Người “có lòng” với cuộc đời
8:46', 22/3/ 2009 (GMT+7)

Ở Tây Sơn, ông Võ Bách, 85 tuổi, ngụ ở thôn Phú Hòa (xã Tây Xuân) được nhiều người biết tiếng. Đập dâng nước Lộc Giang xây lại năm 1988 và “đường ông Võ Bách” ở thôn Phú Hòa là hai công trình ghi đậm dấu ấn của ông. Ông cũng là người sống rất rộng rãi, sẵn sàng đóng góp số tiền lớn cho các công trình dân sinh ở địa phương, giúp đỡ láng giềng khi họ gặp khó khăn. Ông làm tất cả những điều ấy một cách nhiệt tình và vô điều kiện.

 

“Đường ông Võ Bách” ở xóm Hòa Tây, thôn Phú Hòa. Ảnh: N.S

 

* Những công trình tâm đắc

Năm 1949, ông Võ Bách đi bộ đội, đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Sau đó, ông có thời gian làm nhiệm vụ ở Lào, rồi được điều về Nam chiến đấu. Sau giải phóng, ông đi học Đại học Quân sự, rồi về công tác tại Sư đoàn 333. Năm 1984, ông nghỉ hưu.

Nghỉ hưu, nhưng ông Bách không nghỉ ngơi. Ông hăng hái tham gia công tác địa phương với 6 năm làm Bí thư Đảng bộ xã Bình Phú, 4 năm làm Bí thư Đảng bộ xã Tây Xuân và 7 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Sơn.

Ông kể:

Lúc ấy là năm 1986, tôi đang là Bí thư Đảng bộ xã Bình Phú. Công trình đập Lộc Giang lấy nước từ Hầm Hô chỉ tưới được cho 5 ha ruộng của xã. Mặc dù khi đó đã có công trình thủy lợi Kiền Giang, nhưng vẫn còn hàng ngàn ha lúa khác không có nước tưới, nông dân làm hai vụ không ăn chắc. Mặt khác, đập được làm từ thời Tây Sơn, đắp bằng đất, nên hễ mưa là bị xói trôi. Tôi thấy bức xúc và quyết tâm cải thiện tình hình.

Cần nói thêm rằng, cả trong thời Pháp và Mỹ, chính quyền cũ dù thấy được khả năng cải tạo công trình này, nhưng vì nhiều lý do nên không làm được. Vì thế, khi tôi quyết tâm chủ trương xây dựng lại đập Lộc Giang, nhiều người không tin. Có người còn nói rằng: “Nếu ông Bách làm được tôi đi đầu xuống đất”.

- Vậy ông vận động, thuyết phục họ thế nào?

Ông Võ Bách

Tôi nói công trình này hoàn toàn có thể làm được, vì qua thực tế thấy cuối nguồn thấp hơn đầu nguồn đến 4,5m. Tôi làm báo cáo gởi huyện đề nghị cho làm, đồng thời đề xuất chủ trương cho dùng công lao động công ích của người dân cả huyện trong hai năm để tập trung cho công trình này. Tôi cũng cam kết chịu trách nhiệm nếu có tham nhũng, và cố gắng hoàn thành trong vòng 24 tháng.

Công trình đập Lộc Giang được thi công với việc xây lại đập chính bằng bê tông kiên cố dài 139m, gấp đôi đập cũ, khơi rộng dòng chảy và kéo dài mương từ vài trăm mét lên 4,5km. Đập hoàn thành đã cung cấp nước cho 800 đến 1.000ha lúa. Năm 1989, năm đầu tiên sau khi có đập mới, sản lượng lúa của xã Bình Phú tăng từ 950 tấn lên 2.100 tấn. Công trình hoàn thành, ông Võ Bách được UBND tỉnh tặng bằng khen. Còn ở địa phương, có ý kiến đề nghị vinh danh ông là hậu hiền, cùng với hai bậc tiền hiền có công xây đập Lộc Giang là Lê Kim Bảng và Lê Kim Bôi.

- Còn con đường bê tông từ Quốc lộ 19 chạy xuống xóm Hòa Tây (thôn Phú Hòa) mà nhiều người vẫn trìu mến gọi là “đường ông Võ Bách”?

Đường này dài 1,5km, lúc trước mùa mưa lầy lội, giao thông cách trở khiến nông sản của bà con trong vùng bán bị ép giá. Heo hơi ở ngoài bán 12.000đ/kg, ở đây chỉ bán được 10.000đ/kg. Năm 2001, xã chủ trương làm đường bê tông và huy động mỗi hộ đóng góp theo diện tích ruộng là 21.000đ/sào/năm, đóng trong 5 năm như vậy thì mới đủ làm đường. Tôi thấy vậy thì lâu quá, nên đề xuất huy động gấp 10 lần mức đó để làm trong một năm. Mà như thế thì cũng chỉ được 28 triệu đồng, trong khi phải 50 triệu mới đủ làm.

- Vậy mà đường vẫn hoàn thành…

Tôi nghĩ làm con đường này là làm cho tương lai, cho con cháu mình nên cá nhân tôi ủng hộ 20 triệu đồng. Tôi cũng cam kết với xã sẽ huy động được người dân đóng góp, trên cơ sở làm cho người ta thấy được cái lợi khi có đường mới.

- Việc triển khai làm đường thế nào, thưa ông?

Tôi lên kế hoạch chia thành từng giai đoạn; thành lập một tổ giám sát thi công và thu tiền dân đóng góp do tôi làm tổ trưởng; đề xuất cử một tổ làm nhiệm vụ nắm bắt dư luận liên quan đến việc làm đường để có hướng điều chỉnh phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhờ vậy, tôi thu được đủ tiền theo kế hoạch và hoàn thành con đường trong vòng một năm chứ không phải kéo dài 5 năm. 

* “Ở phải, gặp chuyện phải cũng phải”

- Còn chuyện ông hay giúp đỡ người nghèo trong xóm?

Vợ chồng tôi có một quỹ cơ động khoảng 35 đến 40 triệu đồng để giúp họ hàng, con cháu, chòm xóm khi họ ngặt nghèo. Có người mượn vài năm, có người mượn vài chục năm, có người mượn vài triệu và trả dần mỗi lần vài trăm ngàn. Có khi không sẵn tiền, tôi cho họ mượn vàng.

- Tiền đó là từ lương hưu của ông, bà?

Chỉ mình tôi có lương hưu thôi, còn bà nhà tôi thì không. Mỗi tháng vừa tiền lương, vừa tiền thương binh, tôi được 5,5 triệu đồng. Tôi chi tiêu cũng thoải mái, theo nhu cầu chứ không hà tiện lắm đâu. Tiền còn dư tôi để dành.

- Những trường hợp nào ông giúp đỡ đáng nhớ nhất?

Gần nhà tôi có bà giáo Nhện chồng chết, phải nuôi mẹ già đau nằm một chỗ. Con bà giật hụi người ta, thế chấp nhà cửa rồi bỏ đi. Trước nguy cơ bị tịch thu nhà, bà Nhện đến nhà tôi khóc nhờ giúp. Tôi cho bà mượn 500 ngàn trả lãi ngân hàng. Mấy năm sau, nhiều lần bà bảo định thế ruộng để trả nợ cho tôi nhưng tôi bảo thôi. Sau bà Nhện đau chết, coi như tôi cho luôn bà ấy số tiền đó.

Trước Tết vừa rồi, cô hàng xóm cất nhà nhưng không có tiền làm nền, bà nhà tôi thấy vậy cho mượn ngay 2 chỉ vàng để làm nhà tươm tất mà ăn Tết.

- Nhưng người ta nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, ông không xót sao?

Không. Không cho họ mượn thì mình tiêu cũng hết. Cho họ mượn mà lấy tiền lãi thì tiêu cũng hết.

Tôi có một chuyện cũ nhớ mãi. Hồi chiến tranh, tôi đi chiến đấu, vợ ở nhà làm ruộng. Có lần tôi về thăm gặp lúc nhà đang sạ và cả xóm đến làm giúp. Tôi bảo vợ nấu cơm cho họ ăn nhưng họ gạt đi rằng: chú đi chiến đấu, tụi tui ở nhà phải giúp đỡ cô, vậy thôi. Trong chiến tranh, bà con giúp đỡ mình nhiệt tình như vậy thì bây giờ mình cũng phải giúp lại họ. 

Ông Bách vừa nói xong, vợ ông ngồi cạnh chồng tiếp lời: “Mình ở phải, gặp chuyện phải cũng phải”.

* Không giúp được người ta thì bứt rứt trong người

- Tôi còn biết ông cũng rất quan tâm đến công tác khuyến học?

Bây giờ, học vấn là cần thiết và khuyến học là chăm lo cho đời sau. Là trưởng tộc họ Võ, trong hai năm 2004-2005, tôi huy động được 200 triệu đồng vào quỹ khuyến học của họ, trong đó tôi đóng góp 20 triệu đồng. Ngoài ra, mấy năm qua, tôi cũng ủng hộ phong trào khuyến học của xã tổng cộng 13 triệu đồng… Tôi mong muốn cả xã hội đều chăm lo cho việc học.

- Cuộc sống của ông hiện tại thế nào?

Tôi có hai con trai, đều trưởng thành và ở xa. Con trai cả là tiến sĩ, đang định cư ở Đức. Con trai thứ là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Gia Lai. Giờ nhà chỉ còn hai vợ chồng già, mỗi tuần tôi đi chợ hai lần, về lại nấu ăn vì vợ tôi đau yếu, không làm được.

- Các con ông có ý kiến gì về những việc ông làm không?

Các con tôi chỉ khuyên ba làm công tác xã hội nhiều nên phải giữ gìn sức khỏe.

- Ông tâm niệm điều gì về cuộc sống?

Tôi nghĩ thế này: Mình đi chiến đấu là vì dân vì nước, trong đó có gia đình mình; khi về, xã hội yêu cầu cần phải có cuộc sống chan hòa, mọi người đùm bọc lẫn nhau. Nên nếu không giúp người ta thì thấy bức xúc trong người lắm.

Với những việc làm rất thiết thực trong thời gian qua, ông Võ Bách đã được Huyện ủy Tây Sơn chọn là đại biểu của huyện đi dự Hội nghị điển hình sơ kết 2 năm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn tỉnh.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, những việc mà ông Võ Bách đã làm ấy, không đơn giản chỉ là xuất phát từ tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”. Tôi gọi đó là tấm lòng với cuộc đời. Còn ông, ông khiêm tốn nói rằng ông làm những điều đó bởi nghĩ rằng dân tin vào Đảng chính là tin vào hành động của người đảng viên.

  • Nguyên Sương (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguồn sống bên đầm Châu Trúc  (16/03/2009)
“Hảo Gò Sành” và ý tưởng tổ chức “Tuần văn hóa Bình Định tại Hà Nội”   (15/03/2009)
Trâu lung ở núi Bà  (09/03/2009)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân- “người tìm vàng”   (08/03/2009)
Chuyển động Bình Tân  (02/03/2009)
Mùa cá bò gù  (23/02/2009)
Tôi yêu đồng bào mình qua những câu hát vụng về…   (22/02/2009)
Chênh vênh mùa rong mứt  (16/02/2009)
Đi dầu ở Dốc Bay  (09/02/2009)
Đầu năm, xông đất nhà sáng chế “Hai lúa”Đào Kim Tường  (08/02/2009)
Trò chuyện với "phù thuỷ gáo dừa"  (05/02/2009)
Đằng sau những sắc hoa...  (02/02/2009)
Đón Tết cùng “gia đình Tây- Tày”   (01/02/2009)
Vĩnh Sơn mùa xuân về  (19/01/2009)
Người chiến sĩ có trái tim nghệ sĩ  (18/01/2009)