Nhờ nguồn lợi thủy sản dồi dào mà đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) đã giúp hàng trăm hộ dân của bốn xã ven đầm: Mỹ Thắng, Mỹ Châu, Mỹ Đức và Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ) có cuộc sống ổn định; nhiều hộ trở nên khá giả. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lợi này đang bị đe dọa do nạn xung điện có nguy cơ tái diễn trở lại...
|
Đánh bắt tôm, cá trên đầm Châu Trúc.
|
* Đêm trên đầm
Đầm Châu Trúc không chỉ là một thắng cảnh đẹp, mà còn là nguồn sống của hàng trăm hộ dân ven đầm. Hoạt động đánh bắt tôm, cá của người dân ven đầm Châu Trúc hầu như diễn ra suốt cả ngày, đêm, với nhiều nghề khác nhau. Người thả lưới, kẻ giăng câu, làm nghề nò sáo; hay đánh lờ, đơm, dẹp... Việc đánh bắt trở nên nhộn nhịp nhất là vào khoảng ba, bốn giờ sáng. Vào thời điểm này, những người đánh bắt vẫn chèo ghe ra đầm kiểm tra lưới, dẹp, lờ... rồi đem sản phẩm đánh bắt được xuống chợ bán.
Sau hơn một giờ theo ghe ông Nguyễn Văn Viên (thôn 8, xã Mỹ Thắng) ra đầm, chúng tôi được chứng kiến hoạt động đánh bắt của người dân lúc đêm về. Ai cũng hồ hởi sau một đêm đánh bắt hiệu quả. Theo lời những ngư dân này, tùy đánh bắt được nhiều hay ít, mà mỗi đêm, họ thu nhập được từ 50 đến 100 ngàn đồng từ tiền bán tôm, cá; có người còn kiếm được tới vài trăm ngàn đồng.
4 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại một chợ cá được người dân tụ họp ngay giữa thôn 8, xã Mỹ Thắng. Cảnh mua bán diễn ra dưới ánh đèn pin khá nhanh chóng, chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Chợ tan, thương lái bắt đầu phân loại cá để đưa đi bán lại ở các chợ. Ước tính, mỗi đêm người dân ven đầm đánh bắt hơn một tấn cá, tôm... để mang bán khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.
|
Ông Nguyễn Văn Viên (thôn 8, xã Mỹ Thắng) vui mừng với thành quả sau một đêm đặt lờ.
|
* Nguồn sống từ đầm
Nguồn lợi thiên nhiên từ đầm Châu Trúc phong phú tới mức, ven đầm, có nhiều hộ gia đình nối tiếp nhau làm nghề khai thác thủy sản trên đầm, có cuộc sống ổn định; trong đó, có một số hộ đã khá lên.
Ông Phạm Đình Thiết (thôn 8, xã Mỹ Thắng), có hơn 40 năm làm nghề đánh bắt trên đầm, tâm sự: “Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác sống ven đầm, đã ba, bốn thế hệ phụ thuộc vào nguồn sống chính từ đầm. Chỉ cần một người làm nghề cũng có thể nuôi năm, sáu người trong gia đình”.
Thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, là nơi có nhiều người làm nghề đánh bắt thủy sản trên đầm nhiều nhất. Toàn thôn có 350 hộ dân thì đã có hơn 200 hộ chuyên hành nghề này. Ông Trương Văn Quý, Trưởng thôn Châu Trúc, dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh thôn, rồi vào nhà một số hộ dân sống ven đầm. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nhà nào ở Châu Trúc cũng được xây dựng khá khang trang, sắm đủ các vật dụng sinh hoạt thường nhật.
Để giải đáp cho sự phát triển vượt trội của thôn Châu Trúc, ông Trưởng thôn chỉ tay ra đầm, khẳng định: “Tất cả là nhờ nguồn lợi của đầm mang lại!”. Rồi ông giải thích: “Ở thôn này, diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít, nên toàn thôn có gần 200 hộ không có đất sản xuất. Nguồn thu nhập chính để họ nuôi sống gia đình là từ đánh bắt trên đầm”.
Ông Nguyễn Thành Bước (40 tuổi, ở xóm 2, thôn Châu Trúc) cho biết: “Gia đình tôi gồm năm người, không có lấy một sào ruộng để sản xuất, nên chỉ trông chờ vào nguồn lợi từ đầm. Nguồn lợi này không những giúp tôi xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà, mà còn giúp nuôi ba đứa con ăn học, trong đó, một đứa đang học đại học”.
Bên cạnh việc đánh bắt, một số hộ dân ven đầm cũng đã biết khai thác những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao của đầm, đem về nhà, xây hồ thả nuôi. Hiện xã Mỹ Thắng có sáu hộ chuyên nuôi chình mun và chình bông; ba hộ nuôi cá bống tượng, xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc... Ông Huỳnh Ngọc Trung (ở thôn 7, xã Mỹ Thắng), một trong những hộ đầu tiên nuôi chình và cá bống tượng, cho hay: “Trước nguy cơ loại chình và cá bống tượng tự nhiên trên đầm bị cạn kiệt, trong khi giá trị kinh tế của chúng mang lại khá cao, nên tôi đã mạnh dạn vay vốn làm hồ nuôi. Bước đầu, tôi đã xuất được một đợt cá bống tượng, thu lãi hàng chục triệu đồng, còn chình thì chỉ mới nuôi được hơn một năm”.
|
Hồ nuôi chình của ông Huỳnh Ngọc Trung (xã Mỹ Thắng).
|
* Tái diễn nạn xung điện
Nguồn lợi từ đầm Châu Trúc mang lại khá lớn, nhưng có thời điểm, nạn xung điện trên đầm diễn ra rầm rộ, đã làm cá, tôm bị cạn kiệt. Nghiêm trọng nhất là vào hai năm 2006, 2007; khi đó, nhiều ngư dân lâu nay vẫn đánh bắt thủ công trên đầm đã phải bỏ nghề, tỏa đi khắp nơi để làm thuê, làm mướn, vì nguồn lợi thủy sản trong đầm cạn kiệt. Đầu năm 2008, đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý khai thác bảo vệ và phát triển thủy đặc sản vùng đầm Châu Trúc” do Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Bình Định triển khai, các xã ven đầm đã thành lập nhóm hạt nhân quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm. Các nhóm hạt nhân thường xuyên tổ chức các đợt truy quét đối tượng xung điện. Nhờ đó, nạn xung điện giảm, nguồn thủy sản trong đầm bắt đầu dồi dào trở lại.
Đầm Châu Trúc rộng khoảng 1.200 ha, có nguồn thủy sản dồi dào, phong phú. Hơn 500 hộ dân của bốn xã ven đầm: Mỹ Thắng, Mỹ Châu, Mỹ Đức và Mỹ Lợi có nguồn sống chính từ việc đánh bắt tôm, cá trên đầm. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận đầm Châu Trúc là khu bảo tồn vùng nước nội địa. Do vậy, thời gian tới, đầm sẽ được đầu tư kinh phí quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; triển khai các dự án điều tra, nghiên cứu để bảo vệ môi trường; phục hồi, tái tạo nguồn thủy sản trên đầm; hỗ trợ để đảm bảo nguồn sống cho dân ven đầm… |
Theo những người dân sống quanh đầm, thời điểm đó, cá, tôm, thậm chí chình xuất hiện khá nhiều. Người dân đêm nào cũng đánh bắt được khá, người ít kiếm được cả trăm ngàn đồng, người nhiều tới vài trăm ngàn đồng. Ông Tăng Vân Lưu (ở thôn 8, xã Mỹ Thắng), cho biết: “Chỉ dẹp được nạn xung điện trong một thời gian ngắn mà tôm, cá trên đầm xuất hiện rất nhiều; con nào cũng lớn. Ngư dân chúng tôi vẫn bắt được những con cá rô phi nặng tới 5 kg, cá chép 4, 5 kg, cá lóc 7 kg, cá trắm cỏ 7, 8 kg là thường...”.
Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, nạn xung điện trên đầm bắt đầu tái diễn trở lại, số người tham gia lại có phần đông hơn trước. Nguyên nhân là các nhóm hạt nhân hoạt động không còn hiệu quả như trước; trong khi các đối tượng xung điện hành nghề tinh vi và táo tợn hơn. Đa số những người trong nhóm hạt nhân cũng là những người đánh bắt trên đầm, nên bọn xung điện biết mặt, tìm cách trả thù bằng cách phá lưới, bẻ dẹp, chặt ghe... Ông Trương Xuân Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Liên xã Bảo vệ nguồn lợi đầm Châu Trúc, người vốn rất quyết liệt trong việc bắt các đối tượng xung điện, cũng đã bị các đối tượng này tìm đến tận nhà chặt chiếc ghe của ông ra làm 12 mảnh để dằn mặt.
Ông Vũ cho biết: “Mỗi đêm, các đối tượng xung điện thu từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Nguồn lợi lớn, nên chúng ngày càng liều lĩnh. Trong khi đó, các nhóm hạt nhân chỉ hoạt động tự nguyện, không có chế độ gì, dụng cụ hỗ trợ làm nhiệm vụ cũng không. Chúng tôi đề nghị tỉnh hoặc huyện nên thành lập một đội chuyên trách, có lương, để họ thường xuyên đi dẹp nạn xung điện. Mặt khác, UBND huyện nên thành lập một tổ công tác với công an là lực lượng chủ công; đến tận từng nhà những hộ tham gia xung điện để vận động, cam kết từ bỏ”.
Theo ông Lê Xuân Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Châu Trúc: Nếu không tổ chức truy bắt và xử lý nghiêm những đối tượng xung điện, thì nguồn lợi thủy sản trên đầm Châu Trúc sẽ cạn kiệt và hàng trăm hộ dân sống ven đầm có nguy cơ thiếu đói.
-
Bài: Nguyễn Phúc
-
Ảnh: Văn Lưu |