc có 1.000 chậu mai đem ra Hà Nội là khả thi. Trong 1.000 chậu ấy, sẽ có 900 chậu mai quân và 100 chậu mai tướng (mai nghệ thuật). Mai quân thì nếu chúng ta đặt hàng ngay từ bây giờ cho các làng mai trong tỉnh thì không khó. Khó nhất là 100 chậu mai tướng. Nhưng khó không đồng nghĩa với việc không thể làm được. Khi biết về ý nghĩa và có sự khuyến khích, chắc chắn các nghệ nhân sẽ ủng hộ.

* Để tổ chức các hoạt động trên, ít nhất, chúng ta phải huy động cả trăm người ra Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán. Vậy ông đã tính đến cái khó của sự huy động này khi đưa ra ý tưởng? 

- Bạn hỏi về chuyện huy động nhân lực và vật lực trong dịp Tết? Nếu bạn từng chứng kiến Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 thì hẳn bạn đã cảm nhận khí chất người người Bình Định thế nào. Họ đã háo hức, mong đợi đến thế nào, để ngay những đêm mưa tầm tã, vẫn có vài ngàn người tập trung nơi chân cầu Thị Nại để chờ màn biểu diễn và thả đèn hoa đăng.

Như vậy, vấn đề còn lại ở đây là liệu chúng ta có khơi được lòng người hay không, có khích lệ được cái khí chất của người Bình Định hay không. Mà một khi đã “khơi” được rồi, thì sự đóng góp, sự hy sinh vài ngày Tết để lo cho việc chung, ấy chỉ còn là chuyện nhỏ trong khí chất của người Bình Định. Hơn nữa, với những người tham gia vào Tuần văn hóa, đây sẽ là một cái Tết đặc biệt với họ. Họ sẽ ra Hà Nội, sống trong không khí náo nức chào đón Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và thấy tự hào hơn về những đóng góp của quê hương Bình Định trong dặm dài lịch sử dân tộc. 

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái) và họa sĩ Trần Khánh Chương tham quan Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành.

 

* Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong ý tưởng của ông là đem những giá trị, di sản văn hóa Bình Định ra Hà Nội, nhưng không bằng các đoàn chuyên nghiệp mà thông qua các đoàn dân gian. Ông có thể giải thích thêm về điều này?

- Như tôi đã nói, trong ý tưởng của mình, tôi muốn đem những gì là tinh túy nhất trong di sản văn hóa Bình Định ra với công chúng Thủ đô. Và võ, tuồng Bình Định chính là những giá trị văn hóa tinh thần vô giá như vậy.

Nhưng đặc trưng của võ Bình Định là đã sinh thành và phát triển từ các làng võ; tuồng Bình Định đã có sự thành hình các làng tuồng. Vậy thì, giới thiệu võ và tuồng Bình Định phải bắt đầu từ yếu tố văn hóa làng này. Như võ, tôi dự tính sẽ mời ba đội võ từ ba làng võ nổi tiếng của Bình Định là An Thái, An Vinh và Thuận Truyền; còn tuồng sẽ mời một CLB tuồng không chuyên. Nghĩa là tôi muốn đem những di sản từ cái nôi sinh thành và dưỡng nuôi nên chúng và cũng chính ở đó, tức là trong lòng người dân Bình Định, những di sản ấy đã tồn tại vượt qua bao biến thiên của lịch sử, khó khăn của đời sống. Giá trị của di sản cũng nằm ở đây, ở lý do mà di sản ấy còn tồn tại và được nhân dân trải lòng đón nhận.

Bởi thế, tôi quyết định chọn một CLB tuồng dân gian, các đội võ thuật đến từ các làng võ, thay vì mời các đoàn chuyên nghiệp, dù rằng tôi vẫn biết, mời các đoàn chuyên nghiệp thì sự huy động sẽ dễ dàng hơn nhiều.

* Vậy nếu ý tưởng này được chấp nhận, thì kinh phí để tổ chức sẽ lấy từ đâu, thưa ông?

- Với các hoạt động như đã kể trên, kinh phí để tổ chức sẽ không nhiều và huy động từ nguồn xã hội hóa. Tất nhiên, để từ ý tưởng thành hiện thực, không chỉ tiền là đủ, mà trước tiên, cần sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành liên quan, mà trực tiếp là ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Hội Sinh vật cảnh Bình Định, cũng như sự chung lòng của mọi người. 

* Xin cảm ơn ông. Chúc cho ý tưởng của ông sẽ thành hiện thực.

  • Nam Sơn (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…   (22/02/2009)
Chênh vênh mùa rong mứt  (16/02/2009)
Đi dầu ở Dốc Bay  (09/02/2009)
Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường  (08/02/2009)
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)
Tháng Chạp này ở làng lá xóm Soi  (14/01/2009)
Ươm những vườn lan  (12/01/2009)